Nhà viết sử người Anh Thomas Fuller có câu nói rất hay: “Khen đúng mức khó hơn là đổ lỗi”. Tuân Tử nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”. Điều khó khăn nhất của cá nhân chính là, nghe vuốt ve nịnh bợ mãi thì sẽ thành quen. Từ quen thành tin. Tin rồi sẽ xem đó thành chân lý. Thiếu lời vuốt ve chịu không đặng. Chỉ cần lời vuốt ve, mặc cho đó là không thật vẫn cảm thấy khoan khoái đến tận tâm can. Mà lời khen hay lời ve vuốt của đám đông, bao giờ cũng sẵn.
Đùa mãi thành lố Lệ Rơi vừa xuất hiện trong buổi giao lưu trực tuyến của một tờ báo với danh xưng được giới thiệu là “Ca sĩ Lệ Rơi”. Lệ Rơi, cũng sắp có buổi biểu diễn tại mini show tại quán bar ở Hà Nội. Đâu đó, có những bức ảnh Lệ Rơi xuất hiện tại thủ đô bằng xe Lexus. Khoảng thời gian trước, khi đang đứng giữa màn sương mù của đám đông, Lệ Rơi hơn một lần khẳng định trên Facebook cá nhân, với đại ý: “Tôi biết mình hát không hay. Tôi chỉ muốn mọi người vui, tôi không có ý định dấn thân vào showbiz”. “Hát không hay”, khi nói điều này, Lệ Rơi đã đánh giá đúng về khả năng của mình. “Muốn mọi người vui”, Lệ Rơi đã xác định được mục đích của mình. “Không có ý định dấn thân vào showbiz”, Lệ Rơi đã đưa ra quan điểm của mình. Một cá nhân có quan điểm rõ ràng, có mục đích nhất định và hiểu rõ khả năng của mình. Một cách nào đó, cá nhân ấy đã sở hữu được những yếu tố rất tốt nhằm định danh. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nói và làm luôn rất xa. Hẳn, không phải ai cũng có thể níu gần khoảng cách ấy, nhất là khi đang được tung hô. “Khi sự dối trá đủ lớn, nó sẽ biến thành sự thật”, người phương Tây bảo vậy. Và trong ít nhiều trường hợp, thay vì sử dụng sự dối trá, người ta sẽ thay thế bằng sự tung hô. Sự tung hô ban đầu, không hề có ác ý. Bởi, với nhiều người đang tung hô một cá nhân khác, đó chỉ là một trò vui. Cá nhân được tung hô ban đầu cũng biết đó là một trò vui. Tuy nhiên, được tung hô suốt nhiều ngày, cá nhân chắc chắn sẽ có nhầm lẫn về việc phân định đâu là tung thô thật, đâu là tung hô trò vui. Như khi bạn nói với một đứa bé: “Con là siêu nhân, con có thể bay, con có thể đấm sập một tòa nhà, nâng được một chiếc xe cẩu, thở được dưới biển và tắm trong núi lửa đang phun trào”. Ngày thứ nhất, đứa bé sẽ biết bạn nói đùa. Nhưng, sự nói đùa được lặp lại liên tục, đứa bé sẽ nghĩ: “Chắc chắn, mình là siêu nhân và mình có những khả năng ấy”. Khi đứa trẻ nghĩ vậy, tức là sẽ có một hậu quả xảy ra. Ca sĩ Lệ Rơi, đang như đứa trẻ này. Tôi chưa bao giờ hồ nghi vào sự nhận thức của đám đông. Tôi lại càng không cho rằng, khi người ta chán nản với thực tại buồn tẻ, người ta sẽ kiếm tìm đến những câu chuyện tầm phào. Tôi cũng không nghĩ, những cá nhân vỗ tay khiến Lệ Rơi đang lâm vào đám sương mịt mù của danh vọng là do định kiến hay hằn học. Như tôi đã nói, Lệ Rơi xem các clip cover lại những ca khúc là trò vui của anh. Những người xem clip khen ngợi anh cũng nghĩ đó là một trò vui. Dẫu vậy, trò vui phải có điểm dừng. Một trò vui không thể vui trọn vẹn khi cứ kéo dài liên tục. Đáng tiếc, không quá nhiều người quan tâm đến việc phải dừng trò vui ở thời điểm hợp lý. Sau trò vui này, chắc là trong khoảng thời gian ngắn nữa thôi, Lệ Rơi bây giờ sẽ nhường chỗ cho một Lệ Rơi mới. Đám đông lại sẽ hào hứng và nhiệt tình tham gia trò vui cùng Lệ Rơi khác. Thời điểm đó, Lệ Rơi hiện tại sẽ hiểu thế nào là bi kịch của cá nhân khi không may bị đám đông trót đùa vui quá lố. Mà không chỉ có Lệ Rơi, một vài trường hợp khác trong làng giải trí cũng đang được đám đông khen ngợi như vậy(!). MC Én Bạc Trà Mi: Phải bình tĩnh trước lời khen – Khen, chê trong giới showbiz là chuyện thường tình. Nhưng khen chê thế nào cho hay, có ý nghĩa không phải ai cũng làm được, nó là cả một nghệ thuật sống. Đúng không Trà Mi? – Người xưa đã có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Với bản thân Trà Mi, khi một ai đó đạt được một thành tích hay làm một việc tốt… thì một lời khen như cách để chúng ta khích lệ, đồng cảm hay công nhận thành tích nổi bật của người đó. Song, nếu lời khen theo kiểu tâng bốc quá giá trị bản thân lại khiến người được khen bị ảo tưởng quá nhiều… Vì vậy, một lời khen chân thành, sâu sắc, đúng người, đúng năng lực sẽ giúp cho người được khen cảm thấy hạnh phúc và được tôn trọng. Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng nhận thấy, đa phần ai cũng mong muốn nhận được những lời khen có cánh. Song những lời chê, hay nói cách khác là những lời góp ý cũng là điều rất đáng quý nếu đúng cách và thậm chí sẽ ấn tượng hơn, cần hơn và sâu sắc hơn rất nhiều so với những lời khen qua loa! Bởi thế Trà Mi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên của anh và đang ngày một rèn luyện để có thể “khen, chê” cho hay và đầy nghệ thuật. – Tôi thấy trong giới showbiz hiện nay nhiều người dành cho nhau lời khen kiểu tâng bốc lên tận mây xanh. Như một anh chàng ca sĩ trẻ mới tham gia gameshow, sau mấy màn hóa thân, giả gái, hát hò thì đã được truyền thông ca tụng là một thiên tài. Cá nhân tôi nghĩ chúng ta không nên khen kiểu như thế. Còn Trà Mi nghĩ sao? – Có phải anh đang nhắc đến anh chàng Hoài Lâm bước ra từ cuộc thi “Gương mặt thân quen”?! Rất may mắn là Trà Mi đã xem gameshow này từ những tập đầu tiên cho đến tập cuối cùng, nên phần nào có cái nhìn khách quan hơn… Thật sự mà nói, đây là một tài năng của làng nhạc Việt. Và với những gì anh ta đã thể hiện, Hoài Lâm đã thực sự tỏa sáng và ghi lại nhiều điểm đẹp đối với khán giả cả nước qua từng nhân vật mà mình hóa thân… Tuy nhiên, nếu như chúng ta dành cho anh những lời khen có cánh và kèm thêm những “lời góp ý” chân thành thì sẽ hay hơn rất nhiều. Nếu diva “khéo” hơn chút nữa, nếu giới truyền thông “tỉnh táo” hơn chút nữa, có lẽ chúng ta đã có một câu chuyện khác, một cách nhìn khác về Hoài Lâm và chắc chắn cũng sẽ không có những câu hỏi tương tự như anh đang đặt ra với Trà Mi!
– Người đời có câu “mật ngọt chết ruồi” và lời khen là một thứ mật ngọt. Sẽ vô cùng nguy hại nếu từ những lời khen làm ta ảo tưởng về bản thân. Đúng không Trà Mi? – Theo một quyển sách mà Trà Mi đọc cách đây không lâu, đúng là “chúng ta phải thật bình tĩnh trước những lời khen của cuộc đời”. Một mặt lời khen sẽ kích thích sự hưng phấn, giúp chúng ta đón nhận một cách vui mừng, hớn hở nếu không muốn nói là sung sướng. Nhưng ở khía cạnh khác, nếu lời khen xuất phát từ đối thủ đang cạnh tranh với chúng ta, hay xuất phát từ một người đang nịnh hót để trục lợi thì lời khen lại mang thông điệp hoàn toàn khác, có thể chúng ta đang rơi vào cái bẫy hoang tưởng mà họ đang sắp đặt để hạ gục chúng ta bất cứ lúc nào… Vì vậy luôn luôn bình tĩnh, và cũng phải có nghệ thuật để đón nhận lời khen. “Mật ngọt chết ruồi” đúng là một lời khuyên hoàn hảo! Nếu chúng ta là những “chú ruồi” thông minh thì nên chọn lọc những loại mật ngọt không khiến chúng ta mê muội. Đừng quá “nghiện” lời khen vì có khi đó là những tác nhân làm chúng ta ngủ quên và ảo tưởng. Hãy biến những lời khen thành những động lực để chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn. – Trà Mi nghĩ gì về trường hợp khen lấy khen để một nhân vật nào đó như kiểu Lệ Rơi chẳng hạn, trong khi anh chàng này hát thì “n” và “l” lẫn lộn, giọng đi đằng giọng, nhạc đi đằng nhạc? Cá nhân tôi nghĩ lời khen, tung hô thần tượng trong những trường hợp này là có vấn đề! – Hoàn toàn chính xác! Trà Mi nghĩ là nếu như không có những lời khen, những lời tung hô quá sức tưởng tượng mà thay vào đó là những lời nhận xét đúng với trường hợp của chàng “ca sĩ” Lệ Rơi này thì chắc cũng không có chuyện nam “ca sĩ” này liên tục “cover” nhiều ca khúc và đang sắp sửa mở một “mini liveshow” trong cơn bão của dư luận. Đồng ý là Lệ Rơi có sự thật thà, chất phác, ham học hỏi nhưng chính những lời khen đã làm cho anh ta ảo tưởng trên mức cho phép. Những ngày qua, khi Trà Mi đọc những bình luận của cộng đồng mạng cùng những nhận xét của giới truyền thông, chưa bàn cãi về việc Lệ Rơi đúng hay sai, vô tình hay cố ý, nhưng Trà Mi thấy thương cho chính anh ta. Có thể Lệ Rơi không biết rằng đó là những lời khen “mỉa mai”, có thể anh ta cũng không biết rằng đó là những cách tung hô để người ta càng có nhiều clip “mua vui” tiếp theo… và có lẽ anh ta cũng không biết rằng lượt view ngày càng tăng chính từ sự tò mò, từ những lượt “chia sẻ”, chuyền tay nhau bằng những lời khen đầy mỉa mai như vậy! Thiết nghĩ đến một ngày Lệ Rơi giật mình tỉnh mộng và biết được sự thật thì anh ta sẽ thế nào?! Và anh ta cũng sẽ đi vào quên lãng nhanh chóng như bao hiện tượng “sớm nở, tối tàn” khác?! – Theo Trà Mi, chúng ta nên đón nhận lời khen với tâm thế như thế nào? – Nếu nói “khen, chê” là một nghệ thuật, thì chúng ta đang là những người nghệ sĩ thực thụ. Với “nghệ sĩ” Trà Mi khi có ý định “góp ý” cho bất kì ai, trước hết mình luôn là người am hiểu về lĩnh vực đó, có trải nghiệm, có kiến thức uyên thâm và đặc biệt là phải có “tâm” trong sáng. Ngược lại khi “bị chê”, Trà Mi sẽ tự ví mình giống như một người thợ mới vào nghề, sẵn sàng lắng nghe để khắc phục, bản lĩnh để thay đổi theo hướng tích cực… Ngược lại, từ những kinh nghiệm của thực tế cuộc sống và những năm làm nghề đã đúc kết cho Trà Mi nhiều vốn sống cần thiết, bản thân mình luôn cân nhắc có những lời “khen, chê” đúng hoàn cảnh với mọi người xung quanh… Đặc biệt với những lời khen Trà Mi luôn luôn bình tĩnh và đón nhận một cách thoải mái, chân thành nhất, và đương nhiên sẽ biến những lời khen đó thành động lực ngày càng hoàn hảo. Hoàng Quyên Idol: Cũng là một cách thay đổi dư vị của cuộc sống – Là tên tuổi bước ra từ một cuộc thi âm nhạc, phải trải qua cả một quá trình cố gắng và nỗ lực mới được mọi người biết đến. Quyên nghĩ sao về những hiện tượng “bỗng dưng nổi” mà đặc biệt là sự nổi tiếng kỳ quặc của “ca sĩ” Lệ Rơi đang khiến dư luận dậy sóng trên các diễn đàn những ngày qua? – Quyên nghĩ đó là sự phản ảnh rất rõ văn hóa nghe và văn hóa đón nhận của người Việt mình. Công chúng đang nghe nhạc một cách đầy cảm tính, thích những thứ giải trí thoải mái, gây tiếng cười. Mọi người đang dễ dàng đón nhận những thứ dễ dãi đó thì những người làm nghệ thuật chân chính cũng không biết phải làm sao. Tất nhiên có người thấy hay, người cảm thấy không hay, ai hợp tai thì người đó nghe, ai không hợp thì cũng đâu có thể bắt ép. Thành ra đó là lựa chọn của mỗi người, hãy cứ để những người có cùng “gu” thì được chọn nhau.
Quyên nghĩ rằng giá trị của một bản thể là nó tồn lại được bao lâu, tồn tại càng lâu thì giá trị của nó càng đích thực. Trong trường hợp này nếu không vi phạm thuần phong mỹ tục, không bị các cơ quan chức trách, các nhà quản lý văn hóa xử phạt thì cứ để nó được tự nhiên. Cũng là một cách hay để thay đổi dư vị cho cuộc sống này! – Lệ Rơi không có một ngoại hình cuốn hút, giọng hát phải nói là dở tệ… Vậy nhưng, điều anh ta làm được thì lại là điều rất nhiều nghệ sĩ trẻ phải ao ước! Quyên nghĩ gì? – Được nhiều người biết đến là ao ước của nhiều nghệ sĩ chứ không chỉ riêng những nghệ sĩ trẻ nhưng Quyên nghĩ vạn sự tùy duyên. Có hợp nhau thì mới đến được với nhau. Bây giờ mọi người đang thích Lệ Rơi mà bảo họ chuyển sang thích một nghệ sĩ khác thì cũng kỳ lắm. Có một điều mà Quyên thấy học được ở Lệ Rơi đó là cậu ấy đã là chính mình, chẳng giống với bất kỳ ai và cậu ấy đã thành công. – Thành công của Lệ Rơi cũng chỉ ở chừng mực nào đó thôi. Bởi đúng là không có tài năng thực sự thì chỉ mua vui được vài trống canh!? – Điều đó đúng nhưng cũng còn tùy vào lựa chọn và quyết định của khán giả. Ngay cả trên thế giới những điều điên rồ nhất người ta vẫn có thể làm và khán giả vẫn có thể lựa chọn. Vì thế Quyên nghĩ hãy cứ để mọi thứ được thuận theo lẽ tự nhiên, theo đúng cách mà nó đã sinh ra. Hiện tại, theo Quyên được biết thì bạn ấy còn có thể đi hát và có khán giả trả tiền để được nghe bạn ấy hát… Điều đó có nghĩa là bạn ấy có khán giả thì hãy để bạn ấy phục vụ khán giả của bạn ấy, không có gì là xấu cả. – Công bằng mà nói thì được nổi tiếng không nằm trong chủ ý của Lệ Rơi. Và bên cạnh những lời khen thì cũng có những lời chê thậm tệ. Quyên nghĩ sao về những lời khen cho Lệ Rơi. Phải chăng một bộ phận công chúng đang lệch lạc khen – chê? – Thưởng thức là nhu cầu của mỗi người, chúng ta đâu có thể bắt công chúng phải nghe nhạc này, thích nhạc kia. Vậy mới nói, định hướng nghệ thuật là điều cực kỳ khó. Nhưng thiết nghĩ, nếu cứ thưởng thức theo cảm tính và nặng về giải trí thì những nghệ sĩ làm việc chân chính cũng cảm thấy bị thiệt thòi. Nhìn nhận đúng thì nghệ sĩ chân chính ở Việt Nam vất vả. Tại sao những nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới không chịu đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam. Vì người ta biết rằng sẽ không có lãi. Trong khi đó những nghệ sĩ nước ngoài, thực sự có tài năng thì họ đến và làm bệ phóng cho nghệ sĩ ngay lập tức. Thế nên Quyên hy vọng trong tương lai gu thưởng thức âm nhạc, cũng như những lời tán túng khen – chê sẽ được thay đổi. Còn nói thay đổi ở thời điểm này thì khó lắm vì mọi người đều không nghiêm khắc với chính bản thân mình. Thôi thì chi bằng cứ nghĩ mỗi người nghệ sĩ hãy cứ làm được một điều gì đó riêng mình và được một bộ phận công chúng yêu thích là một may mắn. Những người như Quyên cứ phấn đấu để mỗi ngày lại có thêm một lượng khán giả nhất định là tốt rồi. Tự nhủ cứ làm việc trong chờ đợi và hy vọng đi. – Nghe có gì chút gì đó cay đắng, tủi thân? – Không tủi thân đâu, ngược lại Quyên còn cảm thấy vui. Bởi để người khác thích những giọng hát của anh chàng Lệ Rơi kia thì mình cũng phải xem lại mình. Công chúng thì mỗi người đều có nhìn nhận riêng, “gu” thưởng thức nghệ thuật cũng riêng thành thử không thể kỳ vọng khen – chê có quy chuẩn. Chọn cho mình con đường nghệ thuật Quyên nghĩ ai cũng xác định tư tưởng rõ cho mình rồi. Còn bản thân Quyên có một niềm tin rằng, đã lựa chọn con đường đi thì mình sẽ ngày càng phải lớn lên một cách tự chủ chẳng bao giờ lung lay. Bởi càng lớn thì càng phải cứng cáp. Người nghệ sĩ chỉ đam mê và hy vọng thôi chứ vừa hát vừa nghĩ làm thế nào để có nhiều khán giả thì chắc mình là nhà kinh doanh mất rồi. Phó Giáo sư – Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn: Khen qua quýt là dãy băng che mắt – Thưa Phó Giáo sư, ở góc độ tâm lý, một lời khen chân thành sẽ có ý nghĩa và lợi ích cho người nhận? – Dưới góc độ tâm lý, lời khen có giá trị động viên hết sức đặc biệt. Khi nhận được lời khen, người nhận cảm thấy được thừa nhận, có động lực phấn đấu cũng như hoàn thiện hơn trong cuộc sống. Lợi ích không chỉ dừng lại ở đó mà người nhận sẽ cảm nhận mình có thêm một sức mạnh đặc biệt để hoàn thiện bản thân, có niềm tin và lối đi hay hướng đi của chính mình. Ở góc độ của tổ chức, lời khen sẽ làm cho cả một tổ chức có không khí dương tính, tích cực.
– Nhưng khen kiểu tâng bốc quá giá trị bản thân của người khác thì bằng mười hại nhau, có đúng không Phó Giáo sư? – Tôi cho rằng đây là một nhận định đúng. Và cũng chính vì thế người ta bảo rằng phải biết cách khen và biết người nhận là ai để khen cho thích hợp. Và kỹ năng lắng nghe lời khen cũng là một kỹ năng cơ bản trong xã giao, thích ứng. Kiểu tâng bốc sẽ dễ làm cho người ta “say máu ngà” của kiểu phản ứng kích thích. Kiểu khen tâng bốc sẽ làm cho người ta sẽ nhận thức sai về hành động của mình, sản phẩm của mình hay thực lực của mình và những giá trị của bản thân mình. Điều đó nguy hiểm quá đúng không bạn? – Vậy vấn đề là khen như thế nào để lời khen là niềm khích lệ lớn lao, là cách công nhận những giá trị tốt đẹp của người nào đó, phải không ạ? – Tôi khẳng định đây là một trong những nguyên tắc của sự động viên và nghệ thuật động viên. Lứa tuổi là điều chúng ta cần quan tâm để biết cách khen. Nghề nghiệp và không gian xã hội cũng là yêu cầu quan trọng. Đó là chưa kể đến mối quan hệ hiện tại giữa hai phía, tầm nhìn của đối tượng hay những đặc điểm về tính cách cũng là điều cần phân tích để đưa ra lời khen có cơ sở, có điểm tựa, có chân đế… – Trong giới showbiz, ngày nay tôi thấy người ta khen chê vô tội vạ. Như chuyện một ca sĩ trẻ tham gia một gameshow thôi nhưng cũng đã được tung hô thành “truyền nhân của xẩm” hay là “tinh hoa của nghệ thuật cải lương” là đi quá, dẫu biết là em ấy có khả năng ca hát thật đấy. Ở góc độ tâm lý, anh nghĩ gì về lời khen ngợi kiểu này? – Tôi nghĩ chính không gian xã hội hay giới hạn của “niềm tin” truyền thông là điều chúng ta cần cẩn trọng ở đây! Thực ra, nếu nói là khả năng ca hát thì cũng chỉ là khả năng bởi khi làm nghề và đánh giá về con người, chúng tôi rất cẩn trọng khi sử dụng ngôn từ: khả năng, năng lực, tài năng, nhân tài, thiên tài… Với tôi, tiềm năng hay tiềm lực là những gì có sẵn có thể được phát huy. Còn khả năng là bắt đầu bộc lộ nhưng chưa thật ổn định và chưa có độ dày. Năng lực thì thể hiện ở những hoàn cảnh khác nhau. Còn tài năng thì tỷ lệ xuất hiện khá thấp nếu xét trên quần thể mẫu 10.000 đến 100.000 người mới có một. Còn những mỹ từ còn lại thì với dân số Việt Nam trên dưới 90 triệu người thì xin nói ngay: nhân tài chỉ vài người và thiên tài thì số đếm không quá mười ngón tay! Quay trở lại, tôi cho rằng chúng ta đừng làm căng khi đó là những từ nói trong khung cảnh “trời cho” mà? Hơn nữa, tính chất của khung cảnh ấy không phải là đánh giá thực chất của một con người mà chỉ là “bóng hình” mà thôi. Vả lại, người nói là ai, người nghe là ai mới quan trọng. Thú thật, tôi cũng được khen khi làm vài trò lẻ, nhưng tôi biết mình là ai. Tôi cũng thử sức một vài khả năng nên tôi hiểu bắt chước thì có thể nhưng tác chiến độc lập thì nội lực phải khủng khiếp… Đôi lúc chúng ta đừng truyền thông quá lên bởi vì sức mạnh của câu chữ hay sự đỏng đảnh của ngôn từ. “Đùa chút chơi” có thể trở thành từ viết tắt “ĐCC” và được dịch ra nhiều nghĩa là vậy! – Thêm nữa là ngày nay, nhiều lời khen không phải là để dành điều tốt đẹp cho đối phương mà chỉ nhằm mục đích mang lại lợi ích cho mình. Lời khen như thế đang xuất hiện ở trường hợp của “ca sĩ đóng vai” ở trên. Anh nghĩ gì về điều này!? – Tôi hoàn toàn thông cảm với những cá nhân như thế. Với tư cách là người gần nghề, là người lớn, là người trải nghiệm, tôi nghĩ anh ta rất đáng được cảm thông. Tôi chỉ cần anh ấy hiểu anh ấy đang là ai. Bước đệm chỉ là bước đầu. Truyền thông có thể giúp chúng ta làm dậy sóng. Nhưng cũng cần hiểu về sức mạnh của con sóng lợi danh, sức mạnh của sóng ký sinh và sức mạnh của sự chủ quan… Đi nhanh, đi tắt, đón đầu… với tôi không quan trọng bằng đứng vững, dừng lại và đi tiếp! |
|||||||
Thực hiện: Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng |