CHO CON ĐƯỢC LỚN

Chị ơi!

Em muốn học ngành mầm non, nhưng mẹ không muốn, vì mẹ sợ về sau em vất vả.

Chị ơi!

Em muốn học ngành quan hệ công chúng, nhưng gia đình không an tâm, muốn em theo học quản trị kinh doanh.

Sáng, mười một giờ trưa, tôi đi bộ ra chợ, đi ngang nhà cô Mai, hai vợ chồng cô chú bán tạp hóa. Chú đang ủi đồ cho cậu con trai đi học buổi chiều, học lớp mười nhưng anh chàng cao to gấp đôi người tôi. Nhưng, tôi không cảm thấy đó là sự mạnh khỏe, ngay cả cái việc nhẹ nhàng nhất cũng cha mẹ bảo bọc thì tôi không thấy đó là sự lớn mạnh, hồ chăng đó chỉ là sự lớn mạnh về thể xác chứ bên trong chưa thực sự trưởng thành.

Bao giờ nhưng đứa trẻ này sẽ lớn?

Tôi không có câu trả lời chính xác, vì tôi chưa có một đứa trẻ để nuôi dưỡng và giáo dục. Nhưng, tôi chỉ biết là tôi sống trong một gia đình nông dân, từ ngày thơ bé đã bắt đầu từ lập và tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Để hôm nay, trước mọi con đường và hướng đi tôi luôn cảm thấy an tâm thay vì hoài nghi.

Hai tin nhắn đầu tiên, là của cô học trò vừa tốt nghiệp cấp ba và đang có một vài kế hoạch cho tương lai nghề nghiệp, còn mảnh chuyện nhỏ thứ hai là tôi thấy được khi đi ngang nhà đến chợ. Vậy đó, rất nhiều, rất nhiều những đứa trẻ ở thành phố này, được dẫn đường chỉ lối, được chăm sóc, bảo bọc đến tận nơi. Đáng buồn thay, vì sự chăm sóc quá ư chu đáo của các bậc cha mẹ nên tụi nhỏ cũng mất dần đi tính tự lập và kỹ năng ứng phó với những sự thay đổi của môi trường xung quanh.

Bao giờ những đứa trẻ này sẽ lớn? câu nói cứ xoay đi xoay lại trong đầu tôi, tôi tự đặt câu hỏi: vì sao các bậc cha mẹ không cho con mình một lần bước ra thế giới bên ngoài, cho con được học ngành mà đứa trẻ thực sự thích thay vì đưa tụi nhỏ vào một cái khuôn. Dẫu biết, truyền thống gia đình là tốt, có anh em họ hàng từng làm trong đó còn tốt hơn nữa. Nhưng, ai đảm bảo những đứa trẻ đó về sau sẽ được đi con đường đã lót thảm, một khi đứa trẻ không thích thì tụi nhỏ sẽ học hành như thế nào? Làm việc ra làm sao?

Tôi nhớ bản thân mình, của bảy năm về trước, khi tôi quyết định học tâm lý thay vì học sư phạm văn, gia đình cho tôi một năm theo học tâm lý để tự quyết định. Sau một năm, tôi biết mình thực sự thích gì và quyết tâm theo đuổi nó đến cùng. Để rồi, sau bảy năm, tôi đã có thể hạnh phúc với công việc đang làm, thấy vui khi mỗi ngày thức giấc.

Cha mẹ nào cũng thương con, hơn hết là muốn con mình sống một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy, nhưng nếu cứ lót đường cho trẻ, cứ đến giờ đi học bưng cơm lên bàn cho con ăn, ủi cho con từng đường viền khi con đã lớn thì quả thực là không ổn.

Nên chăng, hãy để con lớn, cho con tự nhận ra giá trị của sức lao động và giá trị của tính tự lập, cho trẻ được tự trải nghiệm thất bại thành công, cho trẻ biết thế giới bên ngoài không chỉ có nụ cười mà còn nước mắt.

Tôi, lớn lên trong cảnh nghèo khó, tôi không áp đặt lên những đứa trẻ mình tiếp xúc, và cũng chẳng muốn đứa trẻ chịu khổ, vì cái nghèo cái khổ là điều không tốt. Tuy nhiên, dù ở môi trường nào, tôi cũng mong muốn nhìn thấy những đứa trẻ, có khát khao, có hoài bão và được sống một cách khỏe mạnh, độc lập và chính mình.

Thảo cỏ

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *