Single mum- Nỗi lo dài lâu

Trong những năm gần đây, nhịp sống hối hả, cuộc sống hiện đại như một trong những nguyên nhân dân đến những quyết định khá táo bạo cũng như những hành động mạnh mẽ của một số phụ nữ. Yêu phải một người đàn ông đã có vợ con, yêu một người đàn ông đắm say nhưng không thể tiến đến cuộc hôn nhân vì gia đình- vì những áp lực khác, không thể lập gia đình do những nỗi niềm riêng … Đó là những nguyên nhân hay lý do của những cuộc tình có yêu nhưng không dễ dàng đi đến. Điều quan trọng ở đây là những phụ nữ này đã quyết định có con dù tình cảm thực tế cho như thế nào đi nữa. Nuôi con một mình – vui thật vui nhưng lo cũng thật lo nếu nhìn ở góc độ phát triển tâm lý của con trẻ. 

Hạnh phúc trước mắt

Trước nhất, hãy thực sự thông cảm vì nhu cầu làm mẹ là một trong những nhu cầu cần thiết nhất trong cuộc sống của người phụ nữ. Khi nghe tiếng khóc chào đời của con mình, khi nhìn thấy nét mặt rất ngây thơ, khi được rót vào tai tiếng mẹ ơi… dường như người phụ nữ mới thật sự trở thành phụ nữ. Ngay từ rất lâu, được làm mẹ là khát vọng, lẽ sống, thiên chức đặc biệt của những người phụ nữ. Thực tế cho thấy việc trách cứ hay phê bình không phải việc làm hiệu quả vì mỗi một cá nhân có những hoàn cảnh rất khác nhau đáng được thông cảm.

Hạnh phúc thật sự của những người phụ nữ một mình nuôi con thể hiện rất đa dạng và đầy màu sắc. Khi phải một mình mang nặng bào thai chín tháng, sự hồi hộp, sự lo lắng được giải tỏa khi đứa trẻ được ra đời. Vượt cạn một mình trong trạng thái căng thẳng và nhìn thấy con mình trọn vẹn cất tiếng khóc đầu tiên, đó là niềm hạnh phúc đặc biệt của những người mẹ một mình. Hạnh phúc hơn nữa khi đó có thể là một cậu con trai hay một cô con gái như một chỗ dựa vững chắc cho chính mình trong tương lai…

Không những thế, khi có con, những người mẹ “một mình” đã thật sự gánh vác nhiều trách nhiệm. Tập cho con mình ăn, tập cho con mình đứng chựng, đi men.., cũng như bi bô từng tiếng một… Đó là những niềm vui bất tận của những người mẹ. Sao không có nỗi buồn khi phải một mình nuôi con nhưng dường như hạnh phúc quá lớn để những người phụ nữ này quên đi những lo lắng, căng thẳng và mệt nhọc vì khi con cười, khi con nói, khi con hôn gió … đều làm mẹ hạnh phúc đến tuyệt vời…

Hạnh phúc còn lớn dần, lớn dần khi người phụ nữ chắc chắn rằng đã hết cô đơn. Sau những ngày làm việc mệt mỏi, sau những chuyến công tác dài hạn rất căng thẳng, sau những dự án đầy thử thách,… những người phụ nữ này vẫn khát khao mãnh liệt mau chóng quay về gia đình, quay về bên cạnh núm ruột của mình. Đấy chính là một động lực rất lớn lao dường như trước đó bản thân họ chưa nghĩ đến… Đầy niềm vui, đầy trách nhiệm, đầy cảm xúc… là những gì mà những người phụ nữ một mình trải nghiệm. Chính chị M Th đã tâm sự với chúng tôi trong một lần tư vấn: “Tôi rất vui, tôi biết mình không thể đến được với anh ấy… Tôi biết anh ấy không thể ra mặt thừa nhận con tôi vì gia đình anh ấy rất hòa thuận… Nhưng tôi vẫn quyết định có con để nuôi…Gia đình tôi đã đi nước ngoài hết thảy … Tôi chỉ còn một mình ở việt Nam…Vì mối tình tuyệt đẹp nên tôi đã quyết định không đi nước ngoài. Vậy mà có ai ngờ người đàn ông đầu tiên ấy cũng phản bội tôi. Tôi cần một đứa con và tôi biết tôi không thể làm khác hơn vì tôi đã gần 40. Tôi đành chọn anh ấy – một người bạn rất thân từ tấm bé….”

Lo lắng dài lâu 

Hoàn toàn thông cảm với những trường hợp nuôi con một mình trong khi người cha của đứa trẻ cũng không xuất hiện thậm chí không ra mặt. Thế nhưng chính những lo lắng cho sự phát triển của con con trẻ mới là điều những người mẹ cô độc cần quan tâm và chú ý.

Giáo dục gia đình đóng một vai trò cực kỳ quan trọng cho nên khi không được lớn lên trong vòng tay của cả cha lẫn mẹ thì sự phát triển nhân cách của trẻ chắc chắn sẽ dễ gặp những trắc trở. Khi chỉ có một mình mẹ, đương nhiên những áp lực quá lớn của việc chăm sóc con cái đều đổ ập lên đôi vai cũng như tâm trí của người mẹ. Khi con khóc quá lâu, khi con khó ăn – khó ở… chắc chắn rằng sự bực dọc, sự căng thẳng cũng như thiếu đối tượng chia sẻ có thể làm cho những người mẹ cô đơn sẽ dễ dàng nổi cáu mà không có điểm “rơi’. Chắc chắn những trường hợp như thế sẽ để lại một dấu ấn tâm lý cho trẻ nếu như mẹ có những lời nói hoặc những hành động nóng giận. Thực tế cho thấy khi cả hai vợ chồng cùng chia sẻ trong việc chăm sóc con cái thì dễ dàng có những đồng cảm, dễ dàng kiềm chế chính mình nhiều hơn…

Không những thế, chúng ta cũng nhận ra tính cách của trẻ cũng như những vấn đề có liên quan sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ việc giáo dục của người lớn. Những nghiên cứu đã chứng minh rằng con gái rất cần sự manh mẽ của bố để thấy mình nữ tính hơn, con trai rất cần sự dịu dàng của mẹ để nhận ra mình có lòng nhân ái… Khi trẻ em thiếu sự tác động một cách đầy đủ và đồng bộ từ phía cha lẫn mẹ thì đương nhiên trẻ chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Nếu một cô công chúa chỉ sống với mẹ thì đương nhiên có thể trẻ sẽ lớn lên trong kiểu giáo dục “đơn”. Sự cẩn thận, sự tỉ mỉ, sự tinh tế… là những gì có thể trẻ có được nhưng liệu rằng những hình ảnh cũng nhưng những tác động từ phía người cha với một thái độ rất bao dung, một cái nhìn bản lĩnh… dường như trẻ đã không có cơ hội. Một bé trai lớn lên trong vòng tay của mẹ thiếu hẳn những kiểu giáo dục của một người bố thì phải chăng sự quyết đoán, sự mạnh mẽ trong cuộc sống, cá tính trong cư xử … sẽ khó “xuất hiện ở trẻ. Đành rằng khi sống một mình nuôi con, những người phụ nữ như thế đã rất mạnh mẽ và cũng cố gắng hết sức để đóng vai trò là mẹ – là bố để có thể chăm sóc và giáo dục con nhưng rõ ràng thách thức không phải nhỏ và hiệu quả giáo dục cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Những nghiên cứu vê mặt giới tính cũng đã chứng minh rằng có đến hơn 20% những người thuộc giới tính thứ 3 sống trong gia đình mà bố qua đời từ rất sớm. Có đến 85 % những người nam thuộc giới tính thứ ba lựa chọn rằng mình gần gũi và thân thiết đặc biệt với mẹ… Không thể không nhận ra rằng một số trường hợp khi trẻ sống trong gia đình chỉ có duy nhất mẹ sẽ có những biểu hiện khộng thực sự khả quan về vấn đề giới tính. Đồng ý rằng việc con người sinh ra có thuộc về thế giới thứ ba hay không có phần do bẩm sinh quy định (đặc biệt là cấu trúc của vùng đồi thị ở não) nhưng cho đến bây giờ những nguyên nhân về môi trường sống, nền văn hóa và cách thức tác động – cách thức giáo dục cũng ảnh hưởng không nhỏ nên đây cũng là một trong những vấn đề cần có sự quan tâm. Khi sống chung mẹ, đương nhiên một bé trai sẽ hấp thụ những giá trị người rất đặc biệt ở mẹ. Thiếu hẳn vòng tay ấm áp của cha, thiếu hẳn những cái nhìn rất mạnh mẽ của bố, thiếu hẳn những lời nói trầm ấm, thiếu hẳn cả những bài học hay những trò chơi rất mạnh mẽ có thể ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng giới tính cũng như những hành vi giới tính của trẻ. Những gì mẹ dạy rất cần, những gì mẹ dạy rất hiệu quả nhưng sự trống vắng, sự thiếu hụt những tác động từ phía còn lại sẽ dễ dàng dẫn đến trạng thái mất cân bằng…

Rõ ràng mỗi cá nhân có thể chọn cho mình một lối sống khác nhau cũng như chọn cho mình một quyết định khác nhau trong cuộc đời. Tuy vậy, những phân tích cho thấy những người mẹ hiện tại khi phải nuôi con mình trong sự cô độc cũng cần phải chú ý nhiều hơn để có thể giáo dục trẻ một cách toàn diện. Tiếp xúc với chú, với cậu; mở rộng quan hệ bè bạn cho trẻ, tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng là những gì cần thực hiện để cân bằng cuộc sống cho trẻ. Mặt khác, không nên ôm ấp trẻ, không nên dành tình thương tuyệt đối cho trẻ bằng cách cứ liên tục “chăm sóc” thái quá cũng sẽ làm cho trẻ rơi vào trạng thái mất cân bằng. Bù đắp hay đền bù phải thực sự có cách thức hợp lý là những gì cần thực hiện. Những bạn trẻ khác cũng nên nhận ra thực chất của vấn đề để  tìm giải pháp an toàn hơn cho chính mình cũng như con cái của mình trong cuộc sống chứ không thể chỉ nhìn thấy niềm vui mà không nhận ra một cách đầy đủ và thực tế những nỗi lo đặc biệt là nỗi lo lâu dài…

HVS

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *