7 tác dụng tâm lý của nghệ thuật

Bất kỳ ai cũng có những khiếm khuyết trong tâm hồn. Nghệ thuật sẽ giúp chữa lành những tổn thương ấy, từ đó khiến ta toàn vẹn hơn, từ chính bên trong mình.

 

Trong Art as Therapy (Tạm dịch: Nhìn nhận Nghệ thuật như trị liệu), triết gia Alain de Botton cùng nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật John Armstrong đã khám phá mục đích sâu xa nhất của nghệ thuật, hơn cả việc phục vụ niềm đam mê cái đẹp đơn thuần:

“Nghệ thuật có sức mạnh giúp chúng ta vượt ra khỏi những khả năng thiên nhiên đã ban tặng. Nghệ thuật giúp chúng ta bù đắp vài điểm yếu bẩm sinh – trong trường hợp này, ta hiểu đó là những khiếm khuyết trong tâm hồn, chứ không phải khiếm khuyết về cơ thể.”

Hay nói cách khác, nghệ thuật giống như một dạng thức Trị liệu cho tâm hồn.

De Botton và Armstrong từ đó đã phác thảo bảy chức năng tâm lý cốt lõi của nghệ thuật:

1. Củng cố trí nhớ

Trí nhớ con người không hoàn hảo, nên dễ hiểu rằng sợ lãng quên là một trong những nguồn cơn gây phiền muộn nơi con người. Chúng ta dễ quên đi những chi tiết cụ thể về con người, nơi chốn, tòa nhà, công viên, mà ta e rằng khi kết hợp những chi tiết đó với nhau, ta có thể lãng quên một phần con người mình. Nhưng Amstrong và de Botton an ủi ta rằng, cũng giống như việc ta chỉ có thể ghi nhớ những gì quan trọng nhất, một người nghệ sĩ vĩ đại cũng là người biết lựa chọn đúng những gì nên truyền tải trong tác phẩm và cái gì nên bỏ bớt đi.

‘Ta không chỉ quan sát người phụ nữ này mà còn phải nhận biết những điểm quan trọng về cô ấy’. Johannes Vermeer, “Người phụ nữ áo xanh đọc bức thư”(1663).

Do đó, nghệ thuật không chỉ là những gì nằm trong khung hình mà bản thân nó là một cái khung định hình trải nghiệm:

 

“Nghệ thuật là một cách để bảo tồn những trải nghiệm, trong đó có rất nhiều trải nghiệm đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi mà chúng ta cần gìn giữ.”

 

2. Đem lại hy vọng

Mối quan hệ mâu thuẫn của chúng ta với cái đẹp thể hiện một nghịch lý đặc biệt: Những tác phẩm phổ biến thường có một vẻ đẹp ưa nhìn đại chúng, nhưng các nhà phê bình nghệ thuật hàn lâm lại xem chúng là các sản phẩm “suy đồi” của thị hiếu và trí tuệ. Những thứ trông ưa nhìn thường mang hàm ý chúng đang bị nhìn nhận đơn giản hóa quá mức, như thể là nếu muốn thế giới này sáng sủa hơn thì chỉ cần điểm xuyết thêm một chút hoa vào chẳng hạn. Sự ngây thơ và giản dị đó đánh lạc hướng ta khỏi nỗ lực thay đổi. Ngoài ra, giới hạn lâm luôn e ngại rằng những thứ ưa nhìn sẽ khiến ta “mất cảnh giác với những bất công xung quanh mình”.

Nhưng các tác giả lại phản biện rằng những lo lắng đó là sai lầm:

Giới ưu tú cho rằng tài năng là yếu tố cơ bản của một cuộc sống tốt đẹp, nhưng trên thực tế trong nhiều hợp, việc ta thành công hay thất bại phụ thuộc phần lớn vào ta vẽ ra bức tranh lạc quan như thế nào, ta dồn vào công việc bao nhiêu năng lượng và ta thể hiện sự nhiệt huyết với những người xung quanh về vấn đề đó đến đâu. Chúng ta có thể gặp kết cục bi thảm không phải do thiếu kỹ năng, mà bởi sự thiếu vắng niềm hy vọng.”

‘Niềm hy vọng có thể trông như thế nào?’ Henri Matisse, “Vũ điệu” (II), 1909.

Tác giả cung cấp một ví dụ:

Các vũ công trong bức tranh của Matisse không phủ nhận rằng hành tinh này đang đầy rẫy vấn đề, nhưng họ vẫn mang thái độ đầy khích lệ. Họ kết nối chúng ta với phần vô tư, thanh thản của chính bản thể mình, là phần con người giúp chúng ta đối phó với những phủ nhận, hổ thẹn mà ai cũng gặp phải. Bức tranh không gợi ý rằng tất cả đều tốt đẹp, mà nó cho thấy rằng những phụ nữ này luôn hân hoan với sự tồn tại của người khác và tất cả cùng kết hợp trong một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau.

Từ đó, chúng ta quay trở lại câu hỏi vì sao cái đẹp lại có ý nghĩa với chúng ta:

Cuộc sống của chúng ta càng khó khăn, vẻ đẹp duyên dáng của một bông hoa lại càng có thể làm chúng ta động lòng. […] Chúng ta nên tận hưởng một bức ảnh đẹp lý tưởng, thay vì đánh giá nó là sự tô hồng thực tại hàng ngày. Đơn giản, ta luôn nhận thức được rằng chẳng bao giờ có gì chắc chắn sẽ xảy ra như ta mong đợi.

3. Nhận diện nỗi buồn

Nghệ thuật không chỉ giúp ta lan tỏa cảm xúc tích cực, mà còn nhắc nhở chúng ta rằng “nỗi buồn là một phần thiết yếu cho một cuộc sống tốt đẹp”:

Chúng ta có thể thấy rất nhiều thành tựu nghệ thuật được xây dựng trên sự “thăng hoa” nỗi buồn của người nghệ sĩ, và công chúng tiếp nhận được nỗi buồn ấy. 

Thăng hoa: sự chuyển hóa của khổ đau thành cái đẹp.’ Nan Goldin, “Siobhan trong gương” (1992).

Trên tất cả, theo de Botton và Armstrong tranh luận, nghệ thuật giúp chúng ta cảm thấy bớt cô đơn trong nỗi đau khổ của chính mình; nỗi buồn riêng của chúng ta sẽ được cá nhân khác trong xã hội thể hiện thành hình ảnh mang tính biểu tượng. Tác giả cung cấp một ví dụ trong tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nan Goldin, một nghệ sĩ quan tâm đến chủ đề đồng tính:

Ta có thể thấy bức ảnh được xử lý và trau chuốt tối đa, về một cô gái trẻ, và theo cách phục trang cho thấy cô là một đồng tính nữ. Ta không nhìn được cô ấy trực tiếp, mà chỉ nhìn được một bên khuôn mặt và hình ảnh mờ nhạt của bàn tay cô. Điểm nhấn là ở cách phục sức, trang điểm mà cô ấy sử dụng. Hình ảnh trong gương là hình ảnh cô gái muốn được chúng ta nhìn thấy: nổi bật và phong cách, bàn tay khéo léo và biết nói. Bức ảnh như hiểu được khao khát của một con người muốn trở thành một phiên bản chỉn chu và thanh lịch của chính mình. Tất nhiên đây có vẻ là một mong muốn hoàn toàn hiển nhiên; nhưng trong nhiều thế kỷ, một phần vì không có Godin, ước vọng đó đã có vẻ không được biểu hiện rõ ràng đến vậy.

Từ đây, tác giả lập luận, mở ra một trong những món quà vĩ đại nhất của nghệ thuật:

 

“Nghệ thuật có thể đem lại một điểm nhìn lý tưởng để ta quan sát khổ đau của mình.”

 

4. Giúp tái cân bằng

Rất ít người trong chúng ta có thể hoàn toàn cân bằng. Lịch sử các ghi chép tâm lý, những mối quan hệ và thói quen làm việc của chúng ta cho thấy cảm xúc của chúng ta có thể nghiêng hẳn sang một hướng này hay hướng khác. Ví dụ, chúng ta có thể có xu hướng là quá tự mãn, hay quá bất an; quá tin tưởng hay quá đa nghi; quá nghiêm trọng hay quá dễ tính. Nghệ thuật có thể giúp chúng ta tiếp cận với phần nhân cách ta đang đánh mất kia, và từ đó khôi phục lại trạng thái cân bằng cho bản thể chúng ta.

Chức năng này của nghệ thuật cũng giúp giải thích sự đa dạng về thị hiếu của mỗi chúng ta – do mỗi cá nhân lại ‘mất cân bằng’ theo cách khác nhau, do đó, con người cũng tìm đến các tác phẩm nghệ thuật khác nhau để xoa dịu trạng thái của mình:

Tại sao một số người tìm đến kiến trúc tối giản còn những người khác lại thích kiến trúc Baroque? Thị hiếu của mỗi người chúng ta phụ thuộc vào những nhu cầu minh họa cảm xúc của mỗi cá nhân, vốn còn đang nằm trong bóng tối và có nhu cầu được kích thích và biểu hiện ra ngoài. Mỗi tác phẩm nghệ thuật thể hiện một tâm trạng và nhân sinh quan riêng biệt: một bức tranh có thể tạo ấn tượng thanh thản hay hồi hộp, can đảm hay cẩn trọng, khiêm nhường hay tự tin, nam tính hay nữ tính, tư sản hay quý tộc, và thị hiếu của mỗi người khác nhau phản ánh sự đa dạng về tâm lý. Chúng ta cần những tác phẩm nghệ thuật có thể bù đắp cho sự dễ tổn thương bên trong, giúp đưa chúng ta trở lại trạng thái cân bằng. Chúng ta cho một tác phẩm là đẹp khi nó mang lại cho chúng ta phần nhân cách ta đang đánh mất, và chúng ta cho một tác phẩm là xấu khi nó khơi gợi trong ta tâm trạng tiêu cực, hay về những chủ đề ta vốn đã nhấn chìm ta hàng ngày. Nghệ thuật hứa hẹn đem lại sự trọn vẹn bên trong mỗi cá nhân.

Cũng từ góc độ này, Amstrong và de Botton còn khẳng định nghệ thuật giúp khuyến khích chúng ta trở nên toàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Nếu như thông thường nếu ai đó yêu cầu ta tốt lên ta sẽ luôn phản kháng lại đầy giận dữ, thì nghệ thuật lại làm điều đó rất tự nhiên.

Họ đã kết luận chức năng này của nghệ thuật bằng một câu đúc kết hay:

 

Nghệ thuật có thể giúp ta tiết kiệm thời gian – và còn cứu rỗi cả cuộc sống của ta – bằng lời nhắc nhở thầm kín nhưng đúng lúc về sự cân bằng và hoàn thiện mà ta không bao giờ nên tự nhận rằng mình đã hiểu rõ.

5. Giúp tự hiểu mình

Chúng ta không tự cảm nhận rõ chính mình. Ta có trực giác, những hoài nghi, những linh cảm, ý nghĩ mơ hồ và nhiều cảm xúc lẫn lộn kỳ quặc, tất cả những điều không thể định nghĩa một cách ngắn gọn và minh bạch. Chúng ta có nhiều tâm trạng, nhưng ta vẫn chưa từng thực sự hiểu rõ chúng. Và rồi, đôi khi, chúng ta gặp những tác phẩm nghệ thuật dường như chạm tới được điều gì đó ta đã cảm thấy nhưng chưa từng nhận biết được cụ thể. Alexander Pope đã nhận ra một chức năng chính của nghệ thuật thơ là đem đến một cách diễn đạt hữu hình những ý nghĩ mà ta chỉ mới nhận thức được một nửa. Nói cách khác, qua nghệ thuật thơ, phần bất chợt và mờ ảo trong suy nghĩ và trải nghiệm của ta được khơi đào lên, chỉnh sửa, để ta cảm thấy, cuối cùng ta cũng nhận biết rõ bản thân mình hơn.

Không những thế, Amstrong và de Botton còn cho rằng qua nghệ thuật, ta giao tiếp được với người khác một cách thầm kín và tinh tế về những gì làm nên con người ta và những gì chúng ta tin, theo cách mà đôi khi ngôn từ chưa thể nắm bắt được đủ đầy.

6. Giúp trưởng thành

Bên cạnh việc đem lại nhận thức sâu rộng về bản thân, nghệ thuật cũng giúp ta mở rộng ranh giới về khái niệm ta là ai bằng cách giúp ta vượt qua sự sợ hãi với những thứ lạ lẫm và rộng lòng đón nhận những điều ta chưa biết.

De Botton và Armstrong đưa ra ba bước quan trọng giúp vượt qua sự phòng thủ của ta trước nghệ thuật: Thứ nhất, thừa nhận sự khác lạ mà chúng ta cảm thấy, và ta có thể cảm thông với bản thân khi có cảm xúc đó, tự nhủ rằng việc nó đến là hoàn toàn tự nhiên – thực ra rất nhiều ngành nghệ thuật ra đời từ những người có thế giới quan rất khác biệt, và thường mâu thuẫn với quan điểm của chính ta. Thứ hai, trở nên cởi mở, làm quen với sự lạ và từ đó sẽ cảm thấy thoải mái hơn với những tâm hồn đã sáng tạo ra môn nghệ thuật đó. Cuối cùng, hãy tìm ra những điểm chung của mình với người nghệ sĩ ấy, “dù điểm chung có nhỏ bé và mong manh đến đâu”, từ đó ta có thể liên hệ tác phẩm được thoát thai từ hoàn cảnh sống của họ với hoàn cảnh thực của bản thân mình.

7. Nâng cao khả năng thưởng lãm

Một trong những thiếu sót chính, và nguyên nhân khiến ta không hạnh phúc, là việc chúng ta luôn thấy thật khó để tâm tới những gì cố hữu quanh mình. Ta khổ sở vì ta đã đánh mất giá trị của những gì ta có, trong khi đó, ta lại thường khao khát, thường theo một cách vô nghĩa lý, những dạng hình hấp dẫn tưởng tượng ở đâu đó.

Khi đó, nghệ thuật có thể giúp ta hình thành thói quen chú ý vào những gì thật sự tuyệt vời và đáng được tận hưởng với niềm vui thích:

Nghệ thuật là một nguồn lực có thể giúp chúng ta đánh giá lại một cách chính xác hơn điều gì có giá trị bằng cách thử làm khác đi với thói quen thường nhật và thúc đẩy ta tự cân chỉnh lại những gì ta ngưỡng mộ và yêu thích.

‘Chú ý đến cuộc sống bình thường.’ Jasper Johns, “Vẽ bằng đồng” (1960)

Họ đã đưa ra một ví dụ từ bức tranh lon bia bằng đồng nổi tiếng của Jasper John, nó thôi thúc chúng ta nhìn vào một sự vật trần tục và thân thuộc với một cặp mắt khác:

Chất liệu nặng và đắt tiền được sử dụng để làm nên 2 lon bia đã đem cho ta cách nhìn nhận mới về tính riêng biệt và kì quặc của chúng: ta nhìn như thể trước đây chúng ta chưa từng để mắt tới mấy lon bia một lần nào, ta tò mò trước chúng như của một đứa trẻ hay một người từ trên sao Hỏa rơi xuống. Johns đã dạy chúng ta một bài học: Làm thế nào để nhìn thế giới xung quanh ta với con mắt thiện cảm và tỉnh thức hơn.

Đó là sức mạnh của nghệ thuật: Nó vừa là nhân chứng (cho) vừa hoan nghênh giá trị của điều rất đỗi bình thường, mà chúng ta vẫn luôn bỏ qua để kiếm tìm một vẻ đẹp nhân tạo vĩ đại. Nghệ thuật giúp ta nhạy cảm hơn, khiến chúng ta “tỉnh giấc” trước sự giàu có của cuộc sống thường ngày:

Phần còn lại của tác phẩm Nghệ thuật trị liệu tiếp tục với những câu hỏi muôn thuở như điều gì tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tốt, loại hình nghệ thuật nào một người nên thực hiện, nghệ thuật nên được trưng bày, nghiên cứu, mua và bán như thế nào, và rất nhiều chỉ dẫn hữu ích khác.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Brainpickings

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *