Dạy con kiềm chế những đòi hỏi

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bao giờ cũng thế, với trẻ con thì những đòi hỏi liên tục luôn có thể là những nhu cầu chính đáng. Con thích chiếc xe hơi này, con thích chiếc máy bay kia, mua cho con khẩu súng nọ hay mua cho con thanh gươm kia… Tất cả đều là những câu nói khá quen thuộc của trẻ dù đồ chơi của trẻ vẫn còn khá nhiều ở nhà. Ngay cả món đồ chơi cùng loại trẻ mới được một người thân tặng hôm qua, hôm nay đi siêu thị lại cứ muốn đòi cho bằng được… Nhiều bậc cha mẹ thực sự khổ sở vì phải ứng xử trong những tình huống rất khó xử như trên…

Giữa dòng người đông đúc… siêu thị chật như nêm. Thời gian dành cho tối thứ năm không phải nhiều, mẹ Tuấn phải nhanh chóng về làm cơm buổi tối và chăm sóc cho cả gia đình. Còn phải dạy cho Tuấn làm quen với các màu sắc, phải dạy chị của Tuấn cộng trừ trong phạm vi 8… Thế nhưng Tuấn vẫn không muốn rời gian hàng bán mấy thứ đồ chơi bằng điện tử… Mắt Tuấn cứ dán chặt vào chiếc đồ chơi vòng xoay rất hấp dẫn… Trông món đồ chơi ấy tựa như chiếc vòng xoay ở trò chơi câu cá mà Tuấn vừa được mẹ mua tuần trước… Mẹ bảo: “Đi nào” thì Tuấn cứ chân bước, chân gìm… Tuấn cất giọng nói một cách trọn lỏn: “Mẹ…”. Rất nhẽ nhàng, mẹ Tuấn bảo: “Không được, mai mốt mẹ sẽ mua cho con…”. Tuấn phụng phịu đáp: “Không, con thích nó mà…”. Nổi giận điên người, mẹ Tuấn bước đi vội như bỏ mặc cu cậu,.. cậu lăn đùng ra giữa sàn siêu thị và bật khóc nức nở… Tiếng khóc to dần to dần như ai đó đang điều chỉnh volume theo yêu câu … Thật sự xấu hổ, mẹ Tuấn đành phải ôm cu cậu và mua ngay món đồ chơi để làm cho cậu hài lòng theo kiểu chịu thua…

daycon

Ảnh minh họa

Khoan hãy bàn luận về cách cư xử của Mẹ Tuấn nhưng câu hỏi vì sao trẻ con luôn có những nhu cầu quá đáng về đồ chơi là một câu hỏi rất thú vị. Không hẳn vì đồ chơi ấy thực sự trẻ thích nhưng nhu cầu sở hữu của trẻ phát triển rất sớm. Từ những năm trẻ chỉ mới 5- 6 tháng, trẻ đã có nhu cầu sở hữu mẹ. Dần dần khi lớn lên, trẻ thể hiện khá rõ nhu cầu đòi hỏi và sở hữu những gì trẻ thích cho nên trẻ luôn nằng nặc đòi bằng được những gì trẻ thấy được. Mặt khác, khá nhiều trẻ dễ chóng chán trước những đồ chơi mình có được cho nên trẻ luôn đòi hỏi. Với trẻ, đồ chơi luôn luôn mới và mỗi loại đồ chơi đều có một sức hấp dẫn cực kỳ đặc biệt với trẻ. Nhu cầu thu thập đồ chơi mới, nhu cầu muốn có thật nhiều đồ chơi để khám phá, để “tích lũy”… cũng có thể là lý do cần giải thích. Ở một góc nhìn khác, khi trẻ con biết mình luôn được thương yêu, nhiều trẻ con hay ỷ lại, hay đòi hỏi bất kể là người lớn có đồng ý hay không vì trẻ luôn nghĩ rằng chắc chắn mình sẽ được đồng ý, một số trẻ còn nghĩ ra những cách rất độc đáo như khóc thét lên, giậm chân, la hét, phụng phịu hay lăn đùng ăn vạ để điểm vào “tử huyệt” của người thân… Thậm chí một số đồ chơi trẻ đã có nhưng vẫn luôn mong muốn có thêm chúng vì trẻ cũng không nhớ mình có những gì. Đây cũng bởi thói quan nuông chìu con trẻ của các bậc cha mẹ. Các bậc cha mẹ hay muốn bù đắp, hay muốn hy sinh, chăm sóc cho con mình bằng tất cả những gì có thể có nên trẻ trở nên cứng nhắc trong việc đòi hỏi thỏa mãn những nhu cầu của mình…

Ứng xử trước những tình huống như trên không thực sự khó nếu chỉ nhìn ở góc độ cho hay không cho, thỏa mãn hay không thỏa mãn. Vấn đề ở đây chính là lúc sự ứng xử của cha mẹ như thế nào sẽ để lại những dấu ấn đặc biệt quan trọng trong tâm trí của trẻ. Trong những trường hợp như thế, dạy cho trẻ biết tiết kiệm, biết thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, hiểu được thực tế gia đình, thực tế cuộc sống là điều rất cần thiết…
Trẻ con rất nhạy cảm, những lúc cần từ chối hãy thẳng thắn từ chối với trẻ. Chính lời nói rất dứt khoát của cha mẹ sẽ để lại cho trẻ khá nhiều suy nghĩ. Thái độ dứt khoát ấy thể hiện qua lời nói, thể hiện qua sắc thái cảm xúc, thể hiện thông qua những hành vi cử chỉ. Hãy tập cho trẻ nhận ra được cảm xúc của chính người lớn cũng như hãy giúp trẻ quen dần với kỹ năng nhận được lời từ chối. Trẻ sẽ thích ứng với cuộc sống và không bị hẫng hụt hay thất vọng một cách quá mức khi nhận được những lời từ chối hoặc những thất bại trong cuộc sống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặt khác, không phải bao giờ cũng thật ngắn gọn với trẻ là được hay không được mà rất cần những lời giải thích. Có những lời giải thích r6át đơn gảin, dễ hiểu trên góc nhìn trẻ thơ nhưng cần lắm những lời giải thích ngọt ngào, khéo léo. Cũng đừng bao giờ quên rằng giúp con hiểu hoàn cảnh của gia đình mình còn khó khăn, cả gia đình phải tiết kiệm là điều rất cần thiết. Nhiều phụ huynh đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con mình biết tiết kiệm bằng những câu nói rất ấn tượng: “Mẹ biết con rất thích đồ chơi này nhưng gia đình mình nghèo, mẹ phải để dành tiền cho con đi học… Khi nào mình khá giả mẹ sẽ mua đồ chơi thật nhiều cho con…”

Trong những trường hợp cần kíp, cũng nên dạt trẻ kiềm chế nhu cầu của mình bằng cách đưa ra cho trẻ một thách thức, vượt qua thách thức này nghĩa là trẻ sẽ nhận được một món đồ chơi để thỏa mãn nhu cầu của trẻ. Không hẳn là thách thức đề ra cho trẻ mang tính thách đố mà thách thức ấy vừa sức để khuyến khích trẻ phấn đấu và vươn lên. Nếu vượt qua được thách thức, nghĩa là trẻ sẽ chinh phục được chính ý chí của mình. Cũng có những trường hợp vì thách thức quá lớn nên trẻ sẽ dần dần quên đi nhu cầu cuả mình. Trong những tình huống thế này, trẻ cũng dần biết cách kiểm soát nhu cầu của chính trẻ trong cuộc sống…

Một trong những biện pháp cũng có thể sử dụng để tập cho trẻ biết kiểm soát nhu cầu của mình là hãy tập cho trẻ so sánh với môi trường xung quanh. Khi trẻ nhìn thấy những bạn cùng tuổi không vòi vĩnh, khi dùng những hình ảnh búp bê để định hướng cho trẻ, sẽ phần nào làm cho trẻ ý thức cái nên hoặc chưa nên ở nhu cầu của mình, được hay không với những đòi hỏi của chính mình… Về lâu, về dài, trẻ sẽ hiểu và biết kiểm soát nhu cầu của chính mình một cách tỉnh táo…

Lẽ đương nhiên, trẻ nhỏ rất ngây thơ và phần nào còn cảm tính. Cách thức giáo dục và tác động của người lớn phải thực sự rất nhẹ nhàng và kiên nhẫn… Ngày một, ngày hai, những tác động của người lớn sẽ để lại những dấu ấn khó phai trong tâm trí trẻ và dần giúp trẻ hình thành khả năng tự ý thức và kiểm soát chính mình trong cuộc sống. Những thói quen vòi vĩnh sẽ được hạn chế, những đòi hỏi quá đáng cũng sẽ được cân bằng và chắc chắc rằng thái độ của trẻ sẽ thật tích cực để phát triển nhân cách của mình một cách trọn vẹn…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *