TTO – 9 trường hợp bé gái đã bị đối tượng xấu quấy rối tình dục khi đang đi chơi công viên. Nhiều phụ huynh hoảng hốt nhận ra chưa từng dạy các con biết tự bảo vệ mình.
Chuyện xảy ra tại công viên Đầm Rong 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Các bé gái bị quấy rối tình dục đều có độ tuổi từ 6-8 tuổi.
Sau khi nhận được nhiều thông tin phản ánh từ phụ huynh, công an phường Thuận Phước đã xác minh, điều tra và tiến hành bắt đối tượng Bùi Hoàng Hải (30 tuổi, trú phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng).
Theo lời khai của Hải, y thường lân la làm quen các bé gái không có người thân theo sát, cùng chơi máng trượt rồi sờ soạng vào vùng kín của các bé.
Vì sao trẻ dễ trở thành nạn nhân?
ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng: Dù là trẻ em hay người trưởng thành thì giới nữ nói chung đều nằm trong nhóm dễ bị quấy rối tình dục.
Nếu không được gia đình hướng dẫn cụ thể, các em cũng không thể phân biệt được đâu là hành vi âu yếm thân mật của người thân và đâu là hành vi của người xa lạ.
“Điều đầu tiên các bậc cha mẹ phải nhận thức là con cái dù còn nhỏ nhưng vẫn có nguy cơ bị xâm hại tình dục”, ThS Nhung nhấn mạnh.
Theo bà Nhung, những đối tượng ấu dâm (có khuynh hướng tình dục với trẻ nhỏ) luôn lẩn khuất rất nhiều ngoài xã hội.
Do vậy, các bậc cha mẹ cần cảnh giác trong mọi trường hợp. ThS Trang Nhung lưu ý: “Ranh giới giữa những tiếp xúc nhỏ và hành vi quấy rối tình dục là mong manh”.
hạc sĩ (ThS) tâm lý Tô Nhi A cho biết: “Ở 6-8 tuổi, các em đã có ý thức về bản thân. Tuy nhiên, các em chưa thật sự là người trưởng thành nên rất vô tư thể hiện bản thân mà không hình dung được những nguy hiểm đang rình rập mình.
Bên cạnh đó, ThS Nhi A cho rằng vấn đề về giáo dục gia đình và giáo dục giới tính vẫn chưa có hiệu quả và tác động đồng bộ. Mặc dù chúng ta có quan tâm đến các bé nhưng chưa thực sự hiệu quả, ta chưa dạy các bé cách nhận diện nguy cơ, ứng phó với nguy hiểm…
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội VN – cho rằng hiện tại đã có một số trường học đưa kĩ năng phòng chống lạm dụng tình dục và kĩ năng bảo vệ bản thân, kĩ năng thoát hiểm vào chương trình dạy nhưng số lượng chưa nhiều và chưa hiệu quả. Vì vậy, chính phụ huynh phải dạy trẻ phân biệt ít nhất đâu là người lạ có hành vi lạm dụng và đâu là người lạ có hành vi yêu thương.
Trong tâm lý và văn hóa người Việt, có một đặc điểm thú vị là người lớn, ai ai cũng thương yêu trẻ em. Nhưng chính điều đó làm trẻ rất khó phân biệt 2 hành vi: lạm dụng và yêu thương
Phụ huynh lơ là?
Chia sẻ với TTO, nhiều bạn đọc cho rằng 9 trường hợp đáng tiếc nêu trên phần lỗi đầu tiên thuộc về phụ huynh vì đã lơ là con em của mình.
Anh Vinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Có nhiều trường hợp mình không thể lường trước được, một phút sơ sẩy là kẻ xấu có thể làm hại bé. Trước khi đi đâu, tôi luôn dặn bé không nên giao du với người lạ, nhất là người lớn tuổi hơn. Mình phải luôn để ý đến bé hoặc dẫn bé đến những khu vui chơi chỉ dành riêng cho trẻ em, hạn chế người lớn vào”.
Chị Kiều Diễm (Tây Ninh) chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng lợi dụng trẻ em rất nhiều nên phải giám sát các con thường xuyên, phải dặn dò bé nếu có người làm hại thì phải chạy đến chỗ bố mẹ ngay”.
Bà Thùy Mai (Q.3, TP.HCM) lo lắng: “Cha mẹ không nên chủ quan, phải dạy cho con luôn đề cao cảnh giác, không được tin người lạ, nhất là người khác giới bởi vì các bé còn nhỏ, không lường trước được sự việc”.
Dạy trẻ kĩ năng tự bảo vệ
Theo ThS Trang Nhung, ngay khi bé bắt đầu có nhận thức về giới tính, các bậc phu huynh cần trang bị cho bé những kiến thức cơ bản và dễ nhớ nhất về những vùng người khác được phép đụng đến và vùng không được đụng đến.
Phụ huynh phải hướng dẫn cho con mình biết phản kháng với người lạ mặt, cho trẻ biết ai là người được phép tiếp xúc và đâu là người lạ không được phép chơi đùa.
Hơn nữa, phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen kể những chuyện mà trẻ gặp phải cho dù được ai đó yêu cầu phải giữ bí mật.
Theo ThS Tô Nhi A, kĩ năng phòng chống xâm hại gắn bó chặt chẽ với vấn đề giáo dục giới tính.
“Ngay từ 3 tuổi thậm chí là dưới 3 tuổi, phụ huynh phải dạy con hiểu con là người thế nào, vùng nào là vùng “cấm địa”. Từ việc ý thức về bản thân mình trẻ sẽ chủ động bảo vệ bản thân hơn. Phụ huunh cũng nên cung cấp những tình huống giả định như người lạ cho bánh kẹo, tiếp xúc đùa giỡn với trẻ, thì trẻ phải xử lý thế nào?”, ThS Nhi A cho biết.
Ở 6-8 tuổi, khái niệm “người lạ” của trẻ cũng có sự sai lệch so với khái niệm của người lớn nên phụ huynh làm sao để trẻ nhận diện được những nguy cơ bởi những người có ý muốn xâm hại.
Luôn quan sát trẻ
Ngoài việc trang bị cho trẻ sức mạnh nội lực bên trong, tức là những khái niệm cơ bản, nhận diện những tình huống nguy hiểm, phải tìm sự giúp đỡ ở đâu thì phụ huynh cần phải quan sát con em khi quyết định cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội bằng việc vui chơi ở nơi đông người.
Dù không bị đe dọa xâm hại thì vẫn còn rất nhiều những nguy hiểm khác.
Sự tự do giúp trẻ thoải mái, sáng tạo hơn, trẻ được mang tính chủ thể cao nhưng điều đó không đồng nghĩa là bỏ mặc trẻ.
Lời khuyên của ThS Trang Nhung là phụ huynh nên lồng ghép các bài học tự bảo vệ bản thân khi chơi đùa cùng bé. Phải nhắc lại những kiến thức đó nhiều lần vì trí nhớ trẻ em là ngắn hạn, chỉ cần chút quà bánh của người lớn thì trẻ sẽ quên hết những điều đã học để phòng vệ.
ĐẶNG TƯƠI – MẠNH KHANG – TÀI PHONG