DIỄN TIẾN TÂM LÝ CỦA NGƯỜI CÓ HIV (NCH) – PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

 

          Hiện nay HIV/AIDS đã trở thành một đại dịch. Không những ở trên thế giới mà ở ngay cả Việt Nam, số lượng người nhiễm HIV ngày càng tăng. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê thì trong tháng 03/2008 đã phát hiện thêm 930 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người có HIV (NCH) trong cả nước tính đến 20/03/2008 lên 141.600 người. Trong số đó có 30.200 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 16.900 người đã tử vong vì AIDS. Điều đáng sợ ở đây là ai cũng đều có thể nhiễm HIV và cho đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc đặc trị virus này, vì thế mọi người đều cảm thấy sợ hãi khi biết tin mình mang căn bệnh thế kỷ.

Phần lớn mọi người cho rằng căn bệnh AIDS là hậu quả của những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm… nên họ thường có định kiến về NCH. Một số người có sự kỳ thị và phân biệt đối xử làm cho NCH rất sợ nếu tình trạng của mình bị người khác biết. Ngay khi nhận thông tin xét  nghiệm rằng mình đã có HIV (thực chất là nhiễm HIV), sự thay đổi về tâm lý của NCH hết sức đặc biệt. Đây là những cơ sở rất quan trọng mà người nghiên cứu, bác sĩ điều trị, chuyên viên tư vấn chuyên biệt và cả những người thân cũng như chính bản thân NCH cần nhận thức rõ để có những sự xử sự hợp lý.

* “Sốc”

Dẫu rằng một người có chuẩn bị về mặt tâm lý tốt đến đâu đi chăng nữa thì cũng không tránh khỏi sẽ bị sốc khi biết mình nhiễm HIV. Sốc là kết quả của một sự việc đến thật bất ngờ, ngoài dự đoán và hậu quả của nó hết sức nghiêm trọng, từ đó gây cho chủ thể một sự lúng túng, hoang mang cực độ vì không biết phải ứng xử ra sao? Người trong trạng thái sốc có thể có nét mặt hoảng hốt, dường như muốn ngất, im lặng, nói những điều vô nghĩa, thậm chí không thể nói được hoặc chỉ có thể thốt lên: “tại sao điều này lại xảy ra với tôi?” và sẽ phủ nhận điều đó.

          Hầu như không có ai dự trù là mình sẽ nghĩ gì, làm gì nếu nhiễm HIV. Bởi vì không có “kế hoạch” đề phòng trước nên khi HIV “xâm nhập” thì sẽ gây ra sự rối loạn về tâm lý. Lúc này, cách tự vệ đầu tiên của NCH là phủ nhận sự việc đó để đảm bảo nhu cầu an toàn khỏi bị đe dọa, để tự trấn an mình. Họ nghĩ rằng “bác sĩ chắc đã nhầm” hay “điều đó không thể xảy ra được, tôi cảm thấy rất khỏe mạnh cơ mà”. Không muốn tin một điều là cách mà nhiều người sử dụng một cách vô thức để bảo vệ bản thân khỏi những đe dọa do HIV/AIDS tạo ra. Cảm giác chối bỏ có thể được tạo ra bởi nỗi sợ hãi bị những người thân yêu rời bỏ. Trong giai đoạn này chủ thể thường không muốn nói về điều mất mát hay điều vừa mới xảy ra bởi vì nếu nói về điều này có nghĩa họ đã thừa nhận sự mất mát.

Con người có thể rất tức giận khi biết rằng họ bị nhiễm HIV. Sự giận dữ này có thể do một số nguyên nhân: họ cảm thấy tội lỗi và trách móc bản thân “tại sao mình làm thế để rồi bây giờ mang căn bệnh thế kỷ này?”; họ tức giận với người đã lây bệnh cho mình và tức giận với chính căn bệnh AIDS. HIV/AIDS là đối tượng vô hình nên sự chống đối trong tư tưởng của chủ thể đối với HIV/AIDS rất có thể được di chuyển sang đối tượng khác như đồ vật (đập phá đồ đạc) hay người khác (gây hấn với người thân). Dấu hiệu của sự giận dữ là: đỏ mặt, cau có, bĩu môi, cao giọng, quát mắng người nhà hoặc bạn bè, bồn chồn, im lặng bất thường, tránh tiếp xúc ánh mắt, bạo lực với người khác, không chịu ăn, không chịu uống thuốc, không đi khám sức khỏe…

* Căng thẳng tâm lý

          Căng thẳng tâm lý là trạng thái tâm lý được tạo ra do dự đoán trước những sự kiện không thuận lợi và de dọa đến nhu cầu an toàn của chủ thể. Căng thẳng tâm lý trong xúc cảm được đặc trưng bởi màu sắc xúc cảm âm tính của hành vi một cách rõ rệt, phá vỡ cấu trúc động cơ của hoạt động dẫn đến chỗ giảm hiệu quả và gây rối loạn. Căng thẳng tâm lý thường đi với cảm giác mệt mỏi nói chung, mối lo âu, sự sợ hãi: sợ đau đớn, sợ mất việc, sợ người khác biết mình nhiễm, sợ sự xua đuổi của mọi người, sợ con cái không ai chăm sóc, lo sợ về tương lai của gia đình, lo sợ về cái chết…. Những cảm giác khó chịu và tiêu cực này nếu kéo dài sẽ làm NCH cảm thấy stress nặng nề, làm đảo lộn các chức năng hoạt động bình thường nên buộc chủ thể phải tăng cường sự chú ý đến bản thân. Từ đó, họ lại tự ám thị và có những suy tưởng tiêu cực về bệnh lý và diễn biến của nó. Điều này lại càng làm cho chủ thể cảm thấy bị đe dọa, lo lắng và khiếp sợ. Cứ như thế, NCH rơi vào vòng luẩn quẩn mà không có cách thoát ra và thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm.

Các dấu hiệu của sự lo lắng bao gồm: đánh trống ngực, đau ngực, thở hụt hơi, chóng mặt, toát mồ hôi, bồn chồn, áy náy và mất ngủ. Một số người có thể nói rằng họ sợ chết hay mất khả năng tự điều khiển, buồn hay đang lo lắng. Một dấu hiệu đáng nhận biết khác là khi đó chủ thể có nét mặt lo lắng, không thể tập trung, khả năng làm việc giảm sút. (Trắc nghiệm đánh giá lo âu của Beck, Nguyễn Công Khanh dịch, Tâm lý trị liệu ứng dụng trong lâm sàng và tự chữa bệnh, NXB ĐHQGHN, 2000, tr. 105)

* Trầm cảm

          Trầm cảm là trạng thái cảm xúc mạnh đặc trưng bởi bối cảnh cảm xúc âm tính, bởi những thay đổi của môi trường về những quan điểm của động cơ nhận thức và bởi tính thụ động của hành vi nói chung [1]. NCH trong trạng thái trầm cảm trải nghiệm những cảm xúc nặng nề, buồn khổ, sự u uất và tuyệt vọng. Niềm say mê, động cơ và ý chí bị giảm sút rõ rệt. Họ có cảm giác tội lỗi và bất lực khi đối diện với những khó khăn của cuộc sống được kết hợp với cảm giác vô vọng. Hành vi trong trạng thái này trở nên chậm chạp, bị động, mệt mỏi nhanh chóng. Tất cả những cái đó dẫn đến hiệu quả hoạt động cá nhân bị suy giảm, trạng thái trầm cảm nặng nề kéo dài sẽ dẫn đến tự sát. Như vậy, trong trạng thái trầm cảm dường như toàn bộ con người của NCH (thể chất và tinh thần) đều bị kéo xuống. Họ bỏ bê công việc, bỏ ăn uống, không muốn đi khám sức khỏe, thu mình lại, có thái độ xa lánh, cô lập không muốn giao tiếp vì họ cảm thấy có một hàng rào tâm lý giữa họ với người khác, thích ở nơi vắng vẻ một mình và hạn chế đi ra ngoài. Chủ thể dường như sống trong tình trạng “bất cần đời”, đứng ra bên lề sự vận động trong xã hội.

          Các dấu hiệu của trầm cảm/có hành vi tự tử bao gồm: buồn bã, rút lui, im lặng bất thường, ăn không ngon miệng, mất ngủ, dáng vẻ mệt mỏi, mất trí nhớ, mất khả năng tập trung và cử động chậm. Nhiều người trong trạng thái trầm cảm có ý muốn chết hay cảm thấy mình không có giá trị. Họ có thể trở nên thờ ơ, lạnh cảm hay không quan tâm đến vệ sinh cá nhân.

           Thái độ cảm thấy tội lỗi, vô giá trị và vô vọng thường xuất hiện ở những người có các triệu chứng bệnh mãn tính, đặc biệt đối với những người mà các đợt điều trị không mang lại hiệu quả. Nỗi sợ mất mát có thể là nguyên nhân chính của sự trầm cảm. Một số người còn tìm cách tự tử bởi vì họ cáu giận với gia đình, tự tử là một cách báo thù hay một cách trừng phạt.

* Chấp nhận và hy vọng

           Sau một thời gian NCH sẽ bắt đầu chấp nhận tình thế, điều này sẽ giúp họ cảm thấy tốt hơn. Những người đến giai đoạn này sẽ cảm thấy bình an và bắt đầu suy nghĩ về cách tốt nhất để sống. Họ có thể nghĩ: mình sẽ phải làm gì để phần đời còn lại của mình thật sự có ý nghĩa? Mình cần ăn thức ăn gì để có thể khỏe mạnh? Mình cần lập kế hoạch gì cho con cái mình trong tương lai? Nếu không có những hành động liều lĩnh thì những chủ thể chấp nhận sống chung với HIV/AIDS, xem HIV/AIDS như là “một phần” trong cuộc sống. Sự chấp nhận về mặt nhận thức có thể dẫn đến sự thay đổi hành vi: giao tiếp bình thường với mọi người, làm những việc có thể làm và đi khám sức khỏe thường xuyên hơn, … thậm chí họ còn tham gia truyền thông và giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Tất cả những việc trên được làm với mục đích là sống hữu ích trong quãng thời gian còn lại, và hơn hết họ hy vọng Y học sẽ tìm ra thuốc đặc trị virus HIV trong tương lai.

            Xét dước góc độ Tâm lý học, có thể nói những thay đổi tâm lý của người có HIV diễn ra hết sức phức tạp. Đó là sự thay đổi dễ dẫn đến những thái độ tiêu cực và hành vi lệch lạc. Từ đó, không ít người có HIV đã có những hành động như: tự tử, trả thù đời, gieo rắc sự lây nhiễm… Tìm ra được những thay đổi tâm lý cũng như những cơ chế nhất định trong diễn tiến tâm lý của NCH để có những tác động hợp lý, kịp thời và thích đáng là nhiệm vụ của những người thân, của những nhà chuyên môn hiện nay để góp phần giúp người có HIV mau chóng quân bình tâm lý, hòa nhập vào xã hội cũng như gián tiếp nâng cao hiệu quả phòng chống HIV – AIDS hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Dũng, Từ điển Tâm lý học, NXB Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2008

2. Nguyễn Công Khanh (dịch), Tâm lý trị liệu ứng dụng trong lâm sàng và tự chữa bệnh, NXB ĐHQGHN, 2000

3. Nhiều tác giả, “Tài liệu chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà” (Tổ chức y tế thế giới, Hà Nội, 2002.

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *