Từ chuyện ‘sọ dừa’ hay ‘sọ người’ trong cổ tích, một số nhà giáo dục, nhà tâm lý học có chung quan điểm cần chắt lọc, thể hiện sự nhân văn khi phổ biến văn hóa dân gian đến trẻ nhỏ.
Trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của Nhà xuất bản Hồng Đức, Sọ Dừa – nhân vật cổ tích quen thuộc – được mẹ sinh ra sau khi bà uống nước đựng trong chiếc sọ người, kèm theo là hình ảnh minh họa người phụ nữ cầm trên tay chiếc đầu lâu. Khi được phản ánh, vấn đề này đã đón nhận nhiều ý kiến tranh luận từ độc giả VnExpress.
Phần lớn độc giả – vốn quen với bản truyện người phụ nữ uống nước trong chiếc sọ dừa – cho rằng chi tiết “sọ người” là phản cảm, khiến truyện cổ mất đi tính giáo dục thẩm mỹ.
Tuy nhiên, trong chính những bộ sách biên soạn truyện cổ Việt Nam của các tác giả uy tín như: học giả Nguyễn Đổng Chi (bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam), nhà văn Vũ Ngọc Phan (cuốn Hợp tuyển văn học dân gian Việt Nam) hay nhiều bản sách cổ tích được biên soạn sau này… đều có bản truyện cổ với chi tiết “người mẹ uống nước từ trong chiếc sọ người và sinh ra Sọ Dừa”. Vì thế, nhiều người cho rằng, tranh truyện của NXB Hồng Đức không sai.
Hình ảnh minh họa truyện “Sọ Dừa”, ấn bản của NXB Hồng Đức. Đây là tập sách mỏng, dạng truyện giản lược dành cho trẻ nhỏ. |
Không chỉ truyện Sọ Dừa mới có dị bản gây tranh cãi, một số truyện cổ dân gian Việt Nam, chẳng hạn truyện Tấm Cám, từ trước đến nay cũng có chi tiết biến tấu khiến các nhà giáo dục, độc giả tranh luận. Bộ sách Một trăm truyện cổ tích (ba tập) của nhà văn Tô Hoài biên soạn, ở truyện Tấm Cám, vẫn giữ nguyên chi tiết Tấm trả thù Cám, lừa Cám đào chiếc hố to đứng xuống dưới nhờ người dội nước sôi để lột xác cho đẹp hơn. Mẹ Cám thấy con nằm chết rụi trong hố thì lăn đùng ra tắt thở. Còn trong bộ sách của Nguyễn Đổng Chi giữ nguyên chi tiết Tấm lấy thịt Cám làm mắm để mẹ Cám ăn.
Khi đề cập về các chi tiết dị bản này, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, nhà nghiên cứu về văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ hay nhà văn Nhật Chiêu đều chung quan điểm: tôn trọng các dị bản văn học dân gian là cần thiết, nhưng, những người làm truyện tranh cho trẻ em đọc cần cẩn trọng trong việc chọn lựa nội dung, hình ảnh minh họa để câu chuyện giàu tính nhân văn hơn.
Bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi dành cho đối tượng bạn đọc khá rộng. |
Đặt sang một bên các tranh luận về học thuật trong văn hóa dân gian, về tính khoa học lý luận, tính mô típ của truyện cổ, vấn đề ông Huỳnh Văn Sơn quan tâm là đối tượng tiếp nhận câu chuyện đó là ai, độ tuổi như thế nào.
“Trong những sách mang tính sưu tầm từ kho tàng văn hóa dân gian, việc lưu giữ các dị bản còn nhằm thêm mục đích nghiên cứu cho nhiều đối tượng, chứ không hướng đến một đối tượng cụ thể. Còn trong truyện tranh cho trẻ em, ở một mức độ nào đó, người làm sách vẫn có thể tránh đi vài chi tiết có thể gây ra sự ghê sợ cho trẻ mà vẫn không làm mất đi nội dung chính của truyện. Hoặc, người lớn như cha mẹ, thầy cô nên trao đổi cùng trẻ các chi tiết gây tranh cãi để nắm được suy nghĩ, cảm nhận của trẻ từ đó cùng trẻ rút ra bài học về câu chuyện”, tiến sĩ Sơn nêu ý kiến.
Còn giảng viên Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, trong truyện Sọ Dừa, chính nhân vật Sọ Dừa mang hình hài sọ người. Ông Vĩ nói, theo quan niệm dân gian, người Việt thường nhắc đến “sọ dừa” để ám chỉ về chiếc sọ người đã khô. Vì thế, chi tiết bà mẹ “uống nước trong sọ dừa” hay “uống nước trong sọ người” đều là hai biến thể của cùng một nội dung. “Chuyện này khá đơn giản thôi, có điều ở sách cho trẻ nhỏ thì nói là sọ dừa vẫn tốt hơn. Ngoài ra, khi đưa hình ảnh vào trong truyện có hình vẽ minh họa thì nên vẽ thế nào để không phản cảm”, ông góp ý.
Tập “Truyện cổ tích Việt Nam được yêu thích nhất” của NXB Kim Đồng có ghi rõ truyện dành cho trẻ độ tuổi từ 4-10. Truyện Sọ Dừa cũng như các truyện cổ tích khác trong tập này được chăm chút về hình ảnh minh họa, lời kể. Cũng như rất nhiều ấn bản hiện nay, tập truyện này dùng chi tiết “sọ dừa” chứ không dùng chi tiết “sọ người”. |
Nhà văn Nhật Chiêu – người đọc khá nhiều truyện cổ tích trong và ngoài nước – chia sẻ: “Chi tiết người phụ nữ uống nước trong chiếc sọ người thật ra không rùng rợn lắm. Dù vậy, so với đối tượng bạn đọc là trẻ em, nó có vẻ là một hoàn cảnh khá dị thường, hơi thiếu phù hợp. Với đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi, truyện cần những chi tiết giàu tính nhân văn, nhẹ nhàng, trong sáng, nên thơ và đẹp. Rất nhiều truyện tranh – tranh truyện mang tính giáo dục trên thế giới đều được chăm sóc từng chi tiết, từ tranh đến lời và hầu hết đều đạt được những đặc tính phù hợp với trẻ em”.
Hiện nay, trên các kệ sách trong nước, có rất nhiều biến thể truyện tranh cổ tích Việt Nam và thế giới. Một câu chuyện có thể được nhiều tác giả kể, vẽ lại theo ngôn từ và phong cách của mình và được nhiều nhà xuất bản ấn hành. Tuy vậy, bên cạnh những bộ truyện được chăm chút về hình ảnh, lời kể, vẫn còn rất nhiều loại truyện tranh giản lược đại ý với lối hành văn thiếu trau chuốt, qua loa, kèm hình ảnh sơ sài.
Thoại Hà