Ảnh minh họa
Khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì thì những hàng loạt biến đổi về sinh lý kéo theo những biến đổi khác về mặt tâm lý cũng xuất hiện, các bậc cha mẹ tiếp cận với trẻ dậy thì cần những kiến thức và kỹ năng nhất định. Thế nhưng hành trình dạy con tuổi dậy thì trở thành chặng đường gian khó và phức tạp vì những biết đổi quá sớm nhưng khá bất thường của lứa tuổi. Nhiều bà mẹ thốt lên rằng: “Dạy con tuổi dậy thì khó thật”.
Kết quả thảo luận cùng với hơn 100 phụ huynh tại Công ty ý tưởng việt vào tháng 10 năm 2011 vừa qua cho thấy còn khá nhiều bậc phụ huynh dễ có những kế hoạch tạo ra những phản ứng chống đối của đứa trẻ vị thành niên với chính mình, Chỉ có khoảng 35 % phụ huynh giải thích và dễ dàng chấp nhận việc tuổi dậy thì nảy sinh hiện tượng “gần bạn – xa mẹ”. Con số còn lại cho thấy chính các bậc che mẹ cũng chưa thật sự chấp nhận những biến đổi tâm lý của con mình, các bậc cha mẹ vẫn còn khá cảm tính và chủ quan hay có khuynh hướng đè ép mọi thứ theo ý kiến của mình nếu như không muốn nói có phần chủ quan và độc đoán trong việc giáo dục con cái…
Chị minh Uyên – nhân viên tư vấn mỹ phẩm tại Vũng Tàu cho biết: “Tôi không hiểu vì sao cháu cứ chồng đối tôi… Tôi chỉ là một người phụ nữ – tôi chỉ là bà mẹ biết lo cho con ăn học nhưng mỗi lần nhắc nhở việc học là y như chiến tranh xảy ra…”. Chị nói mà nước mắt lưng tròng… Chưa hết, chị còn cho biết không ít lần con của mình đã hét toáng lên khi chị lỡ vào phòng riêng của cháu và sắp xếp sách vở cho cháu… Chị nói như trách: Tôi thấy mình đâu có làm gì quá đáng với cháu…
Dạy con không chỉ được thực hiện bằng bản năng hay bằng kinh nghiệm mà nhất thiết cần phải được thực hiện bằng những phương pháp cụ thể và hợp lý. Từ việc tìm hiểu nhu cầu của con hay thấu hiểu tâm lý của con cũng đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có kỹ năng đích thực. Làm thế nào để hiểu con mà không làm con có cảm giác đang bị dò xét hay kiểm tra quá gắt gao. Làm thế nào không cần vi phạm bí mật của con trẻ như xem nhật ký, đọc lén tin nhắn trên điện thoại hay qua yahoo chat mà vẫn có thể hiểu con? Điều đó cần dựa trên những đặc trưng tâm lý tuổi dậy thì: gần bạn – xa mẹ; thích tự khẳng định, thích tách khỏi người lớn hoàn toàn…
Sẽ không sao có được hiệu quả việc dạy con tuổi dậy thì nếu cha mẹ không biết làm bạn cùng con. Đó còn chưa kể đến việc phải theo dõi từng bước đi hay từng sự thay đổi của con mình trong đời sống giới tính để rồi đủ can đảm và đủ “chuyên môn” để nói với con về sự thay đổi của cơ thể, về sự dậy thì… Xa hơn nữa là vấn đề trò chuyện với con về ước mơ, học tập, định hướng nghề nghiệp và cả tình yêu lứa đôi phải dựa trên nguyên tắc: tôn trọng, lắng nghe con cái, chấp nhận con cái và chia sẻ chân thành…
Hành trình dạy con tuổi dậy thì xem chừng có nhiều thách thức. Điều căn bản cần nhận ra là hiểu tâm lý con ở tuổi này, chấp nhận những nguyên tắc tạm thời mang dấu ấn của lứa tuổi mà con cái đặt ra và tuân thủ những biện pháp trò chuyện hữu hiệu… Chiếc chìa khoá ấy không dễ sở hữu nếu các bậc cha mẹ còn chủ quan và cảm tính.
PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN