Đừng để học sinh chịu hậu quả thay cho việc làm của người lớn

Trước quyết định yêu cầu học sinh nằm trong số vượt chỉ tiêu phải rút hồ sơ chuyển trường của Sở GD&ĐT Hà Nội, chính học sinh là người chịu tác động lớn nhất.

Ngày 5/8, Sở Giáo Dục và Đào tạo Hà Nội có công văn phê bình 20 trường THPT (19 trường THPT ngoài công lập và 1 trường công lập) tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm học 2014 – 2015. Theo đó, những học sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển vào trường THPT do Sở GD & ĐT Hà Nội công bố sẽ phải rút hồ sơ chuyển trường vào 68 trường THPT ngoài công lập còn thiếu chỉ tiêu.

Sự việc này đã dẫn đến nhiều luồng ý kiến trái chiều. 

Về phía Sở GD&ĐT, trường tuyển vượt chỉ tiêu có từ những năm trước nhưng vì quyền lợi học sinh, Sở châm trước, chỉ nhắc nhở nội bộ. Đến năm nay, các trường vẫn cố tình vượt chỉ tiêu, Sở công khai phê bình nhằm lập lại trật tự kỷ cương, không thể cứ tiếp diễn tình trạng này.

Về phía nhà trường, trường phải dự kiến tăng thêm chỉ tiêu để phòng trường hợp học sinh rút hồ sơ khi đỗ vào các trường chuyên mà không nhập học.

Về phía phụ huynh, mong muốn tìm ngôi trường tốt và phù hợp nhất cho con cái, không muốn con phải chịu ảnh hưởng tâm lý nếu phải chuyển trường.

Ảnh minh họa

Những cuộc họp giữa ban giám hiệu nhà trường với phụ huynh học sinh để giải đáp thắc mắc, ý kiến của lãnh đạo Sở công khai phê bình các trường vượt chỉ tiêu và quyết không nhân nhượng, lãnh đạo một số trường THPT trong cuộc lên tiếng về vấn đề này… Tất cả đều vì một lý do “đảm bảo quyền lợi của học sinh”.

Khi mà cuộc tranh luận giữa ba bên Sở – nhà trường – gia đình chưa có hồi kết, không cần biết bên nào đúng bên nào sai thì những học sinh nằm trong con số vượt chỉ tiêu – người chịu tác động lớn nhất về quyết định đi hay ở sẽ như thế nào?

Lấy thí dụ tại Trường THPT Phan Huy Chú, 60 học sinh đã nhập học được nửa tháng bị buộc rút hồ sơ tìm trường mới. Nửa tháng học (2 tuần) có thể chưa dài so với thời gian 3 năm học ở THPT nhưng đủ để những học sinh chuyển cấp bắt đầu làm quen với trường mới, lớp mới, thầy cô giáo mới. Đặc biệt là khi việc lựa chọn vào những ngôi trường này trước đó đã có sự cân nhắc kĩ lưỡng.

Lựa chọn vào trường THPT để học, chưa nói đến phụ huynh, chính học sinh – người sẽ học trong ngôi trường đó là người đưa ra quyết định. Thi vào trường công lập hoặc những trường có danh tiếng, nếu không đỗ sẽ tính phương án nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 vào trường khác nhưng vẫn xét tổng thể chất lượng dạy học, giáo viên, cơ sở vật chất có chất lượng và phù hợp.

Quá trình thi cử kéo dài từ cuối tháng 6, rồi chờ kết quả thi, chờ điểm chuẩn vào trường, rồi hồi hộp chờ NV2, NV3… để đến khi nhận giấy báo nhập học vào trường. Trong một quá trình như thế, những đứa trẻ 15 tuổi trải qua đủ mọi trạng thái cảm xúc. Khi đã thở phào nhẹ nhõm vì được vào học ở ngôi trường vừa ý thì quyết định chuyển trường liệu có tạo nên một cú sốc về tâm lý?

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, học sinh lứa tuổi 15 là tuổi mà sự khủng hoảng tâm lý ít nhiều vẫn còn. Nhu cầu tự khẳng định, nhu cầu chứng minh mình đã lớn cũng còn mạnh mẽ và đặc biệt là các em vẫn thiếu sự cân bằng nhất định. Các em muốn mình cứng cỏi nhưng lại dễ lộ ra sự yếu đuối, mong manh…

Trải qua một quá trình của kì thi vượt cấp rồi lại nhận được quyết định chuyển trường đột ngột, sự thay đổi này chắc chắn có ảnh hưởng khá nhiều đến các em. Sự kỳ vọng hay sự ước vọng mà bị thất vọng sẽ dễ làm các em chán nản, thiếu tỉnh táo trong ứng xử. Điều này đặc biệt với những học sinh thiếu bản lĩnh thì dẫn đến sự mất hẳn hứng thú, thậm chí là mất động cơ học tập.

Việc các em gặp phải bước chuyển bắt buộc nhưng không có lý do, không có sự chuẩn bị tâm lý, không nhận được sự tương tác sẽ làm cho các em dễ hụt hẫng, căng thẳng hay thậm chí là thái độ bất cần chống đối… Đó là chưa kể cuộc sống của các em dễ dàng bị đảo lộn dù thực tế không hẳn là thế. Đấy là điều mà mỗi người cần nhận ra để có cung cách ứng xử phù hợp.

Nếu thực sự phải chuyển từ trường cũ sang trường mới (trường mới là trường THPT ngoài công lập còn thiếu chỉ tiêu), việc các em so sánh, nghĩ thế này hay thế khác dù là chủ quan là điều rất bình thường. Nếu các em nghĩ theo hướng tiêu cực đi nữa cũng phần nào do người lớn.

Cũng theo TS Sơn, sự việc này có thể tạo nên “cú sốc” tâm lý hay không phần nào phụ thuộc vào tâm tính của từng em, nhưng những em càng nhạy cảm, càng dễ tư duy tiêu cực và những em này sẽ dễ sốc. Việc các em bị căng thẳng, mệt mỏi hay thậm chí là mất niềm tin là những điều chúng ta cần cân nhắc.

Khi quyết định được thực hiện, dù thế nào đi nữa, TS Huỳnh Văn Sơn cũng có lời khuyên “nhìn về học sinh bằng tình thương yêu để có những hành xử mang tính khéo léo dù mọi thứ đều phải đúng quy chuẩn”.

Sở GD&ĐT có quy định rõ ràng, nhà trường có cái lý của nhà trường, phụ huynh có cái tình trong đó, chưa cần biết bên đúng bên sai là đâu, nhưng với mỗi việc làm của người lớn, người chịu hậu quả phía sau là con trẻ. Vậy thì, người lớn trước khi làm gì hãy suy nghĩ trước và sau để tránh làm tổn thương những tâm hồn vẫn còn non dại, đừng để con trẻ chịu hậu quả thay cho người lớn.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *