Quan niệm khá phổ biến trong việc chuẩn bị cho trẻ vào trường tiểu học chủ yếu là dạy cho trẻ biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính đang tồn tại ở nhiều phụ huynh.
Mẹ nào cũng muốn con học sớm, học nhanh
Không ít phụ huynh đã bắt trẻ phải ngồi vào bàn để học một cách nghiêm túc, tước đi mọi thời gian vui chơi, hoạt động mà trẻ vốn ham thích và rất cần cho sự phát triển của trẻ lúc này. Có cháu khi vào học lớp một đã học xong một phần hay toàn bộ chương trình lớp một dẫn đến việc trẻ có thể bị chán nản.
Trẻ sắp vào lớp 1 đã đi học thêm rèn chữ, cộng toán (Ảnh minh họa).
Chị Lê Thị Phương (Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bản thân đã mời gia sư riêng tại nhà cho con 4 ca mỗi cuối tuần hai môn toán và tiếng việt. Cuối tháng 8, các em mẫu giáo lớn chính thức bước vào cấp tiểu học vì vậy chị đã gấp rút cho con học thêm từ cách đây 4 tháng.
Chị Phương cho biết, vì thấy các phụ huynh là bạn bè hay hàng xóm khá quan tâm đến việc học của con từ khi chưa lên lớp 1 nên gia đình chị cũng sốt sắng. “Sau khi con theo học hơn 1 tháng, dù về nhà kêu buồn ngủ nhưng tôi nhận thấy các cháu tính toán thuần thục hơn, viết chữ ít sai chính tả hơn”, chị Phương vui vẻ kể lại.
Cũng theo chị Phương, vì muốn dành thời gian cho con được nghỉ ngơi nên chị tạm dừng ở 4 ca 1 tuần còn nhiều phụ huynh khác để con học thêm cả tiếng Anh, đàn, nhạc, múa….
Không nên yêu cầu trẻ như học sinh thực thụ khi ở tuổi mẫu giáo
Ở mỗi giai đoạn phát triển đều có những đặc điểm riêng, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác là một bước nhảy vọt, có sự chuyển biến về chất. Hơn nữa, sự phát triển của một giai đoạn vừa là kết quả của giai đoạn trước đó, vừa là tiền đề cho giai đoạn phát triển kế tiếp. Điều đó có nghĩa là nếu trẻ được phát triển tốt ở giai đoạn trước cũng chính là chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau. Đối với trẻ em việc đến trường tiểu học được coi như một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời.
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM) nhận định: “Nhiều phụ huynh bước vào cuộc chiến đẩy trẻ đi học thêm nhiều môn, học sớm, học trước dẫn đến thực trạng rất đáng lo lắng về việc chuẩn bị cho trẻ đến trường. Chuẩn bị cho trẻ vào trường tiểu học không phải là việc làm thay cho giáo dục tiểu học”.
PSG. TS Huỳnh Văn Sơn
Từ đó, PGS. TS khẳng định không nên dạy trước những gì mà sau này trẻ sẽ được học ở trường tiểu học cũng như không nên yêu cầu trẻ phải như một học sinh thực thụ ngay khi còn ở tuổi mẫu giáo, bảo đảm cho trẻ được sống đúng lứa tuổi của chính mình, vẫn hồn nhiên, vui tươi, không làm cho trẻ bị già đi trước tuổi. Đó cũng là điều kiện để sau này trẻ học tốt ở trường tiểu học.
Lý giải nguyên nhân phụ huynh có tâm lý cho con đi học khá nhiều môn khi sắp bước vào cấp tiểu học, chuyên gia tâm lý phân tích phụ huynh nào cũng mong muốn con mình có những cơ hội phát triển và phát triển vượt trội. Nhu cầu tất cả vì con thân yêu trở thành lý lẽ thuyết phục để nhiều phụ huynh dồn ép trẻ học càng sớm càng tốt.
Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh rằng trẻ em dưới 6 tuổi chưa đủ khả năng để học chữ, học tính theo đúng ý nghĩa của môn học (không loại trừ một số trường hợp đặc biệt). Hơn nữa, cho dù có học chữ, học tính sớm theo một chương trình chặt chẽ thì cũng không mang lại lợi ích gì lắm cho sự phát triển trí tuệ, thậm chí nhiều khi còn có hại cho sự phát triển nhân cách nói chung.
PGS – TS Huỳnh Văn Sơn chỉ ra rằng, trên thực tế, có nhiều đứa trẻ do chỉ biết học chữ, học tính mà không được chuẩn bị một cách đầy đủ về nhiều mặt nên càng học càng đuối. Cái vốn có trước không thể chỉ sinh sôi nẩy nở được, thậm chí còn “cùn” đi. Một số trẻ do học trước nên sinh ra chủ quan khi phải học lại từ đầu. Từ đó mà sinh ra thiếu tập trung trong học tập vì không học được điều gì mới lạ so với cái mình đã biết. Điều nguy hại hơn là nếu việc học trước lại phạm sai lầm thì việc khắc phục, uốn nắn sau này ở trường tiểu học là cả một công việc khó khăn, nhiều khi còn để lại những thói quen xấu trong hoạt động trí tuệ, thậm chí còn cản trở bước đường học tập của trẻ.
Cần chuẩn bị toàn diện
Điều phụ huynh cần nhận thức trước tiên trong vấn đề chuẩn bị cho trẻ vào lớp một là khó khăn của các bé khi vào lớp một không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết… mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới. Phụ huynh có thể giới thiệu về trường tiểu học cho con mình, dẫn trẻ đi ngang trường tiểu học để quan sát, nhìn ngắm các anh chị học tập – vui đùa…
PGS – TS nhấn mạnh, sự chuẩn bị cho trẻ cần mang tính toàn diện về mặt thể chất, trí tuệ, tình cảm xã hội, kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập cơ bản. Trình độ nhận thức và lĩnh hội tri thức của trẻ không đồng đều nhau. Việc chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1 cũng cần căn cứ vào khả năng của từng trẻ để chuẩn bị một cách hợp lý là điều hết sức cần thiết.
Chuẩn bị cho trẻ ra sao để đảm bảo hiệu quả cho trẻ đến trường tiểu học?
– Chuẩn bị thể lực cho trẻ là một việc làm quan trọng đòi hỏi chúng ta phải có sự quan tâm sâu sắc. Người lớn cần phải hiểu điều đó để tránh cho trẻ suốt ngày phải ngồi tập đọc, tập viết, tập tô, tập vẽ… như một học sinh tiểu học thật sự.
– Phụ huynh quan tâm giáo dục trẻ biết cách ứng xử với mọi người xung quanh, lễ phép, kính trọng người lớn nhằm chuẩn bị dần cho trẻ thích ứng với những quan hệ xã hội ở trường tiểu học. Giúp trẻ diễn đạt điều mình muốn một cách mạch lạc, rõ ràng.
– Phụ huynh cần kết hợp với giáo viên để biết cách dạy trẻ phát âm 29 chữ cái trong chương trình mẫu giáo, cách làm quen với các mẫu chữ in thường, viết thường, in hoa, làm quen với các con số thông qua các trò chơi hàng ngày.
– Xây dựng cho trẻ một góc học tập gọn gàng, đẹp mắt, phù hợp với điều kiện sẵn có của mình nhằm giúp trẻ thích thú đối với việc ngồi vào bàn học, giúp trẻ chọn lựa sách, đọc sách cho trẻ nghe. Ngoài ra cần chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ đặc biệt là đồ chơi chữ cái, số. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tạo cho trẻ thói quen tự lập bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện trọn vẹn một vài công việc nhà đơn giản, tự tạo một thời gian biểu học tập – vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy.
– Có thể dẫn trẻ đến thăm trường tiểu học và chỉ cho trẻ biết các phòng, lớp học, sân chơi… giúp trẻ làm quen với ngôi trường mới, chỉ cho bé thấy lớp mới có những khác biệt như thế nào so với lớp ở trường mầm non của con, giúp con cảm thấy môi trường mới có nhiều điều thú vị, gần gũi với bé
– Trong vấn đề chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp một, cần quan tâm đặc biệt đến việc nuôi dưỡng hứng thú lâu bền cho trẻ và kích thích lòng mong muốn được đi học. Phụ huynh cần kích thích lòng ham hiểu biết tìm tòi, khám phá của trẻ, luôn tạo ra những tính huống có vấn đề kích thích trẻ suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Trong quá trình tổ chức các hoạt động và cuộc sống của trẻ cần khuyến khích trẻ tìm tòi khám phá những điều mới lạ xung quanh và những sáng kiến của trẻ. Cho trẻ biết rằng vấn đề trong cuộc sống sẽ được giải đáp ở trường tiểu học, đi học là niềm hạnh phúc lớn lao của con người, đó là cách kích thích lòng ham muốn đi học ở trẻ. Đây là cơ sở và cách thức giúp trẻ sẵn sàng và tích cực đến trường tiểu học, chính thức bước vào bước ngoạt mới trong cuộc sống.
Nguyệt Minh