Trẻ con là những hạt mầm cần được chăm sóc… Những sự vụ liên tục về chuyện trẻ con bị bạo hành, bị tổn thương, bị lạm dụng bằng nhiều hình thức, và nhiều cấp độ khác nhau đều làm mỗi người lớn trăn trở và đau khổ.
Và không phải trẻ con ngẫu nhiên xuất hiện trên đời… và chính mối quan hệ giữa hai con người, giữa vợ chồng, gia đình tạo ra trẻ con… Mối quan hệ ấy, có thế nào cũng xin đừng quên trẻ con vẫn là con trẻ…
Trẻ con vô tôi…
Không thể phủ nhận rằng: “Trẻ nào cũng giống nhau”. Việc trẻ có những biểu hiện khác lạ hay có quấy phá cũng là một sự thật, mà chính bản thân trẻ cũng không muốn thế. Mỗi trẻ đều có thể được sinh ra mà chính cha mẹ là người tạo nên. Phản ứng, sự thay đổi về sinh lý và cả những phản xạ thuần túy có hình bóng về tâm lý không phải hoàn toàn do trẻ…
Dễ nhận thấy chính thiên chức và bản năng làm cha, làm mẹ sẽ làm cho những người cha, người mẹ dễ có tâm lý chịu đựng và chấp nhận. Việc con cái có thể khóc thét cả đêm, con cái đi tiểu liên tục, con cái nôn ọe, con cái tiêu chảy suốt… Tất cả đều có thể là những biểu hiện gây nên sự khó chịu của cha mẹ… Hét toáng lên, đạp tay vào gối, run rẩy,… đều có thể xảy ra… Phản ứng ấy là phản ứng được kiểm soát ư? Chắc chắn là không! Nhưng rõ ràng nếu có những hành động gây tổn thương một đứa trẻ nhỏ cả về thể chất và tinh thần thì có thể nói chính những bậc làm cha, làm mẹ ấy thực sự “bất thường”…
Trẻ thơ là thế! Sự ngây thơ cho thấy khả năng chịu đựng hành vi của cha mẹ là yêu cầu tối quan trọng. Vì trẻ thơ và ngây… Trẻ chưa đủ hiểu tất cả những yêu cầu chuẩn mực từ người khác hay từ xã hội… Trẻ chưa kiểm soát được hành vi của chính mình… Chính trẻ cũng chưa thực sự đủ khả năng để chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình thì rất khó để có thể có những sự đòi hỏi, trừng phạt hay tấn công trẻ một cách quá mức…
Hành vi tổn hại trẻ con là một tội ác. Dù tội ác đó được nhìn theo góc nhìn là thiếu kiểm soát hay quá bực bội… Dù lý giải theo hướng hành vi đó là hành vi dọa hay lỡ tay… Dù hành vi đó là hành vi thủ ác… vì chung quy lại vẫn là hành vi tội ác. Vì đó là hành vi với trẻ em – những đối tượng cần được chăm sóc, uốn nắn và bảo vệ…
Không chỉ trường hợp của bé Ngân hay những bé khác mang tên Việt, mang bất kỳ tên nào đó thì chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy: sự tổn thương là quá lớn. Một đời người sẽ bị đẩy vào ngõ cụt, một kiếp sống quá đáng trăn trở… Một sự tồn tại có thể là nỗi đau… mà cái đau ấy càng dai dẳng và có sức lan tỏa khi chính người đẻ ra mình, chính cha dượng gây nên… Rõ ràng chúng ta chào đón trẻ như một thành viên trong gia đình, chúng ta nuôi dưỡng trẻ bằng một gia đình dù là tạm bợ, chúng ta cho trẻ tồn tại như một thành viên trong gia đình thì hãy đối xử với trẻ đúng mực…
Ví dầu lạ mẹ, là cha…
Hãy lẳng lặng nghe tiếng mẹ yêu thương, tiếng má thân tình hay tiếng vú – tiếng dì đầy cảm xúc… cũng đủ thấy lòng ta se lại… Không phủ nhận những áp lực khi trẻ quấy, khi ta gặp khó khăn hay căng thẳng trong cuộc sống… Nhưng cần nghe để hành động. Nghe bằng tai nghe mẫn cảm, nghe bằng sự rung động con tim và nghe bằng trách nhiệm của một con người… Đừng quên rằng chúng ta phải tự hỏi là mình có kỹ năng để làm cha làm mẹ hay chưa… Không hẳn người ta cần những cặp vợ chồng chuẩn bị cưới hay đã cưới biết học hát ru, biết thay tá, biết xử lý những tình huống… Vì đó là kỹ năng cần thiết ư? Không hẳn! Đó là lúc khơi gợi lương tri, trách nhiệm và tấm lòng…
Một cảnh trong dự án ai cũng có thể của PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn nói về hạnh phúc gia đình.
Với gia đình toàn vẹn, hãy hiểu rằng khi chúng ta là một gia đình. Cần lắm trách nhiệm với nhau. Chính người cha, người mẹ cần ứng xử thật tinh tế với trẻ. Không hẳn là sự trách nhiệm mà phải nói đó là sự hy sinh, là sự chịu đựng, là sự trải nghiệm những cơn đau, những lo lắng, những căng thẳng và cả những niềm vui, hạnh phúc… Nóng, lạnh, đau, khóc, cười, đùa… đều đem đến những cảm xúc bất tận… Hơn ai hết, cha mẹ phải dặn lòng mình biết trải nghiệm song song với những tác động từ người thân, từ người đi trước về chuyện có con, làm cha mẹ… Không những từng cá nhân người cha, người mẹ mà sự phối hợp của hai người cũng như sự tương trợ, phối hợp cũng là những yếu tố thuộc về trách nhiệm…
Khi gia đình không hạnh phúc và phải chia tay, cần nhìn về bản thân mình một cách thấu đáo. Hãy tự hỏi mình có phải là một người cha người mẹ tốt? Cần tự hỏi xem mình có đủ khả năng và sức lực cũng như phẩm chất để có thể nuôi con… Đừng vì sự ích kỷ, đừng vì hình ảnh của chính mình lung linh, đừng vì nghĩ rằng mình phải giữ con để cố tình giành giật… Sự cố tình, sự hiếu thắng, sự mè nhe, suy nghĩ truyền thống hay chịu áp chế dư luận sẽ làm chính một trong hai người sẽ có thể chọn giữ bé ở bên mình… Nhưng chính việc tái giá, chính sự lười biếng, chính sự non kém về phẩm chất, chính những hẫng hụt và hàng loạt những áp lực khác sẽ dẫn đến hành vi thiếu chuẩn mực, hành vi lệch chuẩn, thái độ vô trách nhiệm với con mình và thậm chí là những sự ứng xử mang tính vi phạm pháp luật…
Việc chọn cho mình một lối sống, chọn cho mình một cuộc sống mới cần đặt con mình vào một vị trí nhất định. Nói một cách công bằng, ngay cả khi chọn cho mình một cuộc chung sống mới với ai đó, một gia đình mới cũng cần cân nhắc… Không buộc hỏi trẻ khi trẻ còn quá nhỏ, cũng không buộc mình không được thuyết phục trẻ nếu hỏi mà trẻ chưa đồng ý… Nhưng đừng vô trách nhiệm đến mức mất tất cả tình thương và trách nhiệm… Đừng vô tâm mình đã là mẹ hay cha của một sinh linh bé bỏng… Ví dầu là mẹ, là cha đòi hỏi bản lĩnh đích thực ở vị trí, vai trò: làm cha, làm mẹ… chỉ cần đúng chứ chưa cần đủ hay tốt…
Không chọn cha cho con mình nhưng chúng ta có quyền chọn cho con mình một gia đình an toàn. Hơn ai hết những người làm cha mẹ cần nhận ra. Điều đó mới thực sự là tình thương và trách nhiệm. Sự an toàn này đôi lúc chưa hẳn chỉ là vật chất mà còn là tinh thần và cả nhiều việc ở thì tương lai… Nếu yêu nhau có trách nhiệm, nếu hôn nhân yêu cầu tự nguyện thì ly hôn cần có văn hóa… Và hậu ly hôn cần lắm những yếu tố thuộc về bản lĩnh và sự thẳng thắn. Nếu thấy lựa chọn nuôi con không hoàn toàn hợp lý, vẫn có thể điều chỉnh, trao đổi thậm chí là… thương lượng.
Với những người cha, người mẹ không nuôi con, cũng đừng quên rằng trách nhiệm bảo vệ an toàn cho con vẫn còn đấy. Không những thế, cần lắm sự chăm sóc tinh thần từ xa, sự thăm viếng để duy trì mối quan hệ, sự nuôi dưỡng những cảm xúc thân tình, ruột rà… Mọi thứ không thể dễ có mà phải đến tự nhiên và sự tự nhiên này mang màu sắc của tình thương đích thực và trách nhiệm… Đừng đợi đến sự cố hay đến hẹn… Mà cần lắm sự thể hiện bằng hành động theo sự thống nhất những vẫn có sự quan tâm ngẫu nhiên từ tình yêu được kiểm soát…
Không trách những hoàn cảnh cá nhân cụ thể nhưng rõ ràng chúng ta có thể bớt đi một buổi làm việc nếu được để cho con vài tiếng đồng hồ yêu thương đang thiếu hụt. Có thể bớt đi một buổi nhậu, một ít tiền cho việc mua sắm thời trang để cho con sự quan tâm… Hơn hết, cho con những cuộc điện thoại thay vì lướt facebook; cho con những buổi dạo chơi mà mỗi lần là con dùng một ngón tay làm dấu để cho con một khung trời an lành, một sự an toàn về tinh thần cần có… Trách nhiệm này thuộc về những người cha người mẹ biết lấy lương tâm và sự chịu trách nhiệm làng phương chống… Vì con cái do chúng ta tạo ra, gia đình đập hay xây là do ta…
PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam