Vụ án mạng thương tâm tại xóm Thượng, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xảy ra ngày 26/05, nạn nhân là chị Hà Thị T và hung thủ không ai khác chính là người chồng chung chăn chung gối với chị bao năm.
Theo lời kể của gia đình nạn nhân: Khoảng 15h ngày 26.5, chị Hà Thị T dẫn con gái đi thăm người thân ốm trong làng, đến khoảng 16h cùng ngày thì hai mẹ con về nhà. Do đi thăm người ốm không nói với chồng nên khi về tới nhà, chồng chị T là anh Lường Văn V (40 tuổi) đã tra hỏi và nghi ngờ chị đi bồ bịch nên hai vợ chồng xảy ra xô xát, cãi vã. Chị T thấy chồng suốt ngày ghen tuông vô cớ nên đã mang giấy bút ra viết đơn xin ly hôn. Thấy vậy Lường Văn V nghĩ rằng vợ đã có người khác và không muốn sống với mình nữa nên sẵn chiếc rìu trong tay đã chém chị T một nhát khiến nạn nhân gục chết ngay tại chỗ.
Con gái chị T thấy bố mẹ cãi nhau nên chạy sang nhà hàng xóm chơi. Một lát sau về nhà thì thấy dưới gầm nhà sàn có nhiều máu, mới chạy lên nhà xem sao. Khi bước vào trong nhà thấy mẹ đã chết trong tư thế nằm sấp, với chiếc rìu vẫn cắm trên lưng, máu chảy nhiều, thấy vậy con gái chị T hoảng sợ chạy đi gọi người nhà.
Cái chết thương tâm của người vợ là một tiếng chuông báo động cho thấy sự ích kỷ của đấng mày râu hay của những người luôn đẩy tính cá nhân lên cao, luôn làm mọi thứ bằng sự nhìn nhận cảm tính, luôn sống với cảm giác hay sống với cái tôi vĩ đại của chính mình trong mọi mối quan hệ, mà đặc biệt là trong quan hệ yêu đương, vợ chồng…
Cái chết thương tâm của người chồng lại xuất phát từ mấu chốt của vấn đề không hòa hợp. Trong cuộc sống chung, vợ chồng không phải lúc nào cũng tương hợp. Sự khác nhau về sức khỏe, sự khác biệt về văn hóa – lối sống hay cả chuyện quan niệm về tình dục, thói quen chăn gối sẽ dẫn đến những xung đột hay khác biệt. Việc mỗi người cần sẻ chia, dung hòa, tương tác tích cực, cảm thông, tự điều chỉnh, khuyến khích đối tác điều chỉnh là điều rất cần làm…
Nhưng tiếc thay, chính sự kiệm lời, chính sự lạnh lùng của cá nhân hay chính cái tôi của mỗi người đã dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát… Và hơn hết, chính sự ích kỷ và cá nhân nghĩ rằng mình có thể làm chủ cuộc sống của người khác và mình hoàn toàn quyết định được cuộc đời – sinh mạng của mình và không nghĩ đến cảm nhận, sự quan tâm, trách nhiệm của người khác dành cho mình đã dẫn đến hành vi tự đoạt mạng. Đó là sự cá nhân quá mức đến độ không cần thương yêu bản thân, không thiết sống…
Hãy hiểu rằng chung sống là một quá trình. Hãy nhận ra rằng chinh phục và hòa hợp nghĩa là vượt qua nhiều thách thức… Và đừng cho rằng mọi chuyện cứ giản đơn là ta có thể quyết định tất kể cả mạng sống của người ta thương yêu chỉ vì một chút nghi ngờ hay một chút ghen tuông…
PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)
-Nguồn: news.go.vn-