Cảm xúc của tôi không phải là tôi

Khi sự tự nhận thức của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến một nhận thức rất quan trọng: chúng ta không phải là cảm xúc của chúng ta.

Khi sự tự nhận thức của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến một nhận thức rất quan trọng: chúng ta không phải là cảm xúc của chúng ta.

Chúng ta luôn coi cảm xúc của chúng ta là chúng ta. Điều này được thể hiện trong ngôn ngữ chúng ta sử dụng để miêu tả nó. Ví dụ, chúng ta nói: “Tôi giận dữ”, hoặc “Tôi hạnh phúc”, hoặc “Tôi buồn”, như thể sự giận dữ, hạnh phúc, hoặc nỗi buồn là chính chúng ta, hoặc đang trở thành con người chúng ta. Đối với tâm trí, cảm xúc của chúng ta trở thành chính bản thể của mình.

Nếu tập thiền đủ, cuối cùng bạn có thể nhận thấy một sự chuyển đổi vi tế nhưng rất quan trọng – bạn có thể bắt đầu nhận ra rằng cảm xúc chỉ đơn giản là những gì bạn cảm thấy, chứ không phải con người bạn. Cảm xúc chuyển từ bản thể (“tôi”) sang trải nghiệm (“tôi cảm thấy”). Nếu tập thiền nhiều hơn nữa, có thể có một sự chuyển đổi nữa, cũng vi tế nhưng rất quan trọng – bạn có thể bắt đầu coi cảm xúc đơn giản chỉ là hiện tượng sinh lý. Cảm xúc trở thành những gì chúng ta trải nghiệm trên cơ thể, vì vậy chúng ta chuyển từ “Tôi giận dữ” sang “Tôi trải nghiệm sự giận dữ trên cơ thể tôi”.

Sự chuyển đổi vi tế này cực kì quan trọng vì nó cho thấy chúng ta có khả năng làm chủ các cảm xúc. Nếu cảm xúc chính là tôi thì gần như tôi chẳng thể làm được gì. Tuy nhiên, nếu cảm xúc đơn giản chỉ là những gì tôi trải nghiệm trên cơ thể, thì việc cảm thấy tức giận sẽ giống như việc cảm thấy đau ở vai sau khi tập nặng; cả hai chỉ là những trải nghiệm sinh lý mà tôi có thể tác động đến. Tôi có thể làm dịu chúng. Tôi có thể phớt lờ chúng và đi ăn kem vì tôi biết rằng sau một vài giờ nữa, tôi sẽ đỡ. Tôi có thể trải nghiệm chúng một cách tỉnh thức. Về cơ bản, tôi có thể thực hiện các hành động đối với chúng vì chúng không phải là bản thể cốt lõi của tôi.

Trong các truyền thống thiền có một ẩn dụ rất đẹp cho điều này. Ý nghĩ và cảm xúc giống như đám mây – có đám mây đẹp, có đám mây đen – còn bản thể cốt lõi của chúng ta là bầu trời. Đám mây không phải là bầu trời; chúng chỉ là hiện tượng trên bầu trời, hết đến rồi lại đi. Tương tự, ý nghĩ và cảm xúc không phải là chúng ta; chúng chỉ đơn giản là hiện tượng trong tâm trí và cơ thể, hết đến rồi lại đi.

Với hiểu biết này, chúng ta có thể thay đổi bên trong chúng ta.

2 bài tập giúp bạn quản lý cảm xúc

GIỐNG NHƯ VIẾT TRÊN NƯỚC

Song, cuộc sống có những tình huống bạn thực sự cần phải làm dịu những suy nghĩ hoặc cảm xúc không lành mạnh, khi đó bạn làm gì?

Tôi nghĩ câu hỏi đầu tiên phải là liệu có thể chấm dứt ngay từ đầu một suy nghĩ hoặc cảm xúc không lành mạnh, khiến nó không thể khởi lên hay không. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì điều này là không thể. Thực tế, Paul Ekman, một trong những nhà tâm lý học lỗi lạc nhất thế giới, đã nói với tôi rằng đây chính là vấn đề ông từng thảo luận với Đạt-lai Lạt-ma. Cả hai đều nhất trí rằng không thể khiến một suy nghĩ hay một cảm xúc không khởi lên được.

Tuy nhiên, Đạt-lai Lạt-ma đã bổ sung một điểm quan trọng: mặc dù chúng ta không thể khiến một suy nghĩ hoặc một cảm xúc không lành mạnh không khởi lên, chúng ta có sức mạnh để buông thả nó đi, và một tâm trí đã được rèn luyện kỹ càng sẽ có thể buông thả nó đi ngay khoảnh khắc nó khởi lên.

Đức Phật có một ẩn dụ rất đẹp về trạng thái tâm trí này. Ngài coi nó “giống như viết trên nước.” Bất cứ khi nào một suy nghĩ hoặc một cảm xúc không lành mạnh khởi lên trong một tâm trí đã giác ngộ thì nó cũng giống như viết trên nước vậy; ngay khoảnh khắc nó được viết ra, nó biến mất luôn.

ĐỪNG CHO QUÁI VẬT ĂN

Chúng ta hãy giả sử rằng những con quái vật là thủ phạm gây ra sự phiền não của chúng ta, chiếm giữ tâm trí và tàn phá cảm xúc của chúng ta. Chúng ta có thể làm gì để ngăn chúng lại đây? Chúng có vẻ vô cùng mạnh, chúng ta không thể ngăn chúng không xuất hiện trong tâm trí, và chúng ta dường như không có sức mạnh để bắt chúng đi.

Thật may là những con quái vật cần chúng ta cho ăn thì mới sống được. Nếu chúng ta không cho chúng ăn thì chúng sẽ đói, và có thể sẽ đi chỗ khác. Sức mạnh của chúng ta nằm ở đây – chúng ta không thể khiến quái vật không xuất hiện hoặc bắt chúng đi, nhưng chúng ta có sức mạnh để không cho chúng ăn nữa.

Hãy lấy ví dụ về sự tức giận. Nếu bạn thực sự tức giận ai đó và dùng thiền để xem xét sự tức giận này, bạn có thể sẽ phát hiện ra rằng sự tức giận không liên tục mà dao động không ngừng một cách vi tế. Bạn cũng có thể nhận ra rằng tâm trí liên tục cho cơn tức giận ăn bằng cách kể lại một hoặc nhiều câu chuyện hết lần này đến lần khác. Nếu bạn dừng kể các câu chuyện đó, bạn có thể phát hiện ra rằng sự tức giận dần tiêu tan vì thiếu nhiên liệu. Quái vật Tức giận cần được ăn các câu chuyện tức giận của bạn. Nếu không có câu chuyện nào để ăn, Quái vật Tức giận sẽ đói và đôi khi biến mất luôn. Bằng cách không cho Quái vật Tức giận ăn, bạn tiết kiệm được năng lực tinh thần, Quái vật Tức giận có thể để bạn yên và đi chỗ khác chơi. Quái vật Tức giận biết rằng ở nơi khác, mọi người vẫn đang cung cấp rất nhiều thức ăn tức giận.

Trích từ cuốn sách Search inside yourself – tác giả: Chade-Meng Tan

Kiều Anh Tú dịch

Xem giới thiệu về cuốn sách này ở đây : http://thaihabooks.com/san-pham/search-inside-yourself/

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *