Chung tay xây dựng văn hóa học đường

Là một tiện ích phổ biến trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, tầm ảnh hưởng của mạng xã hội ngày càng sâu rộng đối với đời sống con người, đặc biệt giới trẻ. Thời gian gần đây, các sự việc đáng tiếc liên tiếp xảy ra trong môi trường học đường có phần tác động không nhỏ từ mạng xã hội, khiến không ít người lớn phải lo lắng vì những nguy cơ tiềm ẩn mà công cụ này “mang lại” cho con em mình.

Sống ảo, hậu quả thật

“Nghiện” mạng xã hội, thích tìm mọi cách thể hiện bản thân trên mạng để câu “like” (lượt thích) và “comment” (bình luận)… đã trở thành hiện tượng không hiếm gặp trong giới học sinh, sinh viên. Giờ đây, khi máy tính cá nhân, điện thoại thông minh trở nên phổ cập, hầu như ai cũng có thể tham gia mạng xã hội. Theo số liệu thống kê của Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, tính đến nửa đầu năm 2016, tại Việt Nam đã có tới 35 triệu tài khoản được tạo; trong đó khoảng 20 triệu là hoạt động thường xuyên, trung bình mỗi ngày dành 2,5 giờ để “lang thang” tìm kiếm, chia sẻ thông tin. Và phần lớn là người dùng trẻ. Nghịch lý ở chỗ, nhiều bạn trẻ dù xem đây là thế giới “ảo”, nhưng lại vẫn muốn tận hưởng những cái “thật” từ đó; chẳng hạn như việc được nhiều người biết đến, trầm trồ tán thưởng, thoải mái ngụy tạo thông tin hay bình phẩm…

Chìm đắm trong mạng xã hội cả ngày lẫn đêm, nhiều bạn trẻ lứa tuổi học đường dễ dàng nhận những hậu quả. Nhẹ thì lơ là việc học hành, sức khỏe giảm sút về cả thể chất lẫn tinh thần. Nặng thì sa vào những hội, nhóm, trào lưu không lành mạnh. Cũng bởi tính “mở” không giới hạn và khả năng tương tác cực mạnh của mạng xã hội, mà những biến tướng lệch lạc, quái dị nảy nở và lan truyền như một loại vi-rút trong môi trường học đường. Những fanpage (trang cộng đồng) được học sinh lập ra công khai để nói xấu, lăng mạ cha mẹ, thầy cô, bạn bè với những lời lẽ cay độc và thô tục đến mức nhiều người lớn sửng sốt. Những gương mặt trẻ măng, còn mặc nguyên tấm áo đồng phục, sẵn sàng quay “live-stream” (một tính năng ghi hình và phát trực tiếp trên Facebook) cảnh hút thuốc lá hay chửi thề một cách bài bản. Điều đáng nói, các bài đăng càng tục tĩu, gây sốc, lại càng nhận được nhiều lượt thích và chia sẻ, khiến chủ nhân càng “tự hào” và tiếp tục thực hiện các hành vi thiếu văn hóa ở cấp độ mạnh hơn. Rồi đến những chuyện rất nhỏ nhặt, chỉ vài ba câu vu vơ, ẩn ý trên mạng xã hội đã có thể nảy sinh những mâu thuẫn, cãi vã, ghen tuông. Nhiều vụ học trò “xử” nhau bằng bạo lực có khi chỉ vì lời qua tiếng lại trên Facebook. Chưa kể hiện tượng “yêu” sớm, chỉ làm quen nhau qua mạng cũng gây ra không ít bi kịch.

Không dừng lại ở việc tạo hình ảnh cá nhân để “nổi tiếng”, nhiều thanh, thiếu niên còn “câu like” bằng cách làm hại người khác. Mới đây, dư luận còn chưa hết bàng hoàng, đau xót trước vụ việc một nữ sinh ở Hà Nội uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị bạn cùng lớp ghép mặt vào một tấm ảnh “mát mẻ” đăng lên mạng; lại đến một nam sinh Yên Bái cũng tự tử do bị bạn đánh, bị quay clíp và tung lên mạng xã hội. Những đoạn phim quay cảnh học sinh hành hung bạn, thậm chí xúc phạm và đánh cả giáo viên, được ghi lại ở nhiều địa phương từ thành thị đến nông thôn, từ cấp trung học phổ thông đến trung học cơ sở cho thấy sự xuống cấp đáng báo động của một bộ phận học sinh nhìn từ góc độ văn hóa học đường. Vừa qua, xuất hiện clíp có độ dài tới gần 10 phút ghi lại cảnh một nhóm học sinh nam chỉ khoảng lớp 5, lớp 6 dồn bạn vào chân tường sau giờ học và tàn nhẫn đánh đập, chửi bới mặc cho nạn nhân khóc lóc van xin, lại một lần nữa khiến những người lớn có lương tâm và trách nhiệm phải ớn lạnh. Theo PGS, TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia tâm lý học, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, những hiện tượng, xu hướng thiếu văn hóa được sự “cổ vũ” của cộng đồng ảo rất dễ khiến những người chưa thành niên có những ảo tưởng ngông cuồng, dẫn đến hành vi lệch chuẩn. Đôi lúc chính những người cổ súy cái xấu, cái ác cũng không ý thức được hành vi mà chỉ đơn thuần là muốn thể hiện cái tôi, cho rằng trên mạng thì không ai làm gì được mình cả. Một số khác lại a dua vì tâm lý ăn theo, không muốn lạc lõng, lạc hậu với chúng bạn.

Đỉnh điểm của sự biến tướng văn hóa dùng mạng xã hội trong giới trẻ là một trào lưu “mất trí” gần đây: “đủ like là làm”; không chỉ nhảm nhí, vô bổ mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân và cộng đồng. Một nữ sinh lớp 8 ở Khánh Hòa đăng lên trang cá nhân: “Nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường”. Không ngờ nhận được tới vài nghìn lượt “like” và “share” (chia sẻ), nữ sinh này đã mang một bọc xăng đến trường học châm lửa và bị bỏng phải nhập viện. Đáng chú ý, khi bài đăng của cô bé 13 tuổi đủ lượt “like” thì cô bé đã chịu sức ép rất lớn từ “cư dân mạng”, bắt phải thực hiện lời hứa nếu không sẽ bị đánh; đến khi đồng ý làm cũng được nhiều bạn bè ủng hộ, đi theo để quay clíp. “Nói là làm”, “đủ like” là tự rạch tay, khỏa thân chạy vòng quanh trường, tự thiêu nhảy xuống kênh… Vô vàn thông điệp vô nghĩa, thậm chí ngu dốt được các học trò nghĩ ra chỉ để nhận lấy sự quan tâm từ cộng đồng ảo.

Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội

Tại hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức, hầu hết đại biểu đồng ý với tham luận của hai tác giả là PGS, TS Huỳnh Văn Sơn và Ths Nguyễn Vĩnh Khương (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh), cho rằng việc nghiện mạng xã hội là một trong những biểu hiện của “sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa học đường”, bên cạnh những hiện tượng khác như bạo lực học đường hay tiêu cực trong thi cử. Ở nước ta hiện nay phổ biến nhất là Facebook, ngoài ra còn hàng chục mạng xã hội chuyên về các nội dung khác nhau, thậm chí có những trang nổi tiếng chuyên “hóng biến”, “tạo phốt” (tiếng lóng giới trẻ dùng để chỉ các sự việc giật gân, bất thường) rất được các em ưa chuộng, thường xuyên truy cập. Đối với nhiều bạn trẻ, mạng xã hội là công cụ giúp kết nối với thế giới chung quanh, thỏa mãn niềm đam mê tìm hiểu. Song khi lạm dụng, nó hoàn toàn có thể trở thành tác nhân gây ra những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc. Mặt khác, cảm giác cô đơn trong tâm sinh lý lứa tuổi, sự thiếu định hướng trong các xu hướng giải trí cũng khiến một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên trở nên thờ ơ, vô cảm và ích kỷ. Để khắc phục, thay đổi tình trạng trên, vai trò của gia đình được nhấn mạnh là rất quan trọng. Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, chia sẻ, hướng dẫn, rèn luyện con em từ những hành động nhỏ; chú ý quan sát và lắng nghe mọi biểu hiện bất thường để kịp thời tư vấn và giúp đỡ. Tránh các động thái như mắng chửi hay bắt từ bỏ mạng xã hội bởi có nguy cơ phản tác dụng, khiến các em càng bất mãn, chống đối.

Nhằm xây dựng và củng cố, nâng cao văn hóa học đường, đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” của Chính phủ đã được ban hành từ tháng 8-2015. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát ban đầu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, mặc dù hầu hết các nhà trường đã triển khai việc xây dựng, thực hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, nhưng đa số các bộ quy tắc ứng xử được xây dựng chung chung, khó nhớ, khó khả thi. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học không cần phải đóng khung, cứng nhắc, mà hoàn toàn có thể biến đổi theo những diễn biến của cuộc sống xã hội. Chẳng hạn như việc học sinh sử dụng mạng xã hội là không thể cấm được, nhưng có thể dùng biện pháp mềm mỏng để điều chỉnh, định hướng. Cụ thể, một số trường học đã đầu tư các hoạt động ngoại khóa, mời chuyên gia nói chuyện và tư vấn, cho học sinh thảo luận, tọa đàm về văn hóa mạng xã hội, từ đó rút ra những bài học. Hoặc tạo những fanpage có nội dung lành mạnh để các em tham gia, như tạp chí nội san trường học, câu lạc bộ học ngoại ngữ, diễn đàn phim ảnh, âm nhạc… thay vì các fanpage tiêu cực, kích động. Trào lưu “nói là làm” cần phải được chuyển hóa và nhân rộng thành những hành động có ý nghĩa, vì lợi ích cộng đồng. Trên thực tế, đã có nhiều nhóm bạn trẻ thông qua mạng xã hội tổ chức các hoạt động quyên góp ủng hộ người vô gia cư, trẻ em đường phố; lập hội nhóm tìm hiểu về lịch sử, văn học hay tuyên truyền về biển, đảo của Tổ quốc… TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục có một cách nhìn nhân văn: Thay vì nhắm mũi dùi chỉ trích lỗi lầm để các em phản kháng gay gắt hơn, truyền thông nên đưa thêm nhiều tiếng nói công tâm, thấu hiểu những học sinh tuổi vị thành niên.

Bên cạnh vô số tiện ích của mạng xã hội, những hệ lụy do mặt trái của nó gây ra đã và đang là vấn đề nhức nhối. Tình trạng có phần nào đó xuống cấp của văn hóa học đường đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp hành động của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Cao hơn nữa, là những căn cứ pháp lý để tạo nên môi trường tốt hơn trong trường học.

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *