DẠY CON THỜI NAY

Không ít phụ huynh vẫn cho rằng mình không thể hiểu con và dạy con. Điều này không có gì khó hiểu khi mà những sự đổi thay của xã hội cứ liên tục diễn ra tác động không nhỏ đến tâm lý của con trẻ. Bên cạnh đó, còn là sự dậy thì sớm, cái tôi quẫy đạp của con trẻ cũng như những diễn biến tâm lý “bất thường” của con cái đã thôi thúc không ít phụ huynh thốt lên rằng: “dạy con khó quá”!

Không chỉ là những trăn trở khi mà càng lúc càng nhiều trường hợp chính các bậc cha mẹ cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: phải chi tôi hiểu con tôi hơn. Cũng không phaỉ ít trường hợp các bậc cha mẹ phải tự vấn rằng mình đã làm gì nên nỗi để con mình phải bỏ ra đi, mình phải làm gì để đứa trẻ tuổi trăn tròn phải đi mãi không về… Quả thật những nỗi niềm ấy là những nỗi đau khôn nguôi cho không ít bậc cha mẹ có con tuổi dậy thì trong giai đoạn hiện nay…

DẠY CON SAO MÀ KHỔ

Trường hợp của chị TT – Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Vốn là người kinh doanh trang trí nội thất nên chị cũng không có nhiều thời gian quan tâm đến con mình. Mới đây thôi, tình cờ đọc được quyển nhật ký của cô con gái 13 tuổi của mình với những dòng chữ làm chị sững sờ. “… Mình rất hận ba mẹ mình, mình không muốn tồn tại trong đời này nữa. Không ai lo lắng và quan tâm đến mình một cách thực sự. Tất cả đều là giả dối… Hình như mọi người đều sống vì mục đích của riêng mình… Sao có thể mắng chửi nhau rồi giả vờ yêu thương nhau nhỉ?” Chị trần tình một cách chân thực rằng thực ra chị và anh nhà cũng có cãi vã nhau nhưng khi con cái hỏi thì chị phải nói rằng mọi chuyện không có gì cả. Thời gian chị quan tâm cho con thì cũng không nhiều khi mỗi tuần chị phải ra đi khỏi nhà vào lúc 7h sáng và quay trở về khi gần 9 – 10 h khuya… Chị bảo rằng tiền ăn sáng, ăn trưa thì cũng không thiếu, tiền học thì lúc nào cũng đầy đủ, con cái muốn gì thì khi nhận thấy có thể đáp ứng thì chị đáp ứng ngay. Chị nói như mếu: “Không biết con tôi còn đòi hỏi gì nữa ở tôi mà lại viết những lời như thế…” Chị vừa noí vừa khóc rằng chị cũng không biết xử lý như thế nào với sự nhạy cảm của chính con mình… Chị cũng không hiểu điều chỉnh sao khi những áp lực của công việc, của cuộc sống vợ chồng cứ đè nặng lên vai chị… Chị mếu máo: “tôi chỉ là đàn bà… Tôi chỉ là mẹ… Tôi đâu làm thế anh ấy được… Sao con tôi lại không hiểu cho tôi”

Vị thành niên ngày nay hết sức nhạy cảm. Dường như nhiều bậc cha mẹ chỉ có tìm … mà chưa chịu hiểu… Không thể có kiểu phủ đầu hay đánh đồng như trước đó. Chính những sự tác động không nhỏ của đời sống, xã hội, điều kiện kinh tế làm cho có sự thay đổi lớn về thể chất và tâm lý của tuổi dậy thì. So với cách đây khoảng hai mươi năm, trẻ em Việt Nam đã dậy thì sớm hơn gần hai tuổi, so với những điều kiện xã hội cách đây chỉ 10 năm, vị thành niên Việt Nam hiện đại hơn nhưng cũng hướng đến sự tự do trong hành vi nhiều hơn và có khuynh hướng khẳng định mình nhiều hơn. Chính sự “chênh” nhau trong nhận thức ấy làm cho đứa trẻ có thể có những suy nghĩ thiếu sự “đặt khung”. Vấn đề không phải là cấm đoán hay vấn đề cho phép hay không mà phải là điều chỉnh và tương tác một cách khéo léo, nghệ thuật… Nếu không thể hiểu và không có quan điểm chấp nhận thì có lẽ moị thứ cũng sẽ thực sự khó khăn…

HỌC DẠY CON CŨNG KHÓ

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc giáo dục con là một trong những khóa học thực sự được các bậc cha mẹ trẻ quan tâm. Trong cuộc sống của mỗi cá nhân, sau khi bước ra từ giảng đường hay thực sự trưởng thành từ nghề nghiệp, nếu như trước khi kết hôn – khóa học tiền hôn nhân là hành trang quan trọng thì  sau khi kết hôn để chuẩn bị có con hoặc chào đón đứa con đầu lòng thì các các bậc cha mẹ phải học khóa huấn luyện kỹ năng làm cha mẹ với những nội dung đầy đặn và hệ thống…. Thực tế cho thấy đây còn là điểm trống của việc giáo dục kỹ năng cho con người trong xã hội chúng ta. Những kiến thức về việc hiểu con, trò chuyện với con hay giải quyết những xung đột với con xem ra còn bỏ lửng. Nhiều bậc cha mẹ vẫn còn mơ hồ khi hiểu những hoạt động chủ đạo của con cái, không ít bậc cha mẽ không hiểu được và chuẩn bị một cách đầy đủ những biến đổi tâm sinh lý của con cái khi bước vào tuổi dậy thì và nhiều câu hỏi khác cũng là những thách thức quá sức đối với nhiều bậc phụ huynh ngày nay…

Kết quả thảo luận cùng với hơn 100 phụ huynh tại Công ty ý tưởng việt vào tháng 7 năm 2009 vừa qua cho thấy còn khá nhiều bậc phụ huynh dễ có những kế hoạch tạo ra những phản ứng chống đối của đứa trẻ vị thành niên với chính mình, Chỉ có khoảng 35 % phụ huynh giải thích và dễ dàng chấp  nhận việc tuổi dậy thì nảy sinh hiện tượng “gần bạn – xa mẹ”. Con số còn lại cho thấy chính các bậc che mẹ cũng chưa thật sự chấp nhận những biến đổi tâm lý của con mình, các bậc cha mẹ vẫn còn khá cảm tính và chủ quan hay có khuynh hướng đè ép mọi thứ theo ý kiến của mình nếu như không muốn nói có phần chủ quan và độc đoán trong việc giáo dục con cái…

Dạy con không chỉ được thực hiện bằng bản năng hay bằng kinh nghiệm mà nhất thiết cần phải được thực hiện bằng những phương pháp cụ thể và hợp lý. Từ việc tìm hiểu nhu cầu của con hay thấu hiểu tâm lý của con cũng đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có kỹ năng đích thực. Làm thế nào để hiểu con mà không làm con có cảm giác đang bị dò xét hay kiểm tra quá gắt gao. Làm thế nào không cần vi phạm bí mật của con trẻ như xem nhật ký, đọc lén tin nhắn trên điện thoại hay qua yahoo chat mà vẫn có thể hiểu con? Sẽ không sao có được nếu như không rèn luyện kỹ năng thấu hiểu và làm bạn với con. Đó còn chưa kể đến việc phải theo dõi từng bước đi hay từng sự thay đổi của con mình trong đời sống giới tính để rồi đủ can đảm và đủ “chuyên môn” để nói với con về sự thay đổi của cơ thể, về sự dậy thì…

Khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì thì những hàng loạt biến đổi về sinh lý kéo theo những biến đổi khác về mặt tâm lý cũng xuất hiện, các bậc cha mẹ tiếp cận với trẻ dậy thì cần những kiến thức và kỹ năng nhất định. Chính những quan điểm cởi mở, thoải mái nhưng có sự tương tác với những chuẩn mực là hành trang cần thiết để được vị thành niên chấp nhận. Song hành đó chính là những tác động hợp lý khác bằng cách cùng hoạt động, cùng chia sẻ, cùng bàn luận hay thận chí cùng thực hiện những kế hoạch khác. Ngay cả có những sự khác biệt nhau thì điều tinh tế cần chú ý đó là hãy luôn hướng đến một cái nhìn hợp tác…

Dạy con thật khó là như thế và có lẽ tiếp cận với xứ sở hoa xương rồng của tuổi dậy thì càng đòi hỏi các bậc cha mẹ tinh tế hơn thật nhiều. Sẽ là dễ dàng nếu như chính những bậc cha mẹ đến với con cái bằng sự nỗ lực của chính mình, bằng chữ tâm – chữ tình cũng như bằng định hướng tích cực để cha mẹ và con cái thực sự là những ngươì bạn… Chuyện dạy con tuổi teen  sẽ không phải là quá khó đến mức không thể thực hiện được. Vấn đề căn cơ vẫn là sự thông hiểu – chấp nhận và tương tác là như thế

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *