Hành trình hướng đến một văn hóa công sở hiện đại với các tiêu chí chân – thiện – mỹ sẽ xa vời nếu việc nhậu nhẹt vẫn tồn tại như một mặc định gần như là “văn hóa”
Theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), tại Việt Nam năm 2009, tỉ lệ người có sử dụng rượu bia chiếm 33,5%; trong đó, số người lạm dụng rượu lên tới 18%. Hơn thế, người sử dụng rượu bia đang “trẻ hóa”: 1/3 số người bắt đầu uống trước tuổi 20; tỉ lệ có uống rượu trong độ tuổi 14-17 là 34% và trong độ tuổi 18-21 là 57%. Con số này đáng báo động bởi lẽ việc sử dụng rượu bia không chỉ gây hậu quả về mặt sức khỏe mà còn ảnh hưởng tiêu cực một cách nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của chủ thể sử dụng và những người xung quanh.
Có dịp là… “dzô”
Việc sử dụng rượu bia trong nhiều mục đích khác nhau, thông thường là trong giao tiếp đã trở thành một vấn đề khá phổ biến tại một số tỉnh, thành của Việt Nam, đặc biệt đối với nam giới. Đó còn là do nguyên nhân để giải sầu, để vui do không biết giải trí cái gì, đó còn là cách để tạo sự tự tin ảo, để vừa lòng bạn bè… Uống rượu là một ý thích con người nhưng trước tiên nó là một sinh hoạt nhóm, phương tiện giao tiếp, một sinh hoạt giữa người và người. Như cố nhân có câu “Trà tam rượu tứ” hoặc “Rượu ngon phải có bạn hiền”.
Loại trừ những người nghiện rượu, hầu hết người ta thường uống rượu tập thể vì nghiện không khí tập thể, thích được trò chuyện trong men rượu hay thoải mái nói lên lòng mình mà không ngại ngần. Rượu khiến cá nhân tự tin hơn, khiến sự buồn bã nhanh chóng trôi qua… Rượu bia không chỉ dừng ở sinh hoạt đời thường mà dần dà trở thành một “nét riêng” mà “chung” của không ít công sở Việt Nam. Việc họp mặt cuối tuần là có tiệc rượu trở thành điều không xa lạ, hay việc lâu lâu ai đó lên chức, nghỉ hưu hoặc có niềm vui thì phải 1-2-3 “dzô”… Hoặc nếu các lễ lộc hay các ngày kỷ niệm, hội nghị hội thảo mà đơn vị không có tiệc chính thì phải có tiệc phụ rượu bia mới nóng…
Minh họa: KHỀU
Cán bộ công chức Việt Nam cứ có thói quen tiếp khách hay sau các hội nghị là phải ăn nhậu. Điều này không quá xa lạ. Sự tồn tại này như một mặc định mang tính khách quan. Điều đơn giản dễ nhận thấy đó chính là kiểu xã giao để bày tỏ thân tình hay ân tình kiểu hết lòng hết dạ. Hay đó cũng chính là cơ hội để bộc lộ và bày tỏ những điều gì còn kín đáo, bí mật chưa tiện nói… Đây cũng chính là lúc “thả cửa” để thân tình, để lần sau còn gặp nhau thì chủ – khách nhìn trước nhìn sau tự tin, vui vẻ…
Chiều lòng “mấy ảnh”
Cái mặc định trở thành thói quen lúc nào không hay. Không ít người cho rằng nếu điều này không thực hiện hay không được thực hiện thì sẽ mất lòng nhau. Hay đối tác hoặc “mấy ảnh”, “mấy sếp” sẽ phiền cho coi. Suy nghĩ ấy dần dà trở thành nghĩ suy mang tính “lâu dần” và “cố hữu” tồn tại như một thực tế khó thay đổi.
Chẳng biết điểm xuất phát của thói quen ăn nhậu của công chức trong ngày, giờ làm việc, chỉ biết người ta vô tình thừa nhận và ít có những động thái tích cực đổi thay mà nếu có thì cũng chưa thấy nhiều tác dụng răn đe. Thế là nghiễm nhiên nó tồn tại và thắng thế dù không phải ai cũng hoàn toàn thoải mái khi tham gia hay tổ chức việc cùng rượu bia. Thậm chí, không ít người tổ chức phải gồng mình hay lắm lúc đớn đau, không ít vị khách phải căng thẳng sau hội nghị vẫn cố gắng chịu đựng tham gia để làm nốt những thủ tục hay xã giao phải đạo dù lòng không muốn… Tất cả như một vở kịch đậm chất tâm lý xã hội được khoác lên chiếc áo côm cốp của tiếng cụng ly, cười đùa… mà sâu thẳm bên trong ít ai biết cái gì đang thực sự hiện hữu.
Có một vài công sở hay cơ quan ngày nay vẫn xem rượu bia như phương tiện để thi đua hay thăng tiến. Nếu không uống được thì cơ hội được quan tâm và chú ý mất đi hơn nửa. Nếu uống kém thì cơ hội chỉ còn không đến 1/3. Có nơi, hội ăn nhậu trở thành hội kín vây quanh sếp, có lịch chăm sóc phục vụ hẳn hoi theo “tua” xoay vòng. Có nơi thì nhân viên phải uống để lấy lòng sếp, phải luyện “nội công” thường xuyên và liên tục để minh chứng mình hết lòng. Cái đau là có vài sếp cho rằng chỉ bổ nhiệm những người biết uống rượu bia! Các sếp này còn mặc định đấy chính là khả năng giao lưu, đấy chính là thủ thuật xã giao mang đẳng cấp.
Phải thay đổi từ lãnh đạo
Sẽ là đáng buồn nếu cứ sống với những mặc định. Hành trình thay đổi để hướng đến một văn hóa công sở hiện đại với các tiêu chí chân – thiện – mỹ sẽ là hành trình xa vời nếu việc ăn nhậu vẫn tồn tại như một mặc định gần như “văn hóa”, dù thực sự là không thể hay không xứng đáng.
Vấn đề chỉ có thể thay đổi từ chính từng cá nhân cũng như từ những người lãnh đạo cao nhất đến cả một tổ chức hay những nhóm chủ chốt. Đó là chưa kể quá trình điều chỉnh cần được thực hiện đồng bộ bởi sự chỉ đạo và giám sát của những tổ chức có liên quan như: Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên. Những chỉ đạo và xem xét kế hoạch cũng như công tác tuyên truyền không chỉ là chung chung và mang tính hình thức mà cần sâu sát và cụ thể vào những mặc định để việc tồn tại rượu bia sau những buổi hội thảo, hội nghị hay tiếp khách, lễ tiệc không còn thì sự thay đổi sẽ xuất hiện như một hệ quả tất yếu.
Đánh vào ý thức
Trong chỉ thị 22/CT-UBND ban hành từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam quy định cấm công chức sử dụng rượu bia, thức uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, kể cả hội nghị và tiếp khách. Ông Trần Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, cho biết chỉ thị này đã “đánh thức” được đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh về trách nhiệm của mình trong công việc. Tình trạng uống rượu bia vào buổi trưa, đi làm mặt đỏ, hôi men, ồn ào, nói chuyện mất tư cách khi tiếp xúc với dân và các tổ chức đến công tác đã được chấn chỉnh. “Khẳng định 100% thì không thể nhưng đã tạo ra một ý thức rất cao để cán bộ, công chức có trách nhiệm trong chấn chỉnh kỷ luật” – ông Hòa nói và cho biết định kỳ hằng năm, Sở Nội vụ đều báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện chỉ thị này. Về việc từng có nhiều trường hợp cán bộ, công chức bị phát hiện vi phạm nhưng chưa có ai bị kỷ luật, ông Hòa giải thích: “Thời gian đầu thì còn có tình trạng này nhưng sau đó người ta đã ý thức chấp hành kỷ luật. Hình thức kỷ luật lần đầu là phê bình kiểm điểm trong nội bộ. Lần một, lần hai thì người ta rút kinh nghiệm rồi nên không có trường hợp phải kỷ luật, chủ yếu kiểm điểm, phê bình trong cuộc họp cơ quan thôi”.
Tr.Thường
Giám sát rất khó!
Ngày 3-9-2014, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành chỉ thị chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, công chức, trong đó có việc nghiêm cấm uống rượu bia trong ngày làm việc. Theo Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận, qua kiểm tra đột xuất đã phát hiện một trường hợp uống rượu bia vào buổi trưa trong ngày làm việc và cán bộ vi phạm giải trình do… dự đám cưới. Ông Kiều Văn Bê, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận, nói việc cấm uống rượu bia trong ngày làm việc là chủ trương đúng, để hình ảnh của cán bộ, công chức ngày càng đẹp hơn trong mắt người dân. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát rất khó và tùy thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người. Đặc biệt, thủ trưởng các đơn vị cần gương mẫu thực hiện quy định và kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với thuộc cấp vi phạm.
L.Trường
Đưa vào tiêu chí thi đua khen thưởng
Ngoài Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, công chức, người lao động trong ngành sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách…, UBND TP Hà Nội cũng từng ban hành quy định nghiêm cấm việc sử dụng các loại rượu bia ngoại để chiêu đãi, tiếp khách. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp.
Bộ Tư pháp cũng có chỉ thị về việc cán bộ, công chức, viên chức của ngành không uống rượu bia trong ngày làm việc. Theo đó, cán bộ ngành tư pháp không được uống rượu bia hoặc các loại đồ uống có nồng độ cồn tương đương ngay trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách; lãnh đạo đơn vị thuộc bộ có trách nhiệm chỉ đạo các nhà ăn, căng tin trực thuộc không phục vụ, bán rượu bia cho các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tiếp khách trong ngày làm việc. Nếu ai phát hiện cán bộ ngành tư pháp uống rượu bia trong giờ làm việc thì báo ngay về văn phòng bộ để có biện pháp xử lý, nếu cần thiết phải lập cam kết không uống rượu bia; định kỳ các đơn vị thuộc bộ phải báo cáo tình hình thực hiện về văn phòng bộ, đưa quy định không uống rượu bia vào tiêu chí thi đua khen thưởng.
S.Nhân
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM)