Muốn người dân có ý thức cộng đồng thì ngoài việc giáo dục và tuyên truyền, cần phải có biện pháp chế tài mạnh và kiên trì thực hiện
Sống có văn hóa và sống văn minh trở thành vấn đề được quan tâm kêu gọi thực hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Đáp lại là hàng loạt phản ứng mang tính chất thụ động của một số người, nếu như không muốn nói là có màu sắc tiêu cực.
Thiếu biện pháp ngăn chặn
Nhiều nơi, người dân xả rác bừa bãi đến nỗi chính quyền phải dán lên từng nắp cống dòng chữ “Đừng bỏ rác vào đây” để tuyên truyền. Tại vài thành phố lớn, chính quyền ghi hẳn biển “cấm đổ rác” ở nơi công cộng nhưng rác vẫn tràn đầy. Thậm chí, có những điểm người dân ghi hẳn biển “cấm tiểu tiện” nhưng sau một thời gian, lượng nước tiểu và các mùi hôi ở những nơi công cộng chỉ tăng chứ không giảm… Ức quá, một số “khẩu cuồng” xuất hiện: “Chỉ có con vật mới tiểu vào đây”, “Nơi này dành cho “cẩu” tiểu”… nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn.
Giải pháp giữ cho đô thị văn minh, sạch đẹp luôn được chính quyền đưa ra. Thế nhưng, một bộ phận người dân kém ý thức vẫn tiểu tiện, xả rác bừa bãi ra môi trường; câu cá ở nơi đã để biển cấm; để gia súc, gia cầm hoặc các loài động vật khác phóng uế ở nơi công cộng. Thậm chí, bảng cấm có quy định “phạt đến 8 triệu đồng về hành vi xả rác tại nơi đây” nhưng xem ra lời răn đe này không có tác dụng trong thực tiễn. Điều này tác động rất xấu đến sự phát triển chung của văn hóa, xã hội và du lịch.
Có một sự tréo ngoe là nhiều người dễ đánh đồng giữa văn hóa và hiểu biết. Thực tế cho thấy không ít người có trình độ cao nhưng đó chỉ là trình độ học vấn nên chính họ cũng thiếu ý thức cộng đồng. Rõ ràng, trình độ học vấn chưa hẳn tương đồng với văn hóa đích thực của cá nhân. Hơn nữa, khi nói về văn hóa ứng xử, văn hóa ứng xử cá nhân có phần khác với ứng xử công cộng, ứng xử với môi trường, ứng xử với cộng đồng. Điều này không phải là sự hiểu biết mà nó phải được hình thành bởi những giá trị sống, kỹ năng sống cũng như bản lĩnh sống của cá nhân…
Dù biển cấm giăng khắp nơi nhưng nhiều người vẫn vô tư câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè Ảnh: SỸ ĐÔNG
Cần đồng loạt nhiều giải pháp
Ở một số quốc gia, việc xây dựng hành vi văn minh hay môi trường cần thực hiện triệt để giữa tác động giáo dục sâu sắc với các chế tài thật nghiêm khắc. Không phải ngẫu nhiên mà một số quốc gia có văn hóa xe điện ngầm rất đẹp, có văn hóa sử dụng xe buýt văn minh; cũng không hẳn tự nhiên người dân có thói quen không nhả kẹo cao su trên đường phố hay không ngắt hoa quả, cây xanh công cộng…
Thực hiện điều này ở Việt Nam hiện nay không quá khó nhưng cũng không phải là việc đơn giản. Thứ nhất, cần tuyên truyền một cách nghiêm túc đến từng người dân bằng các chương trình hành động xây dựng hành vi văn minh mang tính quốc gia, vùng. Nhắn tin đến các số thuê bao về việc xây dựng hành vi văn minh theo quý; phát cẩm nang đến tận tay những cá nhân có công việc ở các cơ quan, công sở; tuyên truyền trực tiếp bằng sổ tay đến người dân khi tham gia các hoạt động công cộng…
Khi các dự án công cộng được đầu tư, cần quan tâm ngay từ đầu về những diễn tiến tiêu cực kèm theo để có lộ trình khoa học nhằm tác động giáo dục, khắc phục những hệ lụy nếu có. Đơn cử, với việc xây dựng các khu dân cư mới hay xây dựng metro, cần có hẳn lộ trình về giáo dục hành vi sống văn minh hay sử dụng metro văn minh kèm theo như tiêu chuẩn không thể thiếu.
Thứ hai, cần giáo dục theo nguyên tắc đón đầu. Những trao đổi mang tính nghiêm túc về các chuẩn hành vi, những hướng dẫn cụ thể về kỹ năng cần được thực hiện bài bản để các cá nhân trẻ định hướng hành vi của mình một cách thông minh hơn trong 5 năm, 10 năm nữa hoặc khi đến các thành phố lớn học tập, lập nghiệp.
Thứ ba, thực sự quan tâm đến khâu kiểm tra giám sát. Bao giờ cũng dễ dàng xuất hiện hiện tượng mong mỏi rất nhiều nhưng thực thi rất ít là vì kiểu làm “đầu voi đuôi chuột” trong quản lý. Việc lập ra kế hoạch hoành tráng đòi hỏi người thực hiện phải theo sát, kiên trì.
Chế tài nghiêm, kiên quyết thực hiện
Chế tài nghiêm và có các công cụ hỗ trợ là rất cần thiết trong việc ngăn chặn hành vi thiếu ý thức cộng đồng. Cần lập hệ thống camera ở các khu công cộng để bảo đảm kiểm tra tình hình xây dựng cuộc sống văn minh; vận động người dân cùng tham gia, khuyến khích các đơn vị tài trợ thực hiện trang bị và tuyên truyền có điểm đến song song với quyền lợi kèm theo… Tất cả phải được thực thi trên tinh thần nghiêm túc, hết lòng, quyết tâm và chấp nhận thách thức. Khi chế tài lập ra nghiêm minh, khi có chứng cứ để phạt, khi có những động thái mạnh mẽ, hành vi của người dân sẽ dần thay đổi.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)