Của chồng – công vợ, câu nói đã trở thành một kinh nghiệm quý trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, trước khi kết hôn, mỗi bạn trẻ đều rất nỗ lực để chuẩn bị cho mình một cách khá đầy đủ về điều kiện kinh tế nên khi lập gia đình việc của chung – của riêng cũng là một vấn đề khá quan trọng. Chuyện của anh – của em, của hai ta… đã trở thành một vấn đề rất mới gây nên nhiều sức ép đến tổ ấm hạnh phúc. Không ít câu chuyện xoay quanh vấn đề này đã làm đổ vỡ hạnh phúc một gia đình mà chính hai người trong cuộc đã dày công gầy dựng… Nhập của hay không đã biến khá nhiều tổ ấm thành tổ lạnh… mà nhiều bạn nữ luôn có cảm giác mình là người thua thiệt.
ĐÂY LÀ CỦA RIÊNG ANH Ạ…
Quen nhau từ thời còn là sinh viên Đại học với biết bao kỷ niệm. Bước vào tuổi hai mươi sáu, Tuấn và Lan quyết định cưới nhau. Quyết định ấy dựa trên tình yêu nồng nàn và sâu sắc của cả hai. Ấy vậy mà những mâu thuẫn xảy ra ngay sau khi đám cưới được ba tháng. Quyết định đầu tư cho một mảnh đất hơn 100 mét vuông, Tuấn cần một số tiền vài trăm triệu. Biết chắc Lan có nhưng Lan cứ từ chối thẳng. Tuấn cảm thấy mình thừa thải và trong một lần nhậu say về anh mạnh miệng kết luận tình yêu của Lan dành cho anh như một tập hợp rỗng về niềm tin… thế là sự bất hòa diễn ra. Lan thêm một lời thẳng thắn đề cập rằng em không muốn vì đó là tiền riêng của em, em không muốn phức tạp… Tuấn thất vọng đến mức không muốn nhìn mặt Lan và tình yêu của họ cũng như cuộc hôn nhân bị đẩy đến bờ vực thẳm…
Thực tế cuộc sống cho thấy việc chung vốn khi chung sống là điều rất cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng có thể. Khi xã hội phát triển và những mâu thuẫn cũng như những rắc rối trong cuộc sống hôn nhân xảy ra khá thường xuyên thì dường như niềm tin của mỗi người dành cho người chung sống với mình không hẳn vẹn toàn. Việc giữ cho mình những quyển sổ tiết kiệm hay những khoản đầu tư cá nhân không phải hiếm thấy. Thế nhưng trong trường hợp của Lan, sự thẳng thắn từ chối việc nhập của đã gắn liền với sự từ chối một đề nghị của niềm tin cho nên tình yêu bị mất “chân đế”. Sự thật đau buồn không thể được kiểm soát vì hai người chính thức chia tay vào tháng rồi sau 30 tháng chung sống …
Ảnh minh họa
Nguồn: Internet
Không hẳn là những người trong cuộc thiếu sự thống nhất trong chuyện “xuất”, “nhập” mà những người trong đại gia đình cũng là một trong những yếu tố khá quan trọng cho chuyện này. Vất vả thực sự với hơn 10 năm mở một đại lý bưu điện cũng như làm nhân viên văn phòng cho một công ty nước ngoài, Mai về với Nhân trong một tâm trạng rất yêu. Số tiền dành dụm được của Mai được đặt vào một mảnh đất khá to hơn 200 mét vuông ở quận 7. Thế là dự định cất nhà trọ cho công nhân thuê bắt đầu hình thành. Với hơn 20 phòng cho thuê thật xinh xắn, tiền thuê mỗi tháng ngót nghét được hơn 15 triệu. Bên chồng Mai không phải nghèo khó nhưng lại có ý muốn rời khỏi quận 3 để về quận 7 sinh sống, làm ăn. Nghĩa dâu con thôi thúc Mai ra tay nghĩa hiệp. Cho mẹ chồng cùng với hai cô em chồng một phòng hơn 30 mét vuông. Tiền thuê nhà cũng dần dần được mẹ chồng Mai thu chi tất cả. Rồi đến danh nghĩa bà chủ khu trọ cũng được mẹ chồng Mai thu tóm… Khi quyết định mua một căn nhà ở quận 5 để tiện bề mở công ty thì Mai mới tá hỏa khi mẹ chồng không cho bán. Mai đành phải nhờ pháp luật can thiệp. Của của Mai vẫn của Mai nhưng tình cảm thì đi vắng khi chồng Mai ngã hẳn về phía mẹ ruột của mình khi khẳng định Mai là một người toan tính, không biết hy sinh cho chồng, là người ích kỷ nhỏ nhan. Tối hậu thư mà chính anh ấy đưa ra là nếu cứ đòi bán đất thì chia tay, của của em cũng là của anh vì em là vợ anh àm… làm cho Mai nóng rát cả mặt… Hôn nhân của cả hai đang thực sự chuẩn bị “phá sản” không hẳn vì lòng tham của phía chồng mà vì chữ sĩ khi không còn được làm chủ cả, khi mọi người biết rằng đó là tài sản của Mai, khi nghĩ rằng Mai có ý “thủ” riêng cho mình…
Những suy nghĩ về chuyện nhập của quả thật không có điểm đến chung nhất nhưng rõ ràng đây chính là một thực tế rất đáng trăn trở. Khi yêu nhau, khi kết hôn, việc nhập của có thể trở nên rất dễ dàng nhưng cũng trở thành một vấn đề cực kỳ phức tạp nếu mỗi người không cân nhắc và nghĩ suy một cách nghiêm túc.
MỀM MỎNG VÀ THẤU ĐÁO
Ở một số quốc gia hiện đại, của cải của vợ của chồng dù có chung hay riêng nhưng luôn thực sự rõ ràng. Pháp luật luôn đòi hỏi chính xác hóa những thông tin về nguồn gốc tài sản. Mặt khác, điều quan trọng hơn là mỗi cá nhân đều không thực sự bị chi phối nhiều lắm đến đâu là của mình và của người chăn gối nếu thực sự tình cảm họ bền vững, chân thật
Không nhập của hay nhập của vấn đề không hẳn xuất phát từ sự lo lắng hay thái độ tin tưởng cho nhau mà quan trọng hơn là dựa trên nghĩ suy tích cực. Nếu mỗi cá nhân khi kết hôn đều hiểu rằng lòng tự trọng được xem như yếu tố căn cơ để con người có thể quy định cách hành xử của mình thì không nên đòi hỏi người chung sống phải nhập của hay không để có suy nghĩ theo kiểu quy gán rằng không nhập của nghĩa là chưa hết lòng hay chưa tin tưởng. Quá trình chung sống hoặc tất cả những tình huống cần thiết sẽ thôi thúc mỗi một người biết thực hiện việc góp sức một cách đúng nghĩa trong đời sống kinh tế gia đình. Mặt khác, cũng đừng nên nghĩ rằng khi mình có tiền của ấy có nghĩa là mình sẽ tạo ra thật nhiều còn người chung sống với chúng ta không biết cách làm nó sinh sôi, nảy nở…
Đến tư vấn trong tâm trạng thất thần, Cao Thanh cảm thấy hết sức lo lắng khi của riêng – của chung chưa thống nhất được dù ngày cưới đã gần kề. Đơn giản là từ khi hùn hạp làm ăn cùng với bạn bè, anh có đứng tên chung mua vài căn hộ chung cư… Ngày giao nhà thì chưa đến nên cũng chẳng biết mở lời với vợ ra sao… Làm thẳng với bạn thì cũng không xong, nói với vợ thì cũng chẳng biết có ổn không nên anh bị căng thẳng lắm… Vợ tương lai thì lại rất thích sự rõ ràng. Chính cô ấy là người đã công khai chi tiết những gì mình đang có… Anh cũng không hiểu nên ứng xử thế nào. Sau khi trao đổi và chia sẻ, cách hay nhất mà anh ngộ ra là cứ báo với vợ rằng có làm ăn chút đỉnh nên đừng nghĩ rằng anh để riêng là điều ổn thoả nhất.
Trong mỗi một trường hợp khác nhau cần có cách ứng xử thật sự khác nhau sao cho thật tinh tế. Nếu cảm thấy cần giữ để có thể kinh doanh, để có thể tạo ra một sự độc lập dù chỉ tương đối thì tốt nhất các khoản đầu tư nên được mã hóa thành những dữ liệu hoặc gửi vào tài khoản. Bện cạnh đó, khi cưới nhau, cũng nên có những “thỏa thuận” nhất định để có thể tạo ra một mối quan hệ công bằng, nghiêm túc. Sau khi cưới nhau, nếu có đề nghị “nhập của” cũng nên cần có một thời gian để tạo lập niềm tin và đặc biệt cũng nên dựa trên sự tự nguyện của người chung sống. Cũng đừng nên phản ứng căng thẳng quá mức hoặc có những thái độ thiếu chân thành hay không khéo léo nếu như bạn đời có lời đề nghị nhập của vì sâu thẳm trong quan hệ vợ chồng tình yêu mới là yếu tố quan trọng được xem như cơ sở cho sự chung sống…
Của cải dù sao cũng là vật ngoài thân cho nên mỗi một người sống trong xã hội hiện đại nên có những cái nhìn thật nghiêm túc về nó. Đừng để của cải làm chủ cuộc sống mình mà hãy biến nó thành công cụ hoặc thương tiện phục vụ cuộc sống. Đương nhiên, tình yêu chân thành sẽ tạo nên sức mạnh cho cuộc chung sống nhưng sẽ thật khập khiễng nếu như cứ chăm chăm vào chuyện nhập của hay không trong cuộc sống vợ chồng. Sự tự nguyện hơn hết vẫn đem lại những giá trị đặc biệt cho sự hòa thuận và tương hợp trong đời sống hôn nhân. Nhập của hay không, chắc chắn sẽ là một câu hỏi không đơn giản cho những bạn trẻ đang chuẩn bị cho mình một cuộc hôn nhân.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn