Hoang mang đứng giữa hai dòng chảy
Đứng trước ngưỡng cửa đại học, nhiều teen đang rất hoang mang không biết phải chọn trường gì, ngành gì cho phù hợp với bản thân, cộng thêm áp lực gia đình khi các ông bố bà mẹ luôn mong muốn con mình đỗ đạt cao.
Khi được hỏi nhiều bạn vẫn khăng khăng cho rằng chỉ có con đường vào được đại học mới là cứu cánh cuộc đời, mở ra tương lai sáng lạn. Bạn Tăng Nghiệp Luân (học sinh lớp 12A6, trường THPT Tân Phong) nói: “chỉ có vào học đại học, mình mới có đủ kiến thức và kinh nghiệm để sau này làm việc, tạo nền tảng để mình có một công việc ổn định”.
Nhưng cũng có bạn nhìn ra được vấn đề khi báo chí liên tục đưa tin các cử nhân, kĩ sư thậm chí thạc sĩ đang thất nghiệp rất nhiều. Bạn Thùy Trang (học sinh lớp 12B, Trường THPT Tân Lập) chia sẻ: “Đối với mình, học đại học hay cao đẳng không quan trọng, quan trọng là năng lực của mình đến đâu, mình muốn chọn ngành mình yêu thích và phù hợp với năng lực của mình, như vậy ở bất cứ môi trường nào mình cũng có thể phát triển”.
Đông đảo teen đến nghe TS Huỳnh Văn Sơn nói chuyện nghề nghiệp
Coi chừng sai lầm với “chiếc áo quá khổ”
Chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình tương lai, việc chọn nghề thực sự quan trọng và vô cùng cần thiết. Chọn sai lầm một nghề nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc.
Nhưng không vì vậy mà các teen đặt nặng vấn đề phải chọn cho mình con đường tốt nhất là đại học, có rất nhiều con đường để chúng ta lựa chọn.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, chúng ta không nên áp đặt với suy nghĩ đó. Thứ nhất, ở một số nước, người ta tuyển đúng người, đúng việc, đúng bằng cấp, đúng trình độ.
Nếu bạn có bằng cấp quá cao nhưng lại dự tuyển vào một việc có trình độ thấp hơn, đôi khi đó là một bất lợi.
Thứ hai, cái bóng của cha mẹ quá lớn, tạo nên sức ép với con cái, những suy nghĩ cảm tính từ phía xã hội về việc sử dụng nguồn lao động.
Quan niệm của người Việt còn khá nặng về hai chữ đại học, trở thành suy nghĩ mang tính mặc định xem việc con cái phải có tấm bằng đại học mới rạng rỡ gia đình, mới nên người. chúng ta nên hiểu rằng, thực lực của một con người mới là yếu tố quan trọng, cha mẹ đừng ép con mình mặc một chiếc áo quá khổ.
Không phải đứa trẻ nào cũng có thể lớn lên để mặc vừa với chiếc áo. Các em cần nhận thức rằng cha mẹ luôn là người hết lòng thương yêu mình, nhưng chính bản thân mình cần quyết định dựa trên sự khuyên răn hay sự mong mỏi của cha mẹ một cách sáng suốt…”
“Kì thi đại học sắp đến, hi vọng các teen sẽ chuẩn bị đầy đủ hành trang cho mình, tự tin khi bước vào ngưỡng cửa tương lai, chọn cho mình một ngành nghề phù hợp với bản thân để giúp ích cho xã hội, giống như C.Mác đã từng nói :“Nếu ta chọn một nghề mà phục vụ được nhiều cho xã hội thì sẽ chẳng còn thấy khó nhọc trong công việc nữa…”, Tiến sĩ Sơn kết luận.
Thu Trang