Nâng cao kỹ năng quản lý tài chính gia đình sẽ cải thiện mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
Theo kết quả của Chỉ số các mối quan hệ 2016 (Prudential Relationship Index 2016) tại Việt Nam về các vấn đề tài chính, tiền bạc là nguyên nhân lớn nhất (45%) gây ra các cuộc tranh cãi của các cặp vợ chồng Việt. Thế nhưng, báo cáo này cũng cho biết có đến 95% gia đình cùng nhau bàn bạc về các kế hoạch tài chính cũng như dự định tương lai.
Có mâu thuẫn hay không khi cả hai vợ chồng đều mong muốn cùng nhau giải quyết các vấn đề tài chính, nhưng “điệp khúc” cãi nhau vì chúng vẫn cứ lặp đi lặp lại và có thể kết thúc bằng một dấu chấm hết cho mối quan hệ. Cũng đừng vội đổ lỗi hết tất cả cho tài chính, yếu tố này chỉ vô tình trở thành “giọt nước tràn ly” trong khi 99% lượng nước “mâu thuẫn” đã được tích tụ từ ngày này qua tháng nọ. Vậy làm thế nào để tránh được điều phiền toái đó để mối quan hệ của vợ chồng trở nên khắng khít hơn?
Học cách quản lý tài chính
Tại buổi họp báo Công bố chỉ số các mối quan hệ 2016 tại Việt Nam do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential tổ chức, PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết kỹ năng quản lý tài chính của các cặp vợ chồng trẻ chỉ ở mức trung bình. Họ thường rơi vào tình trạng mất kiểm soát tài chính vì chi tiêu từ ngân sách chung nhưng lại không có kế hoạch tài chính rõ ràng. Theo đó, các anh chồng hay chị vợ đều muốn sở hữu quỹ đen để không bị thụ động trong các vấn đề tài chính. Kết quả là cả hai sẽ dần mất lòng tin vào nhau, từ chuyện tiền bạc đến những vấn đề khác trong đời sống gia đình.
Nâng cao kỹ năng quản lý tài chính gia đình sẽ cải thiện mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
Để giúp đỡ các cặp vợ chồng trẻ về mâu thuẫn tài chính, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng hướng dẫn phân loại 6 loại quỹ từ Phương pháp quản lý tài chính của tỷ phú T.Harv Eker: quỹ phí sinh hoạt (50%), quỹ giáo dục (10%), quỹ tiết kiệm dài hạn (10%), quỹ từ thiện (10%), quỹ hưởng thụ (10%), quỹ tự do tài chính (10%).
Minh bạch các khoản tài chính
Nếu chỉ vợ hoặc chồng là tay hòm chìa khóa thì sẽ dễ mất kiểm soát các chi phí phát sinh mỗi tháng hoặc ảnh hưởng đến lòng tin từ đối phương. Trong số 10 quốc gia ở Châu Á thực hiện khảo sát PRI 2016, Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ các cặp vợ chồng đồng sở hữu ngân hàng (79%) và khoảng 38% người không đăng ký tài khoản ngân hàng cá nhân. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy sự “đồng tâm hiệp lực” của các cặp đôi Việt trong các vấn đề tài chính, nhưng vẫn cần cải thiện thêm nhiều yếu tố khách quan khác như thái độ mềm mỏng như nhắc đến các khoản chi thu, lắng nghe và cùng nhau tìm giải pháp vượt qua khó khăn tài chính.
Hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, các cặp vợ chồng Việt có xu hướng cùng nhau giải quyết các vấn đề tài chính
Việc minh bạch các chi phí, cùng bàn bạc đối với khoản chi lớn…không chỉ giúp cả hai vợ chồng nắm được tình hình tài chính của gia đình, còn là cách giảm bớt mâu thuẫn về vấn đề “nhức nhối” này.
Cân bằng lối sống tài chính cá nhân
Không phải cặp vợ chồng nào cũng may mắn có thu nhập đồng đều, sự chênh lệch về mức sống cá nhân có thể gây ra những tranh cãi về các vấn đề tiêu xài. Đơn cử như người chồng muốn ăn một bữa tối sang trọng vào thời điểm gần cuối tháng nhưng người vợ lại phản đối vì số tiền quỹ gia đình khá ít ỏi. Thay đổi lối sống cá nhân không phải là một việc dễ dàng nhưng học cách cân bằng cuộc sống với người bạn đời là một việc cần thiết. Khi cắt giảm chi tiêu cá nhân không cần thiết, bạn còn đồng thời xóa mờ mặc cảm thua thiệt về thu nhập của nửa kia.
Hòa hợp với nửa kia là yếu tố được người Việt đánh giá cao nhất ở người bạn đời
Dù áp dụng cách thức nào để giải quyết các mâu thuẫn tài chính giữa hai vợ chồng thì bạn cũng nên ghi nhớ câu tục ngữ “lạt mềm buộc chặt”. Nhẹ nhàng trao đổi về thiện chí vượt qua những khó khăn trong đời sống gia đình sẽ khiến người bạn đời cảm thấy gần gũi và dễ dàng đồng cảm hơn.
Bạn có thể truy cập tại đây để tham gia bài trắc nghiệm định nghĩa mối quan hệ của vợ chồng, cũng như tìm hiểu thêm những tiêu chí hàng đầu được mong đợi từ người bạn đời lý tưởng của người Việt.