ĐỪNG ĐỂ MẠNG ẢO THẾ GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG

Đùa với mạng ảo- Bài học đắt giá

Đùa với mạng ảo- Bài học đắt giá

Cuộc sống cứ như vòng xoay liên tục với hàng loạt công việc hay nhiệm vụ được lập trình. Đôi lúc mỗi người cứ cảm giác giá như tôi có nhiều thời gian hơn thế nhỉ? Thậm chí ở nhiều gia đình thì việc ăn cơm chung hay ngồi trò chuyện mỗi ngày một giờ đồng hồ xem chừng như là ước mơ xa xỉ… Thế là … công nghệ lên ngôi. Khi công nghệ thay thế cho quan hệ thân tình, thay thế cho những hành động chăm sóc, quan tâm nhau hay âu yếm thì lúc bấy giờ giá trị  ảo lấn đất giá trị thật và định hướng cuộc sống của con người trở nên có vấn đề hơn cả.

NGHỊCH LÝ KHÔNG THỂ BỎ

Là giám đốc của một công ty với hơn trăm công nhân, Nhã Bảo chưa bao giờ thôi bận rộn. Mỗi ngày dành hơn mười tiếng đồng hồ để vật lộn với doanh nghiệp. Rồi vài ba tiếng đồng hồ để giao lưu thiết lập quan hệ xã hội. Dần dần, anh quên bẵng cu cậu nhà mình đang chuẩn bị lên lớp 10. Chỉ đến khi biết rằng con mình vừa trải qua kỳ thi giữa học kỳ một với một kết quả tội lỗi anh mới nhắn tin hăm dọa: Cố gắng học, không thì cho đi trường trại mà nằm. Mỗi ngày, anh chỉ có duy nhất một tin nhắn được copy sẵn và dán vào cho nhanh gọn: học bài và ngủ sớm.

Không phải là chuyện lạ ở một gia đình mà ngày nay, nhiều gia đình cũng lâm vào cảnh tương tự. Mẹ gọi con dậy, giục con ăn cơm bằng tin nhắn, giáo viên giảng bài bằng tin nhắn, học trò chia sẻ với nhau, hẹn hò – gặp gỡ nhau, cũng bằng tin nhắn. Chiếc điện thoại trở thành người bạn tâm giao hay trở thành công cụ không thể thiếu được và dần thay thế quan hệ thân tình. Quên đi cả giọng nói ngọt ngào, ánh mắt âu yếm… hay cả những vòng tay thân tình, những cái xiết chặt đầy tình cảm mà thay vào đó là những dòng chữ vô hồn từ một vật dụng có thanh, có sắc nhưng không có trái tim yêu…

Còn đấy những hành động ảo trong cuộc sống thật diễn ra hàng ngày hàng giờ khi mỗi người đều có cuộc sống “riêng” trong cái riêng chính mình mà cái chung trở thành thách thức. Bố chat với con, ở tầng trệt gọi điện lên tầng trên khi không còn giao tiếp bằng cử chỉ, lời nói với nhau. Lúc đó, cuộc sống không còn cảm xúc, hạn chế cảm xúc vì phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại, internet.

Cuộc sống dần bị công nghệ hóa, vô cảm hóa bởi chính những hành vi ảo thay thể cuộc sống thật. Chính những hành vi lệ thuộc vào một đối tượng khác để con người quên bẵng đi rằng mình cần thương nhau, yêu nhau, quan tâm đến nhau một cách đích thực bằng thái độ và hành động trực tiếp. Khi xúc cảm đi vằng, mối quan hệ giữa người với người trở nên lỏng lẻo. Nhiều người cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình vì cuộc sống đã thực sự ảo một cách đáng sợ.

ĐIỀU CẤP BÁCH

Không phải ngẫu nhiên khi lời khuyên mỗi gia đình nên có hoạt động chung mỗi ngày hay trò chuyện với nhau mỗi ngày khoảng một giờ đồng hồ. Vì đó là cuộc sống thực, mỗi con người sẽ quan tâm đến nhau, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, tâm sự cùng nhau, đến với nhau bằng sự trìu mến, chân thành và tha thiết. Chất keo ấy gắn kết một cách đúng nghĩa cuộc sống giữa các thành viên trong gia đình, cuộc sống giữa người với người trở nên thực tế.

Mỗi thành viên cần hạn chế tối đa việc để công cụ hay công nghệ thống trị cuộc sống của chính mình. Hãy trở thành ông chủ của công nghệ thay vì để công nghệ trở thành ông chủ của chính mình. Một tin nhắn yêu thương chỉ là cầu nối để tình yêu thực tế nồng đượm, một cuộc điện thoại dặn dò chỉ làm tăng nỗi nhớ nhung hay trở thành chất xúc tác giúp các thành viên muốn gần nhau hơn mà không thể thay thế. Việc chat hay sử dụng những phương tiện khác để sẻ chia cũng chỉ là phương tiện thay thế tạm chứ không thể là yếu tố thay thế toàn phần những hành vi và thái độ tích cực của con người.

Sâu sắc và mạnh mẽ nhất, mỗi thành viên trong gia đình cần tích cực xây dựng nếp nhà và tuân thủ nếp nhà ấy một cách triệt để. Sắp xếp để về ăn cơm tối cùng với gia đình, hạn chế tối đa vắng mặt vào ngày chủ nhật họp mặt gia đình, thể hiện trách nhiệm của mình một cách cao nhất trong những ngày nghỉ, ngày lễ, ngày xuân, chăm chút bằng những hành động cụ thể để quan tâm đến các thành viên trong gia đình một cách đích thực, cụ thể và để từng thành viên trải nghiệm nó một cách sâu sắc.

Người ta có thể làm giàu cho chính mình bằng vật chất nhưng không được để vật chất làm chính mình cô đơn. Cuộc sống vẫn diễn ra và mỗi người cần chăm chút cho cuộc sống thực để hướng đến hạnh phúc. Bớt đi một giờ chơi với chiếc Ipad để tâm sự cùng nhau, bớt đi một bộ phim trên truyền hình để học cùng con thay vì nhắn tin dặn dò, nhắc nhở…. Những tác nhân hay những tác động ảo chỉ là bóng mờ của hạnh phúc chứ không thể làm cho hạnh phúc trở nên thực tế. Đó là phương châm sống an toàn và lành mạnh trên bình diện tâm hồn.

TS Huỳnh Văn Sơn

Trường Đại học Sư phạm TP HCM

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *