DẠY CON XIN TIỀN TẾT

1391532358-tienmungtuoi-tam-eva2Tiếng xì xào của người mẹ dù rất nhỏ nhưng vẫn làm cho nhiều người trong buổi gặp đầu năm cảm thấy thật buồn. “Mày ngu quá, đã bảo mừng tuổi là phải nói nhiều vào, hay vào, tao dạy mày tất cả rồi…sao mày ngu quá… Lỗ vốn rồi đấy con ạ!”… Không biết sẽ có bao nhiêu người làm cha mẹ vẫn còn suy nghĩ này nhưng quả thật đây là những nỗi buồn không ai muốn nghe, muốn gặp. Thế nhưng nỗi buồn về người mẹ thật ít nếu so với nỗi lo dành cho con trẻ. Trẻ sẽ như thế nào, trẻ sẽ ứng xử ra sao trong cuộc sống, trẻ sẽ nghĩ như thế nào về hành động rất văn hóa, rất nhăn văn của phong tục tết cổ truyền lì xì, mừng tuổi khi tất cả đều được quy gán thành tiền…

Có thể nói mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của niềm vui và hạnh phúc. Với người lớn, đó là dịp để hàn uyên tâm sự, đó là cơ hội để gặp gỡ và chia sẻ những niềm vui… Tất cả những trẻ em thì càng sung sướng hơn khi được mặc quần áo mới, được chơi đùa thỏa thích, được gặp gỡ chúng bạn, được thăm viếng ông bà, được tiếp khách cùng bố mẹ… Nhưng một trong những niềm vui bất tận của trẻ đó chính là được lì xì trong ngày tết. Thực tế cho thấy văn hóa người Việt chúng ta từ lâu đời đã xem tục mừng tuổi hay chúc tết … là những nét đẹp văn hóa nhưng nếu cứ thực hiện một cách quá “thực tế’ như người mẹ trên thì quả thật là nguy hiểm…

Không thể quên rằng “Thái độ trước đồng tiền của mỗi con người sẽ nói lên thái độ của người đó trong cuộc sống” cho nên dạy con xin tiền lì xì quả thật là một trong những điều đòi hỏi phải có sự tỉnh táo và hết sức ý nhị của các bậc cha mẹ. Có thể nói rằng không cần động viên, không cần khuyến khích hay chỉ bảo một cách “kịch bản:” trẻ cũng rất vui và rất thoải mái khi mừng tuổi và được nhận lì xì. Điều mà mỗi người cần chú ý ở đây đó là cách giáo dục con mình thái độ khi nhận lì xì cũng như thái độ khi ứng xử trước đồng tiền lì xì mới là vấn đề quan trọng. Không phê phán nhưng có thể có khá nhiều phụ huynh nhận thức sai cũng như có những thái độ khá lệch pha trong những tình huống tương tự. Mẹ Hồng thì dạy con mình lì xì một cách có vần có điệu đến mức thuộc lòng như cháo – chỉ cần sai bất cứ câu nào thì sẽ bị đét vào mông mấy cây ngay lập tức. Mẹ Phượng thì dặn con phải xuất hiện thật đúng lúc và không được “trễ chuyến”. Phải chạy đến thật nhanh khi khách vừa xuất hiện cũng như khoanh tay cuối đầu “hát” thật hay chứ tí xíu mấy chú đã nhậu say rồi thì đừng có mong có tiền đấy con… Mẹ Oanh thì dặn dò kỹ lưỡng hơn là nếu có nhiều người khách thì phải mừng tuổi từng người để nhận được nhiều phong bì. Ngay cả mấy cô chú nói con mừng tuổi chung cũng nhất quyết không nhé con… Những kiểu dạy con xin tiền như thế quả thật đáng trách.

Thực tế cuộc sống cho thấy lì xì là  một nét đẹp văn hóa rất đặc biệt vậy hãy dạy cho con mình lĩnh hội những giá trị văn hóa  thay vì cứ quên bẵng đi những giá trị cốt lõi mà hướng vào những giá trị vật chất. Đồng ý rằng mỗi bậc phụ huynh có thể trao chuốt để hướng con mình chọn lựa một câu nói chúc tết, một bài thơ mừng tuổi hay một bài vè thật ấn tượng. Vấn đề ở đây đó chính là mục đích của những việc này phải được thống nhất nghiêm túc. Dù trẻ nhỏ hay lớn, dù trẻ chỉ ở tuổi mầm non hay tiểu học nhưng mỗi trẻ đều phải hiểu rằng đó là những niềm vui, sự lễ phép, sự thương yêu, thái độ trân trọng mình đem đến cho người lớn hoặc người thân. Những phong bao lì xì có được cũng không hẳn lớn hay nhỏ ở giá trị vật chất vì đó là những may mắn, đó là lộc, là tình cảm mà người lớn dành cho chúng ta. Hiểu được điều này chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ thật sự khi nhận được những phong bao lì xì cũng như những cái xoa đầu, những lời khen tặng hay những lời chúc ngọt ngào từ người lớn mà không câu nệ chuyện độ nặng của chiếc phong bì…

Trẻ con cần nhất là sự yêu thương cũng như được chăm sóc. Thế nhưng sự chăm sóc này phải đúng nghĩa cũng như sự chăm sóc này phải mang tính định hướng. Cuộc sống càng hiện đại cho thấy những thách thức giáo dục con cái càng rộng mở. Việc ứng xử trước tiền lì xì hay trước phong tục mừng tuổi cũng là một trong những cơ hội rất quan trọng để giáo dục trẻ. Thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ cũng như những hành vi giáo dục của các bậc cha mẹ. Ở đây, chính những cái nhìn rất nghiêm túc nhưng tỉnh táo của các bậc cha mẹ sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục hành vi của trẻ. Những kiểu dạy con vòi tiền lì xì bằng mọi cách sẽ để lại những dấu ấn khó phai trong tâm lý trẻ thậm chí có thể ảnh hưởng đến những hành vi sai lệch của trẻ trong tương lai. Những câu nói quá nặng về số tiền trẻ được lì xì sẽ làm cho trẻ nhận thức sai lệch về giá trị của quà tặng, cũng như nhận thức sai lầm về những giá trị đích thực của đồng tiền… Hành trang trẻ mang theo sẽ thiếu đi sự nhận thức một cách thấu đáo về hạnh phúc, về cung cách ứng xử vì chính cha mẹ đã định hướng sai cho trẻ ngay từ những ngày thơ ấu…

Nhận được phong bao lì xì ai mà không vui? Ngay cả những người có tuổi nhận được bao lì xì của cha mẹ mình, của ông bà và thậm chí của sếp cũng sung sướng khôn nguôi. Điều quan trọng nhất đó chính là niềm vui chứ đó không phải những giá trị vật chất. Đừng biến con mình trở thành một con rối, đừng biến trẻ thành “một công cụ” vì vô tình chính người lớn đã tạo cho trẻ những suy nghĩ và những thói quen tiêu cực trong cuộc sống. Ngay cả việc dạt cho trẻ chúc tết cũng hãy giữ lại chút gì đó gây thơ của trẻ, chút hồn nhiên đáng yêu cần có của lứa tuổi. Có như vậy trẻ mới thực sự lớn lên trong cuộc sống với những chuẩn mực giá trị rất nhân văn, đầy tình người…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *