CHĂM SÓC SẮC ĐẸP: NHU CẦU RẤT CON NGƯỜI

Chăm sóc sắc đẹp đó là nhu cầu rất con người. Lợi ích dễ nhận thấy nhất đó là sự cải thiện đáng kể về hình thức để gây hiệu ứng tích cực trong giao tiếp.

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống mỗi người được nâng lên thì nhu cầu cũng tăng theo. Trong đó, nhu cầu chăm sóc sắc đẹp ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

Vậy chăm sóc như thế nào là đúng mực, tránh lạm dụng? Điều đó hữu ích như thế nào? Có thể xem đó là một nét văn minh thể hiện trong giao tiếp?

Trao đổi cùng PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn để có góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

1. Thưa PGS.TS! Việc làm đẹp ngày nay có thể nói đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây (Việt Nam và thế giới)?

PGS. Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn: Khi con người khá đầy đủ về vật chất, thì những nhu cầu khác sẽ vượt lên và trở thành cái đòi hỏi cần thỏa mãn. Việc làm đẹp của khá nhiều nhóm đối tượng trong khoảng thời gian gần đây phần nào là biểu hiện của một lối sống mới: biết thể hiện mình, biết chăm sóc và muốn hoàn thiện bản thân. Ở một góc nhìn khác, khi bạn làm đẹp, chính bạn cảm thấy mình có giá trị, tự tin hơn hẳn, biết chăm sóc và thương yêu chính mình… Khi ấy, việc giao tiếp cơ bản đã khắc phục được một số rào cản. Bạn thể hiện được một khía cạnh nhất định của sự văn minh, nếu làm đẹp biết chọn lọc và cân nhắc.

1365817528-cham-soc-sac-dep-nhu-cau-rat-con-nguoi-1

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

2. Dưới góc nhìn của một nhà Tâm lý học thì việc chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc cơ thể một cách khoa học, đúng mực sẽ giúp đem lại những lợi ích gì cho mỗi người thưa PGS.TS?

Chăm sóc cơ thể, sắc đẹp nên được nhìn nhận theo nhiều góc độ và dưới góc độ nhân văn thì đó là nhu cầu rất con người. Lợi ích dễ nhận thấy nhất đó là sự cải thiện đáng kể về hình thức để gây hiệu ứng tích cực trong giao tiếp. Bên cạnh đó, hàng loạt những ích lợi có thể dễ dàng nhận thấy như: người biết chăm sóc sức khỏe, cơ thể, sắc đẹp sẽ gia tăng sự tự tin của chính mình; nhận ra những lợi thế của bản thân; biết biến những suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình thành những suy nghĩ tích cực hơn, sẽ dễ dàng cân bằng cuộc sống… Liệu pháp tâm lý làm đẹp hay chăm  sóc cơ thể đôi lúc được sử dụng trong những phiên trị liệu các cá nhân có vấn đề tự nhận thức về bản thân, tư duy tiêu cực, sợ hãi hay lo âu…

3. Vậy thì có quan điểm cho rằng: Việc chăm sóc cơ thể để đẹp hơn, thoải mái, vui vẻ, tự tin hơn và cũng chính là tôn trọng, yêu thương chính bản thân mình. Đồng thời, điều đó còn thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, đặc biệt là đối tượng đang giao tiếp với mình. PGS.TS nghĩ gì về quan điểm này?

Tôi cho rằng đó là cách nhìn nhận có cơ sở. Việc bạn làm đẹp hay chăm sóc cơ thể mình là biểu hiện yêu thương bản thân bạn. Có thể dành một khoảng thời gian, một khoản kinh phí, đầu tư tâm lý cho việc làm đẹp là biểu hiện công bằng với chính mình.

Việc làm đẹp hay chăm sóc cơ thể ấy giúp bạn tự tin, thoải mái, lạc quan, yêu đời đã đành nhưng nó còn giúp cho bạn có thể phát huy vẻ đẹp hình thể và cả vẻ đẹp nội tâm trong cuộc sống. Đó là lúc bạn giao tiếp khá tự tin, là lúc bạn có thể nhìn nhận cuộc trò chuyện tích cực và vui vẻ… Khi bạn chuẩn bị chu đáo trang phục, biết chú ý đến khuôn mặt hay làn da, chăm chút hơn về dáng vẻ hoặc thần thái là lúc bạn đang đầu tư cho những biểu hiện cần có của một người thanh lịch và hiện đại khi giao tiếp. Biểu hiện ấy là biểu hiện của sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính bạn!

4. Một số người cho rằng các yếu tố cơ bản cần có về kênh nhìn trong giao tiếp hiện đại vẫn là: vóc dáng, làn da, răng, tóc… Ông nghĩ thế nào ạ?

Không thể phủ nhận rằng việc khai thác thế mạnh về hình thức thực sự cần thiết dù một số người cho rằng nó chỉ gây hiệu ứng trong lần gặp đầu tiên. Hãy nhìn một cách khách quan rằng có những cá nhân luôn biết khai thác vẻ đẹp hình thức ấy một cách thông minh thì sao?

1365817528-cham-soc-sac-dep-nhu-cau-rat-con-nguoi-3

Những yếu tố gây hiệu ứng về kênh nhìn thực ra vẫn là những yếu tố ở “mặt tiền” của con người và như thế thì làn da, vóc dáng, nụ cười, ánh mắt… là những yếu tố gây hiệu ứng tích cực nhất trong giao tiếp đặc biệt là ấn tượng đầu tiên. Điều này sẽ được nhìn nhận tích cực nếu cá nhân biết “tôn vinh” nó một cách vừa vặn và thích ứng với từng đối tượng.

Xin chân thành cảm ơn PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn tư vấn chương trình này. Chương trình kỳ sau với chủ đề: “Đàn ông làm đẹp tại sao không?”. Mời các bạn đón đọc!

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *