BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG – MỘT THÁCH THỨC ĐỎI HỎI VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY TÂM LÝ HỌC CẦN THỰC TIỄN HƠN VÀ CỤ THỂ HƠN

Bao_luc_hoc_duong_ngay_cang_nghiem_trong_va_gia_tangCó thể nói liên tục trong vài tháng gần đầy, bạo lực học đường đã trở thành vấn đế đáng để quan tâm nếu như không muốn nói rằng báo động đỏ. Bạo lực học đường đã và đang tồn tại làm cho những người quan tâm đến thế hệ trẻ, đến đạo đức con người suy gẫm thật nhiều ở những góc nhìn khác nhau. Từ sự vụ giản đơn đó là nữ sinh đánh nhau cho đến việc nam sinh kết băng nhóm rượt chém giữa đường ophố hay gần nhất là vụ việc một học sinh lớp chín đã nhảy lầu tự tử đều mang đậm bóng dáng của bạo lực học đường. Một bức tranh toàn cảnh về bạo lực học đường cần được nhìn nhận dưới góc độ con người là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt hơn, những nhà Tâm lý học – Giáo dục học cần nghiên cứu một cách sát sườn hơn từ thực tiễn, cần giải quyết những vấn đề cụ thể tương tự khác trong thực tiễn cuộc sống…

ĐỊNH HÌNH

Có thể nói rằng tình hình bạo lực học đường diễn biến hết sức phức tạp. Ở nhiều góc quan hệ khác nhau trong môi trường học đường, bạo lực học đường đã tồn tại. Thông thường nhắc đến bạo lực học đường, nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là chuyện đánh nhau giữa học sinh và học sinh nhưng thực tế không chỉ là như thế mà diễn tiến của nó hết sức phức tạp.

Trước hết, không thể phủ nhận việc học trò đánh nhau là biểu hiện khá cơ bản của bạo lực học đường. Nguyên nhân của chuyện này thì hết sức vô chừng. Chỉ cần tranh cãi nhau một chút cũng đánh nhau, chỉ cần mâu thuẫn về hình ảnh cũng có thể đánh nhau, chỉ cần tranh luận về thần tượng – tượng thần cũng đánh nhau, chỉ cần hai nhóm chơi đối lập cũng đánh nhau. Từ rất lậu, việc đánh người khi kết luận rằng người ấy “nhìn đểu” thường bị quy gán rằng đó là kiểu hành ứng xử của những người không có trình độ hay vũ phu nhưng học sinh ngày nay cũng thế. Một học sinh lớp 10 ở trường X tại Quận 10 đã hết sức bức xúc trong lần tham vấn cùng với chúng tôi rằng: Em chẳng có làm gì hết, chỉ nhìn khi anh ấy hút thuốc, vậy là anh ấy cũng đánh em… Em rất lo sợ vì không nói với giám thị khi mình bị đánh thì thấy ấm ức nhưng nói thì lại sợ sẽ bị đánh tiếp thì chết khiếp…

Không chỉ là những trận đánh nhau mang tính chất tay đôi hay người lớp ép người bé mà bạo lực học đường còn diễn ra ở những sắc thái khác nhau. Nhiều học sinh lớp 5, lớp 6 ở một số trường đã chặn đường đánh đàn em. Không những thế yếu tố bạo lực còn được thể hiện ở sự dằn mặt rằng lần một sẽ đánh như thế, lần hai sẽ nặng tay hơn… Còn lần ba thì cho bỏ cơm tại chỗ. Cũng không thể không đề cập đến chuyện một số nhóm đã bắt đầu trấn lột bạn của mình để lấy tiền. Đó cũng là một dạng bạo lực thực sự. Mẹ Nguyễn Ngọc Hồng Chiểu – có hai con sinh đôi mới chỉ bước vào lớp 3 nhưng đã bị chính một “mầm gấu” trong lớp chèn ép và bảo rằng mỗi ngày  phải nộp 5.000 đồng. Bảo Long – đứa bé em thì sợ hãi nên “cúc cung tận tụy”, Minh Long – người anh sinh đôi phản ứng kịch liệt và méc với cô giáo … Thế là mọi chuyện vỡ lẽ. Bà mẹ của mầm gấu vừa than trời trách đất và bảo rằng tôi nào có cho cháu thiếu thốn gì… Có thể quy gán cho những hành động ấy là bạo lực thì có vẻ quá mạnh hay quá “mặn” nhưng rõ ràng đó cũng là những hành vi mang sắc thái của bạo lực, thể hiện khá rõ những trăn trở nếu xét theo diễn tiến của hành vi trong cuộc sống tương lai của chính đứa trẻ đã mọc mầm từ lúc bé…

Không chỉ học sinh nam mà con học sinh nữ cũng bạo lực – bào hành. Các học sinh nữ vốn dĩ nhẹ nhàng và uyển chuyển trong chiếc áo dài hay xinh xắn trong chiếc váy đồng phục cũng sẵn sàng cột áo dài lại hay thắt chặt chiếc váy và dây quàng đeo để … sẵn sàng choảng nhau. Những hành động ấy không diển ra ở đâu xa mà diễn ra ngay trên đường phố, công viên và thậm chí là cạnh cửa trường học. Không chỉ lăng nhục bằng lời hay đấu võ mồm mà đã có những hành động bạo tay và thậm chí để lại hậu quả chết người… Không những độc lập tác chiến mà không ít bạn nữ đã mượn tay của đồng đội để cùng tham gia hợp tác theo kiểu đánh hội đồng. Cũng không hẳn chỉ là phe cài tóc “xử” nhau mà có luôn cả sự tham gia của một số “đại ca tôm” cũng không thương hoa – tiếc ngọc. Vấn đề bạo lực học đường trở thành vấn nạn là như thế…

Không dừng lại ở đó, thầy cô bạo lực với học sinh bằng những lời nói rất nặng nề, học sinh vô lễ và bạo hành thầy cô bằng nhiều kiểu khác nhau. Nhắn tin đe dọa, chửi mắng sau lưng, “đặt bẫy” để bẫy thầy cô giáo, học trò dùng dao rượt thầy cô chạy vòng vòng sân trường, trốn vào phòng làm việc chốt cửa lại, học sinh cùng với phụ huynh đánh thầy cô giáo tơi bời là những vệt đen trong mối quan hệ học đường trong khoảng mươi năm qua. Dẫu biết rằng kể lại vấn đề chỉ thêm xót xa nhưng đó là một sự thật. Những minh chứng trong thực tế đủ độ sắc nét để thấy rằng bạo lực học đường đang tồn tại với những hình thù của nó chứ không phải chỉ là mầm mống hay bóng dáng. Khi bạo lực học đường đang bủa vây thì chắc chắn việc giáo dục một nhân cách con người phát triển đúng hướng và có thích ứng xem chừng khá mong manh… Không thể không đặt vấn đề về nhiệm vụ của việc tìm hiểu những diễn tiến tâm lý phức tạp của học sinh Trung học, không thể không đặt vấn đề lại về việc giáo dục giá trị cho học sinh Trung học, không thể không quan tâm đến việc định hướng sự lựa chọn các giá trị đạo đức – nhân văn cũng như hiệu quả của việc tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp???

NGUYÊN NHÂN

Không thể phủ nhận rằng từ lâu bạo lực học đường đã tồn tại. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng màu sắc của nó xem có vẻ vẫn nhạt nhòa và chưa thật đậm nét. Giữa cái sáng và cái tối trong bức tranh của bạo lực học đường hôm nay xem chừng màu đen có vẻ lấn át nếu như không muốn nói rằng thật sự khó có thể có cái nhìn lạc quan cho vấn đề này. Không thể không chạm đến những nguyên nhân của nó.

Thứ nhất, chính các em nhận ra mình đang bị dồn nén, chính các em có nhiều điều muốn nói nhưng cũng không biết phải giải tỏa như thế nào. Xung năng ấy đã thôi thúc các em phản ứng bằng những hành vi xa lạ. Đánh nhau để khẳng định mình, đánh nhau để giải tỏa tâm lý, đánh nhau vì những mâu thuẫn không được giải quyết, đánh nhau để dằn mặt đối tượng, đánh nhau để gây scandal… Không ít trẻ em thực sự chẳng hiểu thế nào là việc giải quyết xung đột, theo hành vi bản năng, theo thói quen và theo những phản xạ tích lũy được bằng con đường “di truyền xã hội”, bạo lực như một biện pháp hay cách thức giải quyết vấn đề là thế.

Thứ hai, không thể phủ nhận rằng xã hội đang tồn tại những vết “đen” ấy. Nếu bảo rằng trường học là xã hội thu nhỏ thì sao trường học có thể miễn nhiễm từ xã hội? Đó là chưa kể ngay trong môi trường học đường, việc dạy làm người còn bị xem nhẹ; chuyện chỉ dồn ép để học tập vẫn được đặt để như một yêu cầu tối quan trọng. Đó là chưa kể việc thiếu mềm mại trong cách thức giáo dục, thiếu đầu tư cho việc tìm hiểu và tác động giáo dục… Không ít thầy cố giáo vẫn cho rằng mình là bậc bề trên, thời gian đâu để lắng nghe, điều kiện đâu để tìmn hiểu hoàn cảnh, sự đầu tư cho công tác giáo dục đạo đức còn bị xem nhẹ thì thử hỏi bạo lực – một hành vi bộc phát sao không có cơ hội nảy sinh?

Thứ ba, nếu cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trường học đầu tiên thì bao nhiêu bậc phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa? Thời gian dành cho việc trò chuyện với con con thì không có, điều kiện để uốn nắn cũng không. Nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền thế là cứ làm – cứ ăn, cứ ra – cứ vào và cũng bạo lực như ai thì thử hỏi sao mọi chuyện có thể được giải quyết. Không quá lý tưởng cho rằng chúng ta cần tìm một ngôi nhà đúng nghĩa của mái ấm để cho trẻ ở và lớn lên nhưng nếu đó là một không khí tâm lý nặng nề với “đĩa bay – chén bay” liên tục thì sao có thể hạn chế được cái “mầm” bạo lực hay “cây kim” bạo lực quẫy đạp từ rất sớm?

hứ tư, cũng không thể bỏ qua nguyên nhân từ phía xã hội khi có quá nhiều điều cần suy gẫm xoay quanh chuyện môi trường lớn của sự phát triển nhân cách. Hàng ngày, hàng giờ, sự thu nạp những hình ảnh thực tế của đứa trẻ đang trưởng thành vẫn diễn ra. Đó là những biểu hiện của sự bất công trong mối quan hệ, đó là chuyện phố – chuyện phường – đó là những bức xúc xoay quanh chuyện nhà – chuyện cửa … Khi yếu tố truyền thông mà đặc biệt yếu tố “thẩm thấu” trực tiếp từ môi trường chưa được định hướng hoặc được phân tích rốt ráo theo hướng bộ lọc hay hướng “điều chỉnh” thì chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ. Thận chí những nghiên cứu cho thấy, ở những khu vực nhất định, lượng hành vi bạo lực  – bạo hành hay nhu cầu hoặc thói quen của hành vi ấy có thể xảy ra gấp ba lần, năm lần so với một đối tượng so sánh cách biệt. Đó là nỗi đau khó có thể phai nhòa cho mỗi người.

Thứ năm, cũng không thể không đề cập đến những tác động khác xoay quanh xu hướng hành vi nhân cách của đứa trẻ. Sự ảnh hưởng của các loại sản phẩm được núp bóng dưới văn hóa một cách thô thiển, đó là những trò chơi bạo lực gián tiếp hay trực tuyến, đó là những phim ảnh thiếu sự kiểm soát của những cơ quan chức năng được tuồn vào bằng nhiều hình thức dẫn đến sự “rối nhiễu” hành vi về mặt tâm lý. Đây không hẳn là sự rối nhiễu mang tính chất tâm thần mà đó là rối nhiễu hay lệch chuẩn hành vi với những định hướng chuẩn mực.

GIẢI PHÁP

Nhà trường cũng như phương tiện truyền thông, báo chí phản ánh về một số hành vi tiêu cực trong học đường: bạo lực học đường, thiếu thái độ tôn sư trọng đạo, gian lận trong học tập, chuyện yêu đương và quan hệ tình dục quá sớm dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng, tiếp cận với chất kích thích và văn hóa phẩm không lành mạnh.v.v… nhưng liệu rằng chúng ta đã chú ý thực sự đến căn nguyên của vấn đề hay chưa? Vấn đề quan trọng có thể nhận thấy là chúng ta chưa thật sự tập trung xây dựng văn hóa học đường, chưa định dạng văn hóa học đường để mọi thứ trong mối quan hệ ứng xử đều được “ép chuẩn” một cách tự nhiên dựa trên sự ám thị nhóm hoặc ám thị xã hội.

Bộ GD-ĐT phát động phong trào xây dựng môi trường học đường thân thiện và TPHCM là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào này. Thế nhưng thế nào là môi trường thân thiện, môi trường này có những tiêu chuẩn nào cần đảm bảo? Khi mọi yếu tố chưa quy về thành những tiêu chí có thể đo lường thì vấn đề sẽ khó được giải quyết. Năm 2009 vừa qua hội thảo khoa học Tâm lý giáo dục toàn quốc tại TP Mỹ Tho – Tiền Giang về “Văn hóa học đường – Lý luận và thực tiễn” được diễn ra, vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục những hành vi trong nếp sống – trong quan hệ đối xử trở thành vấn đề trọng tâm trong văn hóa học đường. Thiết nghĩ đây chính là một trong những vấn đề cần đáng được quan tâm trong việc phòng chống bạo lực học đường hiện nay.

Lẽ đương nhiên việc xây dựng văn hóa học đường là một trong những yêu cầp cấp thiết mà thực chất việc xây dựng môi trường trường học thân thiện hay việc đề cao khẩu hiệu: “Tiên học lễ – học học văn” hoặc thầy ra thầy – trò ra trò; trường ra trường – lớp ra lớp và nhiều yêu cầu khác cũng xoay quanh vấn đề này. Thực chất của việc giáo dục đạo đức phải bắt nguồn từ việc tác động về mặt nhận thức, xây dựng những rung cảm đạo đức hình thành nhu cầu và niềm tin hướng đến các chuẩn mực đạo đức và nhiều yêu cầu có liên quan mới có thể hình thành một hành vi đạo đức mang tính chất tâm lý chứ không phải kỹ thuật. Thực chất của việc định hướng ứng xử trong nhữg mối quan hệ khác nhau phải dựa trên nền tảng của việc thiết lập những nguyên tắc ứng xử  dựa trên thang giá trị chuẩn mực của văn hóa ứng xử – giao tiếp trong học đường. Bên cạnh đó là việc xây dựng các nhóm biện pháp tác động và điều chỉnh văn hóa ứng xử – giao tiếp của học sinh, giáo viên. Mặt khác, đó còn là việc huấn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng ứng xử – giao tiếp cho học sinh nhằm trang bị cho học sinh một số kỹ năng giao tiếp – ứng xử chuẩn mực hướng đến việc xây dựng văn hóa học đường theo hướng tích cực.

Xây dựng ý thức và thói quen của giáo viên trong việc ứng xử giao tiếp một cách có văn hóa, xem đó là một nhiệm vụ của người giáo viên nơi trường học. Tác động về mặt nhận thức của học sinh để có sự ứng xử chuẩn mực, định hướng những giá trị của con người một cách đích thực. Đó là những nhiệm vụ thực sự cấp bách.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vấn đề của con người nằm ở đây. Khi mỗi chúng ta chưa thực sự tìm ra được mấu chốt của vấn đề con người trên bình diện con người thì dù tất cả những tác động dù nông – dù sâu cũng chẳng chạm đến “đích” lý tưởng. Tuy nhiên, những điều này sẽ là một thách thức vì chính những người trong cuộc cũng đã được thách thức với những kỹ năng nghề và kiến thức nghề. Những phân môn chuyên sâu về nghiệp vụ đặc biệt là nghiệp vụ giáo dục như: tìm hiểu tâm lý học sinh, cách thức tiếp cận học sinh, công tác giáo viên chủ nhiệm, giáo dục học sinh cá biệt bị tiếp tục cắt giảm về thời lượng mà thay vào đó là những nội dung chưa chạm đến nghiệp vụ sư phạm đúng nghĩa thì bài toán này cần những lời giải ở tầm vĩ mô. Nhiệm vụ này lại trở thành bài toán khó mà những người nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học cần nhìn lại nhiệm vụ của mình, cần có những nghiên cứu chính thống mang tính chất thực tiễn và cụ thể để giải quyết phần nào những thực trạng đang trở thành những thách thức đầy sức ép nhưng cũng thật lý thú và hấp dẫn…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *