Đốt trường vì 1.000 like là bằng chứng của sự xuống cấp văn hóa học đường

Nghiện facebook là một trong những biểu hiện của “sự xuống cấp nghiêm trọng văn hóa học đường” bên cạnh những hiện tượng bạo lực học đường, tiêu cực thi cử.

Trong báo cáo khoa học tại hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 12/10, hai tác giả PGS. TS Huỳnh Văn Sơn và Ths. Nguyễn Vĩnh Khương (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) coi việc nghiện facebook là một trong những biểu hiện của “sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa học đường” bên cạnh những hiện tượng khác như bạo lực học đường hay tiêu cực trong thi cử.

Sử dụng facebook một cách quá mức dẫn đến nghiện facebook đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội Việt Nam hiện nay” – các tác giả viết.

Đối với nhiều bạn trẻ, facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”. Nhưng khi lạm dụng thái quá, thì đam mê ấy lại trở thành “nghiện” và ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập.

Không ít trẻ vị thành niên mải mê facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành“.

Các tác giả cũng cho rằng, những người trẻ nghiện facebook sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và cả cuộc sống.

Việc nghiên facebook của những trẻ vị thành niên cũng đang để lại những hậu quả không nhỏ.

TS.Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng các vụ bạo lực về tinh thần ngay trên mạng xã hội đang rất phổ biến ở Việt Nam thông qua vụ việc nữ sinh tự tử vì bị bạn bè ghép hình của mình với hình nhạy cảm rồi đăng lên facebook.

Mới đây, nhiều hiện tượng tiêu cực cũng xảy ra bắt đầu từ facebook như trào lưu “nói là làm” đang tràn lan.

Trường hợp bé gái 13 tuổi ở Khánh Hòa sẵn sàng đốt trường vì nhận được 1.000 like trên facebook mới đây là một trường hợp rất điển hình.

Hiện trường vụ nữ thiếu niên 13 tuổi đốt trường ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vì lỡ “câu 1.000 like” trên Facebook (Ảnh: cắt từ clip)

Còn trong tham luận trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Kính cho rằng: “Trước thực trạng có những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, lệch lạc về tư tưởng đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên, do không thể biệt lập với xã hội, nhà trường chỉ có hai ngã rẽ.

Hoặc chấp nhận những tác động tiêu cực từ xã hội như một tất yếu bất khả kháng. Hoặc ý thức được vị thế hàng đầu trong cuộc “đấu tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” mà kiên trì sứ mạng giáo dục của mình.

Lựa chọn ngã rẽ nào, đối với nhà giáo có trách nhiệm và lương tâm, đều rất khó khăn.

Nếu cho rằng, không thể cưỡng lại hoàn cảnh do những trục trặc mang tính hệ thống rồi đành buông xuôi, thì nhà trường sẽ mất tác dụng giáo dục.

Trong bối cảnh ấy, nhà giáo vì sinh kế vẫn phải đến trường, nhưng luôn luôn bị dằn vặt trước tình trạng tha hóa trong nghề dạy học.

Còn nếu cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào nhà trường cũng phải chủ động tạo ra môi trường văn hóa ngay trong khuôn viên của mình để thực hiện chức năng giáo dục, thì nhà giáo sẽ phải chống trả quyết liệt những biểu hiện phản giáo dục.

Đền đáp lại, các nhà giáo và nhà trường chọn ngã rẽ này sẽ được cha mẹ học sinh tín nhiệm, tìm mọi cách cho con em mình thụ hưởng sự dạy bảo của các thầy cô. Ngày nay vẫn có những nhà trường, nhà giáo như thế. Thực tế ấy cho phép tin rằng, xây dựng văn hóa nhà trường là khả thi”.

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã nhấn mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên.

Một trong những giải pháp xây dựng môi trường văn hóa học đường chính là xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường.

Tuy một số trường học đã xây dựng và triển khai quy tắc ứng xử văn hóa nhưng việc triển khai còn chưa đồng bộ, hiệu quả thấp (hát quốc ca trong lễ chào cờ, lao động, vệ sinh, trang trí khẩu hiệu, tập thể dục… nhiều địa phương, nhà trường chưa quan tâm triển khai).

Còn theo TS.Trương Đình Chiến, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều trường ít đầu tư trong quá trình biên soạn quy tắc ứng xử văn hóa, chưa quan tâm phổ biến giới thiệu tạo cho nó sức sống thường xuyên trong các hoạt động của nhà trường.

Quá trình thực hiện quy tắc này thường rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi, chủ yếu mới nằm trên giấy.

Kết thúc buổi hội thảo, hầu hết các tác giả tham dự đều cho rằng, việc xây dựng văn hóa trong trường học là vô cùng cần thiết.

Đặc biệt, nhà trường cần xây dựng và sử dụng quy tắc ứng xử trong nhà trường một cách thiết thực và hiệu quả hơn để tạo ra một chuẩn mực hành vi, định hướng cho cách ứng xử của học sinh, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Thùy Linh

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *