Trên thực tế, tôi bắt đầu tin rằng “Cảm ơn” là cụm từ bị coi nhẹ và ít dùng nhất trên đời. Nó phù hợp cho hầu như mọi hoàn cảnh và là lời phản hồi hay hơn hầu hết những lời ta nói.
Tôi không nói “Cảm ơn” thường xuyên như đáng lẽ tôi nên nói và tôi tin mình không phải người duy nhất.
Trên thực tế, tôi bắt đầu tin rằng “Cảm ơn” là cụm từ bị coi nhẹ và ít dùng nhất trên đời. Nó phù hợp cho hầu như mọi hoàn cảnh và là lời phản hồi hay hơn hầu hết những lời ta nói. Hãy xem qua 7 tình huống mà ta thường thốt ra đủ loại câu nói, nhưng đáng ra nên nói “Cảm ơn”.
1. Khi được khen
Ta thường khiến lời khen mất hay vì làm giảm giá trị của nó hoặc ra vẻ quá khiêm tốn. Trong lòng, có lẽ bạn cho rằng điều này sẽ giúp bạn không tỏ ra ngạo mạn hoặc tự mãn.
Vấn đề là bằng cách né tránh một lời khen chân thành, bạn không công nhận người mà đã rất tử tế khi khen bạn. Chỉ bằng câu “Cảm ơn”, bạn công nhận người đã khen mình và cũng cho chính mình tận hưởng khoảnh khắc được khen.
Ví dụ: “Chiếc đầm của chị đẹp quá.”
Thay vì nói: “À, chiếc đầm cũ này à? Chị mua nó lâu rồi.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn em. Chị rất vui vì em thích nó.”
Ví dụ: “Chà! Tối nay anh ghi đến 20 điểm. Chơi giỏi lắm.”
Thay vì nói: “Ừ, nhưng anh đã không ghi điểm ở hiệp 3 dù hàng phòng ngự trống trải.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn. Tối nay vui quá.”
Ví dụ: “Hôm nay chị thuyết trình không chê vào đâu được!”
Thay vì nói: “Vậy sao? Đứng trên đó tôi lo lắm. Tôi mừng là trông mình ổn.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn. Tôi rất vui vì mọi chuyện suôn sẻ.”
Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi chân thành nhận lời khen. Nếu làm giảm giá trị lời khen, bạn không thật sự đón nhận nó. Chỉ cần nói “Cảm ơn” là bạn đã đón nhận giá trị của lời khen và để giá trị đó hòa vào con người mình. Nói “Cảm ơn” cho phép bạn củng cố tư duy của mình từ những lời khen.
Được khen nên khiến ta thấy vui và thích thú, nhưng ta thường xuyên phá hỏng trải nghiệm đó. Bạn không cần phá đi giá trị của lời khen. Hãy lịch sự chấp nhận nó và tận hưởng khoảnh khắc ấy.
Hãy lịch sự nói “Cảm ơn” khi bạn được người khác khen ngợi.
2. Khi đến trễ
Đi trễ là tệ nhất. Người đi trễ thấy căng thẳng mà người chờ đợi cũng thấy không được tôn trọng.
Cảm ơn người khác vì đã chịu đựng rắc rối bạn gây ra thì nghe có vẻ lạ, nhưng đó chính là cách phản ứng phù hợp. Hầu hết mọi người đều hối hả vào phòng và nói, “Xin lỗi, tôi đến trễ.”
Vấn đề là phản hồi này vẫn nhấn mạnh lỗi lầm của bạn. Xin lỗi, tôi đến trễ. Nói “Cảm ơn” giúp bạn lật ngược tình thế và công nhận công sức chờ đợi của đối phương. Cảm ơn anh/chị vì đã đợi.
Ví dụ: Bạn bước vào phòng trễ gần 15 phút.
Thay vì nói: “Thật xin lỗi tôi đã tới trễ. Đường sá đông nghịt.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn anh/chị vì đã kiên nhẫn chờ đợi.”
Khi ta phạm lỗi, thường sẽ có người khác phải xử lý hậu quả cho ta. Câu trả lời mặc định của ta là xin lỗi, nhưng cách tốt hơn lại là đề cao sự kiên nhẫn và trung thành của họ. Hãy cảm ơn họ vì những gì họ làm thay vì lỗi lầm của bạn.
3. Khi an ủi người khác
Khi người gặp chuyện không vui tìm đến bạn, bạn có thể sẽ thấy lúng túng. Ta muốn làm một người bạn tốt, nhưng phần lớn mọi người lại không biết nói gì. Tôi hiểu, vì trước đây tôi đã cảm thấy như vậy.
Thông thường, ta cho rằng nói về “mặt phải” là một ý hay. “Ừm, chí ít anh/chị có…”
Ta không nhận ra là dù mình không biết nói gì thì cũng không sao. Tất cả những gì bạn thật sự cần làm là ở bên họ và cảm ơn họ vì đã tin bạn.
Ví dụ: Mẹ của một đồng nghiệp vừa qua đời.
Thay vì nói: “Chí ít chị cũng có nhiều ký ức đẹp để nhớ về.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn chị vì đã chia sẻ điều đó với tôi. Tôi biết đây là quãng thời gian khó khăn cho chị.”
Ví dụ: Anh trai của bạn mất việc.
Thay vì nói: “Chí ít anh còn có sức khỏe.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn anh đã chia sẻ chuyện này với em. Em sẽ luôn ủng hộ anh.”
Ví dụ: Thú cưng của một người bạn vừa mất.
Thay vì nói: “Chí ít nó cũng đã sống lâu và vui vẻ.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn bạn đã chia sẻ chuyện này với mình. Mình ở đây vì bạn.”
Trong những lúc đau khổ, ta không cần nghe những lời xoa dịu nỗi đau nhiều bằng cần có ai đó chia sẻ nỗi đau. Khi bạn không biết nói gì, cứ nói “Cảm ơn” và ở bên họ.
Trong những lúc đau khổ, ta cần nhất là có ai đó chia sẻ nỗi đau.
4. Khi nhận phản hồi có ích
Phản hồi có thể rất có ích, nhưng ta hiếm khi nhìn nhận nó theo cách đó. Dù là nhận xét của sếp về phần trình bày không tốt hay email từ một vị khách không hài lòng thì phản ứng thông thường của ta là “xù lông nhím”. Thật đáng tiếc, vì phản ứng đúng đắn là bạn chỉ cần nói “Cảm ơn” và sử dụng thông tin đó để cải thiện bản thân.
Ví dụ: “Sản phẩm này không đủ tốt. Tôi tưởng anh sẽ làm tốt hơn chứ.”
Thay vì nói: “Chị không hiểu rồi. Chuyện thật ra là thế này.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn chị vì đã kỳ vọng nhiều hơn ở tôi.”
Ví dụ: “Tôi mới mua sản phẩm của cô tuần trước mà giờ nó hỏng rồi. Tôi không hài lòng với chuyện này.”
Thay vì nói: “Quý khách đã sử dụng nó như thế nào? Chúng tôi ghi rất rõ ràng trong phần điều khoản và điều kiện rằng sản phẩm không phù hợp với một số điều kiện nhất định.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn quý khách vì đã chia sẻ cảm tưởng của mình. Xin hiểu rằng chúng tôi cam kết sẽ cải thiện tốt hơn. Quý khách có thể chia sẻ thêm về vấn đề này không?”
Không ai thích thất bại, nhưng thất bại chỉ là một thông tin. Hãy trả lời phản hồi có ích bằng lời cảm ơn và dựa vào đó mà cải thiện bản thân.
5. Khi nhận chỉ trích thiếu công bằng
Đôi khi lời nhận xét không giúp ích gì cả. Nó chỉ là lời chỉ trích có hại và làm ta tổn thương. Một trong những cách hay nhất giúp đối phó người ghét mình là chỉ cần nói cảm ơn và tiếp tục tiến về phía trước.
Khi bạn cảm ơn ai đó vì đã chỉ trích mình thì tác hại của lời chỉ trích đó sẽ lập tức mất tác dụng. Nếu bạn xem nhẹ nó thì cuộc tranh cãi to hơn sẽ không có cớ xảy ra.
Ví dụ: “Đây có thể là lời khuyên tốt cho người mới, nhưng người nào biết rõ việc mình đang làm thì sẽ thấy lời khuyên đó vô dụng.”
Thay vì nói: “Ừm, rõ ràng tôi viết cái này cho người mới mà. Có thể nó nằm ngoài dự đoán của cô, nhưng không phải cái gì tôi viết ra cũng hướng đến cô đâu.”
Hãy thử nói: “Cảm ơn cô vì đã chia sẻ ý kiến. Lần sau tôi sẽ cố gắng cải thiện.”
Ví dụ: “Phát biểu của anh là phát biểu ngu xuẩn nhất mà tôi nghe được trong tuần.”
Thay vì nói: “Anh là đồ ngốc. Cho anh biết nhé…”
Hãy thử nói: “Cảm ơn anh vì đã phản hồi. Tôi vẫn còn rất nhiều điều cần học.”
Buông bỏ nhu cầu “ăn thua đủ” trong các cuộc tranh cãi là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành. Có người nói bậy trên mạng ư? Thế thì sao. Hãy giành phần thắng thông qua cách sống của mình.
Ngay cả khi bạn bị chỉ trích thì lời cảm ơn vẫn có giá trị.
6. Khi có người “không mời mà khuyên”
Chuyện này xảy ra rất nhiều trong phòng gym. Mọi người đều ý kiến về kỹ thuật của bạn. Tôi cho rằng hầu hết mọi người chỉ đang cố gắng giúp đỡ, nhưng nghe ý kiến của người khác về mình trong khi mình chẳng hề hỏi đến thì có thể làm ta khó chịu.
Lần nọ, có người chỉ ra vài lỗi sai trong kỹ thuật squat ở một đoạn video tôi đăng lên mạng. Tôi trả lời bằng cách mỉa mai hỏi là liệu anh ta có đoạn video nào cho thấy anh ta làm đúng không. Đâu đó sâu trong lòng, tôi nghĩ nếu mình nhắc người đó rằng kỹ thuật của họ cũng đâu có hoàn hảo thì tôi sẽ thấy dễ chịu hơn về việc kỹ thuật của tôi cũng vậy. Đó là một phản ứng “xù lông nhím” không cần thiết.
Cách giải quyết tốt hơn ư? Cứ nói “Cảm ơn”.
Ví dụ: “Cậu biết không, cậu nên giữ hông ở phía sau khi tập động tác đó.”
Thay vì nói: “Thật vậy sao? Anh có đoạn video nào mô tả cách anh thực hiện động tác đó để tôi xem xem cách của anh có đúng không không?”
Hãy thử nói: “Cảm ơn anh đã giúp đỡ.”
Chỉ ra lỗi sai của người khác chẳng giúp xóa đi lỗi của bạn. Hãy cảm ơn họ vì đã nâng cao nhận thức của bạn về bản thân, cho dù bạn không nhờ họ làm vậy.
7. Khi không chắc mình có nên cảm ơn hay không
Khi đó hãy cứ nói cảm ơn. Bạn sẽ chẳng gặp gì bất lợi cả. Bạn thật sự lo chuyện thể hiện lòng biết ơn đối với những người mình gặp trong đời à?
“Mình có nên gửi một tấm thiệp cảm ơn trong tình huống này không?” Có, bạn nên gửi.
“Mình có nên boa cho anh ta không?” Nếu không boa thì chí ít hãy nói cảm ơn.
Hãy nói cảm ơn thường xuyên hơn.
Tác giả: James Clear
Dịch: https://ubrand.cool/courses/7-loi-cam-on-khien-cuoc-song-tot-dep-hon