4 cách dạy con ngoan cha mẹ nào cũng nên nhớ

Rèn cho con tính tự lập, tư duy tích cực, làm việc bằng đam mê, động viên thay vì khen ngợi sẽ giúp trẻ ngày càng hoàn thiện nhân cách.

Chia sẻ về mối quan hệ giữa các bậc phụ huynh và con cái, Phó giáo sư, Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Không ít cha mẹ trăn trở, tại sao bé lúc nào cũng tỏ vẻ ngoan ngoãn nhưng lại âm thầm hành động hư”.

Theo ông, chính tâm lý áp đặt cha mẹ nói thì con phải nghe, khiến trẻ sợ hãi mà gật đầu vâng dạ trước, sau đó lại làm theo ý mình. Điều này trở thành thói quen trong ứng xử gia đình, chứng tỏ phụ huynh không theo kịp sự phát triển của con cái.

Do đó, muốn trẻ ngoan ngoãn và giỏi giang, cha mẹ cần gần gũi con hàng ngày và thường xuyên thực hiện 4 nguyên tắc dưới đây:

Cho con cơ hội tự lập

Đa phần cha mẹ Việt có tâm lý bao bọc, xót con. Hình ảnh em bé té ngã, người mẹ chạy vội đến đỡ dậy, xuýt xoa, vỗ về con; trút bực tức “Đánh chừa” và đổ lỗi lên bậc thềm, cái bàn hay cánh cửa… khá quen thuộc trong cuộc sống hàng này.

Cha mẹ không nhận ra mình đang tước đi kỹ năng sống tự lập, tự lực ở trẻ. Thế nên khi té ngã, bé không tự đứng lên mà chờ đợi, đòi hỏi người khác phải đỡ dậy. Dần dần, bé sẽ dần hình thành thói quen dựa dẫm và đổ lỗi cho người khác. Chỉ một câu nói đơn giản “Con tự đứng dậy nhé, lần sau nhớ cẩn thận hơn”, cha mẹ đã cho con cơ hội rèn tính tự lập và chịu trách nhiệm với bản thân.

Gần gũi, giáo dục con cái hàng ngày giúp bé trưởng thành hơn.

Dạy con làm việc bằng đam mê

Cha mẹ có thể dạy con chú tâm làm từng việc nhỏ như quét nhà, rửa rau, gấp quần áo, rót cho ông bà ly nước… Nếu không mang tình cảm vào công việc, thì dù chuyện nhỏ, trẻ cũng không thể làm đến nơi đến chốn. Thái độ và lòng nhiệt thành khi thực hiện nhiệm vụ bố mẹ giao, sẽ tạo cho bé niềm đam mê, tâm huyết với nghề nghiệp và hoài bão sau này.

Cha mẹ có thể dạy con chú tâm làm từng việc nhỏ.

Động viên chứ không khen ngợi

Động viên được coi là công cụ xây dựng lòng tự tin cho con trẻ hiệu quả hơn khen ngợi. Lời động viên đề cao quá trình trẻ nỗ lực làm việc, trong khi đó câu khen ngợi lại chú trọng vào kết quả.

Bất kỳ tiến bộ nhỏ, thành công hay thất bại nào của trẻ cũng xứng đáng nhận được lời động viên khích lệ. Một ông bố bà mẹ biết động viên con cái sẽ nói những lời hay ý đẹp về việc trẻ làm, ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của bé.

Hướng con đến tư duy tích cực

Nếu suy nghĩ tích cực ngay từ nhỏ, trẻ sẽ có nhiều cơ hội nắm lấy hạnh phúc, sức khỏe và thành công trong tương lai. Có nhiều cách để hướng trẻ đến tư duy tích cực như trân trọng bản thân, sống nhân ái với mọi người, lạc quan sau thất bại… Song trước tiên, cha mẹ phải thể hiện tư duy tích cực của bản thân để làm tấm gương cho trẻ noi theo.

Theo GD&TD

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *