VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG GIA ĐÌNH HIỆN NAY

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” liệu có còn nguyên giá trị của nó? Thực tế cho thấy phụ nữ ngày nay đã có những vị trí nhất định trong xã hội, họ đã vươn khỏi gia đình hòa vào xã hội với các công việc trong nhiều ngành nghề khác nhau để có cùng người chồng tạo dựng cơ ngơi sự nghiệp cho mái ấm của mình. Nhưng dù xã hội có thay đổi như thế nào cũng không thể nào phủ nhận vai trò trụ cột của người đàn ông và vai trò chăm sóc gia đình của người phụ nữ khi họ rũ bỏ mọi chức vị ngoài xã hội để trở về với gia đình mình.”

Sau sự thành đạt của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ. Thực tế cũng đã chứng minh rằng chính tình yêu, sự hy sinh thầm lặng của phụ nữ, sự lo toan và nguồn động viên của họ là nguồn lực lớn lao thúc đẩy người đàn ông luôn vươn lên về phía trước. Bao quanh người đàn ông thành đạt là vầng hào quang rực rỡ của vinh quang chiến thắng, của niềm vui, hạnh phúc, của lòng tự hào, thỏa mãn. Người phụ nữ khi có được một người chồng thành đạt họ cũng cảm thấy rất tự hào, hạnh phúc và càng hy sinh nhiều hơn để chồng mình đạt được những thành công trọn vẹn nhất. Có những người đàn ông hiểu được sự hy sinh thầm lặng của vợ mình nên họ rất trân trọng, dù là người kiếm được nhiều tiền hay có địa vị cao, xung quanh bao nhiêu người phụ nữ vây quanh thì với họ người vợ của mình cũng tuyệt vời nhất… Đó là sự hòa ca của những tâm hồn biết tôn trọng và đồng cảm cùng nhau, biết hướng đến mục tiêu chung: hạnh phúc.

Nhưng thực tế cuộc sống luôn có những tình huống ngược lại. Chị Như Anh – một người phụ nữ nội trợ bình thường, chị cũng tốt nghiệp đại học nhưng vì thành công trong kinh doanh của chồng nên chị quyết định ở nhà chăm lo con cái và chăm sóc ba mẹ chồng để chồng yên tâm với sự nghiệp. Ban đầu, sự hy sinh của chị cũng được đền đáp khi chồng chị cũng bước đầu làm việc hiệu quả về mặt tài chính… Nhưng sự thành công của chồng lại tỷ lệ nghịch với thái độ của chồng với vợ và cả gia đình bên vợ khi chồng chị được cả tài chính lẫn vị trí trong doanh nghiệp. Không đơn thuần là sự cáu gắt dành cho vợ sau mỗi lần đi làm về mà mỗi lần đưa tiền cho vợ hàng tháng không kèm theo những lời nặng nhẹ. Mỗi lần ba mẹ vợ ghé thăm chồng chị lại dùng ánh mắt dò xét vì sợ vợ “chuyển của” cho ba mẹ vợ. Thấy con rể khó chịu nên dần dần ba mẹ chị cũng ít ghé thăm. Nỗi buồn của chị Như Anh cứ thấm dần theo thời gian, chị cam chịu vì nghề nghiệp không có nếu bỏ chồng thì sợ không được quyền nuôi dưỡng con cái…

Người đàn ông trong cuộc sống hiện đại không còn đơn thuần là xây nhà theo nghĩa đen của nó nữa… Vì nếu chỉ đơn thuần như thế sẽ vô cảm và thiếu cả trách nhiệm. Người đàn ông có thể là chỗ dựa về vật chất nhưng cần nhiều hơn là cả tinh thần. Yêu thương và hạnh phúc không thể xây dựng và đến từ một phía. Khi người đàn ông quyết định kết hôn với ai đó, điều đó có nghĩa là họ đã chấp nhận gắn kết phần còn lại của cuộc đời mình cho người phụ nữ ấy và đương nhiên người phụ nữ ấy là người quan trọng nhất. Nhưng không phải cuộc hôn nhân nào cũng viên mãn nếu như người đàn ông và người phụ nữ không thực hiện đúng vai trò của mình. Điều này chính là “lỗi nhịp” của tư duy vị trí, vai trò và mối quan hệ gia đình…

Không khác lắm với trường hợp của chị Như Anh, chị Cẩm Tú là một nhân viên kế toán dù lương và địa vị của chị thấp hơn chồng rất nhiều nhưng chị vẫn cố gắng duy trì và phấn đấu trong công việc. Chị nghĩ người phụ nữ hiện đại cần chu toàn cả hai công việc gia đình và xã hội thì mới vun đắp được cho gia đình, giữ gìn được trái tim của người đàn ông. Dù chị chu toàn ra sao thì cũng không vừa lòng chồng, chị tâm sự: “Anh bảo lương chỉ có vài đồng bạc đi làm cho phí thời gian, ở nhà chăm sóc con cái”. Nhưng chị vẫn kiên trì với công việc, dù chồng chị rất phóng khoáng khi cho tiền chị chi tiêu nhưng tính anh ấy lại rất gia trưởng, chị muốn mua gì cũng hỏi han ý kiến, sử dụng tiền của chồng phải rõ ràng. Không những thế, chuyện xây nhà, chọn trường con học anh chẳng cho chị có ý kiến vì theo suy nghĩ của anh, anh bỏ tiền ra thì anh có quyền. Dù rất yêu chồng nên chị Cẩm Tú cảm thấy đời sống hôn nhân mang rất nhiều áp lực. Đôi lúc chị cảm thấy chồng như là “sếp”, đi đến đâu la hét đến đó… Vợ con đều sợ mỗi khi chồng tan ca trở về gia đình… Và kết cục như một dấu chấm hết đã được định sẵn từ hệ quả.

          Kinh tế càng khó khăn thì đàn ông càng lo kiếm tiền. Khi kiếm được nhiều tiền, khi thành công thì họ lại cứ nhầm mình đã làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình với gia đình. Đàn ông là trụ cột gia đình, trụ vững cột vững thì gia đình mới vững vàng. Cách ứng xử, cách quan tâm, cách tôn trọng của họ là những nguồn nước lớn nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Đàn ông đôi khi cứ nghĩ chỉ kiếm đủ vật chất cho vợ, khiến vợ phụ thuộc vào tài chính thì có thể trói vợ mãi mãi với họ. Thực tế, phụ nữ cần chỗ dựa, cần bờ vai, cần an ủi, cần chia sẻ, cần tôn trọng, tôn trọng không chỉ với họ mà còn cả với những mối quan hệ của vợ. Chị Tâm An – giáo viên tiểu học đã quyết định ly thân chồng vì khi đồng nghiệp đến nhà chơi, chồng chị đã có những lời lẽ không tích cực và cố ý đuổi khéo. Chị chia sẻ: “Dù chồng tôi có kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng thì cũng không bù lại những lỗ hổng trong tâm hồn và trách nhiệm của anh ấy với vai trò là người chồng. Là phụ nữ, tôi có lòng tự trọng riêng. Hạnh phúc không thể thiếu tôn trọng…”

          Vai trò của người đàn ông không chỉ thiên về kinh tế mà thêm vào đó là nuôi dạy con cái thành đạt và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, mang giá trị tinh thần đến mái ấm của mình… Mặc dù hiện nay người phụ nữ đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế của gia đình, nhưng người đàn ông vẫn còn là trụ cột kinh tế, bởi họ có thế mạnh về sức khỏe, thời gian được giải phóng… Nhưng bên cạnh đó, người đàn ông cũng luôn có ảnh hưởng lớn đến việc nuôi dạy con cái. Con trai, con gái gắn với cha và chúng thường coi cha là hình mẫu để noi theo. Mọi ứng xử của họ với vợ con, với quan hệ hai bên gia đình, với các mối quan hệ xã hội khác đều là tấm gương phản chiếu để con cái noi theo. Người đàn ông luôn là đầu mối gắn kết gia đình nhỏ của mình với dòng tộc, các mối quan hệ ở ngoài xã hội…

          Để hạnh phúc, người đàn ông cần hiểu một cách sâu sắc hơn về vai trò của mình với gia đình. Cách đơn giản nhất để đàn ông thể hiện tình yêu của mình là những cử chỉ quan tâm, chăm sóc hằng ngày. Nó rất đơn giản, nhỏ bé nhưng đóng vai trò lớn trong cuộc sống hôn nhân. Sự quan tâm không chỉ thể hiện qua lời nói mà phần nhiều thể hiện qua hành động. Tình yêu giống như hạt mầm, nụ hoa rất cần phải chăm sóc, vun đắp hàng ngày thì cây mới sống và đâm chồi nảy lộc… Dẫu sự thành công về làm ăn, tài chính, kinh tế có bao nhiêu nhưng mất hẳn sự tôn trọng, trân trọng và sự chinh phục từ trái tim thì vàng có chất đống cũng bằng thừa với khát khao hạnh phúc…

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *