CÙNG XÂY TỔ ẤM

1337742197-to-am-1Khi điều kiện kinh tế phát triển sẽ kéo theo một loạt những thay đổi khác của xã hội. Những giá trị trong gia đình là một trong các yếu tố chịu ảnh hưởng không nhỏ của nền kinh tế thị trường như một diễn tiến của sự thay đổi về mặt kinh tế. Làm thế nào để giữ vững giá trị của gia đình trong giai đoạn hiện nay là bài toán không của riêng ai. Đó cũng là những thách thức mỗi gia đình phải vượt qua…

Một vài nghịch lý cuộc sống

“Càng ngày chúng ta càng có những ngôi nhà lớn hơn nhưng gia đình lại mỗi ngày một nhỏ đi…”

Đây là một trong số những nghịch lý của cuộc sống ở thời đại hiện nay. Trước kia, dẫu điều kiện kinh tế khó khăn nhưng rất nhiều gia đình “tứ đại đồng đường” hay “tam đại đồng đường” vẫn chung sống rất hòa thuận dưới một mái nhà. Ngày nay, mặc dù nhà cửa khang trang, tiện nghi hơn nhưng đa số gia đình chỉ còn cha mẹ, con cái. Có nhiều nguyên nhân để lý giải việc các cặp vợ chồng trẻ chọn giải pháp ra riêng sau khi lập gia đình thay vì sống chung với cha  mẹ như trước kia. Chẳng hạn như: ảnh hưởng từ văn hóa của các nước phương Tây, con dâu sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu, áp lực từ công việc nên con cái không thể chăm sóc được cha mẹ,…

Việc sống riêng có thể giúp cho cha mẹ và con cái bớt đi được phần nào những mâu thuẫn tuy nhiên mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, con cái sẽ trở nên lỏng lẻo hơn. Chúng ta vẫn không khỏi chạnh lòng khi thấy những cụ ông, cụ bà dù con cái đề huề, nhà cửa khá giả nhưng vẫn phải vào viện dưỡng lão ở – điều rất hiếm thấy ở xã hội Việt Nam trước đây. Không phủ nhận những mặt “được” của các dịnh vị diện dưỡng lão mang lại nhưng còn đó vẫn nhiều câu hỏi đáng trăn trở. Phải chăng con cái của các cụ nghĩ rằng chỉ cần chu cấp cho cha mẹ tiền bạc hay điều kiện sống đầy đủ là đã trả được chữ “Hiếu”? Phải chăng: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”? Dẫu thế nào đi nữa thì tiền bạc, vật chất vẫn không thể sánh bằng tình yêu thương, sự quan tâm thật sự mà con cái dành cho cha mẹ. Điều cha mẹ thật sự cần chính là con cái có thể dành thời thời gian để ở cạnh lo lắng, động viên, chăm sóc khi mình tuổi cao sức yếu. Được sống cùng con cháu là mong ước của ông bà, cha mẹ.

 “Càng ngày chúng ta càng có nhiều phương tiện thông tin liên lạc nhưng các thành viên trong gia đình lại ít quan tâm, chia sẻ với nhau hơn”

Trước kia, các thành viên trong gia đình “tứ đại đồng đường” luôn quây quần bên bữa cơm chung. Ông bà, cha mẹ rất quan tâm, dành nhiều thời gian để tìm hiểu, dạy dỗ, uốn nắn con cháu. Dù không có điện thoại, internet,… nhưng mỗi khi bất cứ thành viên nào trong gia đình xảy ra chuyện là cả nhà đều biết và cùng nhau giúp đỡ, động viên. Tiếng nói, tiếng cười luôn ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ. Thế nhưng giờ đây, cha mẹ mải miết đi làm, kiếm tiền nên việc quan tâm, dành thời gian cho nhau và cho con cái có phần hạn chế hơn. Chính vì thế, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Mỗi người đều có một thế giới riêng của mình. Những bữa cơm gia đình có đủ mặt cha mẹ, con cái trở nên “xa xỉ” hơn. Ngôi nhà tuy rộng nhưng trống trãi, thiếu vắng tiếng nói, tiếng cười. Cha mẹ, con cái mỗi người một máy tính và làm việc riêng của mình thay vì dành thời gian tâm sự, chia sẻ cùng nhau. Mỗi thành viên dường như đã trở thành một “ốc đảo” trong chính ngôi nhà khang trang, tiện nghi của mình.

Dù bận rộn với công việc, với nhịp sống hối hả nhưng vợ chồng vẫn cần nên cố gắng sắp xếp, dung hòa để cùng lo cho tổ ấm của mình. Câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” muốn đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, phụ nữ cũng cần đi làm, kiếm tiền nên việc “xây tổ ấm” là do cả hai vợ chồng cùng vun đắp. Nếu khéo léo chia sẻ, phân công hợp lý thì vợ chồng sẽ tạo dựng được một tổ ấm hạnh phúc, trọn vẹn. Chỉ cần một mảnh giấy ghi lại những gì cần nhắn gửi cho nhau vào buổi sáng, một tin nhắn, một cuộc điện thoại hỏi thăm, một bữa cơm tối cuối tuần,… cũng có thể giúp cả nhà thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ dành cho nhau.

Một điều cũng cần lưu ý là môi trường, hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Chính vì thế, cha mẹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục con cái. Dẫu biết rằng cha mẹ cần tập cho con tính tự lập để có thể thích nghi với cuộc sống sau này. Các thành viên trong gia đình cũng cần có khoảng không gian riêng của mình. Thế nhưng, nếu để con quá độc lập, thoải mái, tự do đôi khi có thể xảy ra “hiệu ứng ngược”. Cha mẹ cứ đinh ninh con cần có không gian riêng để học tập tốt nhưng đâu thể ngờ con đóng cửa suốt trong phòng là để chơi game, chát sex,… đến khi phát hiện ra thì sự đã rồi. Bên cạnh việc quan tâm đúng mức, tôn trọng suy nghĩ, quan điểm riêng của con cha mẹ cũng cần tìm hiểu, giảng giải, điều chỉnh để uốn nắn con để con có được sự phát triển hài hòa, toàn diện. Làm bạn cùng con là cả một nghệ thuật mà các bậc cha mẹ cần học để có thể áp dụng tốt.

Cuộc sống văn minh hơn nhưng cách ứng xử của những người trong gia đình dành cho nhau lại có dấu hiệu thụt lùi.

Cách đây ít lâu dư luận vẫn không khỏi nhói lòng vì việc người cha nhẫn tâm tưới xăng lên người đứa con trai chưa đầy hai tuổi của mình và đốt chỉ vì muốn uy hiếp vợ. Đáng nói hơn, đây không phải là trường hợp cá biệt. “Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con” vậy mà vẫn còn có những người cha, người mẹ nhẫn tâm hành hạ thậm chí tự tay cướp đi mạng sống chính con ruột của mình. Bên cạnh đó, cũng có những người con chỉ biết hưởng thụ, đòi hỏi cha mẹ phải hy sinh tất cả cho mình mà bản thân lại không hề nghĩ đến cảm giác của những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình. Có thể giải thích những điều này dựa trên một số nguyên nhân sau: thứ nhất là vì cha mẹ không có thời gian quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con cái. Thứ hai: con cái chịu ảnh hưởng từ bạn bè, internet, phim ảnh,… Thứ ba: vì con cái chưa cảm nhận được sự hiếu thảo, tình cảm mà cha mẹ của mình dành cho ông bà,…

Để có thể cải thiện tình trạng trên cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía. Các cấp quản lý, lãnh đạo, các phương tiện truyền thông,… Tuy nhiên, quan trọng vẫn chính và gia đình. Nếu gia đình xây dựng được một nét văn hóa tốt, những người trong gia đình luôn quan tâm, yêu thương, giúp đỡ nhau thì gia đình sẽ hạnh phúc, xã hội sẽ vững mạnh, phồn vinh.

Cùng xây tổ ấm

Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, những hệ quả kéo theo của nó cũng khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở. Những giá trị của gia đình đã dần thay đổi. Giá trị vật chất dường như được đề cao hơn so với lòng yêu thương, sự quan tâm, lo lắng mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau. Chính vì điều này mà các tệ nạn xã hội càng xảy ra nhiều hơn. Để có thể cải thiện, ngoài những chủ trương, chính sách, những cố gắng của Đảng và Nhà nước thì bản thân từng thành viên, từng gia đình phải thật sự suy nghĩ nghiêm túc và có cách điều chỉnh hợp lý. Bởi lẽ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Những lời dạy của Bác đến nay vẫn có tính thời sự, khẳng định giá trị hết sức to lớn của gia đình, cũng như trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc, đồng thời xây dựng một hình ảnh đẹp về con người và đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

lua-chon-chia-khoa-du-phong-cho-to-am-7f02

Ảnh minh họa

Dựng xây tổ ấm – đòi hỏi mỗi thành viên phải có trách nhiệm của riêng mình. Mỗi thành viên cần biết đồng hành với nhau trong cuộc sống, gián tiếp hay trực tiếp xây những viên gạch của tình thương và trách nhiệm. Viên đá tảng của hạnh phúc sẽ trở thành nền tảng vững chắc gắn kết các thành viên trong gia đình nếu những viên đá của sự đồng cảm, lắng nghe, ứng xử nhân văn được dựng xây trong sự chăm chút của mỗi người.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *