Trước những scandal tình ái của một số sao Việt, cụ thể là Hồ Ngọc Hà và Linh Nga đang gây ầm ĩ trên nhiều diễn đàn, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã có những “mách nước” cho người trong cuộc vượt thoát khỏi sự rắc rối. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra những giải pháp để đám đông đang hô hào tẩy chay sao Việt giữ được bình tĩnh và không làm xã hội thêm phức tạp.
PGS. TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn hiến kế giúp các ngôi sao thoát khỏi rắc rối tình ái (ảnh nhân vật cung cấp).
Người nổi tiếng cũng là một con người
Là một chuyên gia nghiên cứu về tâm lý – xã hội, ông nhìn nhận gì về chuyện các sao Việt liên tiếp bị “tố” giật chồng gây ầm ĩ trong thời gian gần đây?
– Chuyện các sao Việt liên tiếp bị “tố” giật chồng gây ầm ĩ trong thời gian gần đây phản ánh sự lỏng lẻo của kết cấu gia đình đang có chiều hướng gia tăng. Kèm theo đó là thực tế về sự phức tạp của thế giới nhiều ánh hào quang. Việc bị “tố” giật chồng người khác dường như trở thành một hướng dư luận mang tính lan tỏa. Nhưng quan trọng hơn là con người bắt đầu dùng sức mạnh của đám đông, công nghệ, thế giới ảo… để thể hiện quan điểm hay thực hiện những mục đích của mình. Cái sâu xa nhất tôi nhìn nhận, đó là sự lựa chọn giá trị của con người xem chừng có quá nhiều điều cần xem xét và hành trình đi tìm hạnh phúc có vẻ mong manh, phức tạp…
Dưới con mắt của ông, việc cộng đồng mạng lên án rồi tẩy chay các sao Việt về những chuyện riêng của họ có quá khắt khe và bất công? Và cộng đồng có quyền được đối xử với người của công chúng như thế không?
– Khách quan nhìn nhận, việc một số cá nhân – đặc biệt là người nổi tiếng – bị cộng đồng tẩy chay vì là người thứ ba chen chân vào cuộc sống hạnh phúc của một số người dễ bị gán vào quy chuẩn xã hội về sự thủy chung của truyền thống và thậm chí của Luật Hôn nhân và Gia đình. Hơn thế nữa, một số ý kiến lại trở nên có lý khi luôn mong mỏi người nổi tiếng phải là một hình mẫu hoàn hảo hoặc hoàn thiện. Vô hình trung, tất cả những mối quan hệ hay những động tĩnh có liên quan đến mối quan hệ của người nổi tiếng sẽ bị xem xét, soi chụp và đánh giá. Thế nhưng, chúng ta cũng cần nhìn nhận thêm rằng, người nổi tiếng hay bất kỳ ai cũng là một con người.
Thực tế cộng đồng có quyền yêu thích hoặc phê phán người nổi tiếng hay không lại phụ thuộc vào những quan hệ nhất định. Lý luận dễ thấy nhất là, người nổi tiếng có được hình ảnh là nhờ vào công chúng nên công chúng được quyền phán xét xem chừng không sai, nhưng rất chủ quan. Mặt khác, hành vi tẩy chay có thể gắn liền với những hành vi phạm pháp hay hành vi thiếu nhân văn nếu không được kiểm soát.
Việc dư luận lên án rồi tẩy chay các sao Việt nhìn chung là cần thiết để các sao cần nhìn lại mình. Nhưng sẽ thật bất công nếu chính chúng ta chưa hiểu ngọn nguồn của câu chuyện, hoặc sẽ thật tàn nhẫn nếu quên rằng chính các sao cũng từng là “nạn nhân” bị người khác hại hay giật chồng (lúc đó dư luận có làm điều tương tự để bênh vực hay không). Sẽ là cảm tính khi một cái bẫy của đối thủ đang hạ bệ một nhân vật nổi tiếng và chúng ta đã dính vào. Sẽ là chủ quan khi không nhận ra rằng chính những người đàn ông mới là người đáng trách cũng cần phải lên án. Hơn thế nữa, việc kết án vội vã cho một người độc thân (nếu có), cho một con người có đầy đủ quyền yêu, được yêu trong khi mối quan hệ hiện tại hay quá khứ của người đó đã giải quyết dứt điểm thì thật đáng buồn.
Phải sống có trách nhiệm và biết kiểm soát bản thân
Ông có lời khuyên nào dành cho các sao, cụ thể ở đây là Hồ Ngọc Hà và Linh Nga khi dính đến những rắc rối trong đời sống riêng tư?
– Thực tế cho thấy hành trình trở thành người nổi tiếng cần được xem xét dựa trên sự cố gắng về nhân cách và việc chịu đựng áp lực trước đám đông. Sự tự trọng và biết kiểm soát bản thân là điều rất quan trọng. Để trở thành người nổi tiếng, cần biết hy sinh, giữ gìn hình ảnh của chính mình. Những rung cảm của trái tim và mối quan hệ xung quanh cần được rõ ràng và rạch ròi trong chừng mực. Những rắc rối trong đời tư xuất phát từ những lý do nhất định. Một là, thói quen nhạy cảm (nếu có). Hai là, sự bí ẩn của đời sống người nổi tiếng. Ba là, sự phức tạp của thế giới hào quang. Bốn là, sự săn đuổi của người khác. Năm là, sự lựa chọn cũng như bản lĩnh của người nổi tiếng… Tuy nhiên, điều căn bản nhất là cần sống có trách nhiệm và hạn chế tối đa những cơ hội hay những mối quan hệ có thể cho mình nhiều thứ nhưng dễ làm tổn thương mình nhất, thậm chí làm mình mất rất nhiều…
Hầu hết các sao Việt thường chọn cách im lặng trước những scandal. Theo ông, đây có phải là giải pháp ưu việt?
– Nếu không im lặng thì giải thích với ai? Minh chứng cái gì? Trần tình ra sao? Vì tất cả những phán xét là sự phán xét từ những người giấu mặt, từ những cá nhân, nhóm hay thậm chí là tổ chức mang nghĩa bí ẩn. Thực tế với nhiều người, im lặng trước những scandal riêng để trấn tĩnh, để xem lại, để điều chỉnh mình. Nhưng cũng có sự im lặng để khẳng định mình không dính vào scandal, để dư luận sẽ nhẹ nhàng cho qua theo thời gian…
Ông phân tích thế nào về hành vi “ném đá” tập thể, hay làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng trong việc ứng xử với các sao Việt khi họ có những “bê bối”?
– Tôi không muốn chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề hời hợt khi cho rằng việc một cá nhân kêu gọi mọi người tẩy chay ai đó là tốt hay xấu, mà vấn đề là động cơ thực sự của hành vi đó là gì? Phân tích dưới góc độ tâm lý cho thấy, khi cảm xúc âm tính hoặc một chút cảm xúc tiêu cực của chúng ta với ai đó rất dễ bị trường cảm xúc của một cá nhân khác, một nhóm khác có sức ảnh hưởng cuốn theo và làm gia tăng cảm xúc thù ghét hay giận dỗi… Có lẽ, dù muộn nhưng những ai đã tham gia vào nhóm tẩy chay cũng cần xem lại bấy nhiêu đó đã thực sự đủ hay chưa? Cần nhìn nhận lại kiểu phản ứng, kêu gọi, tẩy chay… không giải quyết được việc gì mà chỉ làm cho xã hội phức tạp, rối ren thêm. Và sự thiệt hại của một con người hay hai con người chỉ là phụ nhưng sự phức tạp của xã hội lại trở nên đáng buồn hơn. Nhân danh phụ nữ để “ném đá” nhau không thương tiếc liệu có thỏa đáng không?
Thêm nữa, việc hạ bệ có thể khiến cho kế hoạch truyền thông được tính toán trước đó thành công. Và khi sự thật phơi bày, ai sẽ là người có lợi? Tiếp đến, người trong cuộc bị thương tổn, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu thực tế cho thấy họ vô tội hay không đến mức như sự khuếch đại? Sự khắt khe hay sự tẩy chay ấy có đảm bảo tính nhân văn và hướng đến công bằng – hạnh phúc như suy nghĩ ban đầu khi chính họ cũng là phụ nữ? Và điều cần xem đó là, cuối cùng thì ai là người được lợi hay trục lợi? Tốt nhất là đừng vì sự cuồng nộ của một cá nhân hay sự cuồng vọng của vài người mà không ít người sẽ trở nên quá quắt hay thậm chí phạm vào quy định của pháp luật.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!