Dạy con từ khi tượng hình

. PV: Dựa vào đâu mà ông và các cộng sự khuyên nên giáo dục thai nhi? Vì sao phải bắt đầu từ trong bụng mẹ, thưa ông?

+ PGS-TS Huỳnh Văn Sơn: Những nghiên cứu tâm lý cho thấy con người luôn có “sinh mệnh thứ hai” không thể nhìn, không thể sờ nắn được. Tâm lý phát triển đồng nghĩa với việc hàng loạt các thông tin xung quanh giúp trẻ vui vẻ tiếp nhận và điều khiển được bộ não của mình tiếp nhận các trạng thái cảm xúc. Nếu không có các thông tin kích thích thì tâm lý không thể phát triển. Khi bào thai bắt đầu tượng hình là lúc bào thai có thể tiếp nhận kích thích và điều đó đồng nghĩa với việc cần chọn lọc những kích thích ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Đó chính là thai giáo!

Bắt đầu ngay từ khi có thai

. “Sinh mệnh thứ hai “của con người mà ông nói đó là gì?

+ Đó chính là tâm hồn của con người. Tâm hồn hay tinh thần – trí tuệ cần nhận được sự tác động tích cực của cha mẹ, của giáo dục nói theo nghĩa rộng. Những tác động giáo dục này không bao giờ là sớm nếu tác động một cách hữu hiệu vào tinh thần của trẻ.

. Vậy cha mẹ phải bắt đầu giáo dục thai nhi khi nào và nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?

+ Nên bắt đầu từ khi biết mình có thai. Nhưng thai nhi có thể cảm nhận rõ nhất những tác động của người lớn từ lúc 10 tuần tuổi. Tâm trạng hay trạng thái tâm lý là những yếu tố tác động đầu tiên. Kế tiếp là hàng loạt những tác động về tâm lý, hành vi, thái độ. Nhưng tác động về sự vuốt ve, quan tâm, trò chuyện, sử dụng âm thanh, cảm nhận màu sắc, chuyện kể – ngôn ngữ… đều là những tác động rất thú vị.

Sự tiếp thu kỳ diệu

Sách khuyên thai phụ nghe nhạc nhưng phải nghe như thế nào? Có bằng chứng nào nói nghe nhạc thai nhi hiểu không?

+ Những nghiên cứu về thai phụ cho thấy thai nhi chuyển động khi nghe nhạc không phải vì sự “bức xúc” trước khích thích, cũng không hẳn là sự “nhận thức” âm nhạc theo nghĩa thô thiển mà đó là sự cảm nhận sớm rất diệu kỳ…

Cha mẹ phải bắt đầu giáo dục thai nhi khi biết mình có thai. Ảnh minh họa: HTD

Việc mẹ con cùng nghe nhạc cũng như cho thai nhi nghe nhạc không lời, nhạc dân gian hay nhạc giao hưởng là những lựa chọn phù hợp. Nghiên cứu thực nghiệm ở các quốc gia phát triển đã đưa ra những bằng chứng xác thực về kiểu loại âm nhạc mà thai nhi vận động tương thích hay sự cảm nhận có hứng thú đích thực…

. Ngoài nghe nhạc thì phụ huynh phải nói những gì? Vuốt ve ra làm sao cho đúng, thưa ông?

+ Những lời tâm sự như: Cha mẹ chờ con ra đời nhé, con thật ngoan nè, hôm nay mẹ con chúng ta cùng đi dạo nhé… Hay đến giờ nghe nhạc rồi con ạ… sẽ dễ đi vào lòng trẻ và tạo những hiệu ứng từ khi thai kỳ.

Cha mẹ cũng có thể vuốt ve con mình như là cách để tập thể dục hay thể hiện tình yêu thương. Cách thực hiện là vuốt ve vào chiều của thai nhi, vuốt nhẹ hai bên và tâm sự thầm thì… hạn chế hành vi mạnh hay vuốt ve khi người vợ đang cơn gò…

Biết dạy thì con sẽ giỏi

. Có thai phụ in hình ông Obama, Putin hay công nương Anh, bà Hillary Clinton… treo đầu giường để nhìn mỗi ngày với mong muốn con mình sau này sinh ra sẽ xinh đẹp, giỏi giang giống như họ. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+ Đây là những suy nghĩ mang tính chất tâm lý nhưng thực chất cho thấy chúng ta vẫn phải nhận ra những cơ sở khoa học đích thực về mặt di truyền. Không thể phủ nhận sức mạnh của tâm lý nhưng những gì thuộc về cơ sở khoa học như giới tính, đặc điểm về da mắt… đều thực sự dựa trên nền tảng của gien, nhiễm sắc thể…

. Trong cuốn sách có đề cập nếu giáo dục thai nhi cộng với nền tảng gia đình tốt (cả kiến thức và đạo đức) sẽ cho ra một sản phẩm tốt. Vậy nếu một người giáo dục thai nhi tốt nhưng nền tảng kiến thức khoa học và xã hội, kinh tế yếu, con họ sẽ ra sao?

+ Mệnh đề giả định khó có thể áp dụng trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, có thể nói việc đầu tư cho con cái là sự đầu tư quan trọng và vĩ đại nhất. Điều căn bản không phải là sự đầu tư dinh dưỡng hay vật chất một cách đơn thuần mà là sự đầu tư về thời gian, cảm xúc và tình cảm, về những tác động hữu hiệu mang tính nhân văn nhất thì tại sao không?

Có thể dễ dàng đồng cảm với những khó khăn của các bậc cha mẹ và cả những hạn chế nhất định về kiến thức và kỹ năng. Một thai phụ vất vả mưu sinh, chạy chợ khuya mỗi ngày nhưng vẫn dành thời gian chăm sóc mình và thai nhi một cách cẩn thận, tâm sự với con vì con phải dậy sớm cùng mẹ, vuốt ve – an ủi thai nhi, hát ru… vẫn có thể tạo ra một đứa trẻ có trí tuệ, cảm xúc và cả trí thông minh nổi bật. Đó là hiệu quả của thai giáo.

Nói khác đi, kiến thức và kỹ năng xã hội không phải là yếu tố to tát chi phối việc cha mẹ biết hay không biết áp dụng thai giáo mà vấn đề còn lại là niềm tin, thời gian…

. Xin cảm ơn ông.

PGS-TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự vừa cho ra mắt cuốn sách Giáo dục thai nhi dưới góc nhìn tâm lý học. Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi đề cập đến vấn đề giáo dục thai nhi ở khía cạnh tâm lý học. Cuốn sách cung cấp cho người đọc những suy nghĩ và hành động đúng với khái niệm về thai giáo, đề cao vai trò giáo dục thai nhi, trách nhiệm của cha mẹ và cả xã hội.Ngoài ra, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn và các cộng sự còn cho ra mắt bốn cuốn khác là: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên đại học sư phạmHành vi cai nghiện dưới góc nhìn tâm lý;Văn hóa giao thông trong học đườngPhát triển trí tưởng tượng cho trẻ mẫu giáo thông qua hình thức kể chuyện sáng tạo.

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *