Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất không cần đến tấm hộ chiếu.
Bản quyền dịch: Nguyễn Thùy Linh
Link bài gốc của 2 tác giả Brett and Kate McKay trên Art of Manliness.
—
Nền văn hóa đương đại đang trải qua một mối tình nhức nhối với chủ nghĩa xê dịch. Nó trở thành một phần cốt lõi trong tư tưởng của chúng ta, lý tưởng về một cuộc sống viên mãn và thú vị. Bất kể bạn chọn lựa ra sao và đang gặp khó khăn gì, một chuyến du lịch dường như có thể giải quyết tất cả.
Bạn không biết mình muốn làm gì sau khi tốt nghiệp? Hãy dành một năm chu du khắp nơi.
Mối quan hệ tình cảm đang thiếu mặn nồng? Hãy đi du lịch với nửa kia nhiều hơn nữa.
Cảm thấy mệt mỏi và chán nản với cuộc sống? Hãy thực hiện một chuyến đi vòng quanh thế giới.
Chủ nghĩa xê dịch không chỉ được xem như liều thuốc cho mọi phiền muộn, mà còn là cốt lõi hình thành nên nhiều yếu tố khác trong cuộc sống. Không có con cái? Bạn sẽ không gì vướng bận trong những chuyến đi. Làm việc chăm chỉ và kiếm thật nhiều tiền? Bạn có thể đi du lịch nước ngoài bất cứ khi nào bạn muốn.
Trong một khoảng thời gian tương đối dồi dào và an toàn, trong một xã hội thiếu thốn những thách thức nội tại, xê dịch trở thành cách để con người phiêu lưu và thể hiện sự can đảm – một lòng dũng cảm phổ biến mà với nó, người ta sẵn lòng mạo hiểm dấn thân vào những vùng đất xa lạ và trải qua một dạng “nghi thức” để trở thành một công dân toàn cầu đích thực.
Xê dịch vừa được xem như công cụ giúp phát triển bản thân, vừa là một phẩm chất của sự phóng khoáng.
Tóm lại, khi mà những giáo lý tôn giáo xưa cũ giúp con người định hướng và định dạng bản ngã đã phai nhạt, một dạng chủ nghĩa xê dịch đã phát triển thế chỗ.
Những liệu niềm tin của chúng ta vào chủ nghĩa xê dịch đã đúng đắn? Hay chúng ta đang đặt lên nó gánh nặng quá mức của những kỳ vọng, nặng hơn mức nhẽ ra nó phải chịu?
Cuộc sống vùng ngoại ô Oxford của tác giả cuốn Người Hobbits.
Nếu xê dịch đã phát triển thành một dạng chủ nghĩa đương đại, thì một trong những thánh kinh của nó hẳn phải là cuốn Người Hobbits của JRR. Tolkien. Câu chuyện từng được nhiều người (bao gồm cả chúng tôi) nhiều lần trích dẫn để minh chứng cho việc những con người của thời đại nên vươn ra ngoài quỹ đạo của cuộc sống tẻ nhạt tầm thường và nhìn ngắm thế giới. Bilbo sống một cuộc đời an toàn, thoải mái, dư dả và dễ chịu trong cái hang hobbit lợp gỗ, ấm áp lò sưởi và đầy đủ tiện nghi của cậu, cho đến khi bị cuốn vào cuộc phiêu lưu với một đám người lùn. Bilbo tìm thấy sự cao quý mà cậu chưa bao giờ nghĩ mình có, thể hiện lòng cam đảm và khả năng dẫn dắt, mở rộng tầm nhìn của mình, để rồi cuối cùng trở lại vùng ngoại ô Shire là một chàng hobbit hoàn toàn khác xưa. Ở đây, dường như có bóng dáng một câu chuyện, được tái hiện trong một vùng đất tưởng tượng, về một người thức thời, biết thích nghi và phá vỡ thói biếng nhác để khám phá thế giới.
Việc coi cuốn sách là nguồn cảm hứng cho sự xê dịch có thể rất thuyết phục với nhiều người. Nhưng nó lại không hề tác động đến cách sống của một ngoại lệ đáng chú ý: tác giả của chính xuốn sách.
Cuộc đời của Tolkien trôi qua tĩnh lặng và bình thường trong lòng nước Anh. Ông ở trong những căn nhà ngoại ô giản dị bình thường, và sống cuộc đời của một người chồng, người cha và một vị giáo sư. Một ngày điển hình của Tolkien bao gồm việc đạp xe với các con tới buổi cầu nguyện sáng (cả đời ông hầu như không dùng ôtô), giảng dạy ở Đại học Pembroke (Oxford), về nhà ăn trưa, kèm cặp sinh viên, uống trà chiều với gia đình và tỉa tót quanh vườn. Vào buổi tối, ông viết lách một chút, chấm bài từ các trường đại học khác để kiếm thêm tiền, hoặc tham dự buổi gặp mặt của Hội Inkling, một câu lạc bộ văn chương. Ông hiếm khi đi du lịch, gần như không bao giờ ra nước ngoài, và nếu có đi nghỉ, ông thường đưa gia đình đến những khu nghỉ mát phổ thông dọc bờ biển nước Anh.
Giữa khoảng thời gian phục vụ trong Thế chiến 1 vào những năm tháng tuổi 20 và thời trung niên với sự thành công của 2 cuốn Người Hobbit và Chúa tể những chiếc nhẫn, không có sự kiện nào thực sự đáng kể hoặc thú vị xảy đến với Tolkien. Ngay cả sau khi các tác phẩm đã nổi danh toàn thế giới, đời sống của ông gần như không thay đổi gì.
“Thực ra tôi chính là một người Hobbit,” ông thừa nhận, “về mọi mặt ngoại trừ vóc dáng”.
“Tôi thích vườn tược, cây cối và những vùng đất trồng trọt phi cơ giới; tôi hút tẩu và thích đồ ăn ngon (không bị bảo quản đông lạnh), nhưng ghét cay đắng đồ Pháp; tôi thích áo gile họa tiết, và thích mặc chúng cả trong những ngày chán chường và uể oải. Tôi thích nấm tươi (loại mới hái ngoài đồng); tôi có rất ít khiếu hài hước (ngay cả những nhà phê bình yêu mến tôi cũng phải thấy tẻ nhạt); tôi đi ngủ muộn và dậy muộn (khi nào có thể). Tôi không đi du lịch nhiều lắm.”
Sự tương phản giữa công trình đầy trí tưởng tượng và cuộc sống thường nhật của Tolkien được gói gọn trong một lá thư ngắn ông gửi cho con trai vào năm 1944, khi ông đang viết cuốn Chúa tể những chiếc nhẫn: “Bố dành một đến hai giờ để sáng tác, và đã đưa được Frodo đến gần những cánh cổng xứ Modor. Buổi chiều bố cắt cỏ. Học kì bắt đầu vào tuần sau, và bản in thử từ Wales đã tới. Bố vẫn sẽ tiếp tục viết vào mọi lúc có thể.”
Vậy, chúng ta lý giải như thế nào về thực tế rằng một người với cuộc sống chật chội, hữu hạn, tầm thường như vậy, lại sáng tạo ra những tác phẩm với vô vàn chuyến phiêu lưu bất tận, hào hùng của những nhân vật sẵn sàng bỏ lại sau lưng sự thân thuộc bình thường để dấn thân vào cuộc hành trình vĩ đại, đầy hiểm nguy và thử thách?
Liệu Tolkien có phải là kẻ đạo đức giả? Liệu những tác phẩm của ông chỉ là một dạng mong ước thầm kín, một cơ hội để tái hiện trong thế giới tưởng tượng những điều mà ông quá hèn nhát để làm với đời mình?
Câu trả lời là “không”, nếu bạn hiểu những gì Tolkien thực sự muốn nói qua các câu chuyện, và thứ phiêu lưu mà ông coi là chuyến hành trình quan trọng nhất của một người.
Chiều không gian ẩn chứa trong Hang Hobbit.
Bên cạnh đời sống riêng, một trong những điều truyền cảm hứng cho Tolkien tạo nên hình mẫu hobbit chính là hình mẫu chung của những người đồng hương với ông. Ông từng nói trong một buổi phỏng vấn:
“Người Hobbits chính là những người dân Anh mộc mạc, hiện thân trong hình hài bé nhỏ vì nó phản ánh sự hạn hẹp về trí tưởng tượng chứ không phải về lòng can đảm hoặc những khả năng tiềm tàng của họ (đặc biệt là tôi).”
Tolkien chưa bao giờ nghi ngờ về sự quả cảm của những người quanh ông – trong các chiến hào của Thế chiến I, ông đã chứng kiến sự kiên cường của những người lính chỉ vừa nhập ngũ. Khi được yêu cầu xông pha, họ làm vậy một cách anh hùng và không hề e dè.
Thực ra, Tolkien coi lòng dũng cảm là một trong những phẩm chất đặc thù của người hobbit. Khi con trai ông, Christopher, đang là phi công cho Không lực Hoàng gia Anh trong Thế chiến thứ 2 và thường xuyên phải đối mặt với những kẻ thù đáng sợ và rủi ro chết chóc, ông đã động viên con trai “Hãy giữ tinh thần hobbit trong trái tim con!”
Không, điều mà Tolkien cho rằng một người Hobbit, hoặc một người Anh điển hình, thiếu không phải là sự can đảm, mà là một trí tưởng tượng đầy màu sắc, khát khao để ấp ủ những ý tưởng và cách nhìn mới, để bỏ lại hiện tại và lên đường trên một hành trình của niềm tin, sự trưởng thành và những thử thách tinh thần.
Đối với Tolkien, trên đời này không có gì hoàn toàn như vẻ bề ngoài của chúng, từ văn hóa, tri thức, các giả định hoặc kỳ vọng cho đến những phiến đá, lùm cây hoặc con người. Đằng sau cái mà nhà thơ P.B. Shelley gọi là “màn che của sự quen thuộc” ẩn giấu nhiều tầng lớp và chiều sâu. Những vùng đấy bí mật đó không thể được nhìn thấy bằng mắt thường, chúng được nhận diện nhờ nỗi đau đáu khát khao một điều gì đó lớn lao – một cảm giác thoảng qua, bất chợt khi ở trước ngưỡng cửa của một điều gì đó vĩ đại.
Tolkien cảm thấy, không mấy người có đủ trí tưởng tượng để nhìn nhận ý tưởng này nghiêm túc, cũng như không đủ can đảm để theo đuổi niềm khát khao được vượt ra khỏi bề mặt của mọi vật. Hầu hết mọi người đều chỉ như một gã Baggins thông thường trong cuốn sách, một gã mà “bạn biết rõ hắn sẽ trả lời như thế nào với mọi câu hỏi đến nỗi bạn không thèm hỏi”. Hầu hết mọi người không cố vén tấm màn che phủ các chiều sâu ẩn ý, và họ cũng không buồn vượt qua các ý niệm tầm thường, quen thuộc và phổ biến để khám phá những sự thật ẩn sâu bên trong.
Hơn nữa, Tolkien còn tin rằng đọc truyện thần thoại là một trong những cách chắc chắn nhất để bắt đầu hành trình tâm linh đó. Trong thần thoại, con người tìm thấy những diễn giải diệu kì về bản thân, về con đường dẫn ta tới hiện tại và về những khả năng của ta. Tolkien khẳng định, một câu chuyện như vậy chứa đầy âm hưởng của Sự thật với chữ S viết hoa – “một thoáng hiện bất ngờ của nền tảng thực tại”, chân thật hơn bất cứ thứ khái niệm thực tế nào. Một truyện thần thoại hay, dù xa rời thực tế, nghịch lý thay, lại giúp chúng ta tái khám phá nó, nhắc nhở chúng ta rằng bên dưới vẻ đều đặn vô vị và bận rộn của cuộc sống hàng ngày vẫn tiềm tàng chất anh hùng và sự huyền bí.
Vì những lý do này mà Tolkien muốn tạo nên một chuyện thần thoại của riêng mình, và đã thành công với cuốn Người Hobbit cùng những tác phẩm khác. Nhân vật Bilbo của ông bước vào một cuộc phiêu lưu không chỉ đơn thần là những miền đất và sinh vật được mô tả trên trang sách; chuyến đi của cậu là hành trình vượt qua một thế giới bí ẩn mà trong đó, cậu chiến đấu với thế lực bóng tối, khám phá định mệnh, và, như chính tác giả cuốn “Hành trình Bilbo” đã viết, “một quá trình trưởng thành từ sự dốt nát đến khôn ngoan và từ những thói xấu xa hoa đến phẩm chất anh hùng.”
Qua việc theo sát chặng đường của Bilbo bằng trí tưởng tượng, người đọc cũng tự bước vào một hành trình đi-để-trở-về của riêng mình. C.S.Lewis, một người bạn của Tolkien, đã viết trong bài bình luận của mình về Người Hobbit, rằng cuốn sách đưa độc giả vào một thế giới “không thể tách rời với Tolkien… Bạn không thể biết trước nếu bạn chưa đến đó, và một khi đã đến thì bạn không thể quên nó.”
Cả Lewis và Tolkien đều có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của “truyện cổ tích” trong việc “đem đến những rung cảm ta chưa bao giờ thấy trước đây, và mở mang nhận thức của ta về vô vàn những trải nghiệm ta có thể có”. Lewis diễn giải tác động của thần thoại đến độc giả như sau:
“Thần thoại đánh thức trong con người một khát khao mà anh ta không biết gọi tên. Nó khuấy đảo và quấy nhiễu người đó (đến tận cùng sự phong phú suốt đời anh ta) bằng ý niệm lờ mờ về một điều đó ngoài tầm với, vượt xa khỏi thế giới hiện thực trống rỗng và buồn chán, để mang tới một chiều sâu mới. Không phải anh ta khinh thường những khu rừng bình thường vì đã được đọc về những khu rừng nhiệm màu, mà chính những gì đọc được đã làm cho sự bình thưởng trở nên mê hoặc.”
Nói một cách khác, những cuốn sách như Người Hobbit không nhất thiết truyền cảm hứng cho việc du ngoạn tới các miền đất xa xôi, mà thiên về việc đem đến sự mới mẻ cho những điều quen thuộc xung quanh chúng ta. Một khi bạn khám phá cánh cửa tới các vùng đất bí mật, bạn có thể nhìn thế giới qua một lăng kính thần thoại, và tìm thấy các chiều sâu ẩn giấu dù chỉ là trong những bức tường của hang hobbit. Một khi bạn đã đi và trở về, cái nhìn của bạn sẽ thay đổi vĩnh viễn; bạn bắt đầu nhìn mọi vật theo bản chất của chúng. Mọi thứ, từ khung cảnh bên ngoài cửa sổ nhà bạn cho đến quãng đường đi làm hàng ngày, đều trở nên ý nghĩa hơn, thậm chí là kì diệu.
Việc Tolkien có thể bước qua ngưỡng cửa đó bất cứ khi nào ông muốn, tách biệt với cuộc sống xa xỉ dễ chịu của ông, là điều khiến Tolkien khác biệt với những “người hobbit” khác. Nó cũng là thứ khiến ông hờ hững với sức hấp dẫn của sự xê dịch thông thường. Một trong những cuốn tiểu sử về Tolkien có viết “trí tưởng tượng của ông không cần được kích thích bằng các phong cảnh hoặc nền văn hóa xa lạ”; ông chỉ cần ngồi vào bàn làm việc là có thể lập tức bắt đầu khám phá vùng đất Trung Địa và việc đó giải thích vì sao ông chẳng mấy quan tâm tới chuyện mình đang ở đâu. Với Tolkien, cuộc sống hàng ngày, bất kể quen thuộc ra sao, luôn luôn tươi mới.
Sự chìm đắm của Tolkien trong trí tưởng tượng không phải là trốn chạy thực tại, mà là sự tái tiếp cận nó. Ông hiểu rõ hơn ai hết cách mà một cuộc đời bình thường nhất cũng có thể đầy ắp các cuộc phiêu lưu, những xung đột cao trào và sự lựa chọn phi thường giữa một bên là lòng can đảm và trắc ẩn, một bên là tham lam và ích kỉ. Vì vậy, bất chấp phạm vi “hạn hẹp” của đời sống, một người vẫn có thể không ngừng cảm thấy sự mênh mông của cuộc đời còn hơn cả những người lấp đầy Instagram của mình bằng những tấm ảnh du lịch khắp thế giới.
Điều Tolkien nhận ra, là trong hành trình quan trọng nhất đời người – hành trình tâm linh, khám phá và làm chủ bản thân – địa điểm là một yếu tố không mấy quan trọng.
Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất không cần đến tấm hộ chiếu.
Trên thực tế, những chuyến đi bên ngoài có thể cản trở hành trình bên trong của chúng ta.
Có những người lang thang, thực sự là do mất phương hướng.
“Tôi đo đếm khoảng cách của nội tại chứ không phải ở bề ngoài. Bên trong chiếc la bàn nằm giữa lồng ngực một người, có đủ không gian và bối cảnh cho bất kì cuốn tiểu sử nào trên đời.” – Henry David Thoreau.
Chủ nghĩa xê dịch chắc chắn không có gì sai trái một khi nó được tháo gỡ khỏi những gánh nặng của ý nghĩa đạo đức, sức mạnh phi thường và các kỳ vọng bị thổi phồng.
Sự tái định hình các kỳ vọng đó bắt đầu với việc nhận thức về giá trị đích thực của chủ nghĩa xê dịch. Các lợi ích là có thật, chẳng hạn như cơ hội phát triển tầm nhìn, trưởng thành và học cách đối phó với các tình huống bất ngờ, nhưng chúng không tự tích lũy chỉ bằng việc đi từ điểm A đến điểm B. Nếu có đi chăng nữa, tác giả cuốn Ăn, Cầu Nguyện, Yêu, người bắt đầu chuyến đi của mình với một tâm hồn dễ tổn thương và chỉ biết yêu bản thân, hẳn đã trở thành một người tốt hơn khi kết thúc hành trình. Vậy mà, tiết lộ trước nội dung câu chuyện, bệnh tình cô ấy không có vẻ gì thuyên giảm sau chuyến đi đó.
Những giá trị từ việc xê dịch chỉ tới với những ai thực hiện nó với một tâm thế đúng đắn và sự tự lập vốn có – các phẩm chất có thể được phát triển ở bất kì đâu, và phải được hình thành trước khi lên đường.
Nhiều người hy vọng việc đi đây đi đó sẽ giúp họ thay đổi hoặc tìm thấy chính mình, nhưng nếu bạn không thể trở thành người bạn muốn ở ngay tại nơi bạn đang ở, thì ít có khả năng bạn sẽ được làm điều đó ở một nơi xa xôi cách trở khác. Bởi vì, hiển nhiên, dù bạn đi đâu, bạn cũng mang cái tôi theo bên mình. Như Ralph Waldo Emerson mô tả, những người không hài lòng với cuộc sống của mình và đi tìm sự thoải mãn ở những vùng đất xa lạ và cổ xưa, cuối cùng chỉ là mang đống tàn tích từ nơi này đến nơi khác.
“Chính bởi ham muốn có một bản sắc mà sự mê tín về Chủ nghĩa xê dịch, với tượng đài là các Italy, Anh Quốc, Ai Cập…, mới giữ được vẻ cuốn hút của nó trong mắt người Mỹ. Mọi người duy trì niềm tôn thờ nước Anh, nước Ý hay Hy Lạp trong trí tưởng tượng bằng cách liên tục đánh dấu vị trí của họ trên bản đồ, như thể một loại biểu đồ trên trái đất. Trong những giây phút can đảm, chúng ta hiểu trách nhiệm của ta là hiện tại. Trong tâm hồn không tồn tại vai trò du khách. Với những người khôn ngoan thì dù ở nhà, hay dù phận sự gọi anh ta tới những xứ sở xa la, người đó vẫn bình thản, và làm cho những kẻ khác nhận rõ qua biểu hiện diện mạo rằng anh ta đang trong một sứ mệnh của trí tuệ và đạo dức, và anh ta tới đây như một người nắm quyền, chứ không phải như một kẻ xâm nhập hoặc một gã hèn mọn.
Tôi không có thành kiến gì với việc du ngoạn thế giới vì mục đích nghệ thuật, học hỏi hay lòng bác ái, bởi như vậy con người trước hết đã hướng nội và họ không lên đường với ảo vọng. Còn những ai đi để tìm sự vui thích hoặc mới lạ, thực ra chi là rời xa chính mình và trở nên già nua ngay giữa tuổi trẻ. Ở Thebes hay Palmyra, tâm trí anh ta trở nên cũ kĩ và đổ nát y như những thành phố anh ta tới thăm. Anh ta chỉ mang đống tàn tích từ nơi này đến nơi khác.
Chủ nghĩa xê dịch là thiên đường của kẻ ngốc. Những chuyến đi đầu đời mang tới cho ta khái niệm “sự thờ ơ của nơi chốn”. Khi ở nhà, tôi mơ rằng ở Naples, ở Rome, tôi sẽ chìm đắm trong cái đẹp và quên mất nỗi buồn. Tôi chất đồ lên xe, tạm biệt bạn bè, đi dọc bờ biển và cuối cùng thức dậy ở Naples, và kề bên tôi là một thực tế khắc nghiệt, một cái tôi buồn bã, vẫn nhẫn tâm và y hệt như những gì tôi đã bỏ sau lưng. Tôi mong mỏi được đắm chìm trong cảnh vật và những ý ngỏ, nhưng tôi không cảm thấy vậy. Gã khổng lồ trong tôi vẫn kè kè theo tôi như hình với bóng.”
Hay như nhà triết học theo chủ nghĩa khắc kỷ, Senec, nhận định từ 2000 năm trước:
“Những người lữ hành thực hiện hết hành trình này tới hành trình khác và thay đổi hết cảnh tượng này sang cảnh tượng khác. Như Lucretius từng nói, “Con người trốn chạy chính mình.” Nhưng nếu anh ta không thể làm việc đó? Anh ta theo đuổi và bám riết chính mình như một gã đồng buồn tẻ nhất. Và vì vậy, chúng ta phải nhận ra rằng trở ngại của ta không nằm ở nơi chốn, mà là ở bản thân.”
Những ai xê dịch để tìm kiếm thứ mà họ không có, cuối cùng nhận ra bất kể điều gì ngăn cản họ tìm thấy nó ở nhà, đều đang đợi chờ ở sân bay nơi họ hạ cánh.
Nếu một ai đó người cảm thấy họ không thể tìm thấy chính mình hoặc sự hoàn thiện nếu không đi xa, một ai đó cho rằng “Chỉ cần tôi làm việc này, mọi thứ sẽ thay đổi”, có lẽ họ cũng hiểu rõ mình đang ở sai tâm thế. Đó là thứ tâm thế khiến bạn nghĩ rằng chỉ cần tìm được đúng chế độ ăn kiêng thì mình sẽ giảm được cân, nếu mình có loại ứng dụng sắp xếp công việc hiện đại thì mình sẽ làm được nhiều việc hơn, nếu mình có một mức lương tốt hơn thì mình sẽ hạnh phúc biết mấy. Trong những trường hợp này, bạn đang không thực sự tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề của mình, mà là một sự xao lãng để cuốn bạn khỏi bận tâm tới nó.
Nếu bạn không thể khám phá hết mọi sự thú vị ẩn chứa trong khu vườn sau nhà, bạn cũng không thể có được cảm giác trọn vẹn dài lâu trong hành trình du lịch châu Âu. Nếu bạn không thể tạo ra đời sống nội tâm phong phú ngay ở khu ngoại ô bạn đang sống, bạn cũng không thể tạo ra nó trong những đền thờ ở Ấn Độ. Nếu bạn không tìm thấy sự tươi mới trong những gì quen thuộc và cảm giác mãn nguyện trong hành trình tâm linh, đức hạnh và điều khiển bản thân, vậy thì chuyến du lịch quanh thế giới cũng không thể cứu bạn khỏi cảm giác trống rỗng.
Hạnh phúc, sự tiến bộ và hoàn thiện có thể được tìm thấy ở bất kì đâu, hoặc không ở đâu cả.
Chiếc vé khứ hồi.
Chủ nghĩa xê dịch thường được xem là sự vận động của lòng quả cảm và nỗ lực thỏa mãn bản tính hiếu kì khó thay đổi. Và nó cũng có thể trở thành sự ngụy biện cho chính những thứ đó. Việc cần đến luồng gió mới của những chân trời lạ để tìm niềm vui và thử thách cho thấy sự thiếu trí tưởng tượng hơn là giàu sáng tạo. Và trong trường hợp sự xê dịch được sử dụng vào mục đích trốn chạy các rắc rối, nỗi thất vọng và những khiếm khuyết trong đời sống hàng ngày hơn là ngẩng cao đầu đối diện với chúng, vậy thì không có gì đê hèn hơn vậy.
Và đạo đức giả nữa.
Sự xê dịch đem đến cảm giác như khi đứng trước ngưỡng cửa của một điều gì đó lạ lùng và tuyệt diệu, như được tồn tại trong khoảng giữa của sự chuyển đổi – giống với những gì mà Tolkien mong mỏi tìm kiếm – nhưng dư âm của cảm giác đó ngắn ngủi hơn và không thể vượt ra ngoài chính nó để đến với sự vĩ đại thật sự. Người du khách lên đường mà không trang bị sẵn cho mình một kết cấu nhận thức và tính cách, thay vào đó lại định tìm kiếm nó dọc đường đi, thì tình thế đó không khác gì một chiếc rây lọc. Khi những ước vọng nảy nở từ cuộc phiêu lưu cũng là lúc chúng tuột khỏi tay anh ta. Xuyên suốt hành trình, anh ta cảm thấy mình sống có mục đích, đầy nhiệt huyết, ý chí và đang hướng tới những điều to lớn, ý nghĩa hơn.
Nhưng đó chỉ là nhầm lẫn giữa 2 thứ: chuyển động và tiến trình.
Khi trở về nhà, những cảm giác này cạn kiệt và chỉ có thể được khơi gợi lại bởi việc bắt đầu một chuyến đi khác. Ngưỡng cửa của trải nghiệm, thay vì dẫn tới những điều phi thường, lại biến thành một vòng lặp liên hồi của chính nó, một loạt dấu nhập cảnh trống rỗng.
Chủ nghĩa xê dịch nên được hiểu giống như cách mọi người quan niệm về một mối quan hệ tình cảm lý tưởng. Thay vì tìm kiếm một người có thể lấp đầy mọi mơ ước của bạn, trước hết bạn nên là một người tự nhận thức đầy đủ về bản thân. Thay vì chờ đợi nửa kia hoàn thiện bạn, người đó chỉ đơn thuần củng cố và khuyến khích các nền tảng vững chắc mà bạn đã phát triển từ trước.
Tương tự như vậy, xê dịch không nên được xem là phương thuốc thần kì hay một nhân tố thiết yếu cho quá trình tự phát triển của bạn, mà nên là sự bổ sung phong phú cho những ai vốn đã học cách sống một cuộc đời viên mãn, có mục đích – một cách tiêu khiển, một thú vui như bao thú vui khác; một số người thì thích, một số thì không.
Xê dịch không phải là để trốn tránh cuộc sống, mà là một cách mở rộng nó.
Kết luận.
“Lồng ngực của chúng ta đủ rộng rãi nhưng chính tâm hồn ta mới là thứ đang rỉ sét. Hãy khám phá thế giới bên trong một cách không mệt mỏi, và hạ trại mỗi ngày một gần chân trời phía tây hơn.” – Henry David Thoreau.
Ngày nay, thành tích xê dịch của một người được xem như một thước đo: bạn càng đi nhiều, bạn càng là con người dũng cảm, hiểu biết và cuộc đời thêm phần thú vị; bạn du lịch ít, cuộc đời bạn sẽ bị coi là nhàm chán, tầm thường và chật hẹp.
Nhưng ranh giới không hề rõ ràng như thế. Người đã từng đến mọi châu lục trên thế giới, tâm hồn anh ta cũng có thể chỉ nông như một vết cào móng tay; trong khi người chưa bao giờ rời khỏi quê nhà, anh ta có thể mang trong mình một tâm hồn sâu thẳm như đại dương. Người với tài khoản Instagram đầy những tấm ảnh chụp các di tích cổ xưa và cảnh bình minh trên bờ biển có thể có cái nhìn vô cùng đơn chiều về cuộc sống; trong khi người chẳng có một con dấu hộ chiều nào lại sở hữu vốn hiểu biết sâu rộng. Người dám du ngoạn đến nửa kia của trái đất có thể vẫn sợ hại khi phải đối diện với chính mình và vật lộn với đời thường, trong khi người an vị ở nhà đã từng can đảm nhìn vào bản thân và những giới hạn của cuộc đời mình.
Và ngược lại. Đương nhiên.
Đương nhiên như chuyện các mẫu người như trên không phải là tuyệt đối.
Nhưng kể cả nếu bạn muốn trở thành một người có những chuyến du ngoạn thế giới bên ngoài cũng thú vị như chính thế giới bên trong, hãy bắt đầu với cái sau, hơn là với cái thứ nhất.
Hãy tìm kiếm chiều sâu trước, rồi mới đến bề rộng.
Hãy nhớ cuộc phiêu lưu quan trọng nhất trong đời có thể bắt đầu ngay ở chính nơi bạn đang ngồi. Thậm chí không cần phải gói ghém hành lý, bạn có thể lên đường trên hành trình tới sự khám phá vĩ đại về bản thân và phẩm chất phi thường, để sau đó, như anh chàng Bilbo, bạn sẽ “làm được những điều bạn chưa từng ngờ đến.”