TRÒ CHƠI THÔNG MINH – CẦN HAY ĐỦ?

boxephinh-1Những món đồ chơi được coi là những phương tiện học tập đầu đời, những giờ chơi giúp trẻ làm quen với thế giới, học cách ứng xử, đón nhận và xử lý thông tin. Tất cả mọi sự phát triển đều được tăng cường thông qua hành vi chơi đùa của trẻ, từ những tháng đầu đời cho tới tận khi đã đi học. Trong đó, mỗi món đồ chơi, mỗi trò chơi lại có những tác động khác nhau.

Tuy nhiên không có một loại trò chơi nào là vạn năng có thể giúp bé phát triển hết mọi năng lực và những kỹ năng đầu đời. Mỗi loại trò chơi có khả năng phát triển ở trẻ một hoặc một vài năng lực nào đấy. Nhưng trò chơi có đem lại hiệu quả phát triển hay không còn tuỳ thuộc vào sự tổ chức, hướng dẫn của người lớn và tính tích cực vui chơi ở mỗi đứa trẻ. Nếu là trò chơi có giá trị phát triển thì đã giúp trẻ có cơ hội phát triển trí tuệ. Trò chơi chỉ thực sự có tác dụng đến sự phát triển của trẻ khi nó được sử dụng đúng, phù hợp, được sự tương tác tích cực giữa trẻ với trò chơi thông qua vai trò hướng dẫn và tổ chức của người lớn. Để góp phần phát triển đồng đều các năng lực khác nhau phụ huynh nên tạo điều kiện để con tham gia nhiều loại trò chơi khác nhau và tăng cường các trò chơi kích thích trí tuệ của trẻ.

Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý đến đặc điểm của lứa tuổi để chọn trò chơi phù hợp cho con. Trẻ từ một đến ba tuổi do sự phát triển những hành động với đối tượng là thành tựu đầu tiên rõ rệt ở lứa tuổi này, sự khám phá và tìm hiểu thế giới của trẻ chủ yếu thông qua việc tương tác với đồ vật. Chính vì vậy, các trò chơi cần lựa chọn cho trẻ là các trò chơi cần có hành động. Đối với bé mới sinh, tốt nhất là chọn những đồ chơi mà bố mẹ và bé có thể cùng quan sát. Phụ huynh có thể nói chuyện, chơi với các ngón chân, ngón tay và những bộ phận khác của cơ thể bé. Hoặc dùng những con thú nhồi bông mềm để bé sờ, nhai hoặc nghịch. Khi bé được vài tháng, phụ huynh có thể đưa những đồ chơi mà bé có thể dùng để sáng tạo hơn là chỉ nhìn và nghe. Đối với bé mới tập đi, những đồ chơi có thể rung hoặc xếp thành tháp thì tốt hơn là đồ chơi phát ra tiếng nói khi lên dây cót.

Trẻ từ ba đến sáu tuổi trẻ bắt đầu có bước chuyển về mặt trí tuệ khi chuyển từ kiểu tư suy bằng tay (trực quan – hành động) sang kiểu tư duy trực quan hình tượng và bắt đầu hình thành kiểu tư duy mang tính suy luận. Chính vì vậy, giai đoạn này cần tăng cường các trò chơi mang tính tưởng tượng – trí tuệ. Có những món đồ chơi trông thì rất đơn giản nhưng lại có thể khiến con buộc phải suy nghĩ và hình thành nên những mối liên kết. Tùy theo giới tính của con mà đó có thể là búp bê, những món đồ chơi vải mềm, ô tô, bộ xếp hình, mô hình… Chơi với một bộ khối hình chẳng hạn, bé sẽ dần dần tự rút ra được cho mình những kết luận quan trọng như khối tròn lăn được còn khối vuông thì không; bé tưởng tượng ra hình ảnh để xếp theo ý định, sáng tạo theo ý muốn của mình. Đồ chơi tạo nên những thử thách trí tuệ kích thích trẻ phát triển dù những thử thách này ban đầu dường như chẳng giúp được gì nhiều cho trẻ, nhưng phụ huynh có thể sẽ thấy tác động của nó về sau này, khi con bắt đầu đi học. Lúc này khi quan sát con chơi với những mẩu Lego,  ban đầu, trẻ chỉ biết xếp chúng chồng lên nhau, nhưng sau đó bé sẽ có thể tạo nên rất nhiều hình thù khác nhau. Điều này chứng tỏ rằng khả năng tưởng tượng và sáng tạo của trẻ đã tiến bộ hơn.

Như vậy, đồ chơi đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển năng lực của bé, chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Trò chơi thông minh rất cần nhưng không có một trò chơi thông minh nào là đủ cả. Trò chơi không chỉ tạo niềm vui cho tuổi thơ mà còn kích thích nhiều năng lực khác nhau từ nhận thức, trí tuệ, vận động, ngôn ngữ, tình cảm của trẻ phát triển. Nhưng cuối cùng trò chơi thật sự có đem lại hiệu quả hay không, sự “đủ” có đạt được hay không phụ thuộc rất lớn vào các điều kiện và phương pháp giáo dục của phụ huynh thông qua việc tổ chức chơi cùng trẻ.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *