Việc tăng cường khả năng nhận biết tình huống liên quan tới việc bạn phải đảm bảo kết nối với tất cả các giác quan của mình và hoàn toàn chú ý đến môi trường xung quanh.
DỪNG LẠI: TRƯỚC KHI BẠN ĐỌC TIẾP, HÃY NGHIÊN CỨU HÌNH TRÊN KHOẢNG 60 GIÂY. SAU ĐÓ HÃY ĐỌC CÁC CÂU HỎI DƯỚI XEM BẠN CÓ THỂ TRẢ LỜI ĐƯỢC HAY KHÔNG:
- Có tổng cộng bao nhiêu người liên quan tới vụ tai nạn?
- Có bao nhiêu nam và bao nhiêu nữ?
- Hai chiếc xe có màu gì?
- Có những đồ vật nào nằm dưới đất?
- Người đàn ông nằm dưới đất đang bị thương như thế nào?
- Một trong hai chiếc xe có biển số mấy?
Kết quả kiểm tra thế nào? Không tốt như bạn nghĩ đúng không? Có lẽ đây là lúc bạn cần tăng cường năng lực quan sát và mài giũa khả năng nhận biết tình huống.
Việc tăng cường khả năng quan sát mang lại rất nhiều lợi ích: nó giúp bạn sống trọn vẹn hơn ở giây phút hiện tại, chú ý những hiện tượng hay ho và thú vị mà có lẽ bạn đã bỏ lỡ, nắm bắt những cơ hội chỉ có trong khoảnh khắc và giữ cho những người thân yêu được an toàn.
Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho bạn một số trò chơi, bài kiểm tra và bài tập giúp bạn gặt hái được lợi ích được đề cập bên trên: việc nhận biết được tình huống có thể giúp bạn ngăn ngừa và xử lý những tình huống cam go và nguy hiểm tiềm tàng. Nhưng lợi ích của việc thực hành chắc chắn sẽ lan toả sang những khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn.
Bạn có sẵn sàng bắt đầu rèn giũa các giác quan và phát triển năng lực quan sát chưa? Hãy đọc tiếp.
Nhận Biết Tình Huống Và Các Giác Quan
Việc tăng cường khả năng nhận biết tình huống liên quan tới việc bạn phải đảm bảo kết nối với tất cả các giác quan của mình và hoàn toàn chú ý đến môi trường xung quanh. Có vẻ như trí não và cơ thể của bạn làm việc đó một cách tự động – chẳng phải là lúc nào bạn cũng nhìn, ngửi và nghe mọi thứ xung quanh hay sao?
Nhưng khi nghe ai đó hỏi những câu như, “Xe của bạn có biển số mấy?” và bạn không trả lời được, bạn nhanh chóng nhận ra là mình có thể nhìn thứ gì đó hàng trăm lần mà không thật sự “thấy” nó.
Trên thực tế, tuy não cho ta cảm giác rằng ta nhận biết được toàn bộ môi trường xung quanh mình từng phút từng giây, cảm giác đó chỉ là ảo tưởng. Ta thật sự chỉ tập trung vào một số yếu tố kích thích và bỏ qua những yếu tố khác.
Vậy nên, nếu bạn muốn tăng cường khả năng nhận biết tình huống, bạn phải thật sự chú tâm đến nó – bạn phải ý thức rõ về việc sử dụng và điều khiển tất cả các giác quan ở cấp độ cao hơn. Bạn phải tập luyện để biết cách quan sát. Và bước đầu tiên để làm chuyện này là làm quen với điểm mạnh và điểm yếu của các giác quan.
Thị Giác
Nhìn là việc ta thường nghĩ đến khi nghĩ tới việc quan sát, và đó là thứ ta phụ thuộc vào nhiều nhất để đánh giá thế giới của mình. Tuy nhiên những gì mắt bạn nhìn thấy lại không có ảnh hưởng bằng những gì não khiến ta tin mình nhìn thấy. Lời tường thuật của nhân chứng về vụ án thường không đáng tin cậy, và những nghiên cứu nổi tiếng cho thấy ta có thể nhìn thẳng vào một thứ gì đó mà không thật sự thấy nó – giống như một nghiên cứu trong đó những người tham gia được yêu cầu tập trung vào người chuyền bóng qua lại, và do quá tập trung nên họ đã không thấy một người đàn ông trong trang phục khỉ đột đi ngang qua.
Những điểm mù này là do mắt ta không hoạt động giống như những chiếc camera quay lại toàn bộ cảnh vật trước ống kính. Thay vì vậy, não bộ chụp nhiều cảnh khác nhau, rồi diễn giải và sắp xếp những bức ảnh này lại để tạo thành một bức tranh rõ ràng, mạch lạc. Ở chế độ tự động, bộ não bỏ qua rất nhiều thứ trong môi trường xung quanh vì cho rằng nó không quan trọng trong việc tạo ra bức tranh đó.
Tuy nhiên, thị giác là một phần cực kì quan trọng trong khả năng nhận biết tình huống của ta – đặc biệt khi ta tự tập cho bản thân nhìn thấy những thứ mình thường bỏ qua. Mắt nói cho ta biết một người nhìn có vẻ khả nghi hay thứ gì đó đã bị xê dịch trong phòng mình (cho thấy có ai đó đã ở đây lúc ta vắng mặt); mắt chú ý đến những đặc điểm khác thường của khung cảnh giúp ta hình dung ra một bản đồ chỉ đường về nhà sau khi đi leo núi; mắt ghi nhận lối thoát hiểm trong toà nhà hay một tội ác mà ta có thể nhớ lại sau này.
Thính Giác
Là loài nghe bằng mắt, ta thu vào hàng tấn thông tin bằng thị giác (1/3 năng lực xử lý của não là để xử lý thông tin đầu vào từ thị giác), và hầu như tất cả chúng ta đều cảm thấy thà bị điếc còn hơn bị mù.
Nhưng thính giác quan trọng trong việc theo dõi và hiểu được những gì xảy ra xung quanh hơn ta nghĩ – đặc biệt khi liên quan tới việc giữ an toàn. Thính giác của ta cực kỳ chú ý đến môi trường xung quanh và có chức năng như hệ thống phản hồi đầu tiên của não, báo cho ta biết ta cần chú ý điều gì và cơ bản định hình quan điểm của ta về những gì đang diễn ra. Như nhà thần kinh học Seth Horowitz giải thích:
“Khả năng nghe của bạn nhanh hơn khả năng nhìn từ 20-100 lần nên mọi thứ bạn nghe qua tai bổ sung cho mỗi quan điểm hoặc ý thức của bạn. Âm thanh đến tai nhanh đến nỗi nó thay đổi tất cả những thông tin được ghi nhận và tạo ra bối cảnh cho những thông tin đó.”
Thính giác của ta quá nhạy bởi vì hệ thống thính giác không phân tán trong não bộ rộng như hệ thống thị giác, và vì nó được kết nối với các phần “nguyên thuỷ” cơ bản nhất của não bộ. Tiếng ồn truyền thẳng vào tai và kích hoạt cơ chế phản hồi tự nhiên của ta.
Sự nhanh nhẹn và nhạy bén của thính giác phát triển từ lợi thế sống còn của nó. Vào buổi tối, trong khu rừng rậm và bên dưới làn nước tối tăm, thị giác của ta bị yếu đi hoặc hoàn toàn vô tác dụng, và ta không thể thấy những gì nằm ngoài tầm mắt. Nhưng khi ấy, thính giác của ta có thể vẫn ghi nhận những thông tin cảm quan trong bóng tối, từ những ngóc ngách và qua làn nước để giúp ta hình dung trong đầu về những gì đang diễn ra.
Tiếng động chỉ đơn thuần là những dao động, và mỗi ngày quanh ta là đủ mọi âm thanh. Nhưng giống như thị giác, tai ta có thể nghe hàng ngàn âm thanh trong môi trường mà không thật sự được não ghi nhận. Bộ thu tín hiệu của bạn luôn hoạt động, nhưng không phải lúc nào nó cũng gửi tín hiệu đáng chú ý. Những tín hiệu như thế này chỉ được ta ý thức khi nó đặc biệt nổi bật (như khi bạn nghe ai đó gọi tên mình trong một bữa tiệc náo nhiệt), hay khi nó khác với tần suất tự nhiên/âm điệu/nhịp điệu mà não bộ mong đợi (như khi có một tiếng hét, va chạm, hay vụ nổ, hay ai đó nói bằng giọng điệu kì quặc/đáng ngờ).
Ta có thể ghi nhận nhiều âm thanh hơn mình thường nghe bằng cách “dỏng tai” lên, tập trung, và cố gắng phân biệt và tách biệt âm thanh mà ta thường vô thức nghe.
Khứu Giác
So với thị giác và thính giác, khứu giác không được quan tâm và coi trọng bằng. Khứu giác là giác quan lâu đời nhất, và ta thường nghĩ về khứu giác của động vật hơn khứu giác của chính ta – giống như chó sói có thể đánh hơi con mồi ở cách xa hơn 3km.
Tuy loài chó có khả năng đánh hơi giỏi gấp 10.000 đến 100.000 khả năng của con người, nhưng khứu giác của chúng ta cũng rất đặc biệt. Con người có khả năng nhận biết một ngàn tỉ mùi khác nhau. Và trong khi những giác quan khác phải được xi-náp xử lý trước khi tới hạt hạnh nhân và hồi hải mã và kích hoạt phản ứng, khứu giác kết nối trực tiếp với não bộ, và do đó nó gắn chặt với cảm xúc và trí nhớ dài hạn. Đó là lý do tại sao việc ngửi thấy một mùi từ rất lâu trong quá khứ có thể lập tức làm sống lại ký ức đó.
Những kí ức ăn sâu được tạo bởi khứu giác cũng phục vụ cho mục đích sinh tồn của con người và động vật – để phân biệt gia đình và bạn bè, tìm kiếm thức ăn và cảnh giác với những hiểm hoạ tiềm tàng. Khứu giác của ta có thể phân biệt những người cùng chung huyết thống, ngoài ra ta không chỉ có thể nhận biết nguy hiểm bằng cách ghi nhận mùi khói, mùi chết chóc, mùi ga, vân vân, mà còn có thể “ngửi thấy” sự sợ hãi, căng thẳng và sự thù ghét từ người khác.
Thật vậy, tuy khứu giác của con người không sánh bằng khứu giác của động vật, nhưng nghiên cứu cho thấy ta có thể lần theo mùi giống cách loài chó đánh hơi, và lý do ta không giỏi đánh hơi là vì đây là kỹ năng phải được xây dựng qua thực hành. Những người săn bắt hái lượm khéo léo thời cổ vốn nhạy bén với môi trường xung quanh và được cho là có khả năng lần theo động vật bằng mùi.
Trong khi cả động vật và con người đều xử lý mùi một cách tự động – chẳng hạn như khi ngửi được mùi của những chiếc bánh mới nướng, bụng bạn tự nhiên sôi lên – thì khứu giác của con người tốt hơn của loài vật ở chỗ: ta có khả năng phân tích mùi và diễn giải ý nghĩa của mùi đó.
Do đó khứu giác có thể giúp ta nhận biết một người là bạn hay thù, định hướng di chuyển trong khu vực – nếu ta ở gần nhà máy, đống rác, hàng thông hay chỗ lửa trại của gia đình, mũi sẽ báo cho ta biết – và lần theo mùi đó.
Xúc Giác Và Vị Giác
Xúc giác và vị giác là hai giác quan đặc biệt có ích đối với ai muốn sống có ý thức và hoàn toàn đắm mình trong trải nghiệm cuộc sống. Nhưng khi cảnh giác với rủi ro hay nguy hiểm thì bạn không dùng hai giác quan này nhiều. Xúc giác có thể hữu dụng khi bạn cố gắng định hướng di chuyển trong bóng tối và bắt buộc phải để cảm giác của đôi chân và bàn tay dẫn đường mình.
Tập Quan Sát: 10 Bài Kiểm Tra, Thực Hành Và Trò Chơi Giúp Tăng Cường Khả Năng Nhận Biết Tình Huống
“Là một Hướng Đạo Sinh, bạn phải cố gắng đạt tới trình độ nhìn và quan sát tốt hơn người bình thường.” – Scout Field Book, 1948
Nếu các giác quan của ta thật sự tuyệt vời như tôi vừa đề cập, và lí do cản trở bạn sử dụng các giác quan của mình nhiều hơn là vì bạn sử dụng nó một cách vô thức, thì bạn phải tìm cách chủ động luyện tập và thử thách các giác quan để tận dụng được nó.
Thành thạo khả năng nhận biết tình huống liên quan tới việc học cách quan sát, diễn dịch và ghi nhớ. Những bài thực hành, kiểm tra và trò chơi sau đây được thiết kế để giúp tăng cường những kĩ năng này trong lúc kích hoạt khả năng tiềm tàng của các giác quan.
Một số trò chơi và bài thực hành có thể được tập một mình, trong khi số khác sẽ hữu hiệu hơn khi tập theo nhóm. Những trò chơi này rất phù hợp để chơi trong gia đình – nó làm cho bọn trẻ vui thích mà không phải đụng đến điện thoại.
1. Trò Của Kim
Trong tiểu thuyết nổi tiếng Kim của tác giả Rudyard Kipling, Kimball O’Hara, thiếu niên người Ireland, được đào tạo để trở thành gián điệp cho tổ chức British Secret Service. Như một phần của khoá huấn luyện, cậu được Lurgan Sahib đào tạo, người giả làm chủ cửa hiệu kim hoàn ở vùng Bristish India nhưng thật ra đang làm gián điệp chống lại người Nga.
Lurgan mời cả cậu bé người hầu và Kim chơi trò “Tìm đá quý.” Ông đặt 15 viên đá quý lên khay, để hai chàng trai nhìn trong một phút, rồi phủ lên mấy viên đá một tờ báo. Cậu bé người hầu, người đã luyện trò chơi này rất nhiều lần trước đó, có thể gọi tên và miêu tả chính xác tất cả các viên đá bên dưới tờ báo một cách dễ dàng, đồng thời đoán chính xác trọng lượng của mỗi viên. Tuy nhiên, Kim thì phải chật vật nhớ lại và không thể kể ra đầy đủ những thứ bên dưới tờ báo.
Kim phản đối rằng cậu bé người hầu đã quen thuộc với các viên đá quý này hơn mình và yêu cầu chơi lại. Lần này cái khay được xếp lên những thứ linh tinh lấy từ cửa hiệu và nhà bếp. Nhưng cậu bé kia vẫn dễ dàng đánh bại Kim lần nữa, và còn thắng trò chơi mà trong đó cậu chỉ cảm nhận đồ vật trong khi bị bịt mắt trước khi những món đồ được che lại.
Vừa thấy xấu hổ vừa thấy tò mò, Kim muốn biết bằng cách nào mà cậu bé lại thành thạo trò chơi này đến vậy. Lurgan trả lời: “Bằng cách chơi nhiều lần cho tới khi thành thạo – vì nó đáng để chơi.”
Trong 10 ngày tiếp theo, Kim và cậu bé người hầu tập đi tập lại với nhau, sử dụng tất cả các loại đồ vật khác nhau, nào là đá quý, dao găm, tranh ảnh và nhiều thứ khác. Không lâu sau đó, khả năng quan sát của Kim đã ngang ngửa với thầy của mình.
Ngày nay trò chơi này được biết đến với tên “Trò của Kim” và được cả Hướng Đạo Sinh và lính bắn tỉa chơi nhằm tăng khả năng chú ý và ghi nhớ chi tiết. Đó là một trò chơi dễ thực hiện: nhờ một người đặt một đống đồ vật lên bàn (24 món là “đẹp”), quan sát các món đồ trong một phút rồi che lại tất cả bằng một miếng vải. Bây giờ hãy viết ra những đồ vật bạn có thể nhớ. Bạn nên nhớ được ít nhất 16 đồ vật.
Cơ hội để chơi trò này ngay bây giờ: nhìn bức tranh bên dưới trong 60 giây, rồi ngừng nhìn vào nó, kiểm tra xem bạn có thể nhớ được bao nhiêu đồ vật.
Kết quả như thế nào? Tốt hơn là bạn hãy tập tiếp.
2. Mở rộng và tăng cường khả năng quan sát
Dù không nhận ra nhưng hầu như ai trong chúng ta cũng có tầm nhìn hạn hẹp. Ta tập trung vào một vài thứ ngay bên cạnh hay phía trước, và mọi thứ khác đều bị khuất khỏi tầm mắt của ta. Vì vậy khi bạn đi đâu đó, hãy tự nhắc mình nhìn nhiều thứ hơn bình thường. Chủ ý tìm kiếm những chi tiết trong môi trường mà bạn thường bỏ qua. Ghi lại những điểm khác thường trong khung cảnh, như mọi người mặc đồ gì, những con hẻm, đường dành cho người đi bộ, hãng sản xuất và mẫu xe hơi, biển báo, hình vẽ trên tường – bất cứ thứ gì.
Để luyện tập mở rộng tầm nhìn khi đi bộ, hãy làm theo những mẹo sau đây từ quyển sách Boy Scout Fieldbook:
“Học cách nhìn lướt qua mặt đất phía trước bạn… Đưa mắt nhìn chầm chậm theo nửa vòng tròn từ phải qua trái ở khu vực ngay trước mặt, rồi lại đưa mắt nhìn từ trái qua phải ở khu vực xa tầm mắt hơn. Bằng cách tiếp tục tập như vậy, bạn sẽ có thể nhìn bao quát toàn bộ khu vực đó.”
3. Đó là tiếng gì?
Treo một tấm vải trong góc phòng. Thay phiên nhau đứng đằng sau tấm vải và tạo tiếng động bằng những đồ vật ngẫu nhiên để những người còn lại của nhóm cố gắng nhận biết. Âm thanh mà mọi người có thể tạo ra càng không rõ và càng thử thách càng tốt – như đánh que diêm, gọt vỏ táo, mài dao, chải tóc, vân vân.
4. Kiểm tra nhân chứng
Mời ai đó mà nhóm bạn không quen tới buổi tụ họp. Để họ ở đó vài phút sau đó ra về. Rồi cho mọi người viết ra những miêu tả ngoại hình của người này và để xem họ miêu tả chính xác đến đâu.
5. Định hướng di chuyển bằng xúc giác
Bạn có thể mặc đồ nhanh chóng trong một căn phòng tối đen như mực không? Bạn có thể băng qua khu rừng tăm tối mà không cần dùng đèn pin không? Bạn có thể bịt mắt đi vòng quanh nhà được không? Hãy tập di chuyển và định hướng mà không cần sử dụng thị giác.
6. Mũi ai thính?
Nhờ một thành viên trong gia đình/nhóm bỏ vào các ly giấy nhiều loại nguyên liệu có mùi khác nhau – vỏ cam, hành, cà phê, gia vị (quế, tiêu, tỏi, vân vân), cỏ, vân vân – rồi cho những thành viên bị bịt mắt ngửi rồi chuyền các ly cho người khác. Khi mọi người đã ngửi xong, tất cả sẽ viết ra những mùi mình ngửi thấy.
7. Cảm nhận
Giống như trò số 6, nhưng hãy đặt nhiều thứ khác nhau vào một cái hộp kín rồi chuyền xung quanh. Người chơi phải cảm nhận món đồ và nhận diện món đồ đó chỉ bằng cách sờ nó.
8. Truy tìm đồ vật
Đây là trò chơi thú vị để bạn chơi với con, và có thể biến cuộc đi bộ dài vốn thường làm mọi người phàn nàn thành một trò chơi thú vị, giúp tăng cường khả năng quan sát. Trước khi chơi, hãy lập ra danh sách các món đồ mà con cần phải tìm. Ví dụ như khi đi dạo trong thiên nhiên, bạn có thể cho vào danh sách những thứ như bụi cây có trái, tổ chim, rong rêu, vân vân. Khi bạn đi dạo thì lũ trẻ sẽ tìm kiếm những thứ có trong danh sách, và mỗi lần ai nhìn thấy vật gì trước thì có thể gạch bỏ vật đó ra khỏi danh sách để xem ai có thể tìm thấy nhiều thứ nhất. Hoặc trò chơi không cần phải là cuộc thi; gia đình bạn có thể tìm kiếm những thứ này cùng nhau.
9. “Kiểm tra cuối giờ”
Khi bạn đến một nhà hàng hoặc một nơi nào đó với gia đình, hãy ghi lại một vài đặc điểm của môi trường xung quanh: bao nhiêu người tính tiền, trang phục và giới tính người ngồi kế bên bạn, số lối vào/lối ra, vân vân. Khi bạn rời đi và lái xe về nhà, hãy hỏi lũ trẻ những câu như “Có bao nhiêu nhân viên tính tiền?”, “Người ngồi kế bên chúng ta là nam hay nữ?”, “Áo cô ấy/chú ấy màu gì?”, “Có bao nhiêu lối ra?”…
10. Quan sát có chủ đích
Trong quyển sách A Study In Scarlet của Arthur Conan Doyle, bác sĩ Watson kinh ngạc trước khả năng quan sát và suy luận sắc bén của người bạn tương lai khi lần đầu gặp anh. Khi cặp đôi chú ý một người đàn ông đi trên đường mắt nhìn vào các số nhà và tay cầm một phong bì lớn, Holms lập tức nhận diện người lạ này là một cựu trung sĩ Hải quân. Sau khi người đưa thư này xác nhận danh tính, bác sĩ Watson rất đỗi ngạc nhiên về khả năng quan sát của Holmes. Anh hỏi “Làm thế quái nào mà anh suy luận ra điều đó?” Vị thám tử giải thích:
“Chuyện biết thì dễ hơn chuyện giải thích tại sao tôi biết. Nếu anh được yêu cầu chứng minh 2 cộng 2 bằng 4, anh có thể thấy khó, nhưng anh lại khá chắc chắn kết quả đúng là 4. Từ đường bên này tôi vẫn có thể thấy một hình xăm mỏ neo lớn màu xanh trên mu bàn tay của ông ta. Đó là dấu hiệu của biển. Ông ấy có dáng đi và độ dài tóc mai của đúng chuẩn của quân đội. Vậy ta có thể đoán ông ta xuất phát từ hải quân. Ông ấy có vẻ tự cao và quyền lực. Hãy quan sát cách ông ta giữ đầu mình và đung đưa cây gậy. Gương mặt ông cũng toát ra hình ảnh một người đàn ông trung niên tự tin, đáng kính – tất cả những dữ kiện này làm tôi tin rằng ông ấy từng là một trung sĩ Hải quân.”
“Tuyệt vời!” Bác sĩ Watson thốt lên.
“Chuyện thường tình thôi,” Holmes trả lời.
Nếu bạn muốn có khả năng suy luận giống như Holmes, hãy tập quan sát mọi người một cách kĩ càng hơn bình thường. Chú ý đến trang phục, những phụ kiện của người đi đường và quan sát cách hành xử ũng như điệu bộ của họ. Sau đó hãy cố gắng đoán trình độ học vấn và nghề nghiệp của họ.
Với việc tập chơi các trò chơi này và làm những bài thực hành ở trên, khả năng quan sát của bạn sẽ được tăng cường, và bạn cũng sẽ nhạy bén hơn trong việc nhận biết tình huống. Biết đâu chẳng bao lâu sau, bạn sẽ có thể nói với Holmes: “Tôi đã tự rèn luyện để thấy những gì mình nhìn.”
Tác giả: Brett & Kate McKay
Nguồn: Artofmanliness
Nguồn dịch: https://ubrand.cool/courses/10-bai-tap-giup-mai-giua-cac-giac-quan-va-kha-nang-nhan-biet-tinh-huong