TP – Hè là dịp nghỉ ngơi của trẻ em nhưng cũng là thời điểm nhiều phụ huynh cho con em mình đi học thêm. Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, việc ép trẻ học hè sẽ “lợi bất cập hại”.
Học sinh hào hứng tham gia học kỳ quân đội dịp hè. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Vì bệnh thành tích
Theo PGS, nguyên nhân nào khiến phụ huynh bắt trẻ đi học hè?
Có thể kể đến do tâm lý nặng nề về thành tích nên bố mẹ luôn mong muốn con được học trước kiến thức, làm quen với chương trình sớm để vào năm học không quá bỡ ngỡ. Căn bệnh thành tích trong học hành, thi cử đã bám sâu vào suy nghĩ của phụ huynh khiến nhiều cháu tuy mới chỉ học bậc tiểu học đã phải chịu nhiều áp lực trong việc học hành, thi cử.
Thứ hai, phụ huynh cho con học là do chạy theo trào lưu. Thấy các gia đình khác cho con đi học, mình cũng phải cho con học theo, không sẽ cảm thấy khó chịu, sợ con mình thua thiệt, kém bạn. Ngoài ra, còn do phụ huynh quá bận, không đủ thời gian để quản lý con trong thời gian nghỉ hè kéo dài. Cho con đi học hè là cách để bố mẹ giải tỏa việc chăm sóc con và cảm thấy an toàn nhất.
Tâm lý “ganh đua” giữa các bậc phụ huynh dẫn đến hệ lụy gì cho trẻ thưa PGS?
Ép trẻ học hè sẽ khiến các cháu giảm hứng thú, xuất hiện tâm lý sợ học, chán học. Từ đó, trẻ không còn cảm nhận niềm vui đi học, giảm hứng khởi, thiếu sự sáng tạo. Trẻ cũng có thể đẩy mình vào thế căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi với những áp lực học tập.
Nhiều khi, cha mẹ không thấu hiểu nhu cầu của con cái và ngược lại. Cha mẹ muốn nhưng trẻ lại không, trẻ cần nhưng cha mẹ không đáp ứng. Điều đó có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ thân tình, phá vỡ sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái. lâu dài, trẻ cảm thấy dễ bị stress, cảm thấy cha mẹ chính là người gây sức ép cho mình, trẻ sợ đối mặt với bố mẹ, từ đó giữa bố mẹ và con cái thiếu sự chia sẻ là điều rất nguy hiểm.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn.
Không nên ép trẻ học thêm
Có ý kiến cho rằng, hè đến đừng bắt trẻ con phải học thêm, quan điểm của PGS thế nào?
“Dịp hè cần tạo điều kiện cho con được vui chơi, thư giãn hợp lý và trải nghiệm cuộc sống. Phụ huynh có thể kết hợp cho con các khóa học ngắn, xen kẽ, nhưng tuyệt đối không tận dụng hè để ép trẻ học nhiều và học trước các môn học ở trường mà đáng lẽ ra phải chính thức vào năm học thì các con mới phải học. Cũng tránh cho trẻ nhỏ đi luyện thi. Thực tế, các em chưa cần tiếp xúc với các áp lực kiểu này”.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam
Tôi nghĩ chúng ta có quyền cho con học hè nhưng phải biết nên cho con học cái gì. Học hè đôi khi cũng là nhu cầu của trẻ, nếu trẻ chưa có hãy kích thích chứ không nên cưỡng chế, ép buộc.
Chúng ta có quyền nhưng không nhất thiết phải bắt con đi học thêm. Hiện nay, hầu hết các trung tâm gia sư, dạy thêm vừa củng cố kiến thức cho các em nhưng cũng có khuynh hướng dạy trước chương trình. Chính vì vậy, sẽ làm các em cảm thấy nhàm chán khi vào học chính khóa, không tập trung và chủ quan vì cho là mình biết rồi. Khi đó lại lợi bất cập hại.
Nếu học thì nên chọn các khóa học hè nhẹ nhàng, phù hợp với khả năng học hỏi, tiếp thu của trẻ. Đó là những lớp về kỹ năng sống hoặc có những bộ môn như: bơi, hát, vẽ, múa, học kỳ quân đội, công an… lại rất thu hút trẻ tham gia.
Đừng đánh cắp mùa hè của trẻ
PGS nhận định thế nào về ý kiến bắt trẻ học hè là người lớn đang “đánh cắp” mùa hè của trẻ?
tôi cho rằng quan niệm trên chỉ phù hợp với những bậc cha mẹ luôn nghĩ rằng: Việc học thêm hè là trách nhiệm và nghĩa vụ của con, nên con phải làm hoặc phụ huynh quá kỳ vọng về thành tích và ảo tưởng về khả năng của con. Chúng ta cũng nên thông cảm cho những bậc cha mẹ bận rộn, không thể sắp xếp kế hoạch của mình để sát cánh cùng con, dành thời gian cho con trong nghỉ hè.
Người lớn “đánh cắp” mùa hè của trẻ là khi bắt con học quá nhiều, không tạo điều kiện để trẻ vui chơi, để trẻ cảm thấy mình đang được nghỉ hè. Hoặc có những phụ huynh nếu không cho con đi học trung tâm thì cũng mời giáo viên hướng dẫn, kèm cặp tận nhà cho con. Điều đó thật kinh khủng đối với những đứa trẻ không thích.
Vậy theo PGS phụ huynh nên làm gì để giúp trẻ có được kỳ nghỉ hè vui vẻ?
Trước hết, phải tập cho trẻ vượt qua áp lực cha mẹ. tập cho trẻ kỹ năng thể hiện nhu cầu và sự tự tin để thương lượng với cha mẹ về mong muốn của mình. Cha mẹ nên thống nhất với con để xây dựng một kế hoạch nghỉ hè hoàn hảo, không gây áp lực cho trẻ.
Chính các bậc cha mẹ cần biết mình nên có hành động gì, nên đầu tư thời gian, sự quan tâm của mình dành cho con ra sao. Vì vậy, hãy lựa chọn cho mình cách đầu tư cho con hợp lý thay vì cứ nghĩ phải làm việc để có nhiều tiền, có những tài sản dành cho con.
Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện, các dự án xã hội cần sự giúp sức của cộng đồng và đặc biệt là các hoạt động từ thiện là những gì mà cha mẹ có thể lựa chọn cho con tham gia thay vì để chúng đi học văn hóa hay ở nhà xem ti vi.
Cảm ơn ông.