Có. Chia tay rất đáng sợ! Vì đó là chuỗi ngày mà dù có lấy tay giữ chặt ngực thì tim vẫn đau, chỉ cần vô ý sờ tay lên mặt là thấy nước mắt rơi…
Bất cứ ai đã từng trải qua quãng thời gian chia ly, đổ vỡ đều không thể nào quên được cảm xúc của mình khi đó. Khi mà bỗng dưng phải buông một bàn tay đã từng nắm rất chặt, bỗng dưng phải đứng yên một chỗ nhìn người mình yêu nhất biến mất tăm giữa biển người xa lạ, bỗng dưng phải tự áp chế mọi nhung nhớ, áp chế mọi phẫn uất và đau thương.
Là chuỗi ngày mà dù có lấy tay giữ chặt ngực thì tim vẫn đau, chỉ cần vô ý sờ tay lên mặt là thấy nước mắt rơi, trong tiềm thức có kêu gào thảm thiết, lặp đi lặp lại một cái tên cũng phải sống chết mà kìm nén nó lại. Vậy thì thử hỏi chia tay có đáng sợ hay không?
Có. Chia tay rất đáng sợ!
Bởi vì chúng ta không phải là thứ vô tri để có thể lãnh đạm trước chia ly, ngoảnh mặt lại là có thể quên sạch bách. Chúng ta vẫn sẽ thiết tha được quay trở lại quá khứ có người chúng ta yêu, nhưng một mặt lại tự ép mình phải quên đi để bắt đầu một con đường khác, với một người khác.
Quả thực, chia tay rất đáng sợ!
Thế nhưng, nếu cứ đắm chìm trong buồn khổ, cứ sống hoài sống phí vì những ngày tuổi trẻ bị vùi lấp bởi nước mắt đau thương, liệu rằng, cái nỗi sợ hãi đấy có dừng lại ở việc đáng sợ hay không? Chia tay đáng sợ, nhưng điều đáng sợ hơn là con người ta vì thế mà đánh mất bản thân mình. Đánh mất niềm tin vào những cú ngã để bản thân buông thả, để tự mình rơi trôi, để mặc tương lai trượt dài trong nhận thức sai lầm vì ghét bỏ thế giới, ghét bỏ những người xung quanh, ghét bỏ chính mình.
Có còn đáng sợ nữa hay không? Không, nó trở thành đáng thương và đáng trách.
Chia tay. Mọi thứ đều sẽ qua, những tàn tro trong quá khứ vốn dĩ không đủ sức sát thương nếu chúng ta học cách đối diện với nó.
Người ta sẽ học dần được cách làm thế nào để tự chữa lành vết thương khi nó luôn rỉ máu vì ai đó đã đi ngang qua quá khứ. Người ta sẽ biết cứng cỏi hơn để làm một người trưởng thành, để rồi có thể vượt qua những nỗi đau còn lớn hơn thế trong cuộc đời.
Người ta sẽ bắt đầu gặp một ai đó khác, và tập yêu người ấy một cách an toàn, nghĩa là không bồng bột như lúc còn trẻ, nghĩa là sau đổ vỡ, bắt đầu học cách lắng nghe đối phương, bắt đầu biết cách tự yêu thương bản thân và đừng coi ai đó là cả thế giới.
Người ta sẽ chín chắn hơn qua vấp váp, đổi lấy sự tròn trịa vẹn toàn trong cuộc sống. Người ta sẽ biết trân trọng những thứ gần cạnh bên thay vì những thứ quá xa vời, người ta sẽ hiểu rằng, thề thốt không bao giờ quan trọng bằng hành động thật sự, người ta sẽ yêu theo cách một người trưởng thành hơn.
Lúc ấy, không chỉ là đáng sợ, mà còn là bi kịch của đời người. Có thấy có lỗi với bản thân mình không? Có. Rất nhiều!
Kỳ thực, chẳng có ai là hy vọng sẽ có ngày chia ly, sẽ có ngày phải nhìn xuống bàn tay rỗng không mà vốn dĩ có bàn tay thân thuộc đã từng ấm áp nằm đó. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ phải sống tiếp cho hiện tại, phải sống tốt hơn cho tương lai nhất định không thể dừng chân.
Hạnh phúc là khi con người ta phải vượt qua tất thảy đau thương mới nhận được, phải chiến thắng mọi nỗi sợ hãi để nó không còn là nỗi sợ, phải vượt qua những lần ngã để biết trân trọng nó chứ không phải cứ đứng im ở đó chờ hết đau.
Chúng ta đều là những người trưởng thành, chúng ta cần sự dũng cảm để đối mặt, chứ không cần sự yếu mềm để chạy trốn. Vậy nên, hãy xem chia tay giống như tỉnh dậy sau một cơn ác mộng dài, dẫu vẫn còn một chút cảm giác bất an, nhưng thay vào đó, người ta sẽ thấy nhẹ nhõm, vì mọi chuyện đã qua hết rồi!
CADE