GỬI TRẺ NHỎ ĐẾN TRƯỜNG – NỖI LO VỀ THỜI ĐIỂM

A1-Be-thuc-hanh-ky-nang-gap-khan-tay-e161bCó thể nói rằng việc gửi trẻ đến trường mầm non hay nhóm trẻ gia đình là một xu hướng đã được ủng hộ từ khá lâu ở những nước phát triển. Không phải chỉ là Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác nhau việc gửi trẻ đến trường khi nào là vấn đề hết sức quan trọng. Khi quy định sinh con đầu lòng sẽ được nghỉ từ 6 tháng đến 8 tháng ở một vài quốc gia khác nhau được xác lập. Sinh đứa con thứ hai, số tháng nghỉ có thể giảm xuống một vài tháng theo quy định… Xem chừng bài toán thời điểm gửi con đến lớp mầm non tư thục – nhóm trẻ gia đình hay trường mầm non lại là câu hỏi lớn. Đó là chưa kể còn đó điều kiện công việc và cả tình thương con…

TRANH CÃI

Long và Lan chào đón đứa ocn đầu lòng trong niềm hoan hỉ của mọi người. Vốn là nhân viên truyền thông của một công ty quảng cáo nên Lan quyết định cho mình nghỉ việc 4 tháng trước ngày sinh nở. Rồi thêm 12 tháng nữa ròng rã trôi qua khi con vừa đầy thôi nôi… Lan quyết định đi làm lại trước những lời mời khá hấp dẫn của vài người bạn. Quyết định gửi con đến lớp tư thục gần nhà của Lan bị vấp phải lời phản đối kịch liệt của gia đình chồng và cả chồng. Nào là những tin nhắn, nào là những cuộc điễn thoại đường dài của cha mẹ chồng… Không biết bao lần cãi vã nhau về việc nên gửi cu Trường đến lớp khi nào… Lan vẫn khư khư cho rằng quyết định của mình là đúng khi cu cậu đã được 12 tháng tuổi… Cũng rất may là sau ba tháng cháu đến lớp mầm non tư thục thì mọi chuyện đã ổn thoả…

Không phải chỉ có trường hợp của Lan mà những trường hợp khác còn dẫn đến những trận tranh cãi ác liệt hơn. Khi mà việc thống nhất thời điểm gửi trẻ đến trường mầm non hay nhóm trẻ gia đình chưa được nhẹ nhàng thì những cuộc chiến có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Có không ít phụ nữ sau khi sinh thì quay trở lại sở làm đúng bốn tháng, việc gửi con cho gia đình nội ngoại dường như cũng không thể, người thân thì không có ai ở những thành phố lớn… Nghỉ việc ở nhà chăm con thực sự cũng là một thách thức quá ư phức tạp… Quyết định gửi con sớm đã dẫn đến những lời nặng nhẹ nhau rằng: không biết thương con.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cãi nhau đến mức không nhìn mặt nhau hàng tháng trời khi người mẹ lại nhìn ở chiều kích ngược lại. Vì quá thương con nên nhiều người mẹ không muốn gửi con quá. Hàng loạt câu hỏi như: một mình mình không chăm một đứa trẻ được thì làm sao mà một  cô có thể trông ba bốn trẻ 10 tháng tuổi một lúc? Rồi con mình sẽ ăn đủ không? Uống sữa thế nào, ngủ ra sao, … tất cả đều trở thành những nỗi ám ảnh căng thẳng như dây đàn và rồi người mẹ ôm con đến tận ba tuổi… vẫn chưa muốn buông con mình và lời hẹn  sẽ đưa con đến trường tiểu học luôn một thể trở thành cứu cánh… Trận cãi vã kịch liệt nổ như bắp rang khi người cha – người chồng lại muốn con mình mau chóng đến trường để thích nghi – thích ứng và mọi chuyện trở nên hết sức trầm trọng…

CẦN CÓ SỰ QUYẾT ĐỊNH

Thực ra những nghiên cứu về Giáo dục mầm non cho thấy việc tổ chức nhóm trẻ gia đình hay nhóm lớp mầm non tư thục có chú ý đến thời điểm giữ trẻ. Thông thường sau sáu tháng tuổi, một số nhóm trẻ có thể tổ chức giữ trẻ của những người mẹ đi làm sớm. Lựa chọn này cũng có thể chấp nhận được nếu như người mẹ quá bận rộn. Tuy nhiên, nếu thực sự phải quyết định thì người mẹ nên sắp xếp công việc, xin với cơ quan hoặc điều chỉnh công việc để có thể gửi trẻ một buổi hoặc chừng năm giờ là tốt nhất. Thời gian xa trẻ không quá lâu, quản lý được công việc, tập dần cho trẻ thích nghi cũng là điều có thể nhận thấy. Đương nhiên, nhiều nhà trẻ công lập vẫn chưa chấp nhận nhận trẻ dưới 15 tháng tuổi nên việc chọn lựa nhóm trẻ gia đình an toàn và phù hợp là điều cần lưu ý…

Với những trường hợp khác, một cột mốc an toàn có thể gửi trẻ đến trường mầm non hoặc nhóm trẻ mầm non độc lập tư thục là trẻ được 14 tháng tuổi. Vì sao chọn thời điểm này? Những nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động giao lưu cảm xúc trực tiếp đã dần biến mất và thay vào đó là hoạt động với đồ vật. Trẻ cũng có phần cứng cáp vể thể chất ở mức tương đối. Mặt khác, trẻ cũng đã bắt đầu tập được những thói quen cơ bản như: đi bô, uống loại sữa quen dùng, ăn cháo nhuyễn, ăn canh trộn xay cho nên trẻ có thể thích ứng được với môi trường trường lớp mầm nop. Đây cũng là thời điểm được khá nhiều gia đình chọn lựa để đưa trẻ đến học các lớp: cháo, cơm nát. Giai đoạn này có nhiều thuận lợi để tạo điều kiện cho trẻ thích nghi sớm với trường lớp mầm non. Việc trẻ vẫn khóc đòi mẹ, trẻ không ngủ khi thiếu gối ôm ở gia đình, trẻ phải có mùi của chiếc chăn quen thuộc ở nhà mới ngủ sẽ được giải quyết bằng cách chìu ý trẻ. Tuy nhiên, theo thời gian, nên rút dần những vật dụng ấy trong giấc ngủ để trẻ sẽ thích ứng đích thực. Mặt khác, một biện pháp cũng quan trọng là mẹ có thể cùng với trẻ đến trường lớp mầm non từ 8h đến 9h và khi trẻ bắt đầu ngủ mẹ có thể rút êm… Việc trẻ khóc vì nhớ mẹ hay giảm cân – sụt cân; nóng sốt trong hai tháng đầu là chuyện bình thường và cần  được chấp nhận một cách nhẹ nhàng…

Một thời điểm mà nhiều chuyên gia Tâm lý học và Giáo dục chúng tôi thống nhất là có thể đưa trẻ học các lớp mầm non sau 20 tháng tuổi và đặc biệt là đến trường lớp mầm non cho trẻ học lớp cơm thường. Lớp học này là thời điểm có thể tập cho trẻ thích ứng khá tốt ở mức độ nhất định. Những điều kiện về thể chất và tâm lý cũng đã tương đối giúp trẻ có thể thích nghi và không quá khó khăn để trẻ chung sống vối môi trường.

Nhìn chung thời điểm khuyến khích đưa trẻ đến trường lớp mầm non không thể như nhau ở mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc cho trẻ đến trường vào những cột mốc nhất định ở tuổi nhà trẻ là điều cần làm. Thái độ của các bậc phụ huynh là cần cân nhắc và suy nghĩ kỹ lưỡng để dựa trên điều kiện của gia đình và đưa trẻ đến trường mầm non một cách thích hợp. Sau 14 tháng tuổi là sự lựa chọn thích hợp với những gia đình bận rộn và sau 20 tháng tuổi là thời điểm cũng khá ổn định để có những quyết định cho trẻ tham gia lớm cơm thường ở bậc nhà trẻ một cách an toàn. Quyết định nào phải dựa trên điều kiện ấy và đó là sự lựa chọn mang tính cân nhắc bởi trí tuệ và điều kiện của cá nhân mà không phải chỉ đơn thuần bằng tình thương quá mạnh mẽ của con tim người mẹ…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *