Ảnh minh họa
Nguồn: Internet
Có thể nói rằng tình hình trẻ em phạm tội và có những hành vi lệch chuẩn trong đời sống xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Cái phổ biến ở đây cũng không thể đơn giản theo thống kê là nhiều hơn hay ít hơn nhưng rõ ràng màu sắc của hành vi hung tợn hơn. Mức độ của hành vi bạo dạn hơn và xu hướng phạm tội hoặc có những hành vi rối nhiễu có nguy cơ trẻ hoá… Có thể để cập đến nhiều nguyên nhân khác nhau trong cái nhìn tương tác đa chiều nhưng từ góc nhìn gia đình là một cái nhìn mang tính chất căn cơ về giáo dục
TỪ NHỮNG GIA ĐÌNH KHÔNG TOÀN VẸN
Gia đình là chiếc nôi của nhân cách, nơi ấy có tiếng ru hời, có những hơi thở mênh mang đầy ắp tình thương và có cả những giọt nước mắt trao cho con niềm tin đầu đời… Ở nơi ấy, trẻ lớn lên một cách tự nhiên nhất nhưng cũng được định hướng một cách đầy đầy đặn nhất…, Thế nhưng những trường hợp khác nhau cho thấy nếu gia đình không toàn vẹn thì nhân cách trẻ có nguy cơ sai lệch…
Bắt đầu bằng trường hợp của Minh T, lớn lên trong vòng tay thiếu tình thương của người mẹ ruột… Trút bỏ lớp áo nông dân chân lắm tay bùn và người chồng nghĩa tình sau ba năm chung sống… Không chỉ trở thành một cô gái đời mới ở Cần Thơ mà T còn quyết định bỏ đứa con trai bốn tuổi của mình để lao vào làn sóng có chồng Đài Loan cách đây gần 10 năm… Minh T không nghĩ rằng ở bên một đất nước khác thì con mình sống như thế nào trong hơn mười năm qua. Mười bốn tuổi, bị phát hiện lạm dụng và có hành vi tình dục với em họ của mình… Con gái của Minh T đã bị người cha đánh thừa sống thiếu chết, bị cả họ hàng khinh rẻ, bị chính mình miệt thị và dày vò bản thân… Dường như mọi người chỉ nhìn vào hành vi của cậu mà không nhận ra rằng cậu rất hận gia đình vì chính gia đình đã đem đến hậu quả ngày nay. Cậu bảo rằng cậu rất ghét phụ nữ, cậu bảo rằng cha cậu mỗi lần say xỉn cứ lôi đàn bà ra chửi mắng. Cậu bảo rằng cha cứ nhớ mẹ là lôi phim sex ra xem… Không ai hiểu rằng chính sự không toàn vẹn của gia đình đã để lại những dấu ấn khó quên trong tâm hồn cậu… Khóc và khóc suốt buổi tư vấn cộng đồng tại địa phương mà chúng tôi có dịp hỗ trợ là phản ứng tự vệ duy nhất mà cậu trai trẻ 14 tuổi thực hiện như vô thức.
Ảnh minh họa
Không chỉ là trường hợp duy nhất khi những hoàn cảnh tương tự cũng đã diễn ra. Minh H trở thành đầu gấu ngay tại trường của mình chuyên trấn lột các bạn nữ nhà giàu. Đóng vai mình là một les chính hiệu nên các bạn nữ đều tỏ ra ngán oai hùm. Bạn nữ nào muốn yên thân thì cứ nộp đều đều mỗi tháng vài chục ngàn cho xong chuyện. Phát hiện bạn nữ nào yêu nhau với một ban giai cùng trường hay cùng lớp là H sẵn sàng tung tin để đe doạ cùng với gia đình. H trở thành một “đại ca” có tiếng. Ít ai hiểu rằng H làm như thế vì gia đình của H tan nát từ lúc bé. H nói trong nước mắt khi tiếp xúc với chúng tôi trong một lần giáo viên chủ nhiệm gửi đến trung tâm: “Nhìn vết sẹo của con để chú hiểu rằng đời con còn là gì nữa… Đây chính là cái dĩa mà mẹ ném ba bay xẹt vào đầu con.., Con nghĩ đời con chẳng còn gì thì học để làm chi…Con muốn làm mọi thứ để bị đuổi học cho bà nội con khỏi khóc mà năn nỉ con đi học nữa…”. Có lẽ nơi nào đó ở miền Trung hay miền Bắc, người cha và người mẹ của H cũng không hiểu rằng nhân cách con mình đã bị bóp méo bởi chính mình và những hành vi lệch chuẩn xã hội đã xuất hiện như một quy luật.
MỘT QUY LUẬT HIỂN NHIÊN
Không thể phủ nhận răng gia đình ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến với nhân cách của đứa trẻ. Theo dõi sự lớn khôn của trẻ, gia đình để lại dấu ấn ấy khi cha mẹ là những tấm gương sáng, là tâm kiếng phản chiếu hành vi của con trẻ… Việc cha mẹ thương yêu, chăm sóc và tôn trọng nhau trong gia đình để lại những dấu ấn tuyệt đẹp trong đời sống tâm lý của trẻ.
Ngược lại, những mất mát và những thương tổn trong đời sống gia đình làm cho đứa trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực rất đáng kể. Đừng nghĩ rằng đứa trẻ không nhạy cảm khi cha mẹ cố tình che giấu những mâu thuẫn và những xung đột của mình. Chỉ cần bớt đi những lời yêu thương, những buổi cơm lạnh lẽo, thiếu hẳn những cuộc dạo chơi hay du lịch cùng nhau… trẻ sẽ hụt hẫng và hiểu rằng gia đình mình không hẳn còn là điểm tựa. Cơ chế hụt hẫng tâm lý sẽ xảy ra, trẻ sẽ thiếu hẳn những suy nghĩ lạc quan trong cuộc sống, trẻ không còn tư duy tích cực và nhu cầu hoàn thiện mình để hướng về những động cơ của gia đình thì ngay lập tức nhân cách trẻ sẽ bị ảnh hưởng…
Có lẽ cha mẹ sẽ không hiểu rằng với những cảnh “đĩa bay chén bay” sẽ để lại những ám ảnh không thể nào phai của trẻ. Có lẽ cha mẹ cũng không nhận rằng sự la hét nhau của mình trong đời sống vợ chồng dần dần làm cho trẻ trỗi dậy phản ứng tự vệ và suy nghĩ tiêu cực. Phản ứng sẽ xảy ra ở trẻ và đẩy trẻ thực hiện những hành vi mà chính trẻ cũng không kiểm soát. Hoặc một xu hướng khác sẽ xảy ra là trẻ sẽ hành động theo kiểu của mình để gây sự chú ý. Khi không thoả mãn được, nhu cầu này sẽ có nguy cơ biến tướng thành những hành vi lệch chuẩn không chỉ theo chuẩn xã hội mà lệch cả chuẩn tâm lý của chính mình…
Những nghiên cứu tâm lý cho thấy trong khi khảo sát hồ sơ của những trẻ em phạm pháp hoặc có nguy cơ phạm pháp bằng những hành vi lệch chuẩn thì có đến 70% trong số ấy gia đình của trẻ có vấn đề. Những khảo sát trên số lượng mẫu hơn trên 1000 trẻ ở những nghiên cứu tại Mỹ cho thấy trẻ em đầu trộm đuôi cướp đã lớn lên ở những dạng gia đình như sau: bố mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, hoặc là cha hoặc mẹ có thêm người khác, cha và mẹ đã đi bước nữa, cha và mẹ có làm một công việc có nguy cơ phạm pháp… Không thể khó khăn để nhận ra rằng sự hụt hẫng về mặt tâm lý đem lại cho đứa trẻ những biến đổi rất mạnh mẽ trong đời sống tâm lý. Trẻ mất tự tin vào chính mình, không còn điểm tựa gia đình, không còn một lý tưởng sống mãnh liệt, thiếu hẳn niềm tin để hoàn thiện nhân cách…
THAY LỜI KẾT
Hãy trả cho trẻ em một môi trường sống tốt nhất và đúng nghĩa để nhân cách hoàn thiện. Những minh chứng cho thấy gia đình không toàn vẹn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đứa trẻ đặc biệt trên bình diện tinh thần. Không ai muốn gia đình mình phải rơi vào hoàn cảnh ấy nhưng rõ ràng chính người cha và người mẹ – kể cả nhừng thành viên của một gia đình mới và những người thân của trẻ cần làm hết mình để phần nào có thể xoá nhoà những tác động thiếu cân bằng hoặc bù đắp theo nghĩa tương đối để trẻ lớn lên.
Hãy cho trẻ một nguồn yêu thương đầy đặn. Đó chính là một đời sống tinh thần vững mạnh. Những cặp vợ chồng đang chung sống có những trục trặc nhất định hãy làm hết mình để có thể dung hoà, những ai đang thực sự sống hạnh phúc thì hãy trân trọng những khoảnh khắc yêu thương ấy để gieo mầm nhân cách cho con trẻ và cố gắng duy trì bằng mọi cách. Những ai đang vắt đầu yêu nhau hãy cân nhắc để có một cuộc hôn nhân thật bền vững và hạnh phúc để cho con những niềm tin cuộc sống. Con cái là kết quả của tình yêu, nhân cách của con cái là kết quả một phần của gia đình nên hãy cho con những nguồn sống và hơi thở thật toàn vẹn để trẻ lớn lên bằng những hành vi không tì vết…
PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN
Phó chủ tịch Tâm lí học Xã hội Việt Nam