“Chấm điểm tiểu học”: Sự kỳ vọng của cha mẹ là áp lực vô hình

Điểm số về bản chất không phải là yếu tố gây áp lực nhưng chính sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái quá mức đã trở thành những áp lực rất vô hình…

Tiếp tục là những góp ý về Dự thảo Thông tư Quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

Giảm áp lực điểm số cho trẻ

  

Là một chuyên gia tâm lý, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Điểm số về bản chất không phải là yếu tố gây áp lực nhưng chính sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái quá mức đã trở thành những áp lực rất vô hình”.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng lý giải thêm: “Không thể không nhắc ngày xưa khi điểm 10 trở thành động lực, vào cuối tháng đếm những con 10 để so sánh. Hay những lúc làm bài tập chạy đuối sức nhưng vẫn lếch về phía trước để có điểm 10 khi trở thành 10 người nộp bài nhanh nhất”.

Lấy thí dụ ngày xưa để so sánh với thì hiện tai, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, ngày nay, với sự kỳ vọng quá sức của cha mẹ thì điểm số trở thành áp lực. Phải điểm 10, phải thứ hạng cao, phải… (vân vân và vân vân). Tất cả đã trở thành những gánh nặng với trẻ… Và khi phải gánh một gánh nặng quá sức thì mọi thứ trở nên rất dễ căng thẳng và hoàn toàn có nguy cơ “ngã quỵ”.

Sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ với con cái sẽ tạo thành áp lực (Ảnh minh họa)

Do đó, khi Bộ GD&ĐT có dự thảo quy định đánh giá học sinh tiểu học, theo đó không chấm điểm học sinh mà thay bằng nhận xét, đánh giá từ giáo viên, cách làm này được thực hiện đối với học sinh lớp 1 năm học 2013-2014, dự định năm học 2014-2015 tiến hành đại trà đối với bậc tiểu học, chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng đây là một quan điểm hiện đại và nhân văn. Đặc biệt là ở Việt nam trong giai đoạn hiện nay.

Khi quá nhiều người kỳ vọng vào thứ hạng và đặc biệt là điểm số thì sự chuyển đổi cách đánh giá bằng điểm số sang cách đánh giá bằng nhận xét mà thực chất là nhận xét của giáo viên mang tính chất chia sẻ sẽ mang lại những cảm xúc tích cực đối với người học. Đây cũng là cách để giảm dần những áp lực không đáng có với trẻ, với phụ huynh… và cả giáo viên.

Bằng sự hiểu biết của mình, Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết thêm: “Đối với học sinh cấp 1, học giỏi không phải là điều cần nhất với sự phát triển của trẻ mà phải là phát triển đích thực cũng như phát triển đúng hướng – toàn diện có trọng điểm mới là điều cần quan tâm. Cụ thể hơn với học sinh tiểu học, việc phát triển của trẻ tập trung ở việc trang bị những kiến thức nền tảng mang tính tiền khoa học, những tri thức khoa học cơ bản, những kỹ năng cơ bản cần thiết cho học vấn phổ thông và sự phát triển trí tuệ mà đặc biệt là tư duy – tư duy sáng tạo mới là điều cần thiết”.

Việc Bộ GD&ĐT dự thảo “không chấm điểm” đối với học sinh tiểu học sẽ giúp trẻ giảm áp lực về điểm số. Khi áp lực điểm số không còn, thì: “Áp lực điểm số không còn không những không có hại mà còn có lợi cho trẻ. Nhận xét chân tình mang tính khách quan, chia sẻ và những gợi ý của thầy cô giáo sẽ làm cho trẻ tiểu học hiểu mình hơn, biết về mình qua từng bài tập hay từng bài luận và từng hoạt động để trẻ có thể phát triển thì điều ấy thực sự quan trọng và có tác động tích cực”. -PGS.TS Huỳnh Văn Sơn bày tỏ. 

Giáo viên sẽ vất vả hơn

  Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, cách làm này mang tính phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đi đúng hướng chung và có lựa chọn không quá trễ… Tuy nhiên, so với nước ngoài, ở Việt Nam, sĩ số học sinh một lớp ở thành thị thường từ 50 – 60 em sẽ là một trở ngại cho cách đánh giá này. Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, cần nhìn nhận rằng thời gian làm việc của giáo viên có phần vất vả hơn nếu lớp học quá đông. Thế nhưng điều này cũng không phải là không thể vượt qua nếu mỗi người giáo viên dành thời gian thỏa đáng, quản lý thời gian hiệu quả, áp dụng xen kẽ và linh hoạt các hình thức đánh giá như: đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, cho học sinh tự đánh giá…

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng thời gian làm việc của giáo viên sẽ vất vả hơn nếu sĩ số lớp quá đông

Trước sự lo lắng của phần đông phụ huynh và xã hội về tính chính xác và kịp thời của việc đánh giá, khi mà giáo viên cũng là một con người, cũng có yếu tố chủ quan tác động, trong khi đánh giá lại bằng định tính. Chuyên gia Tâm lý học này cho rằng: “Đánh giá lúc nào và mãi mãi luôn mang tính chủ quan. Ngay cả chấm điểm cũng thế hay nhận xét cũng thế. Đừng vì việc đánh giá bằng điểm số đã quá quen nên nghĩ đó là cách khách quan”.

TS Hùynh Văn Sơn nhấn mạnh thêm rằng việc đánh giá xét từ góc độ người học là biết mình đạt ở mức nào, đang ở đâu, điều gì đã tốt, điều gì cần hoàn chỉnh… Điều này quan trọng hơn là việc biết mình hơn ai hay điểm mấy.

“Cũng xin được khẳng định nếu dành thời gian thỏa đáng, nếu thực sự dành tâm trí phù hợp, ai cũng hiểu rằng đánh giá là hành động rất có trách nhiệm dù chỉ là nhận xét” – TS Tâm lý học nói thêm.

Việc không công khai kết quả học tập liệu có dẫn đến một số tiêu cực không, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn giải thích: “Tiêu cực cũng xuất phát từ một tâm trí của con người hay chủ quan, so đo, tính toán và vụ lợi. Nếu là nhận xét công bằng, nếu là phê bình chân tình, nếu là đánh giá mang tính góp ý để hoàn thiện hay nhận xét chia sẻ thì chẳng thể tiêu cực vì cái gì cả.

Và cũng xin nhấn mạnh, khi đánh giá nhận xét thì sự hoàn thiện mình mỗi ngày quan trọng hơn do vậy thứ hạng cũng chỉ là vấn đề mang tính quá khứ thì tiêu cực không thể trở thành chủ đề hot”.

Sự liên hệ giữa phía giáo viên và phụ huynh trong cách đánh giá mới chặt chẽ, thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, phía người giáo viên sẽ phải làm việc nhiều hơn.

“Đừng đòi hỏi những điều quá sức khi chúng ta cần dựa trên bản lề của lao động. Thực sự việc đánh giá và nhận xét nếu làm hết sức thì đã là quá sức của không ít giáo viên. Mặt khác, dễ dàng nhận thấy không phải phụ huynh nào cũng có thể gặp gỡ, đối thoại một cách dễ dàng để rồi không tưởng. Điều quan trọng vẫn là thái độ tiếp nhận và cách ứng xử hay kế hoạch với lời nhận xét chân tình theo định hướng phân loại nếu có”. – PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định.

Cuối cùng, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, việc quan tâm đến ý nghĩa và yêu cầu sâu xa của Thông tư ban hành Quy định Đánh giá học sinh tiểu học là điều cần làm. Không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh và những đối tượng có liên quan cần thực sự hiểu và chấp nhận thông tư một cách sâu sắc và nghiêm túc.

Mặt khác, không ai khác hơn là việc chuẩn bị cho nhân lực giáo viên là yêu cầu rất quan trọng để giáo viên có thể hiểu rõ và thực thi một cách nghiêm túc, khoa học. bên cạnh đó, những vấn đề về biên mức – định mức lao động hay những đánh giá về kỹ năng đánh giá của giáo viên cũng cần được xem xét và nghiên cứu một cách kịp thời, kịp lúc…

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *