Giả danh thiếu gia giàu sang, đi xe đẹp, Hùng Sơn lần lượt dụ dỗ 3 cô gái lên núi Sơn Trà (Đà Nẵng) để cưỡng hiếp. Trước một số lời chỉ trích độc ác chĩa về các cô gái, các chuyên gia tâm lí khẳng định: Không thể dựa vào việc họ thích một người giàu sang để hợp thức hóa lí do họ bị hiếp dâm.
Khi kịch bản hãm hiếp nạn nhân đã được lên sẵn
Những ngày qua, vụ việc thanh niên 27 tuổi ở Đà Nẵng dụ dỗ lần lượt 3 cô gái lên núi Sơn Trà rồi cưỡng hiếp họ ngay trên xe ô tô đang được đem ra bàn tán, mổ xẻ.
Chàng trai đó là Hùng Sơn (27 tuổi, trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ). Sơn chỉ có một chiêu thức quen thuộc đem ra xài lại mỗi khi muốn dụ dỗ một cô gái nào đó: Đăng những hình ảnh ăn chơi và cố tình khoe chiếc xe 7 chỗ lên facebook, tự xưng là hướng dẫn viên du lịch để làm quen các cô gái.
Ông Hùng Sơn – kẻ hiếp dâm 3 cô gái trên ô tô 7 chỗ.
Khi đã tạo nên sự thân thiết, Sơn rủ các cô gái đi ăn tối, sau đó lái xe chở nạn nhân lên núi Sơn Trà để ngắm cảnh Đà Nẵng về đêm. Đến đường vắng, thanh niên này chốt cửa xe, dùng roi điện khống chế rồi thực hiện hành vi hiếp dâm các nạn nhân. Thậm chí sau khi thỏa mãn dục vọng, hắn còn bắt các cô gái khỏa thân nằm trên xe cho mình chụp ảnh.
Không ít ý kiến vô lí sau đó cho rằng nếu các cô gái không đua đòi, không thích xe đẹp, không… sống ảo thì sẽ không bị dụ dỗ. Tuy nhiên, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng:“Người ta đã cố tình giăng bẫy thì cẩn trọng đến mấy cũng có thể mắc bẫy, không cần biết bạn có ham tiền hay đua đòi không”.
Theo TS Sơn, nếu Sơn đã là kẻ có hành vi lệch chuẩn thì có rất nhiều cách để tiếp cận “con mồi”. Việc giở thủ đoạn bằng cách nào sẽ dựa trên hai yếu tố chính: điều kiện và khả năng thực tế, sự tương tác với con mồi. Ở đây, nếu Sơn không có điều kiện thể hiện giàu có thì hắn sẽ thể hiện mình có ngoại hình, không có xe ô tô thì thuê xe, không có chứng chỉ hướng dẫn viên thì “chém gió” một tý cũng có thể lừa nạn nhân. Cần nhìn nhận bản thể vấn đề đó là kịch bản lừa đã được lên sẵn.
“Âm mưu, hành vi thủ ác ấy bị chi phối bởi sự lệch chuẩn trong nhận thức, thái độ và hành vi của chính họ. Bản chất hành vi lệch chuẩn này có thể xuất phát từ nhận thức sai lệch về giá trị, cũng có thể là sự rối nhiễu bên trong tâm lý. Nhưng dẫu ở góc độ nào cũng cần nhìn nhận một vấn đề: khi muốn hại người khác, muốn thỏa mãn chính mình bằng cách này hay cách khác, kẻ ác sẽ đủ chiêu trò để thỏa mãn thú tính của mình”, TS cho biết.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cho biết, trong rất nhiều vụ hiếp dâm, nạn nhân và thủ phạm có mối quen biết từ trước. Phía thủ phạm thường lên kế hoạch bài bản cho hành vi đồi bại này. Họ có thể tìm kiếm đối tượng qua mạng xã hội, nói chuyện lịch sự, tỏ ra giàu có để thu hút các cô gái. Nhiều người dùng tiền, quà cáp để mua chuộc, số khác dùng lời lẽ ngon ngọt để lừa gạt, mục đích cuối cùng cũng chỉ để chiếm đoạt người con gái kia.
Thậm chí, một số kẻ còn đồi bại đến mức, sau khi chiếm được rồi còn gọi điện cho đồng bọn cùng đến để cưỡng bức cô gái. “Đó là tội ác có chủ đích, không thể vin vào lý do gì để biện minh”, ông Đoàn nói.
Định kiến giới và tâm lý hạ thấp phụ nữ dường như ăn sâu vào tiềm thức mọi người
Thế nhưng tại sao, khi bất cứ một sự việc nào xảy đến, phụ nữ luôn là người nhận chỉ trích do chính tội ác mà họ phải gánh chịu? Theo ông Đoàn, nguyên nhân của sự đổ lỗi này chủ yếu là do cách nhìn thiên lệch của dư luận.
“Tôi lấy ví dụ, trong nhiều vụ việc chồng cặp bồ, thay vì lên tiếng chỉ trích người chồng hoặc tìm hiểu sâu xa nguyên nhân thì người ta lại đem mọi tội lỗi đổ lên đầu người phụ nữ là không biết giữ chồng. Định kiến giới và tâm lý hạ thấp phụ nữ dường như ăn sâu vào tiềm thức mọi người, thậm chí ngay cả phụ nữ cũng không bênh vực nhau mà còn lên tiếng chỉ trích nhau. Không ít cô gái vẫn còn lên tiếng vỗ ngực rằng mình là gái ngoan, biết bảo vệ bản thân thì làm sao bị hiếp dâm”.
“Ví dụ nếu họ ăn mặc phản cảm, họ có lỗi thuần phong mỹ tục, họ bị chê trách nhưng không vì thế mà họ bị hiếp dâm. Những điều không liên quan đến nhau thì không thể lấy làm lý do cho nhau được.“, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói.
Ông Đoàn cũng cho rằng, việc chỉ trích các cô gái hám tiền nên mới bị lừa, bị hiếp dâm là nhận xét thiếu công bằng. Chuyên gia phân tích:
“Thứ nhất, các cô gái khi quen thủ phạm qua mạng xã hội, thấy anh này nói chuyện lịch sự nên ấn tượng, có cảm tình tốt và muốn làm quen là chuyện hết sức bình thường.
Thứ hai, cứ cho là họ thích anh này vì anh ta có xe đẹp, có công việc tốt thì điều đó không xấu. Trong số chúng ta, ai chẳng mong muốn người yêu mình là người tuyệt vời, ai chẳng hy vọng hướng đến cuộc sống giàu sang, tốt đẹp hơn. Việc họ thích một người có điều kiện tốt thì có gì sai? Sao có thể dựa vào đó đánh giá họ là người xấu xa và dựa vào đó để hợp thức hóa việc họ bị hiếp dâm? Tôi cho rằng sự đổ lỗi này chỉ mang tính chất ngụy biện và thiếu công bằng với nạn nhân”.
Còn theo PGS. TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, người ta đi cùng nhau bởi nhiều cảm xúc chứ không hẳn vì cảm xúc tình dục.“Đương nhiên, cũng vì tính hướng ngoại, cũng vì vấn đề giao lưu vội vàng và thiếu cảnh giác, việc các cô gái bị rơi vào bẫy và bị hại vẫn cần được nhắc nhở thay vì cho rằng đó là nguyên nhân khiến họ bị cưỡng hiếp mà đem ra đánh giá họ.”
Cuối cùng, cả hai chuyên gia tâm lý đều muốn khẳng định là tội hiếp dâm đều ở thủ phạm, phụ nữ không có lỗi và họ đáng ra phải là đối tượng được xã hội lên tiếng, tìm cách bênh vực.
Theo Thu Hường – Quỳnh Trân / Trí Thức Trẻ