Báo động tình trạng nghiện Facebook trẻ vị thành niên

Trong hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 12.10, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đã tiết lộ nhiều trẻ vị thành niên lạm dụng mạng xã hội Facebook (FB) thái quá, dẫn đến nghiện FB.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Thanh Niên Online vừa có cuộc trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn về vấn đề này.

Những biểu hiện của hành vi nghiện FB

* Thưa ông, biểu hiện của hành vi nghiện FB bao gồm những gì?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Đó là sử dụng FB lâu hơn dự định; cố gắng thoát khỏi FB mà không thể thực hiện được; luôn nghĩ về các sự kiện và hình ảnh trong FB khi không sử dụng; tìm đến FB như một trang nhật ký cá nhân và hơn thế nữa; tiếp tục sử dụng FB bất chấp những hậu quả như suy giảm sức khỏe, sa sút học tập, thậm chí có nguy cơ mất việc hoặc gãy đổ các mối quan hệ gia đình, bạn bè; có những trạng thái cảm xúc bất lợi khi không được sử dụng FB.

Trong kết quả nghiên cứu của đề tài cũng cho thấy chỉ khoảng 10% trong số rất nhiều lượt sử dụng là tìm kiếm trực tiếp đến mục đích học tập. Còn lại thì đó là những vấn đề lãng mạn, trăn trở rất cá nhân hoặc vả những chuyện thường ngày, chuyện tầm phào hay nội dung “bà tám” thời sự được khai thác là chủ yếu…

10 biểu hiện tâm lý cụ thể của hành vi nghiện FB là: Thường xuyên nhấn like trên trang FB, vừa ăn vừa sử dụng FB, cảm thấy mỏi mắt sau mỗi lần sử dụng FB, trao đổi bất kỳ thông tin nào đó trên FB, viết lời chúc mừng sinh nhật hay thành công cho cá nhân nào đó lên tường FB của bạn, sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khi “comment” trên FB, nhận thức rằng không ai có thể áp đặt suy nghĩ và ép buộc mình trên FB, cảm thấy phấn chấn khi nhận được nhiều lời khen ngợi trên FB, dù đã cố gắng sắp xếp thời gian sử dụng FB nhưng vẫn sử dụng hơn dự kiến, muốn nổi tiếng và gây sự chú ý của người khác nên sử dụng FB.

* Trở lại với đề tài “Hành vi nghiện FB của vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi tại TP.HCM”, đâu là lý do khiến ông cùng cộng sự nghiên cứu?

– Có thể nói sử dụng FB một cách quá mức dẫn đến nghiện FB đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội Việt Nam hiện nay. Trước những ảnh hưởng tiêu cực mà hành vi nghiện FB ảnh hưởng xã hội, nhà trường và gia đình hết sức lo lắng. Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã bắt đầu đăng tải khá nhiều vấn đề liên quan đến mặt tích cực và tiêu cực của vị thành niên khi sử dụng FB cũng như ý kiến từ phía lãnh đạo nhà trường và phụ huynh về việc khắc phục tình trạng nghiện FB ở các em.

Với nhiều bạn trẻ, FB là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”. Nhưng khi lạm dụng thái quá, thì đam mê ấy lại trở thành “nghiện” và ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập. Không ít vị thành niên mải mê FB đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành.

Đó là chưa kể hàng loạt sự lệch chuẩn hành vi khi sử dụng FB đã diễn ra. Cụ thể như lên FB chửi mắng thầy cô, kết bè kết phái và gây sức ép đối với bạn bè cùng lớp, cùng trường. Sử dụng FB để đăng tải những hình ảnh quái dị, những biểu hiện của lối sống lệch lạc, hiện tượng “nói là làm” thách đố nhau trên FB diễn ra gần đây… Tất cả đều là những trăn trở xét dưới góc độ nghiên cứu cần được lý giải.

* Trong kết quả nghiên cứu ấy, những con số nào đáng chú ý và suy ngẫm?

– Trong 424 trẻ vị thành niên, là những học sinh từ 15 – 18 tuổi được nghiên cứu thì có đến 414 trẻ đang sử dụng FB, chiếm tỷ lệ 97,6%. Có đến 31,4% sử dụng FB từ khi là học sinh THCS và 25,8% sử dụng FB khi là học sinh THPT. Bên cạnh đó, có 25,1% sử dụng FB nhiều khoảng một năm trở lại đây.

Có đến 27,8% trẻ sử dụng từ 3 giờ trở lên, 19,1% sử dụng liên tục, 31,6% sử dụng FB ở bất cứ nơi nào. Trong một tuần, có 36% trẻ sử dụng FB bất cứ lúc nào rảnh và có 27,5% sử dụng FB hàng ngày. Mỗi ngày, có đến 68,6% trẻ sử dụng bất cứ lúc nào khi rảnh và sử dụng mỗi ngày. Địa điểm sử dụng FB chủ yếu là ở nhà chiếm xấp xỉ 50%.

Đáng chú ý, có 2,7% trẻ sử dụng FB trong lúc di chuyển. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn trong quá trình sử dụng FB. Nếu như trong lúc di chuyển mà sử dụng FB thì rất dễ gây ra tai nạn nhất là trong lúc điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.

Trong số 414 trẻ có sử dụng FB được khảo sát thì kết quả có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa và 0,2% ở mức nghiện nặng.

Một kiểu của hành vi nghiện mới

* Theo ông thì kết quả này có phải là đáng báo động không?

Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi nghiện FB của trẻ vị thành niên bao gồm các yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó nhóm các yếu tố chủ quan gồm: Mong muốn được nổi tiếng, gây được sự chú ý đến người khác, nhu cầu khẳng định bản thân và cảm thấy chán vì suốt ngày tham gia những hoạt động ở trường là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi nghiện FB.

– Đây là kết quả cần phải được giải quyết một cách rốt ráo. Rõ ràng là số lượng vị thành niên sử dụng FB quá nhiều, nếu không nói là gần như tối đa (trên 96%) nhưng lại chưa được định hướng hành vi sử dụng FB. Các em sử dụng FB một cách bản năng mà không được hướng dẫn hay trang bị kỹ năng. Ai sẽ thực hiện điều này nếu như không phải là “người lớn” và những người có trách nhiệm.

Xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện FB có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới. Hành vi này chưa hoàn toàn đáng sợ xét trên bình diện hậu quả lâm sàng hay hậu quả xã hội. Nhưng xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi nghiện này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh. Xét trên bình diện xã hội và văn hóa, hành vi này ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa nền tảng, sự tuân thủ những chuẩn mực văn hóa sẽ bị xem nhẹ nếu như không nói là bị “bỏ đi” khi hoạt động – hành vi sử dụng FB tùy tiện và vô tư. Lẽ đương nhiên, hậu quả lệch chuẩn trong hành vi ứng xử sẽ còn kéo dài và lan tỏa khi những cuộc ẩu đả, chém giết đã xuất hiện như hệ lụy của hành vi sử dụng FB. (Còn tiếp)

Xuân Phương (thực hiện)

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *