HOẠT ĐỘNG HỘI CHA MẸ HỌC SINH – KHÔNG THỂ LÀM CẢM TÍNH

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm học mới đã chính thức bắt đầu gần hai tháng. Đó cũng là thời điểm mà hội cha mẹ học sinh của các trường đã hình thành và hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, cũng trong thời gian qua, phản ánh của nhiều phụ huynh về việc lạm thu đã liên tục xuất hiện. Đó là chưa kể có nhiều điều xoay quanh phương thức hoạt động của hội phụ huynh học sinh đã bộc lộ không ít những băn khoăn và lo lắng từ nhiều phụ huynh trong nhà trường…

BÀN TAY NỐI DÀI CỦA NHÀ TRƯỜNG???

Có thể nói trong thực tế hoạt động thì không ít hội cha mẹ học sinh đã trở thành bàn tay nối dài của ban giám hiệu nhà trường. Chính điều này dẫn đến những hệ luỵ không đáng có.

Thực tế cho thấy việc lựa chọn ban thường trực hội CMHS hay chi hội của lớp vẫn là một thách thức không nhỏ cho hoạt động của nhà trường. Ở cấp chi hội, không ít phụ huynh lẳng lặng ba không trong buổi họp phụ huynh đầu năm: không nghe, không nói, không tham gia… Việc bầu chọn chi hội trưởng được tiến hành một cách chớp nhoáng bằng nhiều hình thức: chọn cha mẹ của một học sinh giỏi hay cán bộ lớp; chọn một phụ huynh có chút tự tin trong giao tiếp hay thậm chí là một phụ huynh trong nhóm công nhân viên chức một chút khá giả làm hội trưởng… Không dừng lại ở đó, việc tổ chức đại hội hội CMHS cũng không hẳn được nhà trường tổ chức một cách bài bản nên việc quy hoạch sẵn cũng diễn ra. Chỉ cần một phụ huynh nào có quan hệ tốt với ban giám hiệu, phối hợp thật tốt theo kiểu đồng thuận với nhà trường trong nhiều chỉ đạo và dĩ nhiên là đồng ý “tròn vai” thế là chuyện trở thành chủ tịch hay phó chủ tịch và các uỷ viên một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng…

Trường hợp của anh Minh Ch là một ví dụ điển hình. Xuất phát là một phụ huynh bị mời vào nhà trường do con trai có hành vi ăn hiếp bạn. Cuộc giao tiếp thân tình được thực hiện. Thế là với lời hứa sẽ tài trợ cho nhà trường một ít đồ dùng điện tử phục vụ dạy học, mối quan hệ được cải thiện một cách đáng kể. Trong năm học mới, việc trở thành hội trưởng hội phụ huynh là điều gần như được hoạch định sẵn.

Như vậy, việc chọn lựa ban chấp hành chi hội hoặc hội cha mẹ học sinh là yêu cầu thực sự quan trọng. Tuy nhiên, dưới góc độ tổ chức thì có nhiều vấn đề có liên quan cần suy ngẫm. Thứ nhất, việc chọn lựa các thành viên của chi hội hay ban thường trực hội CMHS chưa vận động được sự tham gia tích cực của những bậc cha mẹ thực sự tích cực trong hoạt động Hội. Đó là chưa kể việc chọn lựa ban chấp hành chưa chú ý đến tính thành phần như trình độ học vấn, sự quan tâm và hiểu biết về vấn đề giáo dục, điều kiện kinh tế phải đa dạng… Thứ hai, việc chọn lựa ban thường trực hội CMHS cũng phụ thuộc rất nhiều vào ban giám hiệu mà cụ thể là hiệu trưởng. Hiệu trưởng chọn ban thường trực theo gợi ý với đại hội hoặc thậm chí có trường hợp hội trưởng thâm niên đến 10 năm khi có hai cháu cùng học nối tiếp suốt bậc Tiểu học… vẫn được chọn để dễ làm việc. Những điều chỉnh cần có trong quy trình hoạt động không được thực hiện, sự cứng nhắc đã xuất hiện, sự ăn khớp trong hành động giữa ban giám hiệu và hội phụ huynh học sinh đạt đến đỉnh điểm… Thứ ba, trong hoạt động của ban chấp hành hội CMHS thì việc triển khai các chỉ thị của ban giám hiệu, các chủ trương của nhà trường mang tính chất bị động. Không phải hội phụ huynh nào cũng chủ động trong công tác theo nhiệm vụ của chính mình nên việc trở thành “bàn tay nối dài” của ban giám hiệu là điều không thể tránh khỏi.

Thực tế cho thấy không ít hội CMHS đã thể hiện khá rõ vai trò “bàn tay nối dài” của ban giám hiệu. Việc thu quá nhiều khoản quỹ cũng như hoạt động của hội quá bị động là những minh chứng sắc nét. Thu tiền học quá buổi, thu phí học tin học, thu phí học ngoại ngữ, thu quỹ hội phụ huynh học sinh… đều vượt chuẩn. Thậm chí không ít chi hội hay hội phụ huynh đã có sẵn một khoản quỹ lớn để có thể thưởng cho toàn trường trong những ngày lễ tết, thưởng gần chục triệu cho mỗi giáo viên chủ nhiệm nếu tỉ lệ tốt nghiệp tú tài lên đến 100%… Đó là hệ luỵ lâu dài cho những chiến lược thiếu tính cân nhắc và vượt khung trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của chính mình… Không thể hoàn toàn trách hội CMHS vì những điều ấy diễn ra trong nhà trường trên tinh thần có sự tương tác.

CẦN ĐIỀU CHỈNH HỢP LÝ

Không thể phủ nhận việc tồn tại hội CMHS ít nhất trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cần có những điều chỉnh kịp thời để chuẩn bị thật tốt cho những người có nhiệm vụ hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục học sinh

Đầu tiên, cần xác định rõ rằng nhiệm vụ của hội CMHS hay chi hội CMHS để định hướng đúng đắn trong công tác của những người phụ huynh đảm nhiệm công việc này. Vừa không lương bổng, vừa mất rất nhiều thời gian, vừa đứng mũi chịu sào và thực hiện công việc đại diện thì những áp lực hàng loạt này không hẳn nhỏ. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng ngay từ Bản điều lệ tạm thời hội cha mẹ học sinh năm 1980 thì nhiệm vụ tạo ra quỹ khủng không phải trách nhiệm của hội. Đến năm 1992, theo quyết định số 278/ QĐ ngày 21/2/1992 của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã  ký thì nhiệm vụ của hội CMHS bao gồm bốn nhiệm vụ cơ bản: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về giáo dục và đào tạo…, vận động cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội cùng với nhà trường để quản lý việc học tập và giúp đỡ nhà trường xây dựng, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên (*); đóng góp các ý kiến cho các chủ trương và chính sách về giáo dục và đào tạo cho thế hệ trẻ, thực hiện các luật liên quan đến giáo dục và trẻ em. Cũng chính trong các nhiệm vụ này thì việc thực hiện nhiệm vụ thứ hai trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên (*) cần được hiểu đúng đắn. Việc vận động kinh phí đóng góp không thể không dựa trên sự tự nguyện đích thực, có tính đến khả năng kinh tế thực sự của nhiều nhóm phụ huynh có điều kiện kinh tế khác nhau, không thể làm thay nhà trường trong việc quyết định các chế độ cải thiện cuộc sống của giáo viên, không thể tự đề ra mức quỹ không thông qua ý kiến của nhà trường mà đặc biệt là hội đồng sư phạm và ban giám hiệu. Dĩ nhiên, ban giám hiệu không thể và không được phép bảo rằng việc lạm thu tiền là do hội mà chúng tôi không biết. Đặc biệt cần tuân thủ điều 13 trong chương 5 về vấn đề tài chính của hội là hội phí phải dựa trên mức đóng góp thoả thuận mang tính thích ứng của tất cả các phụ huynh. Rõ ràng, cũng cần điều chỉnh lại các văn bản này sau gần 20 năm cũng như làm rõ quy phạm của nó nếu muốn chấn chỉnh tình hình lạm thu trong thực tế.

Thứ hai, việc đề cử và bầu ra chi hội CMHS hay hội CMHS cần phải được tổ chức một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc. Nhà trường tham gia một cách tích cực nhưng không nên chi phối hay có những định hướng chủ quan trong việc đề cử hay chỉ định hội trưởng, hội phó hội CMHS. Việc tổ chức đại hội hội CMHS cần được thực hiện một cách bài bản. Phòng giáo dục hoặc các phòng ban phụ trách cần quan tâm và thực hiện chức năng quản lý của mình trong đại hội hội CMHS hay các hoạt động có liên quan để tránh việc thả nổi hay buông trôi thao tác này. Ngay cả việc quản lý các quyết nghị hay biên bản hội CMHS không hẳn là không cần thiết.

Thứ ba, hội CMHS cần được trang bị một số kiến thức có liên quan cũng như chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của chính mình. Từ những kiến thức cơ bản về đường lối, chính sách và nhiệm vụ năm học cho đến những kiến thức về phương pháp dạy học ở mức khái quát nhất để có thể thực hiễn tốt nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, cần thể hiện các kỹ năng như phân tích các định hướng giáo dục của nhà trường, phản biện các kế hoạch giáo dục của ban giám hiệu, đóng góp ý kiến một cách chủ động trong các cuộc họp thực hiện nhiệm vụ của ban thường trực cùng với nhà trường. Song song đó, cần bám sát thông tin từ phía các phụ huynh, lắng nghe một cách có chiến lược. Quản lý hoạt động của hội CMHS, quản lý quỹ và thống nhất cùng với nhà trường một cách chặt chẽ trong các hoạt động khác nhau do hội chủ động hoặc phối hợp thực hiện. Thực tế, một số hội CMHS đã rất chủ động thực hiện các công tác như: tổ chức công tác giáo dục giới tính, tổ chức giáo dục pháp luật về giao thông, giáo dục hướng nghiệp bằng sự chủ động hết mực của mình… Điều này là một thành quả lao động rất tâm huyết nhưng cũng rất chuyên môn của những phụ huynh có kiến thức và kỹ năng tương ứng. Lẽ đương nhiên, Phòng giáo dục, các phòng chức năng thuộc Sở giáo dục và đào tạo cần có những chương trình huấn luyện cho hội phụ huynh một cách sát sườn và hiện đại với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín và có chuyên môn trong việc phối hợp các lực lượng giáo dục. Thậm chí, những cầm nang về phương thức hoạt động, các loại sổ tay dành cho hội CMHS phải được ý thức như một nhiệm vụ của nhà quản lý giáo dục các cấp.

Thứ tư, cần xác định rõ phương thức hoạt động của hội CMHS là phối hợp cùng với nhà trường để làm tốt công tác giáo dục học sinh. Không thể hoạt động theo nguyên tắc “nối dài bàn tay” của ban giám hiệu mà cần thể hiện rõ vai trò giám sát, phản biện đối với các hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, cần mạnh dạn thể hiện khả năng sáng tạo bằng cách hiến kế những ý tưởng độc đáo để góp phần cải thiện hiệu quả giáo dục học sinh. Đặc biệt, việc tổ chức các buổi họp CMHS cần có định hướng, cần chọn lọc và thể hiện tính khoa học và nghệ thuật mà không phải chỉ là việc thông báo kết quả học tập hay chỉ là việc thu tiền hội phí theo hình thức “nhắc nhở bắt buộc”. Hoạt động của hội cần có những điều chỉnh cần thiết để việc triển khai từ hội CMHS đến chi hội sẽ mang tính chất thông thoáng và rõ ràng, hiệu quả hội họp được cải thiện…

THAY LỜI KẾT

Những cố gắng của hội CMHS trong thực tế là đáng ghi nhận. Những đóng góp của hội trưởng, hội phó, các uỷ viên và cả các thành viên trong chi hội là những đóng góp hết sức thầm lặng. Tuy nhiên, thách thức rất lớn cần vượt qua là những người có trách nhiệm này không thể chỉ làm bằng cái tâm hay bằng những suy nghĩ của chính mình mà phải hoạt động có chiến lược, thật sự rõ ràng dựa trên những nhiệm vụ va quyền hạn, thực hiện trách nhiệm của mình theo đúng những quy định và các điều lệ của hội CMHS. Thách thức này cần phải vượt qua để đảm bảo sự phối hợp một cách thông thoáng và chặt chẽ giữa các lực lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh những tiêu cực không đáng có.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *