Nghiên cứu biểu hiện hành vi hung tính của học sinh tiểu học ngày nay đang là nội dung cần thiết để giảm thiểu các hành vi mang tính bạo lực ở lứa tuổi lớn hơn. Để nghiên cứu trên đạt hiệu quả, bước sàng lọc hệ thống đối với học sinh toàn trường là vô cùng thiết yếu. Chương trình sàng lọc có quy trình khoa học từ khâu lập kế hoạch, xây dựng công cụ, thực hiện kế hoạch, giám sát và liên kết dịch vụ. Từ nghiên cứu cơ sở lý luận về sàng lọc, chúng tôi đã ứng dụng phương pháp sàng lọc sơ bộ học sinh có biểu hiện hành vi hung tính tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Kết quả mang lại một số khả quan cho các nghiên cứu chuyên sâu, định hướng cho quy trình thực hiện sàng lọc tiếp theo, đánh giá đúng học sinh có biểu hiện hành vi hung tính và có những biện pháp can thiệp và phòng ngừa phù hợp.
1. Đặt vấn đề:
Ngày nay, biểu hiện hành vi hung tính ở con người được gia tăng theo cấp số nhân. Hành vi hung tính có ở con người ở mọi các quốc gia, mọi lứa tuổi không phân biệt giàu nghèo, dân tộc hay văn hóa. Hậu quả của nó được lưu trong hồ sơ vụ án ngày càng dầy tại các tòa án. Đặc biệt các vụ án liên quan đến bạo lực học đường.
Theo thống kê của Bộ GDĐT nước ta, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.598 vụ học sinh (HS) đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 HS, cảnh cáo 1.558 HS và buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) tới 735 HS. Tính bình quân, cứ 11.111 HS thì có 1 em bị buộc kỷ luật thôi học có thời hạn vì đánh nhau.
Chưa bao giờ vấn đề bạo lực học đường ở trong nước lại có tín hiệu đáng báo động như hiện nay. Vấn đề đặt ra cần giải quyết như thế nào? Với chủ đề này đã được nhiều bộ ngành quan tâm, bởi tính chất ảnh hưởng sâu, rộng và ảnh hưởng trực tiếp đến chính con em của chúng ta hiện nay và trong tương lai. Trước bài toán này, chúng tôi thiết nghĩ cần có sự can thiệp sớm với các biểu hiện hành vi hung tính khi xuất hiện ở lứa tuổi nhi đồng. Vấn đề can thiệp cho được các hành vi hung tính biểu hiện ở lứa tuổi tiểu học không phải là đơn giản, đôi khi có thể dẫn đến những sai sót khó lường. Để việc can thiệp có hiệu quả cần thiết phải có khâu sàng lọc hiệu quả. Từ những điều nêu trên là lý do chúng tôi đưa ra một chủ đề bàn luận: “Nghiên cứu phương pháp sàng lọc sơ bộ học sinh tiểu học có biểu hiện hành vi hung tính” nhằm làm sáng tỏ hình ảnh của trẻ có biểu hiện hành vi hung tính và có các phương pháp chẩn đoán sâu hơn cũng như các biện pháp can thiệp phù hợp.
2. Nội dung và kết quả nghiên cứu
2.1. Khái niệm hành vi hung tính
Từ “hung tính” được dịch từ tiếng Latinh “aggressio” có nghĩa là “sự tấn công”. Hiện tượng này gắn liền với các cảm xúc âm tính (cơn tức giận), các động cơ (cố gắng gây nhiều tác hại), các mục đích và các hành vi phá hủy.
Có nhiều các nhà nghiên cứu đưa đưa ra những nhận định khác nhau về hung tính: L. Bender cho rằng: hung tính là khuynh hướng tiến tới đối tượng hoặc rời xa đối tượng. Theo H. Delgado, tính hung tính của loài người có phản ứng hành vi được biểu hiện thông qua sức mạnh của sự nỗ lực mang lại sự đau khổ và gây thiệt hại cho cá nhân và cho xã hội. A. Bace xem xét hung tính như một phản ứng mà kết quả của nó là nhưng tác động đau đớn. Wilson lại cho rằng, hung tính có các hành vi thể chất hoặc sự đe dọa của hành động đó từ hướng một cá thể làm giảm bớt sự tự do hoặc là sự thích ứng bẩm sinh của cá thể khác [6].
Khái niệm “hung tính” và “gây hấn” có sự khác biệt cơ bản. Hàng loạt các tác giả (P.U. Bender, L. Berkowitz, R. Beron) cho rằng, khái niệm gây hấn là một dạng đặc biệt của hành vi, còn tính hung tính là đặc điểm tâm lý trong cấu trúc của nhân cách. Gây hấn được xem xét như một quá trình có tổ chức, thực hiện chức năng đặc trưng, còn hung tính được hiểu như một thành phần của hệ thống phức tạp, là một phần của hệ thống tâm lý con người [6,7,8].
Khái niệm hung tính còn có sự khác biệt với các thuật ngữ khác như: cơn hung dữ, sự thù địch… Trong từ điển Tiếng Việt chữ “hung” có nghĩa là sẵn sàng có những hành động thô bạo, dữ tợn mà không tự kiềm chế nổi. Nó là gốc của các từ như: hung ác, hung bạo, hung dữ, hung hăng, hung hãn… [4]. Cơn hung dữ “là tổng thể cảm xúc có thể làm nảy sinh một hành vi gây hấn”; sự thù địch “liên quan nhiều đến yếu tố thái độ của tính gây hấn”.
Có nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau về khái niệm hung tính. Dưới góc độ của tâm sinh học, giống như một số loài động vật, ở loài người cũng tồn tại một cơ chế sinh lý làm nảy sinh các cảm giác nóng giận chủ quan và một số biến đổi thể chất mà cơ thể phải đối kháng lại; Quan điểm của tiếp cận nhận thức-hành vi lại cho rằng, hung tính có mối quan hệ chặt chẽ với nhu cầu tấn công hoặc xúc phạm người khác nhằm làm giảm giá trị, chế giễu hoặc gây thiệt hại cho họ. Phân tâm học có cách tiếp cận đầy đủ hơn về hung tính như sau: hung tính là một phản ứng xung năng, đó cũng là một phản ứng do những trở gây ra cho các nguyên tắc khoái cảm, hay hung tính sản sinh ra từ xung năng chết (Freud) nhằm làm hại đối tượng theo một cách thức riêng, có thể là phá hủy hoặc làm tổn thương đối tượng [3].
Khái niệm hung tính được chúng tôi hiểu đó “là một phần của phẩm chất tâm lý của con người dưới sự tác động của nhiều nguyên nhân dẫn tới nhận thức và xúc cảm âm tính, được biểu hiện ra ngoài bằng các hành vi tấn công hoặc gây tổn thương cho người khác và cho bản thân”. Và, “hành vi hung tính là những tác động của trạng thái cơ thể được thể hiện qua hành vi đó là sự tấn công người khác hay lời nói mang tính đe dọa, chỉ trích, vu khống trong mối quan hệ giữa người và người” [1].
Hành vi hung tính của trẻ tiểu học là một dạng hành vi khi trẻ chuyển từ trạng thái bình thường sang trạng thái cáu giận, bực tức với tần suất vài lần trong ngày hay trong tuần được biểu hiện ra bên ngoài bằng ngôn ngữ hoặc bằng hành động.
Từ phân tích khái niệm nêu trên là nền tảng cơ sở cho nghiên cứu các phương pháp như là công cụ sàng lọc học sinh có biểu hiện hành vi hung tính.
2.2. Vấn đề sàng lọc trong tâm lý học
Căn cứ vào tài liệu tập huấn nâng cao về tâm lý học đường tại Việt Nam tháng 1/2011 của Hiệp hội Tâm lý học đường tại Việt Nam (CASP-V) năm 2011, cho thấy: Sàng lọc là công cụ để phát hiện sớm trẻ “có nguy cơ” bị rối nhiễu. Nếu thực hiện tốt, sàng lọc sẽ phát hiện sớm các biểu hiện nguy cơ rối nhiễu tâm lý từ phía học sinh, kết nối với các dịch vụ hiệu quả và giúp chúng cải thiện về sức khỏe và kết quả học tập. Ưu điểm của sảng lọc là can thiệp sớm từ khi trẻ còn nhỏ sẽ có nhiều khả năng thành công và kinh tế hơn.
Tuy nhiên, sàng lọc là một quá trình quan trọng, nó phức tạp, gây nhiều tranh cãi và không dễ thực hiện. Sàng lọc hệ thống cần lưu ý đến đặc điểm văn hóa nhằm phát hiện và gọi tên vấn đề tích cực, mang tính dự phòng; liên kết quan trọng giữa sức khỏe tình cảm và nhận thức. Đánh giá sàng lọc có lợi ích lớn nhưng khó thực hiện.
Các bước cần thiết để xây dựng thành công một chương trình sàng lọc bao gồm:
a) Lập kế hoạch (tất cả các đối tượng liên quan, phải có chuyên môn kĩ thuật, tạo ra sự liên kết với các chương trình và nguồn lực sẵn có tại cộng đồng);
b) Xây dựng công cụ và cơ cấu hợp tác thường xuyên và liên tục;
c) Xây dựng qui trình sàng lọc và thực hiện kế hoạch (dụng cụ nào – chọn tuổi, văn hóa, công cụ phù hợp về khoa học; khối mấy, lớp nào? thời gian (một hoặc hai đợt sàng lọc; mùa thu – đông – xuân?); quản lí thông tin);
d) Tập huấn, giám sát và hỗ trợ (Cần đào tạo gì? Ai làm gì? Thực hiện, chấm điểm, diễn giải; Qui tắc ra quyết định về việc sử dụng kết quả đánh giá);
e) Tích hợp với văn hóa nhà trường và liên kết với các dịch vụ
Tuy nhiên, không có phương pháp hoặc mô hình sàng lọc nào là hoàn hảo – luôn xảy ra sai sót. Trong đánh giá và nghiên cứu tâm lý, chúng ta cần xem xét 2 loại sai sót:
Loại I – Dương tính giả – còn gọi là sai sót alpha. Những học sinh được phát hiện qua đánh giá sàng lọc nhưng sau đó vẫn bình thường và không có vấn đề như đã phát hiện. Nguyên nhân là do một số sai sót của công cụ đánh giá: Vấn đề của thang đo (quá nhạy cảm); Vấn đề với người chấm điểm (không qua đào tạo); Vấn đề của học sinh (căng thẳng tại thời điểm đánh giá).
Loại II – Âm tính giả – còn gọi là sai sót beta. Những học sinh không được phát hiện trong thời gian đánh giá sàng lọc nhưng sau đó lại bộc lộ vấn đề mà đánh giá đã cố tìm kiếm. Sai sót này còn được gây ra bởi một số sai sót hoặc khó khăn của công cụ đánh giá: Vấn đề về thang đo (không chính xác hoặc không nhạy cảm); Vấn đề do người chấm (Chưa được đào tạo); Vấn đề của học sinh (hành vi có vấn đề không bộ lộ trong quá trình đánh giá).
2.3. Ứng dụng quy trình sàng lọc sơ bộ học sinh tiểu học có biểu hiện hành vi hung tính
Để tiến hành sàng lọc có hiệu quả cần có bước tiến hành sàng lọc sơ bộ nhằm đánh giá kết quả ban đầu về biểu hiện hành vi hung tính ở học sinh tiểu học. Với quy trình sàng lọc sơ bộ chúng tôi không sử dụng 5 bước nêu trên mà thu lại thành 3 bước cốt lõi: 1) lập kế hoạch; 2) Xây dựng công cụ; 3) Thực hiện kế hoạch. Các bước đánh giá và liên kết dịch vụ ẩn sau các quy trình đã nêu.
Bước 1. Lập kế hoạch.
Để thực hiện đề tài nghiên cứu biểu hiện hành vi hung tính ở học sinh tiểu học, chúng tôi lựa chọn trường tiểu học Hoàng Văn Thụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng làm cơ sở nghiên cứu. Để biết thực tế số lượng học sinh tiểu học có biểu hiện hành vi hung tính cần phải có kế hoạch sàng lọc toàn trường. Kế hoạch sàng lọc bắt đầu từ việc tìm hiểu trường học, đối tượng các em học sinh, số lượng giáo viên…; thứ hai là nhận diện được đặc điểm đặc thù của trường học, của đối tượng về không gian và thời gian và độ tuổi; lên kế hoạch thực hiện sàng lọc có sự thống nhất với ban quản lý nhà trường về thời gian và phương pháp.
Chúng tôi lên kế hoạch thực hiện sàng lọc 2 bước. Bước 1 sàng lọc bằng cách lấy ý kiến đánh giá từ giáo viên và phụ huynh (dùng phương pháp quan sát, phương pháp điều tra); Bước 2. sàng lọc từ phía các em học sinh (trắc nghiệm tranh vẽ).
Bước 2. Xây dựng công cụ
Để sàng lọc học sinh có biểu hiện hành vi hung tính chúng tôi xây dựng các tiêu chí hình thành công cụ đo lường: phương pháp quan sát, phương pháp điều tra, phương pháp trắc nghiệm.
a) Bảng quan sát các biểu hiện hành vi hung tính của học sinh đối với giáo viên được thiết lập dựa trên 10 tiêu chí với các số lần biểu hiện trong ngày và các ngày trong tuần:
+ Thường xuyên mất kiểm soát bản thân
+ Thường xuyên cãi lộn với người khác
+ Từ chối tuân thủ các nguyên tắc, nội quy, quy định
+ Thường làm cho người khác căng thẳng, bực bội
+ Thường đổ lỗi cho người khác về hành vi mắc lỗi hoặc thất bại của bản thân
+ Thường tức giận, cáu gắt
+ Thường từ chối thực hiện công việc nào đó
+ Thường có thái độ đố kị, ganh ghét, thù địch
+ Rất nhạy cảm và phản ứng tức thì với những hành vi không làm trẻ hài lòng của hang người xung quanh
+ Thường xuyên dùng vũ lực với người khác, với động vật và đồ vật
b) Bảng điều tra đối với giáo viên cũng được thiết lập dựa trên các tiêu chí cơ bản như:
+ Biểu hiện hung tính thông qua ngôn ngữ trực tiếp/gián tiếp
+ Biểu hiện ngôn ngữ thông qua hành động trực tiếp/gián tiếp
Kết hợp với bảng anket đánh giá hung tính dựa trên tiêu chí đánh giá về mặt xúc cảm, hành vi [2].
Bước 3. Thực hiện kế hoạch sàng lọc
Quy trình sàng lọc được xây dựng dựa trên đặc điểm biểu hiện hành vi hung tính của trẻ, như: thường đánh mất sự kiểm soát bản thân, hay cãi cọ, chửi mắng, trêu chọc súc vật, làm hỏng đồ chơi, không nghĩ đến hậu quả của hành vi, không đánh giá hết sự thù địch của bản thân, trong các vấn đề của mình đổ lỗi cho người khác và cho hoàn cảnh, biểu hiện các xúc cảm của mình bằng các hành động mà không phải bằng lời, sự đau khổ của người khác không làm trẻ lo lắng, gây hấn trả đũa, trẻ thường giao tiếp với trẻ có thể chất yếu hơn.
Bước đầu cho quy trình sàng lọc chúng tôi lựa chọn phương pháp quan sát và phương pháp điều tra bằng bảng hỏi dành cho giáo viên. Các dụng cụ này đã dựa trên các tiêu chí về trẻ có biểu hiện hành vi hung tính từ nhiều nguồn tài liệu tin cậy khác nhau [3,5,7,8,10]. Các phương pháp này phù hợp với học sinh tiểu học toàn trường. Thời gian thực hiện vào tháng 9/2012. Trước khi các giáo viên tiến hành thực hiện các phương pháp nêu trên, cần có sự hướng dẫn cụ thể và sự giám sát để đảm bảo kết quả chuẩn xác.
Sau khi có thông tin về sàng lọc sơ bộ, chúng tôi lựa chọn các em học sinh có biểu hiện hung tính (dưới sự đánh giá của giáo viên) thực hiện trả lời các bản anket dành riêng cho các em và sử dụng phương pháp trắc nghiệm tranh vẽ để xác định lại đối tượng cùng các biểu hiện hung tính của học sinh.
2.4. Kết quả thử nghiệm sàng lọc sơ bộ biểu hiện hành vi hung tính dưới sự đánh giá của giáo viên
Để tìm hiểu sơ bộ hiệu quả của công cụ sàng lọc, chúng tôi thử nghiệm quy trình sàng lọc 3 bước tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Đà Nẵng với số lượng 1280 học sinh tiểu học từ các cấp. Đặc điểm học sinh của trường Hoàng Văn Thụ phần lớn học sinh là con em của cán bộ công chức tại khu vực trung tâm quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Toàn trường có 30 lớp và khoảng 40 giáo viên. Phiếu quan sát và phiếu điều tra được phát cho 30 giáo viên phụ trách 30 lớp có hướng dẫn cụ thể quan sát và thực hiện phiếu đánh giá trên từng học sinh trong lớp.
Từ các phiếu của GV cho thấy có 23 học sinh trong toàn trường có biểu hiện hành vi hung tính chiếm tỉ lệ: 1,8%. Tuy nhiên, từ con số này được chúng tôi phân tích kỹ và phân loại mức độ theo tiêu chí biểu hiện trong từng phương pháp nghiên cứu.
Kết quả thu được từ phiếu quan sát của giáo viên cho thấy biểu hiện hành vi hung tính ở học sinh tiểu học có các mức độ khác nhau (xem Bảng 1):
Bảng 1. Tần suất các hành vi được đánh giá trong ngày và trong tuần
Hành vi/ngày | Số lượnghọc sinh |
Mức độ |
0 – 3 | 9 (39,1 %) | Không biểu hiện |
4 – 6 | 10 (43,5%) | Có biểu hiện |
7 – 10 | 4 (17,4%) | Biểu hiện rõ rệt |
Ngày/tuần | Số lượng | |
0 – 2 | 8 (34,8%) | Không biểu hiện |
3 – 5 | 15 (65,2%) | Có biểu hiện |
Mức độ thường xuyên của các hành vi hung tính đã được liệt kê trong tiêu chi quan sát được tính khi tần suất của hành vi là từ 1 – 2 lần/ngày và phải đạt từ 3 – 5 ngày/tuần. Nếu như ở trẻ cứ có 4 hành vi đi kèm trở lên trong 1 ngày thì được xem là có biểu hiện hung tính. Tần suất càng cao thì biểu hiện càng rõ rệt. Như số liệu ở bảng trên cho thấy có khoảng 15 trẻ (65,2%) có biểu hiện hành vi hung tính và ở mức độ rõ rệt có 17,4% (4 em).
Biểu hiện hành vi hung tính ở trẻ có sự khác biệt. Có 9% trong số các em có biểu hiện ở mức độ cao; 48% có biểu hiện ở mức độ trung bình và 43% các em có biểu hiện thấp. Từ kết quả này cho thấy chỉ có 13 em có biểu hiện hung tính rõ rệt (thấp hơn so với sự đánh giá của GV thông qua bảng quan sát). Tuy nhiên, sự chênh lệch là không đánh kể và kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào sự tổng hợp các thông tin từ trắc nghiệm tranh vẽ, từ GV và phụ huynh.
Mặc dù là kết quả thử nghiệm sàng lọc sơ bộ biểu hiện hành vi hung tính dưới sự đánh giá của giáo viên nhưng mang lại nhiều kết quả khả quan cho các bước nghiên cứu tiếp theo nhằm đánh giá đúng các biểu hiện hành vi hung tính ở học sinh và có các biện pháp can thiệp phù hợp.
3. Kết luận
Nghiên cứu hành vi hung tính của học sinh tiểu học là vấn đề mang tính cấp thiết nhưng cũng đòi hỏi một quy trình khoa học để có thể nhận diện đúng học sinh có biểu hiện hành vi hung tính và học sinh có hung tính. Vấn đề sàng lọc học sinh có biểu hiện hung tính trong toàn trường là nhiệm vụ quan trọng cho việc nghiên cứu tiến hành hiệu quả. Tuy nhiên, như trên đã khẳng định: sàng lọc là một quá trình quan trọng, nó phức tạp, gây nhiều tranh cãi và không dễ thực hiện. Sàng lọc có những trở ngại nhất định đối với nhà nghiên cứu như: cần có sự tập huấn kỹ càng đối với GV, bộ công cụ cần phải đo được cái cần đo, có độ tin cậy cao về các tiêu chí đo lường; thời gian và không gian đo lường cũng cần phù hợp… Nếu vượt qua được các trở ngại trên thì kết quả đo lường sẽ đảm bảo.
Từ nhìn nhận những trở ngại trong sàng lọc, chúng tôi đã lưu ý và làm tốt ở khâu chuẩn bị. Kết quả từ sàng lọc sơ bộ biểu hiện hành vi hung tính dưới sự đánh giá của giáo viên giúp chúng tôi nhận ra các mặt lợi thế và hạn chế của các phương pháp cũng như quy trình sàng lọc, đồng thời có thể định hướng được cho các bước nghiên cứu sâu hơn nhằm đánh giá đúng biểu hiện hung tính ở học sinh tiểu học và có các biện pháp can thiệp cũng như phòng ngừa trong toàn trường.
PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Nguyến Thị Trâm Anh (2012). Bàn về nguyên nhân tác động và các mặt biểu hiện hành vi hung tính của học sinh tiểu học. Báo cáo Khoa học Hội thảo khoa học quốc tế Tâm lý học đường lần thứ 3 “Phát triển mô hình và kỹ năng hoạt động tâm lý học đường”, tr. 450 – 457
[2] Nguyễn Thị Minh Hằng (2012). Hung tính ở trẻ và trẻ hung tính. Chẩn đoán và can thiệp. Báo cáo Khoa học Hội thảo khoa học quốc tế Tâm lý học đường lần thứ 3 “Phát triển mô hình và kỹ năng hoạt động tâm lý học đường”, tr. 499 – 512
[3] Trần Thu Hương, Đặng Hoàng Ngân (2011). Trẻ hung tính: cấu trúc tâm trí nào? Báo cáo Khoa học Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về Tâm lý học đường ở Việt Nam, tr. 110 – 117
[4] Từ điển Tiếng Việt (2008). NXB Đà Nẵng, tr. 582
[5] Tài liệu tập huấn Tâm lý học đường (2011). Phát triển phòng ngừa toàn trường và các chương trình can thiệp cho học sinh. Đại học sư phạm Hà Nội.
[6] Ахмедбекова Р.Р. Сущность агрессии и причины ее прявления у младших школьников/ Начальная школа «плюс до и после». №9, 2011. C. 35-39
[7] Бендер П.У. Лидерство изнутри. М. 2005
[8] Берковиц Л.А. Агрессия: Причины, последствия и контроль. СПб, 2001
[9] Берон Р. Агрессия. СПб.,1997.
[10] Выготский Л.С. Педагогическая психология/ Л.С. Выготский: под ред. В.В. Давыдова. – М.Ж Педагогика, 1991.
[11] Долгова А.В. Агрессия у детей младшего школьного возраста. Диагностика и коррекция. М. Генезис, 2009.