Mây của trời thì để gió cuốn đi, kỷ niệm chỉ mãi là quá khứ. Nhiều lần tự hỏi, kỷ niệm có màu gi? Phải chăng kỷ niệm là những gam màu nóng lạnh để tô vẽ cho thực tại thêm muôn màu? Con người ai rồi cũng khác, ai rồi cũng phải thay đổi để quen với cuôc sống thực tại. Càng lớn, niềm vui càng khó đến hơn, không còn thấy hứng thú vì những điều giản đơn như trước nữa.
Có những ngày bản thân khao khát có thể gạt bỏ hết những sân si thường nhật để trở về sống với kỷ niệm quá khứ, như cách cỏ cây khao khát trông thấy mặt trời sau những cơn mưa dầm dề rả rích, như cách đôi chân đang cố gắng tìm hơi đất khi bước trên miền đất lạ, như cách đứa trẻ mong muốn nhìn thấy cầu vồng sau những trận mưa rào vừa tan.
Ngày nhỏ, niềm vui dễ đến và giản đơn lắm.
Nhớ ngày đó, người ta phát cho mỗi nhà một quyển danh bạ điện thoại, vậy là ngồi cả buổi trời để tìm số điện thoại nhà mình, nhà nội, nhà ngoại, mỗi lần tìm thấy là mỗi lần vui, chạy ra chạy vào khoe ba khoe má. Chỉ vậy thôi mà thấy thương, thấy vui, vui sao đến lạ.
Nhớ ngày đó, ba hay bảo mùng 1 tết mà đem tập ra học là học giỏi cả năm. Thế là đầù năm nào cũng đem tập ra học, ai lại nhà cũng bảo chăm, để mẹ phải giải thích rằng con mẹ đang khai bút đầu xuân. Có vậy thôi mà thấy vui, vui sao đến lạ.
Mây của trời thì để gió cuốn đi, kỷ niệm chỉ mãi là quá khứ. Nhiều lần tự hỏi, kỷ niệm có màu gi? Phải chăng kỷ niệm là những gam màu nóng lạnh để tô vẽ cho thực tại thêm muôn màu? Con người ai rồi cũng khác, ai rồi cũng phải thay đổi để quen với cuôc sống thực tại. Càng lớn, niềm vui càng khó đến hơn, không còn thấy hứng thú vì những điều giản đơn như trước nữa.
Có khi giữa dòng người nập, giữa đám đông bộn bề ngổn ngang, bản thân như đứng ở lưng chừng cô đơn, cảm thấy không có gì và không một ai, chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả… Lớn để nhận ra rằng, cuộc đời, người ta sân si, hạnh hoẹ nhau mà sống, nên dù có đứng giữa cái nắng gay gắt mùa hạ thì cũng thấy lạnh bởi lòng người dưng, có mấy ai mà không bạc như vôi đâu?
Trưởng thành để nhận ra bản thân không còn được sống với cảm xúc thật, không còn dễ khóc dễ cười như đứa trẻ bị giành lấy đồ chơi và được ba mẹ dỗ dành bằng kẹo ngọt. Trưởng thành là lúc nhận ra có những đớn đau không thể khóc được, có những nỗi vui chẳng thể nào bền dài, có những câu hỏi không phải lúc nào cũng có câu trả lời, có những câu trả lời dù muốn biết nhưng chẳng muốn nghe.
Trưởng thành là tự an ủi bản thân, tự cố gắng để sống tốt trong cuộc đời ngập ngụa phũ bạc, và đôi lúc nên dùng những bộn bề kỷ niệm để tô vẽ cho hiện tại muôn màu.
Maruko Chan – Guu.vn