Sự khen ngợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lòng tự tin và là một động lực thúc đẩy con người không ngừng vươn lên phấn đấu và hoàn thiện bản thân mình. Đặc biệt đối với trẻ em, sự khen ngợi có thể trở thành một nguồn lực lớn lao có sức mạnh độc đáo để trẻ tự tin, phấn đấu và nỗ lực không ngừng…
Lời kể của một cô giáo trẻ có thể giúp mỗi người cảm nhận điều này. “Tôi còn nhớ khi học cấp 3, tôi không phải là một học sinh nổi trội trong lớp. Tôi hiện diện với một hình ảnh rất bình thường và thầy cô chẳng chú ý nhiều đến tôi. Việc thầy cô nhớ đến tên tôi là một điều “kỳ diệu” và không ít lần mất ngủ khi một tiết học nào đó được tình cờ nhắc đến tên. Nhưng có một câu nói đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Tiết học cuối cùng của năm lớp 10, tôi ôm cặp lững thững ra về nhưng tôi gặp cô Trang – cô tổ trưởng môn Văn trường tội. Cô gọi tôi lại ngồi dưới ghế đá sân trường, cô mở cặp lấy quyển sổ tay, quyển sổ ghi chép cẩn thận từng đoạn văn ngắn. Cô đưa tôi xem đọc một đoạn văn bình luận về câu chuyện “Chiếc bình nứt”. Tôi đọc xong nhìn cô với một nghi vấn nào đó chưa hé kịp trong đầu, đơn giản vì tôi chưa hiểu ý của cô. Tôi nhớ đó là đoạn văn của tôi, bài văn được 7.5 đứng thứ ba trong lớp. Cô xoa đầu tôi bảo: “Viết rất sắc nhưng cần phải trau chuốt thêm. Em rất có khả năng. Cô hy vọng sẽ gặp em ở lớp bồi dưỡng học sinh giỏi văn…”. Lúc ấy, tôi thấy lâng lâng trong lòng vì thật ra trong các môn tôi học tốt nhất là môn văn nhưng so với các bạn khác không phải là nổi bật. “Tôi rất có khả năng!”, cụm từ này cứ lẩn quẩn trong đầu tôi sau những tháng ngày còn lại của thời học sinh và đến tân bây giờ. Sau đó, tôi đạt giải môn văn quốc gia, tốt nghiệp đại học loại giỏi bằng khả năng viết lách và tự tin của mình, tôi trở thành giảng viên và giờ là học viên cao học. Trong đầu tôi lúc nào cũng có câu “Em rất có khả năng!”, nhất là những khi tôi thất bại hay cần ý chí bước qua những khó khăn trong cuộc sống.Bây giờ là một giảng viên trẻ tôi cũng rất hay dùng từ em rất có khả năng để khen ngợi sinh viên. Và tôi cảm nhận được sức mạnh từ sự khen ngợi ấy qua những nỗ lực học tập của sinh viên mình.”
Tâm sự trên cho thấy, ở bất kỳ cấp độ nào thì sự khen ngợi cũng đem đến cho con người một động lực không có gì có thể so sánh được. Không phải một sự thành công rực rỡ nào đó mới nhận được một sự tán thưởng xứng đáng. Đôi khi chỉ cần một sự thừa nhận đơn giản về những cố gắng mà ta đã bỏ ra cũng đem đến những cảm giác thỏa mãn lẫn tự hào. Đặc biệt đối với trẻ ở lứa tuổi đi học, sự khen ngợi có hiệu quả hơn trong những trường hợp cụ thể. Đối với giáo viên khen ngợi là một nghệ thuật sư phạm và nó là một trong phương pháp giáo dục hiệu quả. Đối với các bậc cha mẹ, khen ngợi là một nhịp cầu để con cái trở nên gần gũi và gắn bó với mình hơn. Khen ngợi đúng lúc, đúng chừng mực và đúng phương pháp sẽ giúp trẻ đạt được một mức độ nào đó về sự tự ý thức bản thân và thông qua đó trẻ cảm thấy tự hào về bản thân mình. Nhưng điều cốt yếu là cha mẹ nên khen ngợi trẻ như thế nào là phù hợp?
Vấn đề quan trọng là cha mẹ cần tặng thưởng cho trẻ dù là những nỗ lực nhỏ nhất và những lời khen ngợi càng cụ thể càng tốt. Thay vì nói “Giỏi lắm con!”, cha mẹ hãy nói “Con giỏi lắm vì đã giúp mẹ quét nhà sạch sẽ.” Thậm chí những lời cảm ơn của bạn dành cho trẻ cũng có thể đó là một sự khen ngợi mà ít phụ huynh nào làm được điều này. Cảm ơn con vì đã xin phép mẹ đi chơi, cảm ơn con vì hôm nay không làm ồn khi bố làm việc. Hãy nói với con rằng bạn đã thấy ấn tượng như thế nào về những hành vi đó. Khen ngợi những việc trẻ làm luôn có tác dụng tích cực hơn nhiều so với việc chúng ta khen ngợi chính bản thân trẻ. Khen hành vi sẽ cho trẻ nhìn nhận và đánh giá được hành vi tích cực mà bản thân đã thể hiện và sẽ cố gắng có những hành vi phù hợp tương xứng với những lời đã được khen ngợi. Chẳng hạn thay vì khen “Con rất ngoan chiều nay”, bạn hãy khen “Con đã rất ngoan vì chiều nay đã chơi cùng em để mẹ nấu cơm”.
Thực ra nhiều trẻ có thể xác định được sự thiếu chân thật trong lời khen ngợi khi đến tuổi đến trường và thậm chí trẻ sẽ cảm thấy mất thể diện nếu phụ huynh khen ngợi chúng thái quái trước mặt người khác. Vì vậy phụ huynh cần biết thế nào là một sự khen ngợi theo kiểu thừa nhận chính xác khả năng và việc làm của trẻ với việc tán dương quá mức con cái mình. Một trường hợp đáng tiếc xảy ra khi cô bé xinh xắn L.C (học sinh lớp 12) định tự tử khi thi rớt đại học nhưng may là được bạn bè phát hiện và cứu chữa kịp thời. Nguyên nhân là do mẹ lúc nào cũng khen ngợi con quá mức với hàng xóm và những bậc phụ huynh khác về khả năng học tập của con, lời nói chắc nịch “Con bé chắc chắn đậu chứ sao rớt được. Nó học giỏi lắm! Rớt mới là lạ”. Thế nên khi thi không đỗ, em xấu hổ tràn ngập bởi những tiếng xì xầm của hàng xóm, bạn bè. Em bỗng hoang mang với chính cuộc đời mình và lẫn lộn giữa giá trị thật và giá trị ảo ở năng lực của bản thân. Câu hỏi “ Em có thật sự giỏi không?” là câu đầu tiên em hỏi chuyên gia tư vấn tâm lý.
Khen ngợi không phải là một điều để ta dễ dàng ban phát nhưng nó là một sản phẩm tinh thần thực sự có giá trị mà các bậc phụ huynh phải biết nỗ lực một cách có ý thức để khen ngợi con mình. “Nổ lực” có nghĩa là những lời khen ngợi phải xuất phát từ sự chân thành, vui vẻ, công tâm, thể hiện sự chừng mực, sự yêu thương và tự hào của bạn dành cho con. Khen ngợi là một cách để trẻ nhận ra mình đã làm được những gì, chưa làm được gì và mình cần phải cố gắng như thế nào để đáp ứng đúng với sự yêu thương và mong đợi của ba mẹ.
Chuyên viên tâm lý Huỳnh Văn Sơn – Mai Mỹ Hạnh