Nếu không thì quả là “thiệt thòi” vì bạn bị ám thị bởi xung quanh và tự ám thị mình hàng ngày đấy.
Ám thị là quá trình tác động một cách trực tiếp hay gián tiếp lên tâm lý con người nhằm mục đích điều khiển người bị ám thị thực hiện những yêu cầu nhất định. Còn trong trạng thái bị ám thị, khả năng nhận thức, phê phán (xem xét và nhận định), phân tích đối với nội dung ám thị bị giảm đi rõ rệt. Phương tiện được sử dụng trong ám thị có thể là ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt…).
Từ nhỏ tới lớn, ta sống trong ám thị, tự ám thị. Ám thị của bố mẹ, ám thị của thầy cô giáo, ám thị của bạn bè, của người bán hàng, của đồng nghiệp, của các đối tượng khác nhau trong xã hội. Những ám thị, “mệnh lệnh” được thể hiện qua yêu cầu trực tiếp, hãy làm việc này, hãy tuân theo điều kia, hãy giữ nguyên tắc nọ, cũng có thể được thể hiện gián tiếp dưới dạng ẩn giấu làm cho người nhận ám thị không nhận ra mục đích, nhưng vẫn tiếp nhận. Chúng ta tự ám thị khi tự mình đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh cho chính mình, trí tưởng tượng phong phú và cảm xúc sống động giúp tăng hiệu quả của việc tự ám thị. Còn khi ám thị của người khác đã được biến thành tự ám thị, thì chúng ta đã sống trong yêu cầu của người khác rồi đấy!
Ở đứa trẻ, lời nói của bố mẹ bao giờ cũng được tuân theo, thường thì trẻ ngoan như vậy cho đến khoảng 10, 12 tuổi (kết thúc giai đoạn ẩn tàng). Rõ ràng, việc “thuyết phục” dễ dàng được con cái trong cả một thập kỷ củng cố thói quen lớn cho bố mẹ rằng “con cái luôn nghe lời mình”. Vì thói quen này mà có thể có bố mẹ bị sốc khi con bước vào tuổi dậy thì với những thay đổi lớn về nhận thức, hành vi, giới tính.
(Phân biệt một chút về sự bướng bỉnh với sự tiếp thu ám thị ở trẻ. Trẻ bướng bỉnh, chống đối, đó là những hành vi hoặc là để thu hút sự chú ý về phía mình, hoặc để thăm dò phản ứng của người khác, qua đó trẻ học cách xây dựng và kiểm soát mối quan hệ, hoặc là triệu chứng để nói về một khó khăn bên trong tâm lý mà trẻ đang phải chịu đựng, người lớn cần phải quan tâm tới trẻ nhiều hơn. Nhưng chủ đạo trong giai đoạn này, việc tiếp thu ám thị vẫn dễ dàng vì trẻ chưa có nhiều thông tin để đối chiếu, so sánh, phân tích.)
Khi lớn lên, ám thị khó đi vào để gây ra hiệu ứng thực hiện yêu cầu bởi tính chọn lọc, phân tích trên cơ sở dữ liệu thông tin đã được tích lũy nhiều hơn trong trí nhớ, ý thức của người nhận ám thị. Chúng ta đã biết cân đối với các quan điểm về đạo đức, pháp luật, giá trị sống, động cơ, quyền lợi của mình. Nhưng chúng ta cũng không biết rằng, chúng ta vẫn bị bẫy ám thị cũng ở mức độ tinh vi hơn nhiều. Bạn có thể tìm hiểu ám thị liên quan tới các hoạt động quảng cáo, chào mời bán hàng, truyền thông, giáo dục và cả trong tuyên truyền, chính trị nữa.
Có một số điều tôi muốn nhấn mạnh liên quan tới ám thị
Một là các yếu tố làm tăng cường hiệu quả của ám thị:
– Những phẩm chất của người ám thị, vị thế xã hội, khả năng truyền cảm, những ưu thế về tính cách, ý chí và trí tuệ, ví dụ: rõ ràng là một người có học vị cao thì lời nói sẽ thuyết phục hơn một người không có bằng cấp nào cả, một người nói ngọt ngào thì sẽ đạt được mục đích hơn người khác nói cục mịch, chất phác (tiếc thay).
– Những đặc điểm cá nhân người bị ám thị, trong đó nổi bật nhất là khả năng ám thị: họ dễ rơi vào trạng thái nhận thức đặc biệt của ý thức, được đặc trưng bởi sự co lại nhiều như có thể miền ý thức và dễ dàng thực hiện mệnh lệnh của ám thị, ví dụ trạng thái thôi miên, trạng thái giấc ngủ sinh lý.
– Mối quan hệ giữa người ám thị và người bị ám thị: sự phụ thuộc, tự chủ, tin tưởng, ví dụ trong quan hệ trên – dưới (như lãnh đạo – nhân viên), hay quan hệ gia đình (bố mẹ – con cái, vợ – chồng), hay có những nét nhân cách phụ thuộc, tính tình cả nể, hay có xu hướng làm hài lòng người khác…
– Phương thức thiết kế giao tiếp (các bằng chứng thuyết phục, sự kết hợp giữa thành tố trí tuệ và cảm xúc, các tác động củng cố), ví dụ như câu chuyện con dê biến thành con chó trong kế hoạch của 4 tên “lưu manh”.
Hai là, hãy hiểu rõ về trạng thái dễ nhận ám thị của mình, rất nhiều khi, nó đến từ hoặc là lòng ham muốn, mong ước của mình (ví dụ như về tiền bạc, danh vọng, hay tình cảm…), hoặc là nỗi sợ hãi (nhưng không ý thức được rõ) của mình (ví dụ như hình ảnh quyền lực, lo lắng mất mát, chia tách…). Người thao túng sẽ đoán ra và túm được gót chân Asin. Để đạt được mục đích, kẻ thao túng sẽ đưa ra các yêu cầu dựa trên việc nuôi dưỡng kỳ vọng, ao ước của mình (mà thực tế sẽ không bao giờ đạt được) hoặc dựa trên sự hăm dọa (trực tiếp hoặc gián tiếp) khiến ta sống dậy nỗi sợ hãi kia. Vì vậy, mà một cách tự động, dễ dàng, ta nghe lời người khác, kể cả là những điều vô lý, không phải là tính cách thường thấy của ta, hoặc vượt qua cả khuôn khổ đạo đức, giá trị trước đây của ta nữa.
Ba là liên quan tới khái niệm thôi miên, bao gồm việc người khác thôi miên mình và mình tự thôi miên chính mình. Trong trạng thái thôi miên, có sự giảm thiếu các yếu tố phê phán, miền ý thức co lại tới mức tối đa, nội dung ám thị có tác động mạnh mẽ, do đó xuất hiện những phản ứng tâm lý, sinh lý xa lạ với chủ thể trong trạng thái bình thường, tác động đến hàng loạt lĩnh vực nhận thức (tri giác, trí nhớ, chú ý, tư duy) và nhân cách (thay đổi tâm trạng, ám thị hình ảnh của người khác…). Tư duy tích cực cũng chính là việc mình tự nhủ với mình, lặp đi lặp lại điều gì đó, và tự thôi miên rằng mình trở thành điều đó, còn thực tế thì chưa chắc vì đó chỉ là tìm kiếm sự hài lòng bên trong để tăng cường khả năng đối diện với cuộc sống hàng ngày. Vậy bạn muốn mình tỉnh táo hay bị thôi miên, đó là lựa chọn của bạn!
Và ám thị là một nghệ thuật, bạn có thể dùng nó để thao túng người khác đấy, nhưng điều đó dành cho những người có những động cơ “khó hiểu” bên trong, có thể mang tính bệnh lý nữa. Điều quan trọng hơn là, bạn nhận ra những điều đang diễn ra, giữ thái độ tỉnh táo, hoài nghi, và sáng suốt trong cảm nhận của cá nhân và hành xử lại với các tác động xung quanh ấy.
Th.S Ngô Thị Thu Huyền