Sau khi xảy ra vụ thảm sát ở Bình Phước với động cơ gây án được cho là vì “hận tình”, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về việc chia tay như thế nào để đối phương không cảm thấy bị tổn thương, tức giận và nghĩ đến việc “trả thù”.
Nghi can Nguyễn Hải Dương (24 tuổi) đã khai nhận nguyên nhân trả thù gia đình ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, Bình Phước) là do bị ngăn cản tình yêu. Hải Dương đã lên kế hoạch tỉ mỉ đột nhập được vào biệt thự nhà người yêu trong đêm để gây án.
Theo lời khai ban đầu, Dương có quan hệ tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con ông Mỹ), từng có thời gian chung sống với nhau như vợ chồng. Nhưng sau đó, gia đình Linh ngăn cấm mối tình này.
Thời gian gần đây, thấy cô gái có người yêu mới, Dương ghen tuông nên nảy sinh ý định trả thù và nhờ Tiến giúp sức. Anh ta hứa hẹn trả thù thành công sẽ lấy tiền, tài sản trong nhà Linh trả công cho Tiến. Sau khi sát hại 6 người trong khuôn viên biệt thự của gia đình ông Mỹ, cơ quan điều tra đã làm rõ thủ phạm.
Rất nhiều người bàng hoàng trước động cơ giết người và cướp của vì muốn trả thù tình yêu của Hải Dương. Thậm chí, trước khi ra tay với người yêu cũ, Dương bắt Linh ngồi trước mặt và tâm sự nỗi lòng của một gã thất tình. Mặc cho Linh cầu xin trong sợ hãi, Dương lạnh lùng ra tay với nhát dao ngay cổ sau khi “nói hết lời”.
Hải Dương và người yêu Ánh Linh thuở còn mặn nồng.
Thực tế, đã có nhiều trường hợp trả thù tình yêu sau chia tay gây xôn xao dư luận, các “cấp độ” trả thù từ nhẹ như nói xấu người yêu cho bõ ghét cho đến hành vi tung ảnh và clip nhạy cảm để trả thù, rồi đến những “cấp độ” nguy hiểm hơn như đe dọa, đánh đập, thậm chí trong trường hợp của Hải Dương là xuống tay tàn sát cả gia đình người yêu.
Theo PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, việc yêu nhau là hành vi tự nguyện thì đến với nhau cũng thật tự nhiên và ra đi cũng thật nhẹ nhàng và phải “có văn hóa”. Chúng ta không có quyền sở hữu người khác ngay cả việc người ấy đã từng là của mình, đã ăn ở với nhau như vợ chồng.
“Tâm lý trả thù tình yêu xuất phát từ sự ích kỷ, sự ghen tuông mù quáng, sự hung hãn và cả sự độc tài của một con người. Nếu cả hai không còn yêu nhau, hãy trách vì sao mình không giữ được người thay vì người không giữ mình, và cũng cần hiểu rằng mọi biểu hiện của hành vi trả thù đểu là biểu hiện thiếu cân bằng, ích kỷ” – PGS cho biết – “Hành vi đó cũng tố cáo một kiểu ứng xứ quá cá nhân, thiếu lương tâm. Nếu trả thù chỉ để hả hê thì đó là kiểu hành động cá nhân và thương yêu chính mình chứ chẳng thương yêu gì người ấy. Cũng đừng vì một mối tình, một cuộc tình mà có thể bán rẻ chính mình, bán rẻ lương tâm và quên đi trách nhiệm của bản thân. Khi yêu, chúng ta không nên để cho mình quá lệ thuộc vào cảm xúc đã qua, vào sự ghen tuông, vào sự ích kỷ và ti tiện về tình cảm đã có. Đó cũng là cách ứng xử khôn ngoan trước cuộc sống tương lai do chính mình tạo ra. Tình yêu hay các mối quan hệ khác nhau cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Và việc ứng xử phải rất con người, nhân văn ngay cả khi chia tay thể hiện bản lĩnh và văn hóa của con người trong cuộc sống và cả khi yêu”.
Nếu trả thù chỉ để hả hê thì đó là kiểu hành động cá nhân và thương yêu chính mình chứ chẳng thương yêu gì người ấy.
Cũng có trường hợp, cả hai dù còn yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm nên phải chia tay, lúc này người bị chia tay sẽ nảy sinh tâm lý hận gia đình của đối phương. Do đó, theo tiến sĩ Sơn, việc cha mẹ tham vấn cho con là điều có thể. Tuy nhiên, cũng cần giúp con hiểu rằng chính con mới là người quyết định nên hay không nên chấm dứt mối quan hệ tình yêu. Nhưng cũng nhấn mạnh rằng con cái ngoài chịu trách nhiệm về quyết định của mình thì nên nhớ quyết định đó có ảnh hưởng đến người thân và gia đình không. Không phải tự nhiên mà ba mẹ lại ngăn cấm con mình yêu một người tốt.
Cách cư xử hợp lý vẫn là phân tích, đồng hành, sẻ chia để con cái không cho rằng chính cha mẹ xen vào hay quyết định thay hoặc cấm cản chuyện của mình.
Cuối cùng, tiến sĩ lưu ý rằng mỗi cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ cần tỉnh táo trong những mối quan hệ khác nhau. Cần thực sự cẩn trọng khi chọn cho mình một mối quan hệ. Cần hết lòng nhưng đừng quên rằng phải nghiêm túc và chịu trách nhiệm nếu đã xác lập mối quan hệ. Chính sự cân nhắc và sự lựa chọn quan hệ yêu đương sẽ làm cho mỗi cá nhân, mỗi con người biết bảo vệ sự an toàn của chính mình cũng như của những người thân.
“Đừng quên rằng chúng ta có thể hết lòng với mối quan hệ khi yêu nhưng hệ lụy sẽ tồn tại đa chiều và đa đối tượng. Cần nhất vẫn là bình tĩnh, nghiêm túc và biết kiểm soát chính mình trong cuộc sống kể cả việc chọn người yêu và ứng xử với người yêu”, tiến sĩ cho biết.