TP – Theo điều tra quốc gia do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO, UNICEF thực hiện mới đây trên 3.000 học sinh tại Hà Nội và tỉnh Hải Dương, khoảng 9% em nói từng có ý định tự tử, 6% đã có kế hoạch quyên sinh vì gặp nhiều vấn đề trong học tập, cuộc sống. Gần 19,5% học sinh trong độ tuổi 10-16 có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Bị kỳ thị
Mới đây, tại diễn đàn “Đoàn Thị Điểm Confession” trên Facebook, mộthọc sinh viết: “Con cảm thấy vô cùng ngột ngạt khi đi học, thầy cô đối xử với con rất tốt nhưng các bạn thì sao? Cầu xin các bạn đấy, tớ rất muốn hòa nhập nhưng làm gì cũng bị soi mói, cười cợt. Mỗi khi đến lớp như nhà tù vậy… Các cậu là con nhà giàu tớ không phủ nhận, nhưng các cậu cứ thấy tớ là dân tỉnh lẻ lên thì dè bỉu à…”.
Anh Lê Đăng Thuận, cố vấn Đoàn Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), nói rằng, tài khoản Facebook trên có thể do học sinh lập ra, là diễn đàn của hầu hết học sinh trong trường và được gần 4.000 người theo dõi. Theo anh, việc tạo ra tài khoản chung cho học sinh trong trường hiện khá phổ biến. “Qua đó, trường nắm được nhiều thông tin của học sinh, nhưng nếu không có giải pháp hạn chế chuyện nói xấu, bôi nhọ hay gây hiềm khích lẫn nhau sẽ để lại hậu quả lớn”, anh Thuận nói. Anh Thuận kể, trước đó, từng có hai học sinh chỉ vì khiêu khích nhau trên Facebook mà đã dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Giải pháp của trường là thường xuyên nhắn tin định hướng người quản lý không đẩy lên Facebook những thông tin ảnh hưởng cá nhân.
Cách đây không lâu, một học sinh lớp 11 của một trường chuyên khá nổi tiếng đã gieo mình từ nhà cao tầng xuống đất tự tử. Một nguồn tin nói: “Trước đó, học sinh này nhiều lần quay trở về trường cũ kể chuyện bị các bạn ở trường mới tẩy chay, kỳ thị. Học sinh này từng muốn xin chuyển khỏi lớp học đó, nhưng không được bố mẹ đồng ý”.
Cô Nguyễn Kim Anh, phụ trách Phòng tâm lý học đường Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nói: “Học sinh ngày nay được nuông chiều nhiều hơn, nên dễ bị tổn thương; gia đình, giáo viên muốn trách mắng cũng phải lựa lời”. Cô Kim Anh cho biết đang điều trị cho hai học sinh có biểu hiện trầm cảm. Một em tính khí thất thường, lúc nổi nóng, lúc lại thu mình một góc. Một em có mẹ là tiến sĩ, bố là công chức, nhưng em này nói rằng, thường xuyên bị bố mẹ đánh đập, chửi mắng, nên chán nản, luôn ngồi gục đầu trong lớp, không muốn học. Khi còn học THCS, học sinh này hay trốn học, giáo viên nhiều lần phải ngược xuôi đi tìm. “Với trường hợp này, trường phải mời bố mẹ lên nói chuyện nhiều lần để cùng tìm giải pháp tránh để chuyện đáng tiếc xảy ra”, cô Kim Anh nói.
Trách nhiệm của gia đình
Nhà giàu nhưng bố mẹ không có thời gian quan tâm, chăm sóc hoặc trục trặc hôn nhân dễ khiến con cái rơi vào tình trạng khủng hoảng, trầm cảm. Nhiều năm làm chủ nhiệm, thầy Bùi Quốc Hoàn, giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm, không ít lần phải sắm vai chuyên gia tâm lý giải quyết nhiều ca khó. Ngay khi tiếp nhận lứa học sinh mới, thầy thường xin hết tài khoản Facebook để kết bạn, trò chuyện riêng với từng em, từ đó hiểu hoàn cảnh, suy nghĩ của học sinh. Nếu phát hiện học sinh nào “có vấn đề”, thầy trao đổi lại với gia đình để cùng giải quyết. Theo thầy Hoàn, trong giờ học, trong ứng xử với bạn bè, học sinh có thể có những biểu hiện bất thường nho nhỏ, nếu giáo viên không phát hiện sớm thì sẽ rất nguy hiểm.
Thầy Hoàn kể, T.A, một học sinh giỏi, năng động, hay trêu chọc bạn bè bỗng trở nên ít nói, cáu gắt, thường xuyên nổi nóng với mọi người. Âm thầm tìm hiểu, thầy Hoàn biết nhà T.A thuộc dạng giàu có, bố mẹ kinh doanh bất động sản, sở hữu nhiều biệt thự. Bỗng dưng bố mẹ T.A ly hôn, người bố được giao quyền nuôi con, nhanh chóng cưới vợ mới, ít lâu sau, mẹ T.A cũng đi bước nữa. Ít được quan tâm, T.A rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm. “Khỏi phải nói, thời gian đó, tâm trạng T.A rất tệ, mình phải dành nhiều thời gian để an ủi, định hướng cho em không buông xuôi”, thầy Hoàn chia sẻ.
Mới đây, một nam sinh lớp 11 (cũng là học sinh của thầy Hoàn) có giọng nói nghe giống con gái được gia đình đưa sang Mỹ xác định giới tính. Bác sĩ kết luận không có vấn đề gì, nhưng lên lớp, nam sinh này bị bạn bè trêu là pê-đê, nên em luôn tỏ ra hằn học với những người xung quanh. Ban đầu, giáo viên cũng chỉ nghĩ những trò trêu đùa rồi sẽ qua, nhưng một hôm, trong giờ ngủ trưa, thầy Hoàng phát hiện học sinh này thủ dao bấm trong người để phản ứng việc bị trêu.
Áp lực học hành
Mới học lớp 1, Trường Marie Curie Hà Nội, nhưng Hà My nhà ở huyện Gia Lâm, cách trường hơn chục cây số, phải thức dậy từ 6 giờ kém 15 để chuẩn bị cho một ngày tới trường. 4 giờ 30 chiều, mẹ Hà My chờ ở cổng trường đưa con đi học đàn, học múa, học tiếng Anh ở các trung tâm. Một ngày học của Hà My chỉ kết thúc lúc 22 giờ đêm. Không phải làm bài tập buổi tối, chỉ soạn sách vở cho hôm sau, nhưng ngày nào Hà My cũng đi ngủ sau 23 giờ.
Mới đây, một học sinh lớp 9 ký tên “bụng to, mắt cận” viết thư xin cha mẹ hãy hiểu em đang chịu áp lực học tập nặng nề. Học sinh này kể, một ngày em chỉ có khoảng 4-5 giờ để ngủ. Có hôm chưa kịp ngủ đã thấy trời gần sáng. Lịch học của em kín mít từ trường đến các trung tâm luyện thi. 22 giờ đêm về đến nhà, mọi người được lên giường nghỉ ngơi thì những học sinh như em lại phải cặm cụi với đống bài tập.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nói: “Đã nhiều lần, tôi đứng trước phụ huynh toàn trường đề nghị họ đừng ép học sinh đi học thêm nữa, vì chương trình học cả ngày ở trường chất lượng cao đã quá đủ rồi”. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho rằng, chương trình học đổi mới chú trọng nhiều kỹ năng, phụ huynh không nên gây áp lực học tập lên con cái.
Mỗi trường có một phòng tư vấn, khi nào?
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, ngoài việc các trường tạo sân chơi cho học sinh, việc đưa phòng tư vấn tâm lý vào trường học là điều cần thiết để hạn chế các vấn đề tâm lý ở trẻ. Hiện nay, nhờ sự tài trợ của một tổ chức phi chính phủ, Hà Nội có 20 trường được thí điểm. Sau hơn một năm hoạt động, các phòng tư vấn tâm lý cho thấy, học sinh ở thành thị hay nông thôn đều đang gặp những vấn đề mà chỉ khi có chuyên gia tâm lý, các em mới dễ chia sẻ, như trầm cảm, bị kỳ thị, bị lạm dụng tình dục… “Nhiều gia đình hiện nay có tâm lý giao phó con cho nhà trường là không được. Trường học giáo dục kiến thức, kỹ năng, nhưng khi con có biểu hiện khác thường, cha mẹ phải là người đầu tiên phát hiện để tìm hiểu nguyên nhân”, ông Tuấn nói.
GS. TS Trần Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình, khi đưa trẻ đến lớp, câu đầu tiên phụ huynh nói là “trăm sự nhờ thầy”, về nhà lại không có kỹ năng dạy con giao tiếp, quan hệ xã hội, có gia đình giao hết cho người giúp việc. Trách nhiệm tiếp theo thuộc về nhà trường, nhưng nhiều trường hiện nay mới chỉ dạy tốt chuyên môn. Ông Long cho biết, trường đã kiến nghị Cục Nhà giáo – Bộ GD&ĐT quy định, thời gian tới, mỗi trường phải có một phòng tư vấn tâm lý. Mới đây, Bộ GD&ĐT ra văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường THCS, THPT tiến tới thành lập mỗi trường một phòng tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số trường công lập, chỉ đạo này có nguy cơ nằm trên giấy, do đến nay chưa có cơ chế cụ thể, nên trường không có kinh phí để thành lập phòng tâm lý.
Những ngôi trường “lồng chim”
Hằng ngày, đi qua Trường Tiểu học Bà Triệu (Hà Nội), chúng tôi thường bắt gặp cảnh học sinh trường này xếp hàng dài tập thể dục trên vỉa hè, bên cạnh là dòng người và xe bấm còi inh ỏi. Khoảng sân tại đây chỉ rộng chừng vài chục mét vuông. Dạo quanh các trường mầm non, tiểu học và THCS khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến hàng chục ngôi trường mà bản chất chỉ là một căn nhà rộng vài trăm mét vuông, cao 3-5 tầng, bám theo mặt phố ồn ào, không có sân. Giờ ra chơi, nhiều học sinh chỉ biết đứng túm năm tụm ba chuyện trò.
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Đống Đa, cho biết, trường lớp quá chật hẹp, thiếu không gian để thư giãn nên ảnh hưởng khá lớn đến môi trường giáo dục, đến tâm lý cả thầy và trò. Nhiều hoạt động ngoại khóa, thể chất, thể thao, thể dục không thể tổ chức được hoặc phải đưa học trò ra công viên, vườn hoa.
Những trường nổi tiếng bởi sự chật chội phải kể đến Trường THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Lê Lợi, THCS Trưng Vương, Trường THCS Thanh Quan (quận Hoàn Kiếm). Nhiều trường trong khu phố cổ từ lâu đã bị liệt vào danh sách trường khổ nhất Hà Nội bởi quá chật hẹp, thiếu phòng chức năng. “Chúng tôi lo đủ phòng học đã khó nói gì đến phòng chức năng”, hiệu trưởng một trường tiểu học kiểu “lồng chim” khu vực Hoàn Kiếm nói.
Tình trạng thiếu phòng học chức năng, thiếu sân chơi còn nghiêm trọng hơn tại nhiều trường mầm non, nhóm lớp tư thục. Các chủ trường thường quây trẻ vào một vài căn phòng trong một căn nhà thuê 3-5 tầng. Mọi hoạt động ăn, ngủ, học tập đều diễn ra trong các căn phòng nhỏ. Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Hoàn Kiếm), từng ví học sinh trường mình như chim cánh cụt vì không có cả chỗ… vẫy tay. Theo bà Hồng, trường có hơn 400 học sinh, ngoài phòng học thì chỉ còn nhà thể chất khoảng chừng 100m2 phải kiêm luôn nhà ăn. Nhà thể chất luôn nồng nặc mùi thức ăn dù đã được lau dọn.
Theo Thông tư số 47/2012 của Bộ GD&ĐT, trường học đạt chuẩn ở nội thành, nội thị phải có diện tích sử dụng ít nhất 6 mét vuông/học sinh. Phải có khu sân chơi sạch, đảm bảo vệ sinh và có cây bóng mát.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Thủy, chuyên gia về giới và gia đình, cho rằng, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần như hiện nay là quá cao. Theo bà Thủy, học sinh ngày nay bị ép học quá nhiều, trong khi lại thiếu kỹ năng để ứng xử khi mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, giáo viên. Bà Thủy cho rằng, hơn ai hết, gia đình, nhà trường phải luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ và phát hiện những trạng thái, cảm xúc lạ của con em mình. “Nếu trẻ cứ âm thầm chịu đựng hay bất mãn một vấn đề quá lâu ngày sẽ nảy sinh hành vi tiêu cực”, bà cảnh báo.
Theo Báo Tiền Phong