PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng hành vi của bé Hào Anh không vô cớ mà hình thành
Dư luận lại một lần nữa xôn xao bởi sự việc bé Hào Anh “bị bắt” vì trộm tài sản. Có thể nói rằng hành vi của bé Hào Anh khiến dư luận dậy sóng, nhiều người cho rằng Hào Anh đã đánh mất niềm tin, tình thương của biết bao người. Thế nhưng vẫn có không ít người đứng ra bênh vực cho rằng việc Hào Anh phạm tội cũng bởi do quá khứ của em đã từng bị ngược đãi, thiếu sự giáo dục đúng hướng.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của PGS. TS Huỳnh Văn Sơn – cố vấn cao cấp trung tâm Ý tưởng Việt về câu chuyện của Hào Anh.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn
“Dưới góc độ cá nhân, tôi nhận thấy rằng những hành vi của bé Hào Anh không vô cớ mà hình thành. Những hành vi đó đều xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa bên trong.
Quay ngược về quá khứ, Hào Anh có một tuổi thơ cơ cực, quãng thời gian bị bạo hành đã làm cho bản thân em có những sang chấn tâm lý. Việc dùng giẻ lau nhà nhét vào miệng, dùng búa đập vào tay, nước đang sôi hắt thẳng vào người, bỏ đói thường xuyên, treo ngược lên mái nhà, dùng đũa than đang nóng dí vào mặt, vào đầu… đã tạo nên những vết “hằn” trong chính tâm hồn của một đứa trẻ 12 tuổi khi ấy. Đặt vào hoàn cảnh đó, có lẽ chưa hẳn ai trong chúng ta có thể chịu đựng để tiếp tục sống, học sửa xe… hay trở thành công nhân một cách nhẹ nhõm.
Bên cạnh đó, từ một đứa trẻ bất hạnh em đột nhiên nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, được báo chí quan tâm săn đón đã làm em trở thành “tâm điểm” của sự chú ý. Em cho rằng bản thân mình bị bất công và bây giờ mọi người buộc phải yêu thương em, buộc phải “cung phụng” em như chính sự bù đắp mà cuộc sống này đã mắc nợ em.
Hào Anh (bên trái) từng bị vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức hành hạ một cách dã man.
Từ một cậu bé nghèo khổ, quanh năm chỉ biết bán sức cho chủ mong kiếm được miếng cơm bỗng nhiên có trong tay trên dưới 800 triệu, một số tiền mà cả trong mơ em cũng chưa bao giờ nghĩ tới thì việc tiêu xài hoang phí là một điều có thể dự đoán trước. Tâm lý chung của những người “giàu sổi” nhờ số tiền từ trên trời rơi xuống chính là “tiền xài đi mới là tiền của mình”. Khi không tiết kiệm, hết tiền, em đi làm… không chịu khổ và dễ ăn cắp là vậy…
Xét ở một góc độ khác, dù sao em cũng chỉ là một thanh niên 18 tuổi. Ở tuổi của em còn quá trẻ để có thể quản lý số tài sản lớn đến như vậy. Việc chi tiêu quá mức xuất phát từ những ám ảnh thiếu thốn, cơ cực từ nhỏ. Chính trong tâm hồn em chưa bao giờ cảm thấy đủ và thỏa mãn. Đó là chưa kể em quá thiếu những kỹ năng cần thiết để bước vào đời, để có thể tỉnh táo trước một mối quan hệ mới, đầy sức hút và thừa sự hấp dẫn… Sự khẳng định mình thái quá, sự bộc lộ bản lĩnh bao bọc – chở che cho bạn bè, sự thụ động trong cái nhìn theo quan hệ của nhóm bạn rượu,… là sự lựa chọn khó có thể không xảy ra.
Đành rằng xã hội yêu thương và bù đắp cho em rất nhiều về vật chất nhưng rõ ràng sự bù đắp này không đủ, những tổn thương trong tâm hồn của em vẫn chưa “lành lặn” hoàn toàn. Cũng đồng ý rằng xã hội này đã cho em một cuộc đời mới, nhưng điều đó không có nghĩa là em phải sống như hết thảy mọi người kì vọng. Chúng ta chưa cho Hào Anh những thứ khác nhiều hơn những gì đã qua nên hãy thương em một cách trọn vẹn và nhân ái…
Xã hội, dư luận nếu thật sự quan tâm em thì hãy định hướng cho em nhận thức được những hành vi hiện tại của mình. Nếu Hào anh làm sai, hãy nghiêm túc và giáo dục em tiếp thậm chí là trách phạt đúng nghĩa. Đừng quá căng thẳng vì những chuyện đã qua. Việc một đứa trẻ từng có những sự cố dễ dẫn đến hành vi phạm tội là có thật. Quan trọng nhất vẫn là sự tác động có chủ đích.
Những bạn trẻ đừng nhìn trường hợp của Hào Anh bằng cái nhìn cười cợt mà cần nhìn mình trong cái nhìn tỉnh táo. Sự ăn chơi, sa đà, vô tư sẽ đẩy mình trượt dài theo một chuỗi hành vi không kiểm soát. Đó thực sự là một hệ quả mang tính tất yếu dễ nhận thấy. Biết trân trọng mình và kiểm soát bản thân, đó chính là điều căn bản để tất cả các bạn trẻ sống tốt”.